Cha mẹ không có lỗi. Lỗi ở cách chúng ta yêu thương!
Cha mẹ không có lỗi. Lỗi ở cách chúng ta yêu thương!
"Chúng ta đều là thiên thần chỉ có một chiếc cánh và ta phải ôm lấy lẫn nhau để học bay." - Khuyết danh
Ai Đã Làm Cho Tuổi 20 Của Tôi Cô Đơn Đến Vậy
(0 lượt)

Tôi là ai trong ngôi nhà này?

Hồi tiểu học, tôi thông báo với mẹ rằng tôi được giải học sinh giỏi cấp tỉnh, một trong những điều mọi người mong đợi nhất, từ bản thân tôi đến các thầy cô đã giúp tôi dày công ôn luyện... Mẹ tôi chỉ nói rằng: “Do ăn may thôi”. Lên cấp hai, tôi thông báo với bố rằng tôi được năm giấy khen cùng lúc, từ giải huyện, tỉnh, khu vực cho đến bên Đội, Đoàn... Bố tôi cũng chẳng có một lời động viên. Rồi đến năm cấp ba học xa nhà, tôi thông báo với mẹ rằng tôi đã tự bán hàng và kiếm tiền mua xe đạp, điện thoại, không cần phụ cấp chi tiêu từ gia đình, mẹ tôi cũng chẳng hỏi thăm làm thế có vất vả hay có ảnh hưởng gì tới việc học không. Lên đại học, tôi còn nhớ, hôm đó tôi gọi cho bố lúc 8 giờ tối để thông báo một việc vô cùng quan trọng, đó là có khả năng lớn tôi sẽ được trở thành tác giả viết sách – một trong những ước mơ lớn của tôi, bố cũng chỉ hỏi vài ba câu chẳng liên quan gì tới chuyện ấy rồi vội tắt điện thoại. Tôi chơi với ai mẹ không biết. Tôi yêu ai, bố cũng chẳng quan tâm. Rốt cuộc, tôi là ai trong ngôi nhà của mình?

Đã có lúc tôi nghĩ, phải chăng mình là con nuôi, bố mẹ nhặt từ... thùng rác về nuôi đúng như ngày xưa tôi hay được nghe. Đó là điều khiến tôi suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Lúc đó tôi chỉ biết làm mọi cách để được bố mẹ công nhận, để bố mẹ ủng hộ, khích lệ tôi tiếp tục vững tin vào con đường phía trước.

Trước đây tôi hay nói với bạn bè rằng: “Bố mẹ tao chẳng ngăn cấm tao học cái gì hết, thích học cái gì thì đăng ký, thích học trường nào thì học, kể cả tao không học đại học mà đi làm thuế bố mẹ tao cũng chẳng phản đối...”. Thế là chúng bạn ùa vào khen lấy khen để, nào là: “Bố mẹ mày tâm lý thế!”, “Tao muốn học kiến trúc mà bố mẹ cứ bắt vào kinh tế.”, “Tao muốn học làm bánh mà bố mẹ tao cứ bắt thi y”, “Giờ còn tồn tại những người như bố mẹ mày á?”...

Thực tế, đâu ai biết được chính vì thế mà tôi lại cảm thấy mông lung, không tin tưởng vào bản thân mình nhất. Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ rốt cuộc mình sống để làm gì khi chẳng mang lại lợi ích nào cho gia đình, ít nhất là đem lại ý nghĩa gì đó cho bố mẹ. Đôi khi tôi chỉ ước bố mẹ mình bằng một phần bố mẹ các bạn: động viên con học trường này cũng được, hay trường kia phù hợp với con hơn, thử cân nhắc kỹ lại xem…

Cho đến giây phút này, khi nghe những ý kiến của bạn bè và nghe các bạn trẻ chia sẻ, tôi mới biết mình không phải ngoại lệ...

ai-da-lam-cho-tuoi-20-cua-toi-co-don-den-vay

Có một cô em gái đã từng tiều tụy vì học thêm

“Em học đàn bố mẹ em không ủng hộ, đi học nhảy cũng không, em đi tập gym để tăng cường sức khỏe bố mẹ em cũng chẳng mảy may để ý. Điều duy nhất bố mẹ quan tâm là năm nay em được danh hiệu học sinh gì, cuối năm được nhận mấy giấy khen. Em biết bố mẹ thương em nhiều lắm, đầu tư cho em đi học thêm học nếm, cô này kèm riêng, thầy kia gia sư riêng rất nhiều. Nếu có ngủ vào hết thời gian rảnh cũng không đủ tám tiếng một ngày. Phải khó khăn, cố gắng chứng minh điểm số trên lớp với bố mẹ mãi, em mới xin nghỉ được hai lớp học thêm. Lúc đó cũng là lúc em có thời gian để... thở”.

Những điều đó đã để lại cho cô gái sự hụt hẫng, nặng nề về một tương lai đã được sắp đặt sẵn – nơi em không có quyền lựa chọn điều em thích thứ em đam mê để theo đuổi. Nó không nằm ở những kỳ vọng của bố mẹ em, nó cũng chẳng nằm ở những tờ giấy khen được đóng khung, ép plastic cẩn thận, kỹ càng kia. 

Em như con cá lâu ngày bơi trong bể, ước mong một lần được bơi ra đại dương rộng lớn.

Có một cậu trai khóc nấc khi kể lại quãng thời gian đen tối nhất ở một nơi mà người ta gọi là nhà

“Em nhớ mãi quãng thời gian học tiểu học, em bị mẹ mắng là ngu, thiểu năng, không có não... chỉ vì em học khó nhớ bài, đọc bài và làm toán chậm. Nhất là khi mẹ đang mang bầu em bé, mẹ khó tính và em sợ mẹ hơn bao giờ hết. Không những mắng chửi, mẹ còn túm tóc, cầm thước đánh, dúi đầu em xuống quyển sách... Em chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống tồi tệ như vậy. Ở lớp, cố gắng mãi em vẫn không theo kịp các bạn, cô giáo phản hồi với phụ huynh. Ở nhà, bố công tác xa nên mẹ phải đảm nhiệm mọi công việc từ A đến Z và xả stress lên em là chuyện thường tình. Em chỉ biết lặng im. Chịu đựng. Và cố gắng. Khóc cũng chẳng giải quyết được gì. Cầu xin lại càng không. Lúc đó em chỉ nghĩ đến việc bao giờ mình mới thoát khỏi cái nhà tù này? Vì lúc đó em xem phim biết nhà tù như một nơi chỉ để ra và vào, ngồi bóc lịch, đếm thời gian cho ngày trôi hết. Những ngày sau cứ thế tiếp diễn những ngày trước. Một cách vô vị. Em rệu rã đi học rồi về hì hục làm bài tập, nghe mẹ mắng quát, thế là hết một ngày”.

Những gì cậu vẽ ra trước mắt khiến tôi tưởng tượng đến một gã trai sau này cũng có hành vi tương tự với vợ con mình... Bi kịch cứ thế diễn ra với sự chịu đựng, bị đè nén suốt thời gian dài tăm tối.

Đối với một kiếp người, yêu thương nhau chưa hết, ấy thế mà lại giày vò, đày đọa nhau về cả thể chất lẫn tinh thần.

Sau cùng, cha mẹ có lỗi hay không?

Có thể bố mẹ của tôi, của cô gái ấy hay của cậu trai kia và hàng vạn bậc cha mẹ khác rất yêu thương con, nhưng lại chẳng đúng cách. Đúng! Có lẽ không đúng cách với mỗi đứa con luôn có nhu cầu đòi hỏi.

Có thể mẹ tôi không quan tâm được hết đến việc học tập của tôi. Có thể bố tôi không biết được hết những người bạn thân của tôi. Nhưng họ lại luôn phải nghĩ cách làm thế nào để kiếm tiền đủ cho tôi trang trải việc học, trang bị cho tôi mọi thứ để tôi không cảm thấy xấu hổ, thua kém bạn bè về mặt vật chất.

Có thể mẹ cô gái kia bắt cô ấy học thêm kín lịch. Có thể bố cô ấy ngày ngày cất công tìm kiếm gia sư tốt cho cô. Nhưng điều bố mẹ cô ấy hướng đến là một nguồn tri thức rộng mở, để con gái cũng có thể vững bước vào một ngôi trường đại học tốt, môi trường học tập tốt, sau này có thể xin làm việc tại một nơi lý tưởng. 

Có thể mẹ cậu trai ấy dạy sai cách, chẳng thông hiểu, cảm thấu được cho con mà còn quát mắng, dọa nạt. Nhưng bà ấy lại là người gánh vác mọi thứ trong gia đình, dẫu thế nào cũng chẳng thể bỏ mặc con một mình tự học trong lúc bản thân đang mang thai không ai chăm sóc.

Giảng viên môn Tâm lý học sức khỏe của tôi từng nói: "Đừng trách bố mẹ chúng ta, rồi sau này chúng ta rất khó tránh khỏi những hành vi vô thức như thế, vốn đã ngấm vào máu từ tuổi thơ. Chúng đã tập nhiễm, ăn sâu vào vô thức khi chúng ta còn nhỏ, những hành vi “không được hay cho lắm ấy sẽ vô thức lặp lại với con cái chúng ta bất kỳ lúc nào. Sau này chúng ta có con mới biết, thì ra trong  bố mẹ chúng ta cũng luôn tồn tại những đứa trẻ khùng khùng, như chúng ta chẳng hạn”.

Vậy nên, dẫu là bố mẹ nào thì cũng muốn những điều tốt nhất cho con, tại thời điểm nhất định. Có thể ngay lúc này, bạn phải thừa nhận và cảm ơn sự thúc giục, sự nóng nảy, sự ép buộc từ phía cha mẹ và hãy coi đó là “món quà quý giá – nhờ nó mà bạn có được thành tựu như hiện tại. Còn chúng ta, hãy học cách cảm thông và giải thích vào thời điểm phù hợp khi có sự sẵn sàng lắng nghe từ phía phụ huynh, vì biết đâu sau này, khi làm cha mẹ, bạn lại không thể tránh khỏi những hành động như mẹ cha đã từng.

- Trích dẫn từ cuốn sách "Ai đã làm cho tuổi 20 của tôi cô đơn đến vậy?" -

Các cuốn sách hiện đã có mặt trên kệ sách Trạm Đọc. Trạm đặc biệt dành tặng mã YEUSACH22 - Giảm 5% tối đa 10.000 ₫ cho các đơn hàng có giá trị tối thiểu 99.000 ₫ tại Tiki Trạm Đọc
Tags: