Năm 1950, khi E.H.Gombrich xuất bản cuốn sách đồ sộ “Câu chuyện nghệ thuật” (Story of Art) của mình, hẳn ông không thể ngờ tác phẩm của mình sẽ trở thành một cuốn sách thuộc loại “nhất định phải đọc” – như người ta vẫn hay gọi những cuốn sách đã tạo nên chuẩn mực cho sách viết về một chủ đề nào đó – cho những ai muốn tìm hiểu về mỹ thuật. Trong suốt 70 năm qua, “Câu chuyện nghệ thuật” vẫn luôn hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới, định kỳ được tái bản, thậm chí ngay cả sau khi Gombrich mãi mãi ra đi năm 2001.
Từ những bức tranh được người tiền sử vẽ trên vách các hang động đến các phong cách nghệ thuật hiện đại nhất của giai đoạn giữa thế kỷ 20, Gombrich đã rút gọn lại toàn bộ lịch sử mỹ thuật của loài người với đủ mọi khía cạnh đa dạng vào trong khuôn khổ gọn ghẽ của một cuốn sách. Một cuốn sách mà bất cứ ai có hứng thú với mỹ thuật một khi đã đọc qua sẽ được trang bị đủ hiểu biết cơ bản để có thể tận hưởng thú vui chiêm ngưỡng các tác phẩm, công trình mỹ thuật một cách sâu sắc, trọn vẹn hơn.
Gombrich khởi đầu chuyến ngược dòng thời gian hành trình cùng mỹ thuật của ông từ những “tác phẩm” lâu đời nhất từ thời tiền sử còn lưu giữ được cùng những lý giải khoa học, thú vị về những động cơ đầu tiên đã khiến các bậc tiền bối xa xưa kỳ công tạo nên những tác phẩm mỹ thuật đã thách thức thời gian lâu đến vậy.
Theo dòng thời gian, với sự hình thành và phát triển của các nền văn minh, độc giả cũng lần lượt được làm quen với phong cách nghệ thuật của từng nền văn minh, cũng như nguyên do sâu xa hình thành nên những nét đặc trưng đó.
Trước tiên là phong cách vừa chân thực đáng kinh ngạc ở chi tiết lại vừa quy ước, chặt chẽ đến cứng nhắc trong tổng thể của người Ai Cập. Ở nơi nguyên tắc là tối thượng, người nghệ sĩ Ai Cập trở thành “thợ vẽ, thợ điêu khắc” dù muốn hay không cũng phải máy móc tuân theo, gần như không có cơ hội thể hiện sự sáng tạo hay tạo ra bước thay đổi về phong cách cho cả nền mỹ thuật cổ đại này.
Tiến trình sáng tạo nghệ thuật của loài người chỉ thực sự cất bước khi những người nghệ sĩ Hi Lạp cổ đại lần đầu tiên nắm lấy sự chủ động và mạnh dạn thử nghiệm những hình thức mới mẻ vào mọi hình thức sáng tạo nghệ thuật, từ hội họa, điêu khắc cho tới kiến trúc. Đó chính là cú hích đầu tiên cho dòng chảy sáng tạo bất tận của các thế hệ nghệ sĩ kế tiếp nhau tạo nên những phát kiến giúp cho ngôn ngữ sáng tạo của nghệ thuật dưới mọi hình thức trở nên phong phú hơn.
Bất chấp sự đa dạng trong phong cách thể hiện, quá trình lịch sử của sáng tạo được Gombrich thuật lại trong “Câu chuyện nghệ thuật” cho chúng ta thấy những nét chung nhất luôn hiện hữu trong quá trình này. Cho dù là trong hội họa, điêu khắc hay kiến trúc, luôn có thể thấy rõ mong muốn cải thiện các công trình, tác phẩm nghệ thuật một cách toàn diện cả về sức mạnh biểu cảm, tạo ấn tượng mà chúng đem đến cho những người chiêm ngưỡng, sử dụng lẫn về công năng, công dụng của những tác phẩm, công trình đó.
Bởi như bạn đọc sẽ thấy khi lần giở qua từng trang sách của Gombrich, có thể thấy trong suốt tiến trình lịch sử loài người, những công trình, tác phẩm hàm chứa ít nhiều giá trị nghệ thuật đều được tạo nên một cách có chủ đích, dù chủ đích đó được ấn định từ trước bởi công năng, yêu cầu đặt hàng, v.v. hay là chủ đích tự thân của nghệ sĩ. “Câu chuyện nghệ thuật” không bó hẹp trong khuôn khổ của nghệ thuật, mà cả lịch sử ảnh hưởng của nghệ thuật tới các khía cạnh khác của đời sống xã hội.
