“... tôi rất băn khoăn về việc mình muốn làm gì trong đời. Tôi muốn trở thành con người như thế nào? Tôi muốn đóng góp gì cho thế giới?”
Đó là những lí do mà Đệ nhất Phu nhân Mỹ - Michelle Obama đã bắt đầu viết cuốn nhật ký của mình.
Trong một cuộc sống đầy ý nghĩa, Michelle Obama đã trở thành một người phụ nữ mang tính biểu tượng và hấp dẫn nhất trong thời đại của chúng ta. Là người Mỹ gốc Phi đầu tiên đảm nhiệm vai trò Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ, người đã giúp Nhà Trắng thân thiện và hòa nhập nhất trong lịch sử; là người ủng hộ cho quyền phụ nữ và trẻ em ở Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới; người thay đổi đáng kể cách các gia đình theo đuổi cuộc sống lành mạnh và năng động hơn; người luôn sát cánh cùng chồng mình trong mọi khoảnh khắc, đặc biệt là khi ông dẫn dắt nước Mỹ đi qua những thời kỳ khó khăn nhất.
Trong cuốn hồi ký của mình, Michelle Obama “mời” độc giả vào thế giới của mình, nơi bà ghi lại những trải nghiệm đã định hình con người bà; từ những ngày ấu thơ ở South Side Chicago, đến những năm tháng trở thành một luật sư, một người mẹ và Đệ Nhất Phu Nhân trong vòng 8 năm.
Michelle Obama đã mô tả những chiến thắng, những nỗi thất vọng, công khai những sự riêng tư, kể câu chuyện của đời mình với sự trung thực và dí dỏm. Ấm áp, khôn ngoan, truyền cảm hứng là những gì làm nên “Chất Michelle”.
“Có thể tôi đã có một số thành công trong cuộc sống của mình, nhưng tôi vẫn cảm thấy sự bối rối từ khi tôi viết sai chính tả trước lớp khi tôi đi học mẫu giáo. Tôi vẫn còn nhớ những nghi ngờ mà tôi có về bản thân, khi tôi là một sinh viên thuộc phần thiểu số, thuộc tầng lớp lao động trong một khuôn viên đại học giàu có và chủ yếu là người da trắng.
Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có những lúc như vậy. Tôi muốn nói với bạn rằng những ý nghĩ ấy không biến mất ngay cả khi bạn đang nói chuyện giữa đám đông hay khi gặp Nữ hoàng Anh.
Điều bạn cần làm là già đi và sống với những nghi ngờ đó, nhưng bạn biết rằng chúng không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Nó không làm cho cảm xúc trở nên dễ dàng hơn, nhưng nghi ngờ bản thân cũng sẽ có ích nếu ta không cho phép chúng lấn át mình.”
Từ khi còn nhỏ, Michelle đã có những ý tưởng mơ hồ về việc làm thế nào để cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn. Từ việc ghen tị khi gia đình bạn có nhà riêng, còn nhà mình thì không, mong rằng nhà mình có thể mua một chiếc xe ngon lành hơn, hay có nhiều vòng tay, búp bê Barbie, quần áo tại trung tâm mua sắm… Và nhận ra rằng: “Hồi nhỏ ta học cách đo đếm từ rất lâu trước khi hiểu đúng tầm vóc hay giá trị của một điều gì đó. Sau này, nếu đủ may mắn, ta sẽ biết được rằng mình đã đánh giá sai rất nhiều việc.”
Rồi đến khi trở thành Đệ nhất Phu nhân, Michelle đã nói rõ rằng: “Tôi không muốn trở thành một món trang trí đỏm dáng xuất hiện tại các bữa tiệc và lễ khánh thành. Tôi muốn làm những việc có mục đích và có giá trị bền vững.”
Với cuốn hồi ký của mình, Michelle Obama hi vọng tạo ra thứ gì đó có thể hữu ích cho người khác, để mang đến cho họ thứ gì đó mà họ có thể sử dụng trong cuộc sống. Vì vậy, bà tập trung vào việc kể câu chuyện của mình một cách trung thực nhất có thể. Mục đích của bà không phải là ghi điểm trong mắt người khác, không viết nên một vở kịch chính trị; mà chỉ là chia sẻ trải nghiệm của một cô gái da màu thuộc tầng lớp lao động lớn lên ở phía nam Chicago, người trở thành Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ. Đó là tất cả con người bà, ngay trên những trang giấy.
Michelle mong rằng nếu bà có thể chia sẻ câu chuyện của mình, với tất cả những thăng trầm trong đó, thì người khác cũng có thể có can đảm để chia sẻ câu chuyện của họ.
Michelle luôn lắng nghe chính mình và những gì bà thực sự muốn làm là giúp đỡ mọi người. Chính vì thế, bà đã bắt đầu sự nghiệp dịch vụ công cộng. Đã có lúc Michelle mắc kẹt trong suy nghĩ hãy hành động theo mong đợi của người khác. Nhưng bà luôn lắng nghe chính mình và tìm ra điều mình muốn làm là giúp đỡ mọi người. Vì thế, bà đã bắt đầu sự nghiệp dịch vụ công cộng.
“Nếu tôi học được một điều nào đó trong cuộc sống, thì đó chính là sức mạnh khi ta sử dụng tiếng nói của chính mình. Tôi nỗ lực hết sức để nói lên sự thật và soi sáng câu chuyện của những con người thường bị gạt sang một bên lề.”
Là Đệ nhất Phu nhân Mỹ gốc Phi đầu tiên đặt chân vào Nhà Trắng, Michelle gần như được mặc đình là “khác” trong mắt mọi người. Nếu có sứ mệnh nào đó được dành sẵn cho những vị phu nhân tiền nhiệm người da trắng, Michelle biết trường hợp của mình sẽ khác. Bà cũng từng có cảm giác háo hức và cảm thấy nhỏ bé khi nhận lấy danh xưng "đệ nhất phu nhân", nhưng chưa một lần nghĩ đó là một vị trí dễ dàng và hấp dẫn. “Không một ai nghĩ như vậy khi họ có chữ ‘đầu tiên’ và ‘da đen’ gắn liền với mình”.
Có thể nói bà là một vị Đệ nhất Phu nhân luôn đi ngược truyền thống. Bà không muốn tự đặt mình vào một vai thụ động và chờ đợi đội ngũ của tổng thống chỉ đạo.
Với Michelle, không có cẩm nang nào hướng dẫn làm đệ nhất phu nhân Mỹ. Trên thực tế, đó còn chẳng phải là một công việc hay một chức danh chính thức trong văn phòng chính phủ. Đệ nhất Phu nhân Mỹ không hề được trả lương và cũng không có bổn phận rõ ràng nào cả. Nó chỉ là một chỗ ngồi phụ bên cạnh chiếc ghế tổng thống, một chỗ ngồi mà đến lúc bà nhận lấy thì từng có hơn 40 phụ nữ khác từng ngồi, mỗi người một kiểu.
Michelle thừa nhận bà không thích chính trị. Ở tuổi ngoài 40, Michelle Obama chọn gác lại sự nghiệp đang thăng tiến để chấp nhận đứng sau hỗ trợ cho người đàn ông đời mình. Ít ai biết, đằng sau quyết định hy sinh ấy là nỗi buồn xen lẫn những giọt nước mắt: “Tôi từng bị mỉa mai và đe dọa quá nhiều lần, bị chèn ép vì là người da đen, là phụ nữ và vì là người dám lên tiếng. Tôi cảm nhận được sự giễu cợt nhằm vào cơ thể mình, về khoảng không gian tồn tại hữu hình của tôi trên thế giới này.”
Đến tận bây giờ, Michelle Obama vẫn chưa bao giờ là người thích chính trị và những gì bà nếm trải trong suốt mười năm qua chẳng làm suy chuyển quan điểm này của bà. Dù vậy, bà vẫn tin rằng ở góc độ tốt đẹp nhất, chính trị có thể là phương tiện để tạo ra nhiều sự thay đổi tích cực, mà bản thân bà là minh chứng rõ ràng nhất.
Bà cho rằng mình là một con người bình thường được tham gia vào một hành trình phi thường. “Mục tiêu không phải là trở nên hoàn hảo. Mục tiêu không phải là cuối cùng ta sẽ đi đến đâu. Sức mạnh nằm trong việc ta để cho bản thân được người khác biết tới và lắng nghe, trong việc sở hữu câu chuyện của riêng mình, trong việc sử dụng tiếng nói chỉ riêng mình có. Và sẽ tốt đẹp biết bao nếu chúng ta sẵn lòng tìm hiểu và lắng nghe người khác. Đối với tôi, đây chính là cách chúng ta trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của mình.”
#DD
Trạm Đọc - Readstation