Vẫn còn nhớ trong tác phẩm “Sông” cách đây 8 năm của Nguyễn Ngọc Tư có viết: “Bà già bán khói cũng nói, sống là một thứ bổn phận trời dúi vào tay, cầm thì khổ, không cầm áy náy”. Chỉ như thế đủ để ta thấy chất liệu mà Nguyễn Ngọc Tư lấy để xây đắp cho tác phẩm của mình luôn là thân phận con người, người ta vẫn luôn quen với một Nguyễn Ngọc Tư đưa vào sách những nỗi niềm không có lối thoát, những bờ vực của số phận, con người như một thứ quả chưa sai cũng đã cheo leo giữa đời, và rồi cũng dễ dàng bị cuộc đời này bôi xóa không tăm tích. Với sự trở lại lần này, vẫn là đề tài quen thuộc là thân phận của con người, Nguyễn Ngọc Tư mang đến một tiểu thuyết “Biên Sử Nước”, những thân phận mang dáng hình như nước, thứ nước ta đã từng thấy ở “Sông” mấy năm về trước.
Ở “Biên Sử Nước” thuộc loại tiểu thuyết, ấy vậy mà hình hài như được gọt dũa như một quyển truyện ngắn. Thật khó tin khi thấy một quyển tiểu thuyết chỉ vỏn vẹn 125 trang giấy, những con chữ như bị “ăn” mất, nhưng cũng chính vì vậy mà quyển tiểu thuyết trở nên tinh gọn hết mức, nó vừa đủ và không phô bày quá nhiều kỹ thuật của một người chuyên về con chữ, sự khéo léo đã được thể hiện ở một chiều sâu khác. Nhưng ở Nguyễn Ngọc Tư, kể cả khi cô Tư đem vào trong tác phẩm của mình một chất “đời” thật thô cứng, và đời người thì dài và khó nói hết nhưng chỉ với ngần ấy trang sách cũng đủ lột tả được thân phận con người phải trải qua những dư vị gì. Người ta cũng hay ví nghề văn cứ như là một người thợ mộc, đều là việc với hiện thực, cứng như gỗ, một chất liệu khó bề mà trở thành một người thợ khéo, ấy thế mà, Nguyễn Ngọc Tư cứ nghiễm nhiên trở thành một người thợ kỳ cựu khi xử lí ổn thỏa mọi con chữ mình có.
“Biên Sử Nước”, một cảm giác mênh mang và trường kỳ gợi lên trong tâm trí bất kỳ ai đọc được cái tên ấy. Liệu đây có phải là sự chụp chép bằng tâm hồn của nữ nhà văn về những thân phận bấp bênh như nước. Cũng phải nói thêm là những mảnh đời luôn gắn liền với những mảnh đất, thì trong “Biên Sử Nước” mảnh đất này chính là xứ cù lao bốn bề nước dâng, nơi mà nước là thứ dâng ta lên cũng là thứ nhấn chìm ta xuống, có ai đó ở đây đã tự xưng là Đức Ngài và thần thánh hóa nó, người ta vẫn cứ đồn đại với nhau trái tim Đức Ngài là bài thuốc chữa bách bệnh, kể cả khi mọi thứ đã không còn cách nào cứu vãn, thì những con người nơi đây vẫn tin và hy vọng trái tim Đức Ngài cứu rỗi. Đã không ít người nơi đây rơi xuống cái hố của tuyệt vọng đến nỗi phải tin vào trái tim huyễn hoặc đó và lên đường đi tìm nó, có lẽ đó chính là hy vọng cuối cùng trong đời họ, và rồi chẳng ai biết những người đó đã lấy được trái tim Đức Ngài hay là chưa, cuộc đời họ đã đổi khác chút nào hay chưa, chẳng ai biết. Ta không có bất kỳ câu trả lời nào rõ ràng cho số phận những người đã lên đường đi tìm Đức Ngài cả, nhưng chắc hẳn bản thân người đọc cũng đã có câu trả lời cho mình. Người đi tìm một trái tim huyễn hoặc, cứ đi mà không nghĩ đến việc mình có tìm gặp hay không thì cũng giống như đi theo thanh âm của lời nguyền đã án ngữ lên vận mệnh chính mình.
Ở “Biên Sử Nước” cũng đặt ra cho ta thật nhiều câu hỏi, và cũng không có những câu trả lời rõ ràng. Từ chương đầu tiên của quyển sách “Đã Tới Bên Sông” gợi mở cho ta thấy một miền không gian nào đó vô định, người không rõ danh tính, hoàn cảnh cũng khó để hiểu một cách trọn vẹn: “Ngày hai ngàn không trăm bốn mươi sáu, Đức Ngài chỉ còn mỗi trái tim. Người đàn bà sẽ lấy nó đã tới bên kia sông, tay bồng đứa nhỏ”. Chương đầu tiên chỉ vỏn vẹn như thế, khiến ta băn khoăn rồi phải lật dở từng trang để tự tìm lấy câu trả lời. Thế nhưng khi đến với chương cuối cùng của quyển sách, vỏn vẹn với đề mục “Rời” cùng với những câu từ quen thuộc nhưng cũng khang khác chương đầu tiên một chút: “Ngày hai ngàn không trăm bốn mươi sáu, kẻ tự xưng là Đức Ngày chỉ còn mỗi trái tim. Người đàn bà sẽ lấy nó đang qua sông, tay bồng đứa nhỏ”. Những sự “khang khác” giữa chương đầu và chương cuối cũng không cho ta câu trả lời rõ ràng nào, những băn khoăn ấy vẫn cứ thế tồn tại, “Người đàn bà” là ai? “Đứa nhỏ” là ai? Thay vì một danh từ từ riêng cụ thể đó là ai thì tác giả đã dùng danh từ chung. “Người đàn bà” có thể là bất kỳ người đàn bà nào, “Đứa nhỏ” cũng như thế, vẫn là những mảnh đời khó đoán định, như nước, vẫn lênh đênh chìm nổi, mà nước thì ở khắp mọi nơi. Hay theo một cách hiểu khác, trong thế giới mà Nguyễn Ngọc Tư tạo nên, một con người rất dễ bị bôi xóa khỏi cuộc đời, điều sót lại chỉ còn là những mảnh chuyện rời rạc, thực hư cũng chẳng rõ, không ai nhớ “người đàn bà” hay “đứa nhỏ” là ai cả, chẳng có chút danh tính. Nước trong “Biên Sử Nước” đã không còn là một miền không gian, đó còn là số phận con người, là những suy tư miên man, bồng bềnh vô định của con người, là phận đời trôi nổi, và rồi sẽ có lúc bốc hơi không một tăm tích.
Một lần nữa, phải nhắc lại “Biên Sử Nước” chính là một quyển tiểu thuyết chỉ vỏn vẹn 125 trang giấy, có vẻ nó mỏng hơn một cuốn tiểu thuyết thông thường ta thường hay thấy. Nhưng đổi lại, ở “Biên Sử Nước” chính là sức nặng và độ dày trong nhiều tầng nghĩa của nội dung và con chữ, nó chất chứa những bi kịch nhỏ nhoi, những khao khát thầm vụn, những mẩu đời sống bên lề, lẩn khuất, những tiếng nói rì rào dần dồn nén. Dẫu thế, quyển sách tiểu thuyết này lại như một quyển ghi chép lại những biến cố của một miền đất mênh mông nước nổi, ghi chép về những người đã tồn tại nơi đó mang trên mình vận mệnh khó bề xoay trở. Vốn dĩ, cái gọi là trái tim Đức Ngài có thể cứu rỗi mọi thứ đó chỉ là trái tim của sự lừa lọc, dối trá.
Trúc Vy