Trong những ngày giãn cách vì dịch, người đọc vẫn có thể thưởng thức các món ăn đường phố thông qua những cuốn sách viết về bún, phở, hay bánh mì.
A đây rồi, Hà Nội 7 món của Trần Chiến; Hệ nàng cơm - Nàng bún của Lê Lade; Không gian gia vị Sài Gòn của Trần Tiến Dũng hay Chuyện người Hà Nội của Hà Thanh Vân sẽ làm “dậy mùi” ẩm thực đường phố thông qua hình ảnh và con chữ sống động.
"Đại sứ ẩm thực”
Không chỉ là món ăn ngon với người dân Hà Nội, phở còn trở thành “đại sứ ẩm thực”, góp phần vinh danh văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Món này có từ lâu đời, đi vào văn chương của nhiều tác giả, từ Món ngon Hà Nội của Vũ Bằng, Chuyện người Hà Nội của Hà Thanh Vân, đến A đây rồi, Hà Nội 7 món của Trần Chiến.
Từ các quán nhỏ lề đường tới nhà hàng sang trọng, người ta cũng có thể thưởng thức tô phở ngào ngạt hương vị. Phở có lẽ cũng là món ngon người dân Hà Nội “thèm thuồng” trong mùa giãn cách.
Sau gần 30 năm quan sát, nghiền ngẫm và viết lách, tác giả Trần Chiến cho ra mắt A đây rồi, Hà Nội 7 món. Hà Nội được ông vẽ lại với nhiều màu sắc, hình ảnh, từ nét đẹp con người đến ẩm thực giữa lòng thủ đô.
Những thương hiệu như phở Thìn, Huyền Trân, Hói Bà Triệu, Tráng Hàng Than... đều được tác giả Trần Chiến “điểm danh” qua.
Bàn về cách nấu phở, ông viết: “Kỷ nguyên mì chính cho phép ai cũng nấu phở được. Chỉ cần con bò đừng già quá, mớ hành hoa tươi, bánh vừa dai vừa dẻo nhúng kỹ và thật nhiều, thật nhiều mì chính, một công chức bị giảm biên chế nào đấy đã có thể mua được tiếng khen 'nước ngọt đấy'”.
Trong Chuyện người Hà Nội, tác giả Hà Thanh Vân lại mở ra trước mắt người đọc hình ảnh một gánh phở hàng dong được bày bán trong khoảnh khắc sớm tinh sương:
“Đôi quang gánh giản dị, một bên đặt nồi nước dùng, bên kia đựng bát, đũa, thìa. Một nồi sốt vang không lớn lắm xếp bên cạnh, với những miếng thịt bò nâu đậm nửa nổi nửa chìm trong làn nước vàng óng ánh mỡ béo ngậy... Miếng thịt hầm nhừ, ngon ngọt, bỏ vào miệng nhai đậm đà vị bò, rất nhừ nhưng những thớ thịt còn nguyên vẹn... Nước phở rất thơm và trong, nóng hổi”.
Bún hến nằm trong danh sách "thế giới bún" của tác giả Lê Lade. Ảnh: diadiemanuong.
Thế giới bún
Nếu ẩm thực Hà Nội tự hào với phở thì giữa lòng TP.HCM ta lại mãn nhãn, mãn vị bởi “thế giới bún”. Với Hệ nàng cơm - Nàng bún, tác giả Lê Lade đưa người đọc ruổi rong khắp mảnh đất phía Nam để khám phá những tô bún đặc sản.
Trong những món bún hấp dẫn ấy, có bún sung, bún mắm nêm, bún sứa, bún tiêu, bún sen, bún hến... Mỗi loại bún đều được tác giả miêu tả chi tiết, đem lại cảm giác “thèm” ngay tức thì cho người đọc trong những ngày giãn cách.
Với tên gọi “bún suông”, ta dễ lầm tưởng “suông” là “không có gì”. Nhưng thực chất bún suông là một đặc sản, thậm chí nó đã nhận được sự bầu chọn của các chuyên gia ẩm thực châu Á, lọt top 10 món ngon Việt Nam.
“Ngoài chả tôm có màu vàng vàng đẹp mắt là thành phần đặc biệt, bún suông còn ăn với thịt luộc, giò heo, tôm sú và cua hấp... Nước lèo thì theo thông thường cũng ninh với xương heo và tôm, mực khô, củ cải trắng... được nêm bởi tương hột và me, đầu và vỏ tôm rang ngả màu đỏ cùng với gạch cua xào tỏi, có nêm thêm mắm ruốc xào tỏi cùng nếp dẻo thành hỗn hợp dẻo, mịn cho nên nước lèo rất đậm đà, thơm lừng và có màu nâu đậm”, tác giả miêu tả.
Hay như bún hến có nguồn gốc từ Huế, nhưng theo thời gian nó tỏa đi muôn nơi và ghi dấu ấn với người dân Sài thành bởi nhiều biến tấu khác lạ.
Lê Lade phân loại từng nhóm bún và đặt tên cho các nhóm ấy là “bún hơi là lạ” (bún chạo tôm, bún sen...), “bún chan chứa” (bún riêu, bún bò...) hay “bún lạ lùng” (bún sung...). Dù điểm qua loại bún nào, người đọc cũng cảm thấy trang viết ấy “dậy mùi” tô bún hấp dẫn, đậm vị trong trí tưởng tượng những ngày cách ly.
Không gian gia vị Sài Gòn là tập tùy bút của tác giả Trần Tiến Dũng. Ảnh: Báo Văn nghệ.
Bánh mì
Lọt danh sách 7 món lề đường ngon nhất thế giới, bánh mì trở thành món ăn quen thuộc mà bình dân của biết bao người Việt. Nó đi vào tiềm thức rồi hóa thành con chữ trong nhiều tùy bút, tản văn của các tác giả.
Trong tập tùy bút Không gian gia vị Sài Gòn, Trần Tiến Dũng viết: “Ai từng đứng xếp hàng chờ bánh mì nướng củi ra lò mới thấm được cái hạnh phúc làm người đô thị. Ánh lửa rực sáng từ miệng lò bánh, tiếng lửa nổ tí tách như tiếng pháo chuột, thợ nướng bánh gương mặt hồng ánh lửa, từng vỉ bánh chín vàng rực được lấy ra như ánh bình minh vừa nhú khỏi các nóc nhà”.
Theo ông, không hề quá khi nói rằng không gian quanh các lò bánh mì đã làm nên một TP.HCM riêng - “một cõi thơm ngào ngạt hương bánh chín”.
Bánh mì hiện nay đi muôn nơi, biến tấu và kết hợp nhiều đồ ăn kèm, tạo nên đặc trưng về mùi vị ở từng vùng, miền. Nhưng có lẽ người ta sẽ không bao giờ quên tiếng xe kẽo kẹt rao “Bánh mì nóng hổi đây” vào mỗi sáng tinh mơ hay lúc trời chập choạng tối.
Đọc cuốn sách, không chỉ bánh mì, mà còn nước dừa xiêm, cơm tấm, cà phê đen... cũng làm “sôi bụng” người đọc. Tất cả mang đến cho độc giả cảm giác muốn lên kế hoạch rảo bước trên các con phố và thưởng thức ẩm thực Việt ngay sau khi kết thúc giãn cách.