Bản ngã thực sự là gì và cách nhận diện nó trong mỗi hành trình của bạn
Bản ngã thực sự là gì và cách nhận diện nó trong mỗi hành trình của bạn
Dù bạn đang ở đâu và làm gì thì kẻ thù tồi tệ nhất vẫn đang tồn tại trong bạn: cái tôi của bạn.
Vượt Qua Bản Ngã
(10 lượt)

Có thể bạn còn trẻ và tràn đầy hoài bão. Có thể bạn còn trẻ và đang đấu tranh. Có thể bạn vừa kiếm được vài triệu đô đầu tiên, ký kết thành công hợp đồng đầu tiên, gia nhập một tập đoàn hàng đầu nào đó, hoặc có thể bạn đã kiếm đủ tiền để sống dư dả đến cuối đời. Có thể bạn thấy choáng ngợp trước cảm giác trống trải khi đứng trên đỉnh vinh quang. Có thể bạn phải gánh vác nhiệm vụ giúp đỡ những người khác qua cơn khủng hoảng. Có thể bạn vừa bị đuổi việc. Có thể bạn vừa rơi tuột xuống đáy. 

Dù bạn đang ở đâu và làm gì thì kẻ thù tồi tệ nhất vẫn đang tồn tại trong bạn: cái tôi của bạn. 

Bạn nghĩ rằng “Không phải tôi”, “Chưa từng có ai nói tôi là kẻ ích kỷ”. Có thể bạn luôn cho rằng bản thân mình là một người biết cân bằng cuộc sống. Nhưng với những người có tham vọng, tài năng, nghị lực và tiềm năng, bản ngã luôn song hành cùng giới hạn. Dù là nhà tư tưởng, người lao động, kẻ sáng tạo hay các doanh nhân, thứ khiến chúng ta kỳ vọng nhiều nhất lại chính là thứ tấn công vào góc tối tâm hồn chúng ta.

Cuốn sách này nói về bản ngã, nhưng không phải theo học thuyết của Freud. Freud thích lý giải bản ngã theo phép loại suy – bản ngã của chúng ta là người cưỡi trên lưng ngựa, con ngựa tượng trưng cho hành động vô thức mà bản ngã đang cố điều khiển. Mặt khác, các nhà tâm lý học hiện đại lại dùng từ “kẻ ái kỷ” để chỉ những người quá coi trọng bản thân và coi thường kẻ khác. Tất cả những điều này đều đúng, nhưng ít có giá trị thực tiễn.

Bản ngã mà chúng ta thấy thường được giải thích bằng một định nghĩa dễ hiểu hơn: bản ngã là niềm tin mù quáng vào tầm quan trọng của bản thân. Đó là định nghĩa mà tôi sẽ dùng trong cuốn sách này. Nó là một đứa trẻ nóng nảy tồn tại trong mỗi người, là kẻ sống bất chấp theo cách mình muốn. Nhu cầu được tốt hơn, có nhiều hơn, được công nhận vượt qua mọi lợi ích hợp lý – đó là bản ngã. Đó là cảm giác vượt trội và chắc chắn vượt xa mọi ranh giới của sự tự tin và tài năng.

Đó là khi ý niệm về bản thân và thế giới phát triển mạnh tới mức bắt đầu bóp méo thực tại quanh ta. Theo lý giải của huấn luyện viên bóng bầu dục Bill Walsh, đó là khi mà “lòng tự tôn vào chính mình trở thành ngạo mạn, sự quyết đoán trở thành ngoan cố và tự tin trở thành phóng túng bất cần”. Đó chính là bản ngã, và như nhà văn Cyril Connolly từng cảnh báo, nó là “thứ kéo chúng ta xuống như lực hấp dẫn”. 

Như vậy, bản ngã là kẻ thù của những điều bạn muốn và những gì bạn có. Của việc làm chủ một ngón nghề. Của cái nhìn soi tỏ thực tế. Của sự hòa đồng với người khác. Của việc xây dựng lòng trung thành và tương trợ. Của tuổi thọ. Của việc gìn giữ và phát huy thành công. Bản ngã đẩy lùi những thuận lợi và cơ hội. Bản ngã là thỏi nam châm thu hút những rắc rối và mâu thuẫn.

Đại đa số chúng ta đều không phải là “người ích kỷ”, nhưng bản ngã luôn có mặt trong gốc rễ của hầu hết mọi khó khăn và chướng ngại tiềm ẩn, từ lý do tại sao chúng ta không thể thắng đến lý do tại sao chúng ta luôn phải thắng và thắng bằng mọi giá. Từ lý do chúng ta không có thứ mình muốn cho tới lý do tại sao việc sở hữu nó chẳng khiến chúng ta vui hơn.

Chúng ta ít khi nhìn nhận theo cách này. Chúng ta thường vin vào thứ gì đó (thường là người khác) để đổ lỗi cho tất cả những rắc rối của mình. Như nhà thơ Lucretius đã nói cách đây vài nghìn năm, chúng ta là “kẻ bệnh hoạn ngờ nghệch, không hiểu rõ căn nguyên bệnh tình của mình”.

Với mọi tham vọng và mục tiêu đã có – dù lớn hay nhỏ – bản ngã vẫn luôn ngấm ngầm phá hoại chúng ta trên chính chặng đường mà chúng ta đặt cược tất cả để theo đuổi.

Ảnh minh họa (Steal The Look, via Pinterest)

Giám đốc điều hành tiên phong Harold Geneen đã so sánh tính vị kỷ với chứng nghiện rượu: “Kẻ vị kỷ không đi loạng choạng, không đá văng mọi thứ tứ tung. Anh ta không lắp bắp, cũng không nói lẩn thẩn. Không hề. Thay vào đó, anh ta trở nên ngày càng kiêu ngạo hơn, và một số người không biết điều gì ẩn sau thái độ đó, đã ngộ nhận cái ngạo mạn của mình là sức mạnh và sự tự tin.” Nói cách khác, họ bắt đầu ngộ nhận về chính mình. Họ không nhận ra căn bệnh mình bị nhiễm hay sự thật là họ đang tự kết liễu mình với bản ngã.

Nếu bản ngã là tiếng nói bảo với chúng ta rằng ta tốt hơn chính mình, ta có thể nói bản ngã đó đang cản trở thành công thực sự bằng cách ngăn chặn sự kết nối trực tiếp và thành thực với thế giới xung quanh ta. Một trong số các thành viên đầu tiên của Nhóm Nghiện rượu Ẩn danh (Alcoholics Anonymous) định nghĩa bản ngã là “một sự chia rẽ có ý thức khỏi”. Khỏi cái gì? Mọi thứ.

Sự chia rẽ này thể hiện theo vô số chiều hướng tiêu cực: chúng ta không thể làm việc với người khác khi dựng nên những bức tường chắn. Chúng ta không thể cải thiện thế giới nếu không hiểu gì về nó cũng như chính mình. Chúng ta không thể tiếp nhận phản hồi nếu ta không thể hoặc không buồn nghe những ý kiến bên ngoài. Chúng ta không thể nhận diện cơ hội – hoặc tạo ra cơ hội – nếu không nhìn thấy điều đang hiện hữu trước mặt, thay vào đó sống trong ảo mộng của chính mình. Nếu không định lượng chính xác năng lực bản thân so với người khác, thứ chúng ta có chỉ là ảo tưởng thay vì tự tin. Làm sao chúng ta có thể theo kịp, thúc đẩy, hay lãnh đạo người khác nếu không thể thấu hiểu những nhu cầu của họ – vì chúng ta đã đánh mất kết nối với chính mình?

Nghệ sĩ trình diễn Marina Abramovic từng thẳng thắn chia sẻ: “Khi bạn bắt đầu tin vào sự vĩ đại của bản thân, đó là lúc sự sáng tạo của bạn đã chết.” Dù mọi thứ về bản ngã đều trở nên tiêu cực, có một thứ mà nó có thể mang lại, đó là sự an ủi. Theo đuổi công việc vĩ mô – dù về thể thao, nghệ thuật hay kinh doanh — đều thật khủng khiếp. Bản ngã sẽ xoa dịu nỗi sợ hãi đó. Nó là lời an ủi với nỗi bất an. Thay thế cho phần nhận thức và lý trí trong tâm hồn ta bằng sự phẫn nộ và tự thích nghi, bản ngã nói với ta điều ta muốn nghe, vào thời điểm mà ta muốn nghe. 

Nhưng đó chỉ là một sự xoa dịu tạm thời đi cùng hệ quả dài hạn.

 

Bản ngã luôn có mặt ở đó. Nó ngày càng táo bạo hơn.

Nền văn hóa của chúng ta đang thổi bùng ngọn lửa bản ngã hơn bao giờ hết. Không gì dễ dàng hơn việc tự nói - tự thổi phồng bản thân. Chúng ta có thể khoác lác về mục tiêu kiếm được hàng triệu đô-la với những người theo dõi và âm mộ ta - những điều tưởng chỉ có ở các ngôi sao nhạc rock hay các lãnh đạo giáo phái. Chúng ta có thể theo dõi và tương tác với thần tượng của mình trên Twitter, có thể đọc sách, lướt mạng và xem các bài nói chuyện TED Talk, uống cạn từng dòng cảm hứng như chưa từng được uống (có hẳn một ứng dụng cho nó). Chúng ta có thể tự xưng là giám đốc điều hành của một công ty chỉ-tồn-tại-trên-giấy-tờ. Chúng ta có thể công bố tin tức trên các phương tiện xã hội và nhận những lời chúc tụng. Chúng ta có thể xuất bản những bài báo về chính mình trên các kênh truyền thông từng là nguồn báo chí khách quan. 

Một số người làm việc này thường xuyên hơn những người khác, nhưng đó chỉ là vấn đề về cấp độ. 

Ảnh minh họa (myfairynuffstuff.tumblr.com)

Không chỉ dừng lại ở mặt công nghệ, chúng ta còn được nhắc nhở rằng phải tin vào sự khác biệt của bản thân. Chúng ta được khuyên bảo rằng phải nghĩ lớn, sống vĩ đại và “có lòng can đảm phi thường”. Chúng ta nghĩ rằng thành công đòi hỏi một tầm nhìn táo bạo hoặc một kế hoạch càn quét nào đó - sau tất cả đó là thứ mà những nhà sáng lập công ty này hoặc đội vô địch kia phải có (Nhưng liệu họ có không? Thực sự có không?). Chúng ta thấy dáng điệu của những kẻ nghênh ngang đón nhận hiểm nguy và những người thành công trên các phương tiện truyền thông, rồi háo hức chờ đợi thành công của chính mình, cố gắng chuẩn bị thái độ và điệu bộ đúng mực cho bản thân. 

Chúng ta dự cảm mối quan hệ nhân quả không tồn tại. Chúng ta nghĩ rằng dấu hiệu thành công cũng giống như thành công thật - và với sự ngây thơ của mình, chúng ta nhầm lẫn hệ lụy với nguyên nhân. 

Chắc chắn bản ngã đóng một vai trò nào đó. Nhiều nhân vật lịch sử lừng danh nổi tiếng là tự cao tự đại. Song cũng có nhiều thất bại thảm hại bắt nguồn từ sự tự cao đó. Thực tế là rất nhiều. Nhưng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thôi thúc chúng ta thử vận may. Khi đặt cược, hãy lờ số tiền đi.

Bạn ở đâu, bản ngã ở đó. 

Trong bất cứ thời điểm nào của cuộc sống, bất kỳ ai cũng thấy mình ở một trong ba giai đoạn. Chúng ta khao khát một thứ gì đó - cố gắng tạo một điểm nhấn trong vũ trụ. Chúng ta gặt hái thành công - dù ít hay nhiều. Hoặc thứ ba, chúng ta thất bại - vài lần hay liên tiếp. Đại đa số chúng ta đều nằm trong ba giai đoạn này theo một dòng chảy - chúng ta khát khao cho tới khi thành công, chúng ta thành công cho tới khi thất bại hay tới khi chúng ta thấy háo hức với một thứ gì đó khác, rồi chúng ta thất bại và lại một lần nữa, chúng ta lại bắt đầu khát vọng hay gặt hái thành công.

Bản ngã là kẻ thù trên mỗi bước đi của chặng đường này. 

  • Trong giai đoạn khát vọng, bản ngã khiến chúng ta ảo tưởng và ngăn chúng ta tiếp nhận phản hồi, thứ không thể thiếu để phát triển và trưởng thành. 
  • Trong giai đoạn thành công, bản ngã đe dọa thứ mà chúng ta vừa gây dựng nên. Bản ngã nhồi nhét vào đầu óc chúng ta sự phân tâm, tự tin lệch lạc và tham danh hám lợi, khiến chúng ta lơ là nền tảng và hao mòn sức lực. 
  • Trong giai đoạn thất bại, bản ngã khiến chúng ta mất khả năng học hỏi từ sai lầm và từ việc nhìn nhận khách quan hành động của mình. 

Một mặt, bản ngã là kẻ thù của việc kiến tạo, duy trì và hồi phục. Khi mọi việc đến một cách nhanh chóng và dễ dàng, nó không đáng ngại. Nhưng khi thời thế đổi thay, khó khăn ập đến… 

Mặt khác, chúng ta thấy rằng sự khiêm tốn và tinh thần tự giác chính là thứ chúng ta cần ở bất kỳ giai đoạn nào. 

  • Ở giai đoạn khát khao, chúng ta muốn sống thật hoài bão nhưng vẫn thực tế. Sự sáng tạo và trưởng thành có thể đến từ tinh thần sẵn sàng học hỏi và thực hành các đức tính nhẫn nại cũng như siêng năng. 
  • Trong giai đoạn thành công, chúng ta có thể thấy biết ơn và giữ kết nối với mục đích cũng như những thứ xung quanh mình. Chúng ta cần duy trì sự cởi mở và tinh thần sẵn sàng học hỏi – bền bỉ tập trung và kiềm chế sự thôi thúc vượt quá sức mình.
  • Ở giai đoạn thất bại, chúng ta biết tự suy nghĩ và chỉ tạm thời bị tác động bởi ngoại cảnh. Chúng ta có thể tách biệt đặc tính của mình khỏi những sai lầm và tìm thấy khả năng phục hồi để vượt qua thất bại. "

Đó là vòng tròn vô hạn của ba giai đoạn khát vọng, thành công và thất bại cũng như vai trò mà bản ngã đóng góp trong từng giai đoạn. Đó cũng là ba phần mà cuốn sách này lần lượt trình bày: Tham vọng. Thành công. Thất bại và Nghịch cảnh.

Mục đích của cuốn sách này đơn giản chỉ là giúp bạn chế ngự bản ngã trước khi bị những thói quen xấu chi phối, để thay thế những cám dỗ của bản ngã bằng sự khiêm nhường và kỷ luật mỗi khi chúng ta thành công cũng như trau dồi sức mạnh và nghị lực để khi số phận đổi hướng, chúng ta sẽ không gục ngã. Tóm lại:

  • Khiêm tốn với khát vọng.
  • Nhã nhặn khi thành công.
  • Kiên cường trong thất bại.

Điều này không có nghĩa là bạn không hề đặc biệt hay chẳng có ấn tượng để cống hiến trong quãng thời gian tồn tại ngắn ngủi trên thế gian này. Cũng không phải không có chỗ để bạn bứt phá những giới hạn sáng tạo, để sáng chế, để được truyền cảm hứng hay để nhắm vào những cải tiến và thay đổi đầy tham vọng. Ngược lại ,để thực hiện những việc này một cách đúng đắn và đón nhận những rủi ro, chúng ta cần cân bằng. Như Quaker William Penn từng phát biểu: “Những tòa nhà phơi giữa nắng gió cần có một nền móng tốt.” 

- Theo cuốn sách "Vượt qua bản ngã - Chiến thắng kẻ thù lớn nhất của chính bạn"

Tags: