Bộ sách tranh truyện cổ nổi tiếng của Nhật và Nga dành cho bé từ 5 tuổi
Bộ sách tranh truyện cổ nổi tiếng của Nhật và Nga dành cho bé từ 5 tuổi
Crabit Kidbooks hân hoan giới thiệu với các độc giả nhỏ 2 quyển sách thuộc tủ sách “Truyện cổ thế giới”: Đó là “Thần thoại Kumiko” và “Công chúa ếch”. Đây là 2 câu chuyện được sáng tác, kể lại dựa trên kho tàng văn hóa dân gian của các quốc gia Nhật và Nga, hứa hẹn sẽ mang đến cho trẻ những chuyến phiêu lưu khám phá văn hóa và những bài học cuộc sống ý nghĩa. 
Mỗi quốc gia đều có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú với nhiều giá trị tốt đẹp cần được truyền lại cho thế hệ sau. Đồng thời, trong những truyện cổ ấy cũng có những chi tiết, quan niệm thời xưa đã không còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa. Truyện cổ mở trí tưởng tượng, xây đắp tâm hồn và hướng trẻ đến cái thiện, điều tử tế. Chúng là những bài học đầu đời mà bố mẹ dạy cho con từ tấm bé. Mỗi đêm khi bố mẹ đọc cho con một câu chuyện cổ cũng chính là đang gieo vào tâm hồn con những bài học nhân phẩm: biết thương người bất hạnh, biết yêu động vật, hoa lá cỏ cây, biết đấu tranh vì lẽ phải… Trẻ sẽ lớn lên với một trái tim nhân ái, cùng một trí tuệ sáng suốt và một cơ thể khỏe mạnh - tạo nên sự phát triển toàn diện, cân bằng cho một đứa trẻ. Do đó việc viết lại truyện cổ theo góc nhìn mới là cần thiết để vừa lưu giữ được những giá trị trường tồn, vừa giúp các thế hệ trẻ cảm thấy gần gũi và hứng thú khi tiếp xúc với những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. 

Thần thoại Kumiko” và “Công chúa ếch” là 2 cuốn sách được viết lại từ những truyện cổ nổi tiếng của Nhật và Nga, với những góc nhìn mới mẻ, hiện đại hơn. “Thần thoại Kumiko” kể về nàng công chúa Kumiko ở Nhật Bản, người bị một gã phù thủy độc áo bắt cóc vào rừng sâu nhưng cuối cùng, với tài trí và tấm lòng nhân hậu của mình, nàng đã tìm được cách trở về nhà và đoàn tụ với cha mẹ nàng. Còn “Công chúa ếch” là câu chuyện về nàng công chúa thông thái bị hóa pháp thành ếch và hành trình nàng hóa giải lời nguyền với sự giúp sức của vị hoàng tử hôn phu.

Ở những phiên bản “Công chúa ếch” đã trở nên phổ biến, công chúa ếch mỗi khi nhận được thử thách từ vua cha, nàng sẽ bí mật nhờ đến sự trợ giúp của một “thế lực thứ ba” - có thể là một bà vú, những nàng hầu… Còn ở phiên bản “Công chúa ếch” của tác giả Élodie Fondacci, ta thấy một nàng công chúa đầy thông thái và chủ động tìm cách giải quyết những thử thách mà cuộc sống đặt ra cho nàng. Không ngồi im, than khóc hay chờ đợi được ai đó đến cứu, công chúa ếch trong phiên bản truyện cổ viết lại này giới thiệu một hình mẫu phù hợp và đầy cảm hứng cho các bạn nhỏ thời hiện đại. 

Các tác giả của 2 cuốn truyện cổ viết lại này đã tạo ra một không gian cổ tích trung thành với nguyên tác mà cũng không quá xa rời thực tế, bằng lối viết trôi chảy và chuẩn xác, đem tới cho các độc giả nhí sự gần gũi từ một xứ sở xa xưa. 

Để thu hút và giữ chân những độc giả nhí thời nay ở lại với những câu chuyện từ xa xưa, những câu chuyện cổ không chỉ được viết lại với góc nhìn gần gũi và mang hơi thở hiện đại hơn, mà còn được đầu tư minh họa hấp dẫn. Marie-Alice Harel, họa sĩ minh họa của “Thần thoại Kumiko” và “Công chúa ếch”, từng đạt nhiều giải thưởng danh giá. Những bức tranh được xử lý tinh tế bằng phương pháp truyền thống của cô (vẽ màu nước, màu chì, mực) thường xuyên góp mặt trong các triển lãm, phòng tranh ở Anh, Mỹ và Pháp. 

Trước khi trở thành họa sĩ vẽ minh họa toàn thời gian vào năm 2016, Marie-Alice Harel là một nhà nghiên cứu, tiến sỹ ngành khoa học địa chất. Tình yêu với việc nghiên cứu và chú ý đến các chi tiết đã góp phần giúp cô tạo ra được những tranh vẽ vô cùng tinh xảo, huyền ảo và đầy mê hoặc! Cô cũng đọc và nghe nhiều truyện cổ nước Nga, vài tác phẩm của Tolstoï và hàng bao bản nhạc cổ điển để lấy cảm hứng tạo ra “nét vẽ thật đẹp và hòa quyện với nội dung, đem tới sự duyên dáng hết mức” (Librairie Livresse) cho cuốn “Công chúa ếch”. Những họa tiết trang trí hình hoa lá, mái vòm củ hành đặc trưng của nước Nga trên trang phục của các hoàng tử, nội thất, cung điện… đều được họa sĩ khắc họa tỉ mỉ từng đường nét. Ngay cả những đoạn miêu tả đậm chất huyền ảo, tưởng như không thể chuyển thành hình ảnh trực quan được, chẳng hạn như đoạn “Bằng đôi bàn tay duyên dáng, nàng khẽ khàng nắm lấy một làn gió; rồi từ các đầu ngón tay điêu luyện, nàng rút ra một tia trăng sáng lóng lánh” (Trích “Công chúa ếch”), thì Marie-Alice Harel vẫn có thể bày ra khung cảnh cổ tích tuyệt diệu đó trước mắt người đọc. Không chỉ gây ấn tượng với các tiểu tiết, Marie-Alice Harel còn cho thấy khả năng hội họa tài hoa của mình qua những tranh phong cảnh sử dụng ánh sáng và màu sắc thuần thục để lột tả khung cảnh và cảm xúc trong tranh. Những tranh vẽ cảnh màn đêm với nguồn sáng duy nhất là ánh trăng vẫn không khiến tranh của Marie-Alice Harel bớt đi sự chi tiết, bởi ta vẫn thấy được rõ ràng từng cành cây, phiến đá, họa tiết trên trang phục và biểu cảm của nhân vật. Hai cuốn sách này xứng đáng được trẻ em cùng bố mẹ dành ra những giây phút để thưởng thức. 

Crabit Books

Tags: