Nếu đối chiếu với nhận xét trên của nhà văn Lưu Chấn Vân, cuốn sách “Người mẹ tốt hơn là người thấy tốt” của tác giả Trung Quốc Doãn Kiến Lợi đã làm được điều mà chưa cuốn sách nào chạm tới. Trong vòng 7 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 2009, 10 triệu bản của cuốn sách này đã được độc giả đón mua và truyền tay nhau. Đây quả thực là mức doanh số khổng lồ mà nhà sách nào cũng ao ước. Điều đáng nói hơn nằm ở chỗ, những người săn tìm cuốn sách không chỉ là các ông bố, bà mẹ trẻ mà còn có rất nhiều người thuộc tất cả các lứa tuổi, trình độ văn hoá và nghề nghiệp khác nhau.
Lý do tạo nên sức hút của cuốn sách có lẽ là độc giả tìm thấy ở đây sự sâu sắc về tư duy và lối diễn đạt gần gũi, dễ hiểu. Tận dụng lợi thế vừa là một chuyên gia giáo dục vừa là một bà mẹ, Thạc sĩ Doãn Kiến Lợi luôn bắt đầu vấn đề từ vai trò một người mẹ nhưng sau đó lại dùng kiến thức và thái độ của chuyên gia để nhìn nhận và phân tích.
Với cách tiếp cận như vậy cùng giọng văn mạch lạc, độc giả cảm thấy những gì Doãn Kiến Lợi chia sẻ thật dễ đọc, dễ hiểu, không còn cảm giác bối rối trước những lời rao giảng giáo dục nông cạn và giả dối, hoặc mệt mỏi với những lời nói sáo rỗng mà những cuốn sách trước đó đã mang lại.
Ưu điểm nổi bật nhất của cuốn sách là vừa có lý luận, vừa có ví dụ, dễ áp dụng vào thực tiễn, không như nhiều cuốn sách về giáo dục trẻ em chỉ đưa ra lý luận, đọc xong độc giả không biết nên bắt đầu từ đâu, nên áp dụng thế nào. Và thật tự nhiên, sau khi gấp cuốn sách lại, người đọc nhận ra những triết lý khiến họ phải khắc cốt ghi tâm.
Trong cuốn sách này, tác giả đề cập đến rất nhiều tình huống mà trẻ gặp phải trong quá trình trưởng thành. Một trong các vấn đề đó là những lần trẻ nói dối bố mẹ.
Về bản tính, trẻ con không biết nói dối. Nếu không vì một nguyên nhân nào đó, trẻ sẽ không bao giờ nói dối để tự làm khó mình. Có thể dễ dàng nhận ra, trẻ mắc tật nói dối vì hai lý do. Một là bắt chước người lớn và hai là buộc phải làm do chịu sức ép.
Trong đời sống hàng ngày, để dỗ dành con, bố mẹ thường hay dùng một số lời nói dối để gạt con; hoặc bố mẹ thường xuyên nói dối người khác, bị trẻ nghe thấy và trẻ dần học được cách nói dối.
"Không nói dối" là căn cứ cơ bản để con người được sống hạnh phúc, một người nói dối thành thần, kể cả có dựa vào tiêu chuẩn độ khéo, anh ta có "thành công" thế nào, nhưng thực chất anh ta cũng không phải là người hạnh phúc, bởi đạo đức của anh ta thực sự rỗng tuếch.
Bên cạnh đó, khi bố mẹ quá nghiêm khắc, thậm chí la mắng, không quan tâm đến suy nghĩ của trẻ, trẻ sẽ luôn cảm thấy căng thẳng. Và như một lẽ tự nhiên, để thoát khỏi các hình thức trừng phạt, trẻ đã tìm đến những lời nói dối.
Nhằm minh hoạ rõ nét hơn cho những sai lầm mà nhiều ông bố, bà mẹ mắc phải khi phát hiện con mình không thật thà, tác giả đã nêu ví dụ về một bà mẹ bỏ ra hơn 1.000 nhân dân tệ để mua cho con gái yêu của mình một cuốn từ điển điện tử màn hình màu và dặn dò con phải giữ cẩn thận, không được để mất. Tuy vậy, chỉ sau một tháng, cô bé vẫn “chứng nào tật ấy”, đánh mất cuốn từ điển đắt tiền và chẳng hề nói chuyện này với bố mẹ. Sau đó, cô bé đã viện ra nhiều lý do để giải thích với mẹ mình vì sao cô không mang cuốn từ điển đó về nhà. Chỉ khi mẹ cô đến tận trường học, cô mới khóc lóc và thừa nhận đã làm mất cuốn từ điển. Người mẹ tỏ ra vô cùng bực bội và không thể tha thứ cho sự dối trá của con mình
Phân tích về câu chuyện này, tác giả Doãn Kiến Lợi cho rằng, những biểu hiện của cô bé có lẽ không phải là nói dối mà chỉ là muốn che giấu một sự việc. Người mẹ chỉ nhìn thấy cái sai bất cẩn làm mất đồ của con mà không tinh tế nhận ra sự giày vò, cảm giác bất an mà con phải chịu đựng khi liên tục phải nói dối. Trong trường hợp của cô bé này, em đã không tìm đến sự giúp đỡ của bố mẹ để giải quyết rủi ro mình gặp phải mà lại tìm hết cớ này đến cớ khác để trì hoãn việc nói ra sự thật. Đó chính là bởi cô bé không coi bố mẹ là người chia sẻ sự mất mát với mình. Phản ứng này của con trẻ chắc chắn xuất phát từ những lần bị bố mẹ phê bình nghiêm khắc trong quá khứ.
Người lớn đôi khi tiện lời trách mắng con mình vài câu giống như nói chuyện bình thường. Tuy nhiên, trẻ con lại không nghĩ như vậy. Các em rất coi trọng thể diện và vì vậy, những lời nói mà người lớn tưởng là vô hại ấy đã để lại những trải nghiệm tinh thần vô cùng tiêu cực cho con trẻ.
Vì vậy, trên thực tế, trong quá trình trưởng thành, trẻ bắt buộc sẽ phạm phải sai lầm và bố mẹ cần chấp nhận những lỗi sai này. Muốn giúp trẻ nhận thức và sửa chữa lỗi lầm, “không nói” thường là “lời nói tốt nhất”. Khi mắc lỗi, trẻ thường rất buồn nhưng nếu bố mẹ tỏ ra thấu hiểu thì việc này sẽ giúp đứa trẻ dễ dàng ghi nhớ bài học và không tái phạm.
Được biết, cô con gái Viên Viên của tác giả Doãn Kiến Lợi là một học sinh xuất sắc. Em đã thi đỗ đại học với thành tích rất cao, vượt 20 điểm so với chuẩn vào Đại học Thanh Hoa nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục. Về mặt đạo đức, cô bé cũng tỏ ra chín chắn, tự chủ, nhiệt tình giúp đỡ mọi người hơn hẳn so với các bạn cùng trang lứa. Đến đây, hẳn bạn đã nhận ra, sự xuất sắc của một đứa trẻ đều có ngọn nguồn. Nếu như cuốn sách có thể khiến các bậc phụ huynh và thầy cô nhận thấy cần tận tâm với trẻ như thế nào, dạy dỗ trẻ ra sao, vậy thì cuốn sách đã làm được một chuyện vô cùng hữu ích.
Minh Phương