'Books4Vietnam' và hành trình mang sách của TS. Võ Tá Hân
'Books4Vietnam' và hành trình mang sách của TS. Võ Tá Hân
TS Võ Tá Hân quyên góp sách chuyển về Việt Nam với mong muốn thế hệ trẻ có được tri thức để vươn lên.

 

Một triệu quyển sách tặng sinh viên Việt Nam

 

Tiến sĩ (TS) Võ Tá Hân sinh ra ở Huế năm 1948, lớn lên ở Sài Gòn khi đất nước còn chìm trong cảnh binh lửa chiến tranh. Đêm đêm nghe tiếng súng dội về từ bên kia sông vọng về, hay những sáng thức giấc bởi tiếng những cánh cửa kính trong nhà rung bần bật do pháo đài bay B52 dội bom hàng loạt… là ký ức khó quên trong ông khi còn là một cậu học sinh trẻ tuổi.

Vào cuối thời Pháp thuộc, người cha thân yêu của TS. Võ Tá Hân đã từng bị quân Pháp bắt giam và xử án tù khổ sai biệt xứ ở Đà Nẵng vì tham gia nhóm Thanh niên Tiền tuyến ở Huế. Qua những quyển sách viết về chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam thời bấy giờ, trong đầu óc của chú bé thuở ấy, ông vẫn tự nhủ sẽ có ngày mình mang quân sang đánh Pháp để … báo thù.

Như phần nhiều thanh niên thời đó, ông chọn con đường học vấn để thực hiện những ước mơ hoài bão của mình. Mùa xuân năm 1968, ông rời Sài Gòn sang Mỹ du học.

Khi đặt chân lên đất Mỹ, một trong những điều đầu tiên khiến ông hết sức ngạc nhiên là tại sao mọi thứ lại có thể yên ắng một cách kỳ lạ đến như vậy, không có tiếng bom, tiếng súng, không có cảnh người dân bỏ mạng vì bom rơi đạn lạc nằm bên đường. Song những ngày đầu xa quê, ông vẫn không nguôi nỗi nhớ nhà, những đêm thanh vắng, lặng nghe tiếng hát của ca sĩ Bảo Yến, ông không cầm được nước mắt khi nghĩ về quê hương xứ sở của mình.

TS. Võ Tá Hân cho rằng:“Tất cả kiến thức của nhân loại đều nằm trong sách vở và không có gì hiệu quả hơn để giúp đất nước là chuyển kiến thức về Việt Nam. Tri thức là "chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa” rồi từ đó có thể giúp cho đất nước giàu mạnh nhanh chóng. Người Việt chúng ta vốn rất thông minh, hiếu học, nhẫn nại và nếu có cơ hội thì chúng ta sẽ phát triển không thua kém các nước trong khu vực. Tôi muốn giúp cho thế hệ trẻ có được cơ hội để vươn lên cao”.

Mãi cho đến sau khi tốt nghiệp và là một chuyên gia quốc tế về ngành ngân hàng, khi lần đầu tiên sang Pháp, được nhìn tận mắt những tiến triển văn minh từ bao thế kỷ trước, ông chợt bừng tỉnh để thấy rằng: chính cũng vì mình quá tụt hậu nên mới bị ngoại bang xâm chiếm. Ông muốn góp sức xây dựng quê hương, thông qua việc giúp cho thế hệ trẻ có được cơ hội để vươn lên cao.

Năm 1988, lần đầu về Việt Nam, nhìn thấy khoảng cách quá lớn giữa 2 quốc gia (Việt Nam và Singapore) tuy chỉ cách nhau có hơn một giờ bay, ông rất đau lòng. Với tư cách là Chủ tịch hội doanh nghiệp Canada tại Singapore, ông đưa phái đoàn thương mại chính thức của Singapore thăm Việt Nam vào tháng 12 năm 1999. Bên cạnh đó, trong một bài điều trần viết cho cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, ông đã từng đề nghị Singapore nên trao nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam sang du học tại đất nước sư tử biển.

Sau những lần về Việt Nam công tác cuối thập niên 1980, nhận thấy nhu cầu cấp bách cần chuyển tải những kiến thức mới cho giới trẻ, TS. Võ Tá Hân đã tìm cách quyên sách để gửi về nước. Đến nay ông đã chuyển về nước hơn một triệu quyển sách chuyên về khoa học kỹ thuật, kinh tế, y học… tặng cho hàng chục trường đại học trên đất nước Việt Nam.

Gian nan hành trình mang sách

Việc mua sách, kể cả sách của các nhà xuất bản nước ngoài trong thời điểm này tương đối dễ dàng qua các kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên khoảng hơn 30 năm trước thì các nhà sách ở ngay trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh còn rất khiêm tốn với một ít sách cũ kỹ, bày biện đơn điệu.

Ngay cả thư viện của viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu ở TPHCM, TS. Võ Tá Hân có dịp đến thăm cũng chỉ có vài đầu sách cũ. Chính vì lẽ đó mà ông quyết tâm thực hiện chương trình “Books4Vietnam” quyên góp sách từ nước ngoài chuyển về Việt Nam nhằm giúp lớp trẻ nâng cao kiến thức để góp phần xây dựng đất nước.

Ban đầu, khoảng cuối thập niên 80, TS. Võ Tá hân đã viết 100 lá thư gửi đi khắp nơi, quyên được 1.500 cuốn gửi tặng Viện Kinh tế Hà Nội và Sài Gòn. Từ đó, ông làm quen với nhà xuất bản Simon & Schuster - Prentice Hall (SSPH). Khi đến thăm kho trung chuyển phân phối sách khắp Châu Á của họ tại Singapore, ông khám phá một “núi sách” nằm ở cuối kho còn mới nguyên nhưng đang chất đống do nhập dư hoặc không bán hết.

Theo nguyên tắc thì số sách này tuyệt đối không được lưu hành tại Singapore mà phải mang ra xén thành giấy vụn để tránh phá giá thị trường. Mất hơn một năm trời ông mới thuyết phục được họ để mua lại với giá rẻ hàng tấn sách về chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế, tài chính, y khoa, luật khoa, quản trị kinh doanh, giáo dục... với điều kiện duy nhất là sách phải được đưa vào container khóa kín rồi chuyển thẳng về Việt Nam, không để một cuốn nào lọt lại ở Singapore.

Khi được biết container chứa 20 ngàn quyển sách đầu tiên sẽ được đưa về Việt Nam, ông bị phía nhà nước Singapore buộc phải nộp toàn bộ danh mục số sách này để kiểm duyệt. Vì khi đó, Singapore đang còn áp đặt cấm vận với Việt Nam. May mắn có người khuyên ông nên khai là gửi… giấy vụn, nên container sách ấy - và những containers kế tiếp - đều đi trót lọt.

Khi việc chuyển sách được biết đến thì nhiều nhóm Việt kiều hải ngoại cũng đã nặng lời công kích nhưng trở ngại lớn nhất là từ phía trong nước. May mắn là ông Phan Văn Khải, lúc ấy chưa nhậm chức Thủ tướng, có ghé đến thăm cuộc triển lãm sách tại Viện Kinh tế và viết một lá thư khen tặng. Chính nhờ lá thư ấy mà chương trình “Books4Vietnam” được thuận buồm xuôi gió về sau.

Nguồn sách lớn thứ hai là từ nhà xuất bản World Scientific (WS) của vợ chồng TS. Phua, là hai người bạn mà TS. Võ Tá Hân đã từng có cơ hội giúp họ từ thời điểm họ mới bắt đầu khởi nghiệp. Đến nay thì WS đã trở thành nhà xuất bản sách lớn nhất tại Singapore, chuyên xuất bản những đầu sách khoa học kỹ thuật cao cấp. Khi biết về chương trình Books 4 Vietnam của TS. Võ Tá Hân, nhà xuất bản TK Publishing cũng đã trao tặng 7 tấn sách y khoa. Bên cạnh đó, với tư cách là thành viên HĐQT của Trường Đại học Quản lý UniSIM, TS. Võ Tá Hân cũng quyên được rất nhiều sách từ thư viện của các trường khoảng 7 ngàn quyển v.v…

Sau khi về hưu ở Mỹ, một lần nữa TS. Võ Tá Hân lại gặp may mắn liên lạc được với anh bạn Steve Smith, vốn là cựu Tổng Giám đốc SSPH vừa chuyển sang nhậm chức mới là CEO của Nhà xuất bản Irwin (New York). Thế là vào tháng 4 năm 2010, một số lượng sách khổng lồ gần nửa triệu quyển đã được mua lại với giá cực rẻ và chuyển từ New Jersey về thư viện IU-VIETNAM 2020 tại trường Đại học Quốc tế ở Thủ Đức.

Sóng Thu

Tags: