Ai cũng có thể thành chuyên gia: Một cải tiến đơn giản thay đổi chiều sâu việc học
Ai cũng có thể thành chuyên gia: Một cải tiến đơn giản thay đổi chiều sâu việc học
Không chỉ như một phương pháp học kiến thức, Học Sâu còn là cách thức kiến tạo nên một kiểu con người đặc biệt: có chiều sâu, khiêm tốn, trọng sự thật và có khả năng đắm chìm vào một điều gì đó bên ngoài bản thân
Học sâu - Một cải tiến đơn giản có thể biến đổi việc dạy và học ở trường
(1 lượt)
Thế hệ đi trước luôn kêu ca về thế hệ trẻ, rằng chúng không biết gì cả ngoại trừ lời của những bài hát nhạc Pop, và rằng trình độ của những năm gần đây thực sự đi xuống. Đó không phải chỉ là lời than phiền của những người khó tính, đó là một thực tế.

Thời đại kĩ thuật số làm cho mọi kiến thức dễ dàng phai nhạt đi, những cuốn sách giáo khoa càng trông giống bách khoa toàn thư bao nhiêu thì lại càng ít có ảnh hưởng đến tâm trí của học sinh khi rời trường bấy nhiêu.

Cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên, trong đó có những người rất chuyên nghiệp và dũng cảm, dù làm việc trong những điều kiện khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng chăm chỉ để bảo đảm dạy cho học sinh lượng kiến thức cơ bản mà một công dân hiện đại cần phải có.

Trước tình hình đó, Kieran Egan đề xuất chương trình Học Sâu qua cuốn sách cùng tên, viết năm 2010. Trong lời dẫn nhập sách, ông giới thiệu rằng Học Sâu không phải là phương pháp để giảng dạy mọi chuyện mà là dạy một điều gì đó một cách sâu xa hơn.
 

Vì sao Học Sâu?

Các lý do củng cố cho chương trình Học Sâu được Kieran Egan nêu ra rất cụ thể và rõ ràng trong chương 1 của cuốn sách bao gồm:

  1. Người học nắm được bản chất của kiến thức và chức năng của nó
  2. Người học có niềm vui học tập khi Học Sâu
  3. Học Sâu kích thích trí tưởng tượng
  4. Học Sâu vừa tương đồng lại vừa có những lợi thế hơn so với phương pháp học dự án
  5. Học Sâu cho chúng ta cái nhìn thấu suốt hơn về bản thân, vào số phận của con người chúng ta
  6. Học Sâu tạo dựng tính cách khiêm tốn
  7. Với Học Sâu, người học có điều kiện củng cố hiểu biết của mình về tự nhiên vì rất nhiều đề tài của dự án này đến từ thế giới tự nhiên

 

Việc học có hai tiêu chí: chiều rộng và chiều sâu. Nếu như chỉ học về chiều rộng, ta sẽ luôn phải dựa vào sự tinh thông của người khác. Học Sâu giúp ta phát triển sự tinh thông của chính mình bằng cách nắm bắt được một điều gì đó từ bên trong.

 

 

Chương trình học sâu là gì? 

Đề xuất về chương trình này rất đơn giản:

Trẻ em được phân công ngẫu nhiên trong tuần đầu đến trường một đề tài cụ thể để học trong suốt quãng đời ở trường của chúng, ngoài chương trình học thông thường. Đề tài có thể là: táo, bánh xe, động vật thân mềm, đường sắt, lá cây, tàu thủy, mèo, gia vị, v.v.. Học sinh sẽ gặp giáo viên giám sát thường xuyên để được giúp đỡ. Nhiệm vụ của chúng là xây dựng một tập hồ sơ cá nhân về đề tài. Mục đích của chương trình là để đến cuối học trình, học sinh sẽ có được sự tinh thông thực sự về đề tài gần với một chuyên gia.

Như vậy, trong suốt quãng đời đi học, học sinh sẽ từ từ tích lũy tập hồ sơ của mình, và nhà trường chỉ yêu cầu một điều duy nhất là tập hồ sơ đó phải luôn dày lên. Ban đầu sẽ có giáo viên phụ trách nhưng theo thời gian, học sinh sẽ dần tự chủ hơn và chủ yếu là làm việc một mình. Chương trình Học Sâu không thay thế chương trình giảng dạy hiện tại trong các nhà trường mà nó là một bổ sung nhỏ, chạy song song suốt 12 năm học. Quan trọng, chương trình sẽ không có bất kỳ sự đánh giá, cho điểm và không có bất cứ nội quy hay hình phạt nào.

Kieran Egan đưa ra ví dụ về một số công việc của cô bé Sara với đề tài táo để chúng ta hình dung rõ hơn đề xuất của ông:

  • Được giao đề tài táo trong tuần đầu đi học
  • Bắt đầu hồ sơ bằng việc vẽ hai loại táo: đỏ và xanh
  • Lập danh sách các loại táo
  • Phụ chú về màu sắc, kích cỡ và vị của từng loại
  • Lập hồ sơ về lịch sử của táo
  • Lập bản đồ thế giới về táo
  • Lập hồ sơ những câu chuyện về táo: vườn Địa Đàng, Wilhelm Tell, John Chapman, Newton,...
  • Lập hồ sơ những trò chơi, bài thơ và thành ngữ về táo
  • Dành một vài trang mô tả cuộc chiến tranh thành Troia (có liên quan tới trái táo vàng dành cho người đẹp nhất)...

 

Học Sâu mong muốn chuyển hóa mối quan hệ giữa học sinh và kiến thức, chuyển hóa trải nghiệm trường lớp trong cuộc đời của chúng, và tạo ra sự thỏa mãn nhiều hơn về mặt xúc cảm.

 

 

Trả lời các phản đối 

Kieran Egan biết rằng chương trình Học Sâu chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến vì nó quá khác lạ. Bằng suy đoán, ông đã phác thảo ra các ý kiến phản đối và lần lượt trả lời chúng trong chương 3 – chương có dung lượng lớn nhất cuốn sách. Ông tưởng tượng mình đứng trong nhiều vai trò khác nhau như giáo viên tiểu học, phó hiệu trưởng, giáo viên giáo dục thể chất, giáo sư Đại học, người phụ trách Ủy ban về giáo dục... để nêu ra những khó khăn khi áp dụng chương trình một cách nhiệt tình, và sau đó cũng chính ông trở lại với vị trí người viết sách, bình tĩnh trả lời từng ý kiến.

Rất nhiều câu hỏi hay đã được mổ xe trong phần này, như: Liệu học sinh có sớm cảm thấy nhàm chán với đề tài của chúng? Áp dụng Học Sâu liệu có quá phức tạp: khó khăn khi học sinh chuyển trường, đồng thời dễ gây quá tải cho giáo viên, tốn kém về đầu tư cho sự thay đổi...? Làm sao áp dụng một đề xuất không có cơ sở nghiên cứu thích hợp? ... Tác giả chương trình đã tỏ rõ thái độ không né tránh và suy nghĩ cẩn thận về những ý kiến phản đối.

Một ví dụ: Khi được hỏi vì sao không để cho học sinh tự lựa chọn đề tài mình yêu thích và dễ dàng thay đổi đề tài nếu muốn, Egan cho rằng thông thường khi được trao quyền, chúng ta sẽ chọn cái gì thoải mái và quen thuộc, cho nên để học sinh tự chọn đề tài là không ổn.

Những hứng thú của chúng mau chóng tan biến và thay đổi theo thời gian, chưa kể, những hứng thú này cũng có thể có tính giáo dục thấp. Với Học Sâu, chúng ta phải luôn nhấn mạnh với học sinh rằng: mọi thứ đều thú vị nếu tìm hiểu sâu. Trên tinh thần đó, giáo viên hãy chọn sẵn cho trẻ một nguồn đề tài có đặc tính có thể khuyến khích sự hứng thú liên tục và phát triển sự hiểu biết. Và quan trọng là trong sự “độc đoán” này, học sinh vẫn được tự do phát triển hướng đi riêng của mình đối với đề tài đã được giao, không phải kiểm tra, chấm điểm và không bị thúc giục.

Bản thân Egan tuy luôn cố gắng duy trì niềm tin vào chương trình cũng nhận thấy có nhiều khó khăn thật sự không thể giải quyết ngay bằng những câu trả lời. Ông nhấn mạnh một chương trình như Học Sâu nên được tự thuyết phục cho nó bằng cách ứng dụng vào thực tế. Có những điều trước mắt ta thấy khó khăn, nhưng nhiều năm sau khi chương trình đã trở nên quen thuộc hơn với mọi người thì vấn đề sẽ được giải quyết. Nếu chúng ta có niềm tin vào ý nghĩa và giá trị của chương trình, thật sự nó rất đáng để đầu tư và thử nghiệm.

Hướng dẫn cách thực hiện

Hai vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện chương trình Học Sâu là xây dựng đề tài và sử dụng các công cụ kích thích sự tìm tòi của học sinh được Kieran Egan hướng dẫn một cách chi tiết.

Xây dựng đề tài rất quan trọng, vì nó sẽ theo học sinh suốt đời. Tiêu chí xây dựng đề tài cho chương trình Học Sâu gồm 3 phần: tiêu chuẩn chiều rộng (đề tài phải tiềm ẩn nhiều tài liệu đa lĩnh vực), tiêu chuẩn chiều sâu (học sinh có thể khám phá ngày càng chi tiết hơn), tiêu chuẩn về sự tham gia (đề tài phải cho phép khám phá theo nhiều cách, mở ra những cơ hội cho hoạt động văn hóa và cá nhân).

Một ví dụ của Egan về các câu hỏi có thể theo đuổi với một đề tài tốt, đáp ứng cả 3 tiêu chí trên –  đề tài bụi: Bụi từ đâu mà ra? Có bao nhiêu bụi trong một lớp học bình thường? Bụi làm gì khi lơ lửng trong không khí? Trong bụi chứa những gì? Bụi trong khí quyển,  bụi trong không gian có đặc điểm gì? Khả năng gây nổ của bụi? Bụi vàng? Bụi dưới nước? Bụi trong văn học, trong bài hát? Số phận con người và cát bụi? ...

Cuối cùng, Egan cung cấp một danh sách gồm các đề tài khả thi. Bạn có thể tìm được danh sách đề tài trong trang 208, 209 của cuốn sách, hoặc trên trang web của chương trình: http://ierg.ca/LID/.

Bên cạnh đó, Egan cũng hướng dẫn cho giáo viên những công cụ để có thể kích thích sự tìm tòi của học sinh qua các giai đoạn. Ông đưa ra 3 danh sách dành cho những năm đầu, giữa và cuối quá trình nghiên cứu. Những công cụ này được giải thích và lấy ví dụ cụ thể, chứng tỏ tiềm năng rất lớn về tính ích dụng.

Với học sinh những năm đầu, Egan gợi ý các công cụ: kể chuyện, các cặp đối lập, hình ảnh, ẩn dụ, ý thức về điều bí ẩn, vần, nhịp và mẫu, truyện cười và hài hước... Chẳng hạn, với công cụ là ý thức về điều bí ẩn, giáo viên có thể gợi ra cho trẻ đại dương của những điều chưa biết liên quan đến sự vắng mặt, tương lai, tôn giáo, những điều đầy hấp dẫn đang chờ ta khám phá, khiến trẻ háo hức bước vào cuộc phiêu lưu học tập thật sự.

Tương tự, ta có các công cụ học tập cho những năm sau đó với mức độ trừu tượng tăng dần bao gồm ý thức về thực tại, các cực điểm của kinh nghiệm và giới hạn của thực tại, kết hợp với các anh hùng, ý thức về sự kì diệu, tìm kiếm căn cứ và sự thực, những đại tự sự.v.v..

Kết luận

Platon cho rằng đặc điểm trung tâm của việc trở thành một người đạo đức là học để trở nên gắn kết với một điều gì đó bên ngoài bản thân, chứ không phải để nhìn thế giới theo quan điểm và nhu cầu của bản thân. Kieran Egan đã nỗ lực giải thích chương trình Học Sâu không chỉ như một phương pháp học kiến thức mà còn là cách thức kiến tạo nên một kiểu con người đặc biệt: có chiều sâu, khiêm tốn, trọng sự thật và có khả năng đắm chìm vào một điều gì đó bên ngoài bản thân.

Chính niềm tin này đã giúp ông quyết tâm khắc phục vô số khó khăn khi đưa vào hoạt động một chương trình thường nhận được lời bình luận là quá lý tưởng hóa. Sẽ rất khó khi thực thi, nhưng nếu bỏ qua những tiềm năng to lớn của Học Sâu thì sẽ là một sai lầm.

Trong điều kiện của giáo dục Việt Nam hiện tại, nhiều gợi ý của Egan trong cuốn sách này là rất đáng xem xét. Chương trình Học Sâu đề xuất một cải tiến nhỏ nhưng có thể đem lại sự thay đổi lớn trong quan niệm và thái độ học tập của học sinh.

Bản dịch tiếng Việt sách Học Sâu do Ban Tu thư Đại học Hoa Sen thực hiện, dịch giả Nguyễn Hữu Thọ, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, xuất bản năm 2015.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Tags: