Huỳnh Hữu Phước, chàng shipper nói tiếng Pháp trên đường sách TP.HCM, được nhiều người biết đến khi đã tạm nghỉ mấy tiếng giao hàng để tham gia buổi gặp gỡ và giao lưu bằng tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy hồi tháng 11/2022.
Vì có hoàn cảnh khó khăn, nên Phước phải tạm bảo lưu việc học tại khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có shipper.
Thông tin này được đăng trên Báo Thanh Niên, nhờ sự hỗ trợ lớn lao của đông đảo bạn đọc báo và các thầy cô tại khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Phước đã được trở lại giảng đường, tiếp tục nuôi ước mơ trở thành thầy giáo.
Điều đáng nói, Phước cũng đã trích một phần tiền hỗ trợ này cho một số bạn học sinh, sinh viên mồ côi hoặc có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Và duyên lành với việc dịch sách
Huỳnh Hữu Phước cho biết, quá trình dịch cuốn tiểu thuyết này được bắt đầu từ cuối năm 2021 - khi mà dịch bệnh vẫn còn và chưa ai biết tới Phước, người đã bảo lưu việc học, vừa cần mẫn đi giao hàng, vừa tự đọc sách, ôn bài, vật lộn với cuộc sống bấp bênh.
Khi đó, Phước vừa ra viện sau quá trình điều trị Covid-19, thì một người chị là dịch giả có ngỏ ý hỏi cậu có muốn dịch tiểu thuyết Con gái - Fille không. "Ban đầu em hơi e dè một chút vì bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm dịch thuật. Đặc biệt, dịch sách của một văn sĩ đương đại như Camille Laurens không phải dễ với em. Nhưng sau khi được người chị khích lệ em cũng thử sức", Phước kể lại.
Những ngày tháng dịch sách, Phước gặp nhiều khó khăn. Cậu vừa phải đi giao hàng mưu sinh vừa dịch sách, vừa bị stress, đang trong quá trình điều trị rối loạn lo âu, lưỡng cực. "Nhưng đam mê đã trở thành một động lực vô hình. Nhờ sự giúp đỡ của người chị dịch giả cùng ban biên tập nhà xuất bản, em đã hoàn thành được tác phẩm đầu tay", chàng shipper nói tiếng Pháp ở đường sách ngày nào hồi tưởng.
Người dịch ban đầu dịch vài trang đầu và trang cuối của sách, Phước dịch phần còn lại. Nên có thể nói, Phước đóng góp phần lớn để hoàn thành bản dịch. Phước còn trẻ, kinh nghiệm dịch thuật chưa nhiều. Nhưng bạn có tinh thần cầu tiến, liên tục trau dồi và học hỏi để bản dịch hoàn thiện nhất có thể. Điều này cho thấy bạn có tiềm năng phát triển nhiều hơn nữa".
Bản dịch của Phước đã được NXB Phụ nữ Việt Nam gửi cho GS Vĩnh Đào đang sinh sống ở Pháp đọc thẩm định. Giáo sư nhận xét rằng bản dịch khá thông suốt và trôi chảy. Điều này cho thấy bạn có thể "đi xa" hơn nữa với nghề dịch.
Tiểu thuyết Con gái - Fille lần lượt lật mở số phận của người phụ nữ - thông qua nhân vật Laurence Barraqué, người đối diện với những thay đổi trong xã hội Pháp suốt 40 năm.
Sinh năm 1959 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Laurence Barraqué lớn lên cùng chị gái ở thành phố Rouen phía bắc Pháp, với cha cô là bác sĩ, mẹ cô là nội trợ. Ngay từ rất sớm, thông qua ngôn ngữ và cha mẹ, Laurence hiểu được rằng vị trí của người con gái trong cuộc đời luôn thấp kém hơn con trai.
Ví dụ như khi được người điều tra dân số năm 1964 hỏi có con không, cha Laurence đã trả lời "Không, tôi có hai đứa con gái". Tới những năm 1990, khi đã làm mẹ, cô vật lộn với câu hỏi ý nghĩa của việc là một cô gái, và bài học nào cô nên dạy hoặc không cho con gái yêu dấu của cô…
Phước ký tên dịch giả là J.B ở trang bìa cuốn sách mới xuất bản, bạn lý giải đây là tên thánh của mình - Gioan Baotixita, trong tiếng Pháp là Jean le Baptiste, viết tắt là J.B.
Lược từ Thanh niên