Từ thời Ai Cập cổ đại cho tới Hi Lạp, Roma, Byzantin hay suốt chiều dài kỷ nguyên Ki tô giáo ở phương Tây, những thế lực nắm trong tay quyền lực, dù là thế quyền hay thần quyền, đều sớm nhận ra nghệ thuật là một phương tiện mạnh mẽ, hiệu quả để củng cố, duy trì quyền lực. Và bởi kết hợp cùng thần quyền trong suốt chiều dài lịch sử luôn là sự đảm bảo vững chắc nhất cho duy trì thế quyền, không lạ khi trong tất cả các nền văn minh tôn giáo luôn là một chủ đề chủ đạo cho nghệ thuật, cho dù là đa thần giáo của Ai Cập, Hi Lạp, Roma hay Ki tô giáo sau này.
Đồng thời cũng có thể nói, chủ đề tôn giáo, bởi được tôn vinh, đặt hàng và tài trợ nhiều, cũng mang giá trị quan trọng trong đời sống tinh thần của mọi xã hội, đã vừa là nguồn cảm hứng, nguồn đề tài, lại cũng là…nguồn sinh lực nuôi sống nghệ thuật và nghệ sĩ những thời kỳ dài, nhất là những thời kỳ tăm tối nhất trong lịch sử loài người như thời sơ kỳ Trung Cổ.
Mối lương duyên lâu dài nhưng không phải không có chủ đích giữa tôn giáo và nghệ thuật đã để lại một di sản quý giá cho nhân loại: những giáo đường, đền đài, tượng, phù điêu, tranh vẽ, v.v. cùng một truyền thống nghệ thuật tôn giáo dài lâu. Đây cũng là bàn đạp cho những nghệ sĩ bậc thầy như Giotto, Botticelli, v.v. đưa nghệ thuật tới bước chuyển mình từ thời kỳ Trung cổ sang thời Phục hung, cho phép nghệ thuật phương Tây thoát ra khỏi giới hạn của các chủ đề Ki tô giáo đơn thuần để đến với các chủ đề đa dạng hơn, song hành cùng những hình thức biểu hiện ngày càng sáng tạo, hoàn thiện hơn.
Thời kỳ Khai sáng đánh dấu sự tách biệt giữa thế quyền và thần quyền ở phương Tây, cùng sự ra đời của các tư tưởng tự do thay thế cho các tư tưởng thủ cựu, các đặc quyền lâu đời bất công. Các tư tưởng mới cũng tìm thấy sự đồng hành trong nghệ thuật, với sự ra đời của những phong cách sáng tác ngày càng tự do, chủ đề ngày càng đa dạng. Qua các tác phẩm điển hình được Gombrich lựa chọn một cách cẩn thận và phân tích thấu đáo, người đọc sẽ có cơ hội nhìn sâu vào các thông điệp, ý tưởng được chuyển tải qua màu sắc, đường nét, hình khối.
Sự thay đổi về phong cách nghệ thuật dường như chưa bao giờ lỗi nhịp với tốc độ phát triển chung của xã hội loài người. Giai đoạn từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 là một giai đoạn xã hội loài người phát triển tăng tốc chóng mặt với nhịp độ chưa từng có. Không ngạc nhiên, sự xuất hiện của các phong cách nghệ thuật mới cũng đua nở với sự sinh động vô tiền khoáng hậu. Dường như đây cũng là thời gian đầu tiên trong lịch sử loài người các nghệ sĩ không bị kiềm tỏa bởi bất cứ giới hạn nào ngoài năng lực sáng tạo của họ.
Trong điều kiện khách quan này, một bước phát triển mới trong nghệ thuật đã diễn ra. Các nghệ sĩ đã mất hàng nghìn năm để thoát ra khỏi khuôn mẫu, ước lệ, làm cho tác phẩm của mình thực nhất, sống động và giống đời thường nhất. Nhưng từ nửa sau thế kỷ 19 trở đi, các nghệ sĩ càng ngày càng có xu hướng đưa giới hạn sáng tạo của mình vượt quá hiện thực, để thể hiện ra dưới dạng hữu hình những thông điệp vốn không tồn tại trong thế giới bình thường mà dường như chỉ hiện hữu trong tiềm thức, trực giác của người nghệ sĩ.
Dừng lại ở giữa thế kỷ 20, “Câu chuyện nghệ thuật” để lại cho những độc giả yêu nghệ thuật một thông điệp thật rõ ràng: sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là một bản năng đã sớm hình thành và đang không ngừng ngày càng hoàn thiện ở con người. Dòng chảy của nghệ thuật là liên tục, không ngừng nghỉ, sẽ còn tiếp tục đồng hành với con người, vừa minh họa vừa định hình, thúc đẩy, tạo dựng nên các bước phát triển trong tương lai.
Lê Đình Chi - Trạm Đọc