Những cuốn sách này cũng mang tới cho độc giả vô số những bài học thấm thía của các bậc tiền nhân mà giá trị của nó vẫn hiển hiện ở ngày hôm nay, như những bài học chiến tranh và những cuộc chiến tương tàn vẫn diễn ra đâu đó trên thế giới này chẳng hạn.
Nhà sử học đương đại xuất chúng Peter Frankopan, tác giả của cuốn "Những con đường tơ lụa" (phiên bản dành cho khán giả trẻ nên có những bản minh họa xuất sắc của họa sĩ Neil Packer, người từng minh họa nhiều cuốn sách tầm cỡ như "Trăm năm cô đơn", "Catch 22" và "Tên của đóa hồng"…) đưa ra một nhận định rằng: “Chúng ta học lịch sử để hiểu về quá khứ nhưng cũng cố gắng để giải thích cho hiện tại. Lịch sử khá giống với việc truy dấu vết chân của bạn và cố gắng để hiểu bằng cách nào và tại sao bạn lại chọn con đường riêng biệt này tới nơi hiện tại bạn đang đứng.”
Bộ ba cuốn lịch sử thế giới này bao gồm: “Những con đường tơ lụa và những trang sử phi thường tạo nên thế giới” của Peter Frankopan (tác giả của cuốn “Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại” mà tôi đã giới thiệu năm ngoái). Cuốn thứ hai là “Những câu chuyện nhân loại” của Hendrik Willem Van Look, một cuốn sách lịch sử xuất bản từ năm 1921 đã mê hoặc nhiều thế hệ độc giả ở mọi lứa tuổi bởi sự ấm áp, giản dị và trí tuệ của nó. Và cuốn cuối cùng trong bộ ba là “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” của Neil MacGregor, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Anh - một cuốn sách mà tác giả thể hiện niềm say mê nghiên cứu những cổ vật trên thế giới và từ đó kể những câu chuyện đặc sắc về lịch sử loài người thông qua những cổ vật, từ bé nhỏ như chiếc gương đồng Nhật Bản đến vĩ đại và kì bí xác ướp, tượng nhân sư hay đầu tượng Phật Borobudur...
Ba cuốn sách này tôi đọc khá giải trí nên cũng không cần quá hệ thống. Mỗi sáng đi cafe mang theo một cuốn, mở một chương bất kỳ hay muốn tìm hiểu về giai đoạn hay nhân vật lịch sử đặc biệt nào đó thì chọn đọc. Có lẽ nhờ cách đọc khá ngẫu hứng đó mà tôi đọc được nhiều câu chuyện rất thú vị, rất hay về lịch sử hay đời sống tâm linh của con người trong quá khứ.
Câu chuyện về chiếc gương đồng Nhật Bản, giai đoạn từ năm 1100-1200 (chương 58 trong cuốn “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật”) với tôi là một trong vài câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn và giàu giá trị văn hóa, thẩm mỹ nhất trong cuốn sách lịch sử độc đáo này. Nó cũng thể hiển một sự mong cầu được kết nối với tâm linh và các vị thần thánh của con người, để mong được họ “chiếu cố”, cho tái sinh một lần nữa.
Tác giả Neil MacGregor bắt đầu câu chuyện bằng cách cho rằng hầu hết mọi người đều từng liệng một hai đồng xu xuống dưới giếng hay suối nguồn ước nguyện để cầu may. Ông cho biết mỗi ngày tại Đài Phun nước Trevi trứ danh ở Rome, du khách quẳng đi một lượng tiền xu trị giá tới 3000 euro để an tâm rằng vận may sẽ tới với mình và sẽ còn quay trở lại Rome. Nói đâu xa, tôi cũng từng ném hai đồng xu xuống hồ nước ở Trevi trong một đám đông chen chân nhau ở đài phun nước này chờ tới lượt mình để gửi một mong cầu mang tính phổ quát của chúng sinh.
Tác giả cho rằng người ta đã ném những món đồ có giá trị xuống nước trong hàng ngàn năm. Đó là một niềm thôi thúc lạ thường và không phải lúc nào những đồng tiền xu liệng đi cũng đi kèm với ước nguyện nhẹ nhàng; trong quá khứ, nó thường là lời cầu xin cực kỳ trọng đại hướng tới đấng thần linh.
Dưới lòng hồ trên khắp nước Anh, các nhà khảo cổ thường xuyên tìm ra vũ khí, trang sức và kim loại quý được hiến dâng cho các vị thần từ hàng ngàn năm trước. Tại Bảo tàng Anh, ông cho biết có trưng bày những hiện vật đến từ khắp nơi trên thế giới và chúng từng bị ném xuống nước một cách trang nghiêm hoặc thỏa nguyện. Và một trong những thứ thú vị nhất, kể được một câu chuyện đậm tính văn chương nhất là chiếc gương bị ném xuống lòng hồ một ngôi thần điện khoảng 900 năm trước tại Nhật Bản. Câu chuyện mà chiếc gương này giờ đây có thể kể cho ta nghe là về tình nhân và thi ca, nữ sĩ cung đình và mẫu thần, tu sĩ và Thiên hoàng.
Chiếc gương được mô tả khá nhỏ, hình tròn, kích cỡ tương đương chiếc đĩa lót chén và nằm vừa vặn trên bàn tay. Sau khi tác giả giới thiệu về chất liệu, xuất xứ và lịch sử của nó, đặc biệt là giai đoạn Nhật Bản bế quan tỏa cảng, cắt đứt sợi dây liên hệ với phần còn lại của thế giới, đất nước này đã phát triển một nền văn hóa đặc sắc cho riêng mình. Trong triều đình ở Kyoto, mọi mặt của đời sống liên tục được tinh lọc và bồi đắp tính thẩm mỹ để thưởng thức những thú vui tinh tế hơn bao giờ hết. Đó là xã hội mà phụ nữ đóng vai trò then chốt trong văn hóa. Đó cũng là kỷ nguyên của những tác phẩm văn học quan trọng đầu tiên bằng tiếng Nhật. Kết quả sau cùng là một thế giới mà chúng ta biết khá tường tận, thế giới thuộc về chiếc gương soi này.
Tác giả cho rằng, người đầu tiên sử dụng chiếc gương này hẳn đang đọc cuốn tiểu thuyết vĩ đại đầu tiên của Nhật Bản, và đó cũng được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại đầu tiên trên thế giới - The Tale of Genji (Truyện kể Genji) - nếu bạn đọc tiểu thuyết của Haruki Murakami cũng thấy rất quen thuộc vì được ông nhà văn bestseller này trích dẫn và lấy cảm hứng khá nhiều. Đây là cuốn sách do nữ văn sĩ cung đình Murasaki Shikibu viết, người được một chuyên gia về văn hóa Nhật Bản là Ian Buruma so sánh với Jane Austen của Anh. Ian Buruma cho rằng cuốn tiểu thuyết này mang đến một cái nhìn thấu suốt lạ thường vào đời sống sinh hoạt trong những không gian hoạt động của giới quý tộc thời Heian. Đó là không gian văn hóa vô cùng giàu tính thẩm mỹ và biến cái đẹp trở thành một cái gì đó đáng tôn sùng. Và một trong những cái đẹp mà họ chăm chút nhất là chiếc gương soi, vật bất ly thân của phụ nữ giới quý tộc và cũng là nơi mà họ bày tỏ mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, được thể hiện bằng hình ảnh của một đôi chim hạc bay lượn được khắc ở sau mặt gương. Bên cạnh vẻ đẹp, chúng còn mang một biểu tượng khác, hạc nổi tiếng sống lâu và người Nhật tin rằng chúng có thể sống được cả ngàn năm. Nói cách khác, cặp chim hạc sau chiếc gương đồng này biểu đạt cho niềm mong cầu tình yêu nồng cháy chung thủy khăng khít và trường thọ nữa.
Nhưng chiếc gương Nhật Bản này còn truyền đi thông điệp thâm trầm hơn, theo tác giả. Và đó không chỉ là những thông điệp giữa người với người, mà thông qua chúng, chúng ta có thể thâm nhập vào thế giới tâm linh và có thể giao tiếp với các vị thần linh.
Trong văn hóa Nhật Bản, chiếc gương được xem là một trong ba báu vật thần thánh tượng trưng cho ngôi báu của Thiên hoàng, được gọi là Tam Chủng Thần Khí, với thanh kiếm tượng trưng cho sự dũng cảm, chiếc gương tượng trưng sự khôn ngoan và viên ngọc là lòng nhân từ.
Nhờ năng lực đặc biệt cho phép con người kết nối với thần linh của những chiếc gương đồng Nhật Bản, nên hiện vật này mới tồn tại đến ngày hôm nay. Bảo tàng Anh có trưng bày tổng cộng 18 chiếc gương đồng Nhật Bản từ năm 1927. Tất cả những chiếc gương đó đều làm bằng đồng và đa số có bề mặt bóng mờ đặc trưng giống nhau. Năm 2009, một học giả Nhật Bản nghiên cứu về những chiếc gương này tại Bảo tàng Anh cho rằng có khả năng rất cao là những chiếc gương này được tìm thấy trong lòng hồ thiêng bên dưới thần điện trên núi Haguro-san tại đông bắc Nhật Bản. Đầu thế kỷ 20, hồ này được tháo cạn nước để dỡ bỏ một cây cầu. Và trước sự sửng sốt của các kỹ sư, nằm sâu dưới lớp bùn ở đáy hồ, người ta phát hiện thấy khoảng 600 chiếc gương - những đồ vật đã trải qua nhiều thế kỷ được gửi gắm xuống dòng nước. Một chuyên gia cấp cao về di sản văn hóa của Nhật Bản cho rằng đức tin của người Nhật cho rằng nếu muốn tái sinh thì bạn phải làm việc thiện trong kiếp này. Có lẽ chính vì ý niệm đó nên những chiếc gương đắt giá và chế tạo tinh xảo đã được cúng tiến, ký thác nhờ các vị sư thầy Phật giáo ẩn tu trên núi cao và có các hồ thiêng, như một cách để ghi nhận tấm lòng thành dâng lên thần linh để họ phù trợ cho kẻ dâng lễ có thể được quay trở lại trần gian thêm lần nữa.
Dấu tích của cổ vật xinh đẹp này đã dần hiện rõ. Tác giả đi đến kết luận rằng, vào một thời điểm nào đó, người chủ của chiếc gương đồng Nhật Bản này đã quyết định gửi chiếc gương đi, ký thác cho một vị tu sĩ trông nom trên chuyến hành trình dài tới ngôi điện thờ ở phương bắc, và tại đó nó được ném xuống hồ thiêng trên núi. Ngay cả lúc đó, nó vẫn còn gìn giữ trong lòng chân dung người chủ và mang theo thông điệp tới thế giới bên kia.
“Người chủ và vị tu sĩ đều chẳng thể ngờ rằng, có ngày nó lại mang thông điệp đến với chúng ta. Và giống như chính chiếc ‘Đại Kính’, nó sẽ kể cho độc giả ngày nay nghe về một thiên Nhật Bản Cổ Sự Ký”.
Ngắn gọn, súc tích và thật hay, với câu chốt đoạn kết khiến tôi hơi lặng người một chút trước hàng chữ Nhật Bản Cổ Sự Ký.