Bài tập 14 bước để bạn biết được một đam mê có “thực sự” là đam mê hay không
Bài tập 14 bước để bạn biết được một đam mê có “thực sự” là đam mê hay không
Tất cả chúng ta đều có tính cách, khả năng, những ước mơ khác nhau và các nghĩa vụ riêng biệt trong cuộc sống. Điều bạn coi là đam mê của mình có thể khác với những điều mà người khác cho là đam mê của họ. Chính vì thế chúng tôi khuyên bạn hãy thực hiện bài tập 14 bước để tìm kiếm đam mê của mình.

Bước 1: Viết ra tầm nhìn của bạn

 

Sử dụng các giá trị và lĩnh vực ưu tiên làm nguồn tham khảo, hãy viết lại những điều bạn muốn tất cả các khía cạnh của cuộc sống – đặc biệt là trong công việc. Bạn có thể không biết chính xác cần đưa vào những gì, nhưng một điểm khởi đầu tốt là hãy mô tả những điều bạn KHÔNG muốn. 

Ví dụ, đây là những gì mà Barrie đã viết về tầm nhìn cho cuộc đời mình năm năm trước:

Tôi sống ở một thành phố thú vị, tiến bộ và nhộn nhịp nơi tôi có thể tận hưởng thiên nhiên, nghệ thuật, văn hóa, thức ăn ngon, và gặp gỡ những người cùng chí hướng. Tôi đang làm công việc mình yêu thích mà qua đó tôi được giúp đỡ người khác, tận dụng được kỹ năng huấn luyện và kỹ năng giao tiếp bên cạnh khả năng viết lách và sáng tạo.

Công việc của tôi rất linh hoạt và cho phép tôi được tự do đi lại và làm việc ở bất cứ nơi đâu. Thu nhập của tôi tiếp tục tăng lên, nhưng tôi không cho phép công việc gây mất cân bằng cuộc sống. Tôi đang có mối quan hệ tình cảm nồng nhiệt, tôn trọng và mang tính hỗ trợ với một người đàn ông thông minh, sáng tạo, hài hước, tử tế và đầy đạo đức. Tôi có một mạng lưới những người bạn và người thân trong gia đình thân thiết và tốt bụng, và tôi cũng thường dành thời gian cho họ, nuôi cận dưỡng mối quan hệ nồng ấm, tích cực với ba đứa con đã trưởng thành của mình. Tôi thường dành thời gian ngoài thiên nhiên và đi đến những nơi mới lạ vài lần mỗi năm. Tôi vẫn tích cực, giàu năng lượng và quan tâm tới sức khỏe, và tôi vẫn ta luôn mở rộng vòng tay đón nhận những cơ hội và khả năng mới trong cuộc sống.

Trong thực tế, Barrie đã biến tầm nhìn này thành sự thật bằng cách chuyển đến một thành phố mới, xây dựng nên doanh nghiệp riêng trong lĩnh vực phát triển cá nhân và giúp đỡ người khác, đi nhiều chuyến du lịch thú vị và chăm chút các mối quan hệ, sức khỏe và sự tự do của mình. Chúng tôi khuyên bạn hãy ghi lại những điều mình mong muốn và xem lại mỗi khi bạn nhận ra có điều gì bạn thích/không thích trong cuộc sống. Cuối cùng, hãy dán bản tầm nhìn này ở nơi nào bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày.

 

Bước 2: Xem xét lại cuộc sống hiện tại

 

Nếu bạn cảm thấy mình đang tập trung quá nhiều vào những gì mình không thích trong cuộc sống, hãy xem cuộc sống hiện tại của bạn liệu có giống với mô tả trong bản tầm nhìn cuộc đời mà bạn đã soạn ra ở bước trước. Bạn sẽ muốn duy trì những điều đã phù hợp và tự nhắc nhở mình về những điều trong tầm nhìn của bạn đang diễn ra… ngay lúc này!

Hãy ghi lại một danh sách tất cả những điều bạn ưa thích hoặc coi là tích cực trong công việc – dù đó là chiếc ghế làm việc thoải mái hay một khách hàng bạn thật sự quý trọng. Lập danh sách tương tự cho cuộc sống cá nhân, bao gồm tất cả những điều trong cuộc sống đang diễn ra thuận lợi. Đừng quẳng ào em bé vào bồn nước (đừng vội vàng) khi tìm kiếm đam mê của mình. Đôi khi chúng ta thường bỏ qua những điều tích cực trong cuộc sống khi quá tập trung vào những điểm tiêu cực. 

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này, vui lòng truy cập đường link https://liveboldandbloom.com/04/mindfulness/how-to-journal và đọc bài blog về ghi nhật ký chú tâm rất bổ ích và giúp bạn nhận ra những đam mê mà có thể bạn đang bỏ qua lúc này.

 

Bước 3: Điều tra chính mình

 

Hãy bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về con người thực của bạn, điều gì truyền động lực cho bạn, và thế mạnh của bạn là gì. Hãy làm một số bài trắc nghiệm online như:

  • Bài kiểm tra Myers Briggs
  • Bài phân loại tính cách Keirseyhttps://www.keirsey.com/\
  • Hoặc các bài kiểm tra điểm mạnh như Strengths Finder (2.0).

Hãy tìm hiểu cặn kẽ về loại hình tính cách của bạn. Bạn sẽ nhận thấy các thông tin về mình sẽ giúp bạn có được cảm giác vừa dễ chịu vừa khai sáng nhờ thấu hiểu bản thân.

 

Bước 4: Bắt đầu đọc

 

Hãy dành ra 10 phút mỗi ngày để đọc tất cả mọi thứ có thể về các sở thích hoặc ý tưởng đam mê tiềm tàng của bạn. Hãy xem cách người khác đã biến các sở thích và ý tưởng đó thành sự nghiệp cho cá nhân họ như thế nào. Hãy ghi lại những điều có vẻ thú vị hoặc liên quan tới bạn.

Bạn cũng nên cân nhắc học những khóa trên mạng để hiểu kỹ hơn về những gì bạn đang tìm hiểu để xem chúng có phải đam mê của mình hay không.

 

Bước 5: Thu hẹp diện tìm kiếm

 

Khi bắt đầu đọc và nghiên cứu, bạn có thể tìm thấy nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về các chủ đề đó để biết rõ mình cần học tập hoặc được huấn luyện về mảng nào, những ai đã thành công trong lĩnh vực đó, mức lương bạn có thể kiếm được, và bạn phải mất bao lâu để thành thạo.

Hãy bắt đầu bổ sung tất cả các chi tiết cần thiết để biến đam mê tiềm tàng này thành thực tế với bạn và kết cấu của cuộc đời bạn.

 

Bước 6: Tìm người hướng dẫn

 

Tìm một hoặc hai người đang thành công trong công việc mà bạn muốn làm. Liên lạc với họ. Gửi email cho họ để nhờ xin lời khuyên. Lập một danh sách các câu hỏi bạn muốn đặt ra.

 

Bước 7: Suy nghĩ và viết

 

Hãy nghĩ về tất cả những bước hành động mà bạn có thể cần phải thực hiện để sống đúng với đam mê đó của mình (sau khi đã nghiên cứu kỹ). Viết ra một danh sách dài các hành động, sau đó lật lại để sắp xếp thứ tự ưu tiên. Chia mỗi hành động thành các bước nhỏ nhất có thể.

 

Bước 8: Thực hiện các hành động đầu tiên

 

Hãy làm một điều cụ thể để bắt đầu tiến tới đam mê của mình. Đó có thể là viết lại hồ sơ xin việc, đăng ký học khóa huấn luyện, hoặc gọi điện cho ai đó. Bạn có thể không hoàn toàn cảm thấy đó là bước đầu tiên đúng đắn, nhưng bạn vẫn phải làm thì mới biết được. Vậy nên hãy đặt ra thời hạn cụ thể và thực hiện bước đó.

Nếu bạn bị kẹt, hãy xem lại chiến lược trước về mục tiêu S.M.A.R.T. hằng quý. Chúng tôi khuyên bạn hãy biến cuộc tìm kiếm công việc giàu ý nghĩa với mình thành một dự án mà trong đó bạn hành động mỗi ngày.

 

Bước 9: Làm thử 

 

Một trong những cách tốt nhất để biết liệu một đam mê có thực sự là đam mê hay không là làm thử nó. Thay vì cam kết hết mình nhận một công việc mới hoặc mở doanh nghiệp mới, hãy tìm cách để thử làm thực tế thông qua công việc tình nguyện, bán thời gian, hoặc thậm  chí bắt chước ai đó trong vài ngày. 

Giai đoạn thử việc này sẽ đem lại phản hồi thực tế để bạn quyết định liệu mình đã tìm ra đúng thứ mình yêu thích hay chưa.

 

Bước 10: Cân nhắc những người khác

 

Hãy nhớ phải luôn công khai với những người gần gũi với bạn. Nhiều khả năng bạn sẽ gặp vài ý kiến phản đối. Hãy nghĩ trước về khả năng này và cách xử lý. Điều gì là quan trọng nhất với bạn? Với họ? Luôn luôn cởi mở giao tiếp với nhau.

 

Bước 11: Tiết kiệm tiền

 

Bắt đầu tiết kiệm tiền trong một tài khoản tiết kiệm riêng. Bạn có thể cần đến nó khi chuyển đổi sang công việc mới. Khoản tiết kiệm có thể được dùng để học tập và huấn luyện thêm, để mở doanh nghiệp, hoặc để giúp bạn trang trải trong giai đoạn mới khởi nghiệp.

Hãy bắt đầu nghĩ tới những cách bạn có thể kiếm được thêm từng khoản tiền nhỏ. Ngay cả khi bạn chuyển từ công việc toàn thời gian này sang công việc toàn thời gian khác, sẽ luôn là tốt hơn nếu bạn có kế hoạch dự phòng.

 

Bước 12: Lên kế hoạch thu nhập

 

Xác định mức thu nhập hàng năm tối thiểu mà bạn chấp nhận được. Để làm được việc này, bạn cần biết mình tiêu tiền như thế nào, bạn có thể (và sẵn sàng) cắt giảm chi tiêu ở mảng nào, và bạn sẵn sàng sống với mức thu nhập này bao lâu. Bạn không muốn rơi vào cảnh nợ nần, vậy nên đây cần phải là một con số thực tế giúp bạn duy trì cuộc sống tối thiểu.

Một công cụ rất tốt để theo dõi chi tiêu và tình hình tài chính của bạn là ứng dụng Mint. Ở đây bạn có thể điền thông tin hóa đơn, mức nợ hiện tại và số tài khoản ngân hàng để có được bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính. Sau đó bạn có thể dùng Mint để biết bạn cần bao nhiêu tiền mỗi tháng. 

 

Bước 13: Giải quyết công việc hiện tại

 

Hãy đảm bảo trong các bước hành động của bạn bao gồm chuyện bạn sẽ chuyển từ công việc hiện tại sang công việc mới như thế nào. Liệu bạn có tiếp tục làm công việc cũ khi bắt đầu việc mới hay không? Bạn sẽ thảo luận với quản lý hiện tại vào lúc nào và theo cách nào? Hãy đảm bảo mình để lại ấn tượng tốt đẹp và xử lý mọi thứ một cách chuyên nghiệp để vẫn có thể duy trì các mối quan hệ.

 

Bước 14: Giữ động lực bằng hành động

 

Khi từ bỏ một công việc an toàn để lao vào cõi vô định, cảm thấy sợ hãi là việc vô cùng tự nhiên. Suy nghĩ, lập kế hoạch, lo lắng và tin tưởng vào con đường đã chọn cũng chỉ phát huy tác dụng tới một chừng mực nào đó và chúng sẽ góp phần gây nên tình trạng bề bộn tinh thần.

Hành động tập trung mỗi ngày sẽ giúp bạn tiến lên. Nếu không biết phải làm gì, hãy cứ làm bất kỳ việc gì cũng được. Hãy thực hiện một hành động nhỏ hướng tới mục tiêu của bạn.

Một trong những kết quả tích cực của bài tập 14 bước này là tạo cho bạn cảm giác về định hướng, khi bạn có thể kiểm soát được cuộc đời mình và hướng nó tới điều gì thật ý nghĩa. Thực ra, riêng việc bỏ công sức hướng tới đam mê của mình đôi khi cũng đem lại sự thỏa mãn không kém gì kết quả. Greg Johnson, tác giả cuốn sách Living Life on Purpose: A Guide to Creating a Life of Success and Significance (tạm dịch: Sống có mục đích: Hướng dẫn tạo nên cuộc sống thành công và giàu ý nghĩa), đã nói: “Tập trung vào cuộc hành trình chứ không phải đích đến. Niềm vui không hề nằm ở việc kết thúc hoạt động nào đó, mà là ở việc thực hiện nó.”

Phần nhiều sự căng thẳng tinh thần và suy nghĩ tiêu cực của chúng ta đến từ cảm giác vô định và mất kiểm soát cuộc sống. Khi đã bắt đầu hành động để tìm kiếm đam mê, bạn sẽ ngày càng có được sự minh mẫn và tĩnh tâm.

- Trích sách: “Tối giản tâm trí”

Ảnh đầu bài: Joanna Ławniczak

 

Tags: