Các nhà phê bình phân tích tại sao bạn nên đọc các tác phẩm của Fyodor Dostoevsky
Các nhà phê bình phân tích tại sao bạn nên đọc các tác phẩm của Fyodor Dostoevsky
Có lẽ một phần lý do khiến nhiều nhà văn Nga thành công là do các học giả văn học đã khám phá ra họ. Vào thế kỷ 19, lời khen ngợi từ biên tập viên Vissarion Belinsky có thể biến một tác giả mới thành tác giả có sách bán chạy chỉ sau một đêm. Và trong đó, có trường hợp của Fyodor Dostoevsky với tiểu thuyết đầu tay “Poor Folk” (Dân nghèo). Belinsky đã tuyên bố rằng mọi người cần phải đọc bài đánh giá của mình đối với tác phẩm này. 

Nếu thế kỷ 19 có nhà phê bình và lý luận văn học Belinsky làm đại diện, thì đến thế kỷ 20, chúng ta có Mikhail Bakhtin. Sinh ra ở Nga dưới thời Sa hoàng vào năm 1895, là người thừa kế của một gia đình quý tộc, Bakhtin đã chứng kiến Cách mạng Nga và cuộc nổi dậy của Bolshevik sau đó. Ông là một nhà văn tài năng với chứng nghiện thuốc lá nặng. Vào những năm Thế chiến II, khi giấy khan hiếm, ông đã sử dụng chính những trang bản thảo của mình để cuốn thuốc lá. 

Dù cho ông tự hủy hoại tác phẩm của mình nhưng di sản của Bakhtin vẫn tồn tại. Nhà phê bình này tiếp cận việc phê bình theo cách mà các nhà văn tiếp cận việc viết lách. Điều ông quan tâm nhất về văn học không phải là hình thức mà là nội dung; thông qua tiểu thuyết, các tác giả có thể đến gần sự thật hơn so với hiện thực ban đầu đã truyền cảm hứng cho họ. Những ý tưởng được trình bày trong một cuốn tiểu thuyết càng thuyết phục thì cuốn tiểu thuyết đó càng nhận được nhiều sự chú ý.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Bakhtin đã cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng ta về các tác giả nổi tiếng, đặc biệt là người ở “ngôi vương” của Belinsky, Dostoevsky. Cuốn sách có tên tưởng chừng đơn giản của ông, “The Problems of Dostoevsky’s Poetics” (Vấn Đề Thi Pháp Của Dostoevsky) cung cấp một trong những lập luận thuyết phục nhất về lý do tại sao các tác phẩm của tác giả này khác biệt với bất kỳ tác phẩm nào đã được xuất bản. 

 

Phong cách viết đa âm 

 

Mặc dù chức danh của họ là nhà phê bình văn học, nhưng họ hầu như không quan tâm đến việc chỉ ra những sai sót của một văn bản cụ thể. Ở góc độ học thuật, họ quan tâm đến việc làm sáng tỏ tài năng khó nắm bắt của các nhà văn mà họ nghiên cứu. Bakhtin nói như vậy trong phần giới thiệu cuốn  “The Problems of Dostoevsky’s Poetics” nơi ông hứa hẹn chỉ ra, thông qua “phân tích lý luận văn học”,  tiểu thuyết của Dostoevsky đã tạo ra một cách nhìn mới về thế giới như thế nào.

Nói ngắn gọn, Bakhtin lập luận rằng Dostoevsky viết lách với nhiều giọng văn khác nhau. Trong khi các nhà văn khác đương thời, tiêu biểu là Leo Tolstoy, sử dụng các nhân vật như những cái loa mỏng manh để thảo luận về ý tưởng của riêng họ, thì Dostoevsky lại đối xử với các sáng tạo hư cấu của mình như thể hoàn toàn độc lập với ông, được thúc đẩy bởi những suy nghĩ và cảm xúc hoàn toàn riêng biệt.

Để viết theo cách này, tác giả phải đắm mình hoàn toàn vào thế giới hư cấu nhưng lại cơ bản tách rời khỏi nó, đòi hỏi một mức độ trưởng thành cảm xúc rất cao. Bakhtin tiếp tục nói rằng phong cách đa âm này chưa từng xuất hiện kể từ khi William Shakespeare qua đời. Nhà phê bình cho rằng Shakespeare có khả năng tái tạo bản thân với mỗi vở kịch và vì thế, mỗi tác phẩm đều khác biệt về mặt triết học và ý thức hệ so với tác phẩm trước.

Phong cách viết đa âm mang lại rất nhiều lợi ích nhưng có lẽ lợi ích lớn nhất là mô phỏng gần giống nhất cách trao đổi ý tưởng trong thế giới thực. Khi bạn đọc về một xung đột trong tiểu thuyết của Tolstoy, bạn thấy Tolstoy đang tranh luận một chiều. Trái lại, các xung đột của Dostoevsky hoàn toàn mang tính đối thoại: một cuộc đối đầu công bằng và ngang ngửa giữa hai quan điểm có giá trị như nhau.

 

Tính đa diện

 

Nếu tính đa là thế mạnh lớn nhất của Dostoevsky thì khả năng hóa thân của ông cũng không kém phần quan trọng. Tính chất này không đơn giản như đa âm. Được Bakhtin phát triển từ suốt cuộc đời nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật thơ ca Hy-La, khái niệm hóa thân cần những định nghĩa cặn kẽ hơn.

Nói một cách đơn giản, các câu chuyện mang tính đa diện giống như những lễ hội. Trong đó, các chuẩn mực truyền thống tạm thời bị gác lại để nhường chỗ cho những cuộc vui không gò bó. Diện lên những bộ trang phục hoặc đeo lên chiếc mặt nạ, mọi người từ các tầng lớp xã hội tương tác với nhau trên cơ sở bình đẳng. Sự hỗn loạn có tổ chức này đánh thức những cảm xúc mạnh mẽ cho phép các cá nhân từ các tầng lớp khác nhau thiết lập mối quan hệ chân thật.

Thực tế rằng tác phẩm của Dostoevsky thường được miêu tả như một rạp xiếc hoặc nhà thương điên cho thấy rằng những đánh giá của Bakhtin không xa rời hiện thực. Trong những tác phẩm vĩ đại nhất của tác giả, quý tộc ngồi ăn cùng bàn với những người ăn xin. Những cảm xúc thuần khiết nhất thường va chạm với những những suy nghĩ tàn ác. Trong “Anh em nhà Karamazov”, Dostoevsky cố gắng thể hiện sự tốt lành của Chúa thông qua việc kể câu chuyện về một số mẫu người đáng khinh nhất của nhân loại.

Bakhtin viết: “Lễ hội hóa trang là cách cảm nhận thế giới hàng ngàn năm qua như một buổi công diễn vĩ đại”. Bằng cách “đưa thế giới đến gần một người nhất và đưa mọi người đến gần nhau nhất,” những lễ hội này có thể bảo vệ nhân loại khỏi kiểu thế giới quan chuyên chế mà Dostoevsky coi là gốc rễ của sự bất công và đau khổ của con người.

 

Những vấn đề trong thi pháp của Dostoevsky

 

Có lẽ hơn bất kỳ cuốn sách nào khác, cuốn  “The Problems of Dostoevsky’s Poetics” đã làm sống lại việc nghiên cứu Dostoevsky ở cả Nga và nước ngoài. Trên hết, các lý thuyết của ông về đa âm, tính đa diện và ý nghĩa lịch sử của tiểu thuyết như một loại hình nghệ thuật độc đáo của thế kỷ 19 thường xuyên xuất hiện trong giáo trình của lý luận phê bình và các khóa học so sánh.

Nhưng trong khi cách diễn giải của Bakhtin về nền văn học của đất nước ông đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, nó không tránh khỏi những lời chỉ trích từ nước ngoài. Các bài viết của học trò của ông đã chỉ ra những lỗ hổng trong quan điểm cá nhân của nhà phê bình vĩ đại này, đồng thời đưa ra những phương pháp mới để nghiên cứu các kiệt tác văn học.

Cách diễn giải của Bakhtin về Dostoevsky đã bị Isaiah Berlin đặt câu hỏi cho rằng tính đa âm của tác giả này lại được đặc trưng bởi hệ thống niềm tin không lay chuyển. Khi Tolstoy luôn tìm kiếm và từ bỏ một quan điểm này để chấp nhận quan điểm khác thì Dostoevsky vẫn là một tín đồ Kitô giáo sùng đạo cho đến khi chết; và sự sùng đạo đã ảnh hưởng đến tất cả các tiểu thuyết của ông.

Lập luận mâu thuẫn nhưng cũng rất thuyết phục này không có nghĩa là Bakhtin đã sai. Thay vào đó, nó chỉ là một minh chứng cho tài năng của Dostoevsky. Khi lịch sử tiếp diễn và xã hội thay đổi theo những hướng khác nhau, những khía cạnh trước đây không được chú ý trong các tác phẩm cũ đột nhiên trở nên rõ ràng. Vì vậy, những người như Bakhtin đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu giữ di sản của những người như Dostoevsky.

- Theo Big Think

 

Tags: