Nằm trong danh mục “sách bán chạy nhất của New York Times”, bộ sách gồm hai cuốn sách “Hiệu ứng Lucifer” là tác phẩm của Philip Zimbardo, người đã được quốc tế công nhận là “gương mặt đại diện cho tâm lý học đương đại”. Nghiên cứu kinh điển của ông - thí nghiệm nhà tù Stanford - vẫn còn nguyên giá trị tham khảo sau hàng thập kỷ, không ngừng khiến công chúng ngỡ ngàng về sự biến đổi tính cách của con người dưới sự tác động của những yếu tố hoàn cảnh và hệ thống uy lực.
“Hiệu ứng Lucifer” đã được tác giả ấp ủ viết trong nhiều năm, từ những ngày tháng còn sống trong khu ổ chuột Nam Bronx nghèo khó của thành phố New York, đến khi được đào tạo chính thức về tâm lý học. Việc lớn lên trong hoàn cảnh gian khổ, lại không có sự dạy dỗ của cha mẹ khiến Philip Zimbardo rất tò mò về nguồn gốc tạo nên bản tính con người, đặc biệt là những mặt tối của nhân cách.
Philip Zimbardo tin rằng ranh giới giữa thiện và ác rất mong manh, khi được cung cấp quyền lực trong một hệ thống khuyến khích sự tàn bạo, con người rất dễ dàng bị sa ngã và cuốn theo sự tàn độc đó.
Năm 1971, với tư cách là giáo sư giảng dạy tại Đại học Stanford ông đã thực hiện một thí nghiệm tâm lý táo bạo: tuyển dụng 24 tình nguyện viên là các sinh viên có sức khỏe và tố chất tâm lý hoàn toàn bình thường tham gia thí nghiệm trở thành “tù nhân” và “lính canh” của ông.
24 tiếng sau thí nghiệm, những người tham gia nhận thấy rằng, các "lính canh" đã bắt đầu hứng thú với việc ngược đãi "tù nhân". Càng đáng sợ hơn là, họ bắt đầu cảm thấy vui vẻ khi làm những việc đó.
Cuối cùng, một "tù nhân" bị tra tấn tới mức gần như suy sụp và đã đề nghị được rút khỏi thí nghiệm này (vì theo như thỏa thuận được ký, những người tham gia thí nghiệm có thể từ bỏ bất cứ lúc nào). Tuy nhiên, Zimbardo đã bác bỏ yêu cầu của anh ta vì cho rằng khả năng chịu đựng của người này quá kém.
Trên thực tế, với tư cách là người lên kế hoạch và tổ chức thí nghiệm, giáo sư Zimbardo cũng đã bắt đầu ám ảnh với vai trò "quản ngục" của chính mình, từ đó mất đi tính khách quan và thông cảm.
Đến ngày thứ 6 của cuộc thí nghiệm, tình hình đã bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát - những tình nguyện viên đóng vai "lính canh" đã hoàn toàn chìm đắm vào quyền lực mà không thể khống chế được. Cuối cùng, bạn gái của Zimbardo đã nhìn thấy tất cả và yêu cầu ông phải dừng lại thí nghiệm ngay lập tức. Đến lúc này, Zimbardo mới tỉnh ngộ và nhận ra tất cả những gì đã xảy ra trong nhà tù thí nghiệm ở Stanford là một sự điên rồ và vô nhân đạo.
Thí nghiệm kinh điển này được tác giả Zimbardo trình bày chi tiết trong chín chương đầu tương đương với tập 1 của bộ sách “Hiệu ứng Lucifer”.
Tập 2 của bộ sách mở rộng phạm vi nghiên cứu về ảnh hưởng của hiệu ứng Lucifer trong nhiều nghiên cứu khác, cung cấp đầy đủ hơn về vai trò của từng yếu tố hoàn cảnh trong việc biến Thiên thần trở thành Ác quỷ, người tốt trở thành kẻ bất lương; trong đó vụ ngược đãi, tra tấn dã man tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib, Iraq là câu chuyện thực tế tiêu biểu.
Thông tin được tác giả Zimbardo đưa ra khiến độc giả cảm thấy u ám khi nghĩ tới bản chất con người. Nhưng trong chương cuối cùng của cuốn sách, cũng là điểm cuối của cuộc hành trình, tác giả đã đưa ra ánh sáng khi chỉ ra bằng chứng về một số cá nhân luôn phản kháng và không chịu khuất phục trước cám dỗ hay sức mạnh của hệ thống.
Thực tế, khi hầu hết mọi người đều chịu khuất phục trước hoàn cảnh và hệ thống, thì vẫn có một số cá nhân dám bất tuân, chống lại các thế lực hùng mạnh buộc mọi người phải vâng lênh, phục tùng. Trong số này có những cá nhân đặc biệt, dám hành động táo bạo hoặc dũng cảm hy sinh suốt cuộc đời, nhưng tác giả Zimbardo chỉ ra nhiều hơn số đó vẫn là những cá nhân sống theo chủ nghĩa nhân đạo. Không chỉ giữ được mình trước sự cám dỗ, họ còn dũng cảm đứng lên đấu tranh và thực hiện những hành động anh hùng vì những giá trị nhân đạo vĩnh cửu.
Và như vậy, bản chất anh hùng có thể tồn tại trong mỗi người. Việc đề cao những phẩm chất tốt đẹp có thể giúp mỗi người vượt lên trên những áp lực mạnh mẽ của hoàn cảnh và hệ thống, phẩm giá con người có đủ khả năng để chống lại cái ác.
Trong chương cuối tác giả cũng cung cấp một số chiến thuật có thể giúp mọi người chống lại những ảnh hưởng xã hội không mong muốn - những giải pháp này dựa trên sự kết hợp giữa kinh nghiệm của tác giả cùng các cộng sự trong chuyên ngành tâm lý xã hội, hay những chuyên gia về ảnh hưởng và thuyết phục.
Về tác giả
Zimbardo là giáo sư của Đại học Stanford từ năm 1968, trước đó từng giảng dạy tại các trường Yale, New York và Columbia. Ông được trao nhiều giải thưởng và danh hiệu vì những cống hiến cho ngành tâm lý học.
Những đề tài nghiên cứu ông đặc biệt quan tâm là ý thức về thời gian, sự thuyết phục, sự điên rồ, sự bạo lực, tâm lý chính trị, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa anh hùng.
VH th