Ngay từ khi thành lập Công ty sách Thái Hà cách đây 15 năm, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã ấp ủ xây dựng một không gian trưng bày sách cổ, hiếm và bản đặc biệt từ thế kỷ 16-18 của Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới.
Trong suốt thời gian học tập và công tác tại gần 50 quốc gia, ông sưu tập được nhiều đầu sách quý. Ban đầu, ông cất giữ chúng ở nhà riêng. Sau này, khi số lượng sách lớn dần, ông mang một phần đến trưng bày tại phòng làm việc ở cơ quan.
Tuy nhiên, số người biết đến và được chiêm ngưỡng rất ít. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng thành lập một bảo tàng, lấy tên là “Sách và văn hóa đọc” với mong muốn ngày càng có nhiều người tiếp cận khối tri thức của nhân loại.
Nhắc đến bảo tàng, người ta nghĩ ngay tới không gian lưu trữ đồ cổ, kỷ niệm giúp hiểu thêm về lịch sử, chiến tích hay bước ngoặt của thế hệ đi trước. Những năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện một số bảo tàng tư nhân về các lĩnh vực khác nhau.
Trên tinh thần đó, CEO Thái Hà Books thành lập Bảo tàng Sách và văn hóa đọc với mục đích lưu giữ giá trị của ngành xuất bản, in ấn và chữ viết. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên của ngành sách trong nước.
Nhân lễ phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam” ngày 22/2, bảo tàng chính thức mở cửa đón bạn đọc yêu sách đầu tiên đến tham quan.
Tại đây, hàng trăm ấn bản cổ, có chất liệu đặc biệt được trưng bày khắp 3 tầng của trụ sở Thái Hà Books Tower (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Người xem có thể tận mắt chứng kiến và hiểu về lịch sử chữ viết (Hán, Nôm, Quốc ngữ), ngôn ngữ trên thế giới, cũng như lịch sử ngành in và xuất bản. Có những cuốn sách được xuất bản từ những năm 1560 và các năm sau này bằng nhiều thứ tiếng.
Bên cạnh đó, không gian này còn lưu giữ những phiên bản đặc biệt bằng đủ chất liệu như hộp gỗ, sơn mài, thêu, lụa, trúc chỉ… do chính Thái Hà Books triển khai in ấn từ nhiều năm nay.
Đặc biệt, bạn đọc sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bức thư pháp, tâm tư pháp bằng tiếng Việt. Thêm vào đó là những văn bản viết trên lá buông, lá bối từ thời xa xưa. Sách gồm rất nhiều con chữ và thông qua bảo tàng này, ông mong muốn giới thiệu cách “chơi” từng con chữ tới bạn đọc.
“Tôi rất bất ngờ vì được nhiều người ủng hộ. Lãnh đạo Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt (Đức) và một số nước trên thế giới nói sẽ gửi sách và hiện vật cho bảo tàng. Để mở rộng quy mô, tôi sẽ nhận sách quý từ các nơi gửi tặng và trưng bày ở đây. Tôi tin bảo tàng sẽ được nhân rộng theo thời gian và sự đóng góp của các cá nhân, tập thể đang sở hữu những ấn phẩm có giá trị”, ông Hùng bày tỏ.
Trao đổi tại tọa đàm trực tuyến “Khuyến đọc tại các nước ASEAN”, bà Catherine Khoo - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Singapore, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Sách Singapore - đánh giá cao ý tưởng thành lập Bảo tàng Sách và văn hóa đọc.
“Tôi muốn đại diện cho giới xuất bản Singapore gửi tặng các bạn một số ấn phẩm để góp phần trưng bày tại bảo tàng. Đó là những cuốn sách được làm từ chất liệu đặc biệt, quý hiếm ở Singapore”, bà Catherine Khoo nói.
CEO Thái Hà Books cũng thông tin Bảo tàng Sách và văn hóa đọc mở cửa miễn phí cho mọi đối tượng. Sau khi xây dựng xong trụ sở thứ hai của Thái Hà Books ở TP.HCM, bảo tàng sẽ được mở rộng hơn, có thêm 3 tầng để trưng bày sách quý, đặc biệt là những tác phẩm về lịch sử ngành xuất bản.
Là người làm công tác xuất bản và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nhiều năm nay, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng đây là nỗ lực đáng ghi nhận, góp phần tác động đến nhận thức, sự quan tâm sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.
“Nỗ lực này được thể hiện bằng hiện vật, hoạt động của bảo tàng và công tác truyền thông để lan tỏa tình yêu sách; từ đó, gieo vào lòng người dân những nhận thức đẹp về sách để họ ý thức hơn nữa trong việc tìm kiếm, lưu giữ sách”, ông Lê Hoàng nhận định.
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng tin tưởng rằng với không gian này, giới trẻ sẽ dần hình thành tình yêu, thói quen đọc sách. Cùng đó, hoạt động như xây dựng tủ sách, thư viện, mô hình cà phê sách… sẽ tạo nên không gian khuyến đọc cho cộng đồng.
Với hàng trăm ấn bản đang được trưng bày, Bảo tàng Sách và văn hóa đọc trở thành địa điểm mới cho độc giả, nhà nghiên cứu đến tham quan, tìm hiểu.
Ông Hùng cho rằng muốn một quốc gia phát triển, người dân đất nước đó phải đọc sách. Do đó, khi thành lập bảo tàng này, mục đích chính của ông vẫn là khuyến đọc. Ông tin nhiều người đang cất giữ những tư liệu quý hoặc hiện vật liên quan sách và văn hóa đọc sẽ đóng góp cho bảo tàng để phục vụ bạn đọc, lan tỏa sâu rộng hơn nữa tình yêu sách đến người dân cả nước.
Theo CEO Thái Hà Books, nhiệm vụ khuyến đọc càng trở nên lớn lao hơn khi giới xuất bản Việt Nam đang nắm giữ chức Chủ tịch Hội Xuất bản ASEAN. Có nhiều hoạt động có thể khuyến khích tinh thần đọc sách: ATM sách, tặng tủ sách, thi đọc sách... và bảo tàng này cũng nằm trong số đó.
“Để Bảo tàng Sách và văn hóa đọc phát triển dài lâu, chúng tôi mong nhận được các đóng góp, ý kiến của bạn đọc cũng như người dân trên cả nước, đưa văn hóa đọc ngày càng phát triển và tạo nên bước đột phá trong thời gian tới”, ông Hùng nói thêm.
Theo Zing News