Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân
Trong những năm gần đây, dữ liệu khoa học cho thấy tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ngày càng tăng. Những trường hợp thoát khỏi “án tử do ung thư” không chỉ còn là may mắn và cá biệt. Mỗi ngày chúng ta vẫn thấy chia sẻ trên truyền thông và mạng xã hội vô số câu chuyện, cảnh đời cảm động của những người đã và đang “sống chung với ung thư”, cách họ can trường vượt qua những thời khắc gian khó với sự hỗ trợ của nhiều “lực lượng”: nhân viên y tế, người thân, tình nguyện viên, và cả chính họ.
Để làm được điều này, việc giúp bệnh nhân và người thân hiểu biết đúng về ung thư, từ đó chủ động tham gia vào quá trình ra quyết định và lên kế hoạch điều trị/chăm sóc cho mình là rất quan trọng. Bệnh nhân/người thân cần được giải thích về lợi ích tiềm năng và tác dụng phụ có thể xảy ra do điều trị một cách rõ ràng bằng ngôn ngữ dễ hiểu vào thời điểm thích hợp, từ đó cùng ra quyết định về phương pháp điều trị phù hợp với quan điểm của mình. Việc tham gia vào quá trình quyết định giúp bệnh nhân/người thân tuân thủ y lệnh tốt hơn, hài lòng và chủ động hơn trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc thảo luận giữa bác sĩ và bệnh nhân vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của đau buồn, sợ hãi, thiếu thời gian và thiếu hiểu biết về ung thư của người thân/người bệnh.
Cuốn sách Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân do TS BS Phạm Nguyên Quý và ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh biên soạn, chỉ với độ dày vừa phải nhưng có thể nói đã bao quát hết những vấn đề cơ bản về ung thư và các phương pháp điều trị/chăm sóc mà người bệnh/người thân cần biết khi đối diện với căn bệnh quái ác này. Ngoài những nội dung quan trọng về chăm sóc giảm nhẹ như cách kiểm soát đau, hỗ trợ tinh thần, vận động và dinh dưỡng trong khi điều trị, cuốn sách còn có những lời khuyên cần thiết về cách ứng phó khi nhận tin xấu, cách thực hành thay đổi lối sống để bệnh nhân thoải mái hơn trong hành trình của mình.
Từ kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm quý báu khi tư vấn cho bệnh nhân/người thân thông qua Tổ chức Y học Cộng đồng nhiều năm qua, các tác giả khẳng định “kiến thức là mạng sống” là hoàn toàn chính xác. Chỉ có hiểu biết đúng đắn thì bệnh nhân và người thân mới có thể đối mặt với ung thư theo cách phù hợp với cuộc sống của mình.
Trong cẩm nang này, các tác giả dẫn dắt người đọc từ ngày đầu nhận chẩn đoán ung thư, suốt quá trình điều trị, và cả những câu chuyện trải nghiệm, lời khuyên của những người sống sót khỏe mạnh… theo đúng nghĩa “đồng hành” nhưng không quên nhấn mạnh đến sự “cá nhân hóa” trong chăm sóc và điều trị. Với cách trình bày và lối hành văn gọn ghẽ, mộc mạc, dễ hiểu nhưng toát lên lòng nhiệt tâm và thấu cảm trước nỗi đau, “sự cô đơn” vô cùng tận của người bệnh ung thư, cuốn sách sẽ là “người bạn” cần thiết cho nhiều người.
Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân để ung thư không còn là “án tử” hay “kẻ thù” đáng sợ, để bệnh nhân có thể bình an sống cùng với nó theo những trải nghiệm riêng biệt, thậm chí có thể giúp cảm nhận cuộc sống “sâu hơn” với những ý nghĩa mới về sự can đảm, hi vọng, niềm vui và niềm tin. Các tác giả chia sẻ mục đích của cẩm nang là “đồng hành cùng bệnh nhân ung thư” để “họ đỡ cô đơn trong cuộc sống qua những lời khuyên hữu ích về ứng phó”, nhưng tôi tin rằng ý nghĩa của cuốn sách còn vượt hơn cả niềm mong đợi chân thành đó. (TS BS Phạm Nguyên Tường, Phó giám đốc Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Trung ương Huế)
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Có lẽ, không có một căn bệnh nào gây ra nỗi ám ảnh cho cả người bệnh, người thân, và người điều trị như căn bệnh ung thư. Đã từ rất lâu rồi, khái niệm “bệnh ung thư” hầu như luôn gắn liền với những gì dễ sợ nhất, đau đớn nhất, khó khăn nhất, bi quan tuyệt vọng nhất… mà một người sống trong trần thế có thể trải qua. Cũng chính cái tâm lý sợ hãi và tuyệt vọng này đã dẫn đến những ứng xử với căn bệnh đôi khi là quá cực đoan, đôi khi là sai lạc, và hậu quả cuối cùng của tất cả những cực đoan sai lệch đó đôi khi là điều xấu nhất với người bệnh Nói đôi khi, là bởi vì bên cạnh những cực đoan và sai lệch đó, nhân loại vẫn đang tiếp tục những bước tiến của mình trong việc cố gắng tìm hiểu và có những biện pháp trị liệu chính xác hơn, hiệu quả hơn cho căn bệnh khó khăn này. Những tiến bộ của khoa học điều trị đã giữ cho hàng triệu người không may mắc phải căn bệnh này được cứu chữa mỗi năm, giúp họ vượt qua, sống sót, và tiếp tục cuộc sống của mình với chất lượng sống tốt nhất có thể.
Việc trị liệu một bệnh lý ung thư hiện nay không còn đơn thuần là phẫu thuật cắt bỏ cơ quan bị ung thư hay là uống một loại thuốc có tác dụng phá hủy khối u nữa, mà đã được mở rộng thành một chương trình trị liệu phối hợp cùng lúc nhiều biện pháp khác nhau cho từng bệnh nhân cụ thể. Một chương trình trị liệu tốt phải vừa đạt được hiệu quả của điều trị, tức là phải tiêu diệt được tế bào ác tính, lại phải vừa duy trì được sức khỏe và tinh thần của người bệnh, tức là người bệnh phải đủ sức vượt qua các khó khăn của trị liệu hay hậu quả từ khối u, lại phải phục hồi sức khỏe nhanh chóng và không chịu các mệt mỏi suy kiệt trong suốt thời gian điều trị.
Vì vậy, bạn có thể thấy một chương trình trị liệu ung thư cần có sự tham gia của rất nhiều chuyên khoa khác nhau như ngoại khoa, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng… và chắc chắn không thể thiếu dinh dưỡng. Dinh dưỡng tốt sẽ cung cấp nguyên liệu để xây dựng, sửa chữa những tế bào của cơ thể đã bị tổn thương do sự tấn công của ung thư hay do trị liệu; dinh dưỡng giúp các tế bào có năng lượng để hoạt động, duy trì sự sống, phục hồi sức khỏe; dinh dưỡng giúp khôi phục các kho dự trữ của cơ thể đã bị hao hụt, cạn kiệt trong suốt thời gian chống chọi với căn bệnh; học về dinh dưỡng và chuẩn bị bữa ăn cho chính mình là một biện pháp trị liệu về tinh thần cho người bệnh ung thư…
Quan trọng là vậy, nhưng trong thực tế tại Việt Nam hiện nay, người bệnh ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng mức, và có không ít những người bệnh tiến triển xấu dần đi khi cơ thể suy mòn đến mức không thể phục hồi. Có nhiều lý do để điều đau lòng đó xảy ra, trong đó có cả việc người bệnh không biết mình cần ăn những thức ăn gì, chọn lựa thức ăn ra sao, chế biến món ăn như thế nào, ăn bao nhiêu là đủ, hay cần phải làm gì để có thể ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng của chính mình khi gặp những tác dụng ngoại ý của việc điều trị làm ăn uống trở nên khó khăn.
Tập sách nhỏ “Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư” này sẽ cung cấp cho người bệnh ung thư những điều căn bản và dễ thực hiện nhất trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho chính mình. Tập sách được soạn thảo công phu từ những người có tâm huyết hỗ trợ cho người bệnh, nên các kiến thức khoa học phức tạp đã được trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu, đồng thời cũng được chú trọng đến phần trình bày để đạt được hiệu quả tốt nhất với màu sắc và hình ảnh minh họa.Xin chân thành cảm ơn những người đã chung tay làm ra tập sách quý này, và kính giới thiệu tập sách đến người đọc, với niềm tin rằng những người bệnh đang nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả trong cuộc hành trình chống chọi với căn bệnh ung thư. (TS BS Đào Thị Yến Phi, Chuyên gia dinh dưỡng, Nguyên Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)