Dưới đây là những cuốn sách đã giành giải thưởng Sách Hay cho hạng mục Sách phát hiện mới từ năm 2012-2015.
Quảng Nam, nơi giằng co qua lại mấy trăm năm trong quá trình Nam tiến của dân tộc; vùng đất chịu nhiều biến động, kinh qua các cuộc chiến tranh tranh giành giữa Đại Việt và Chămpa. Vùng đất này, quá trình này được Hồ Trung Tú bàn đến trong tác phẩm “Có 500 năm như thế: Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử”. 500 năm ở đây được hiểu là tính từ năm 1306 - thời điểm Huyền Trân công chúa bước qua bên kia đèo Hải Vân (nam Hải Vân) đến năm 1802 - lúc Gia Long lên ngôi. 500 năm đằng đẳng của lịch sử với biết bao thăng trầm.
Cuốn sách của Nguyễn Hàng Tình là một cuốn sách “dữ và bi tráng”. Một cuốn sách rất cần cho hôm nay. Nó nói về sự hỗn loạn và tàn phá đang diễn ra trên vùng đất mà ngành du lịch đang ra sức PR về tính chất “exotique” đó. Nó bảo rằng không, cuộc chiến đấu để tồn tại, để giữ một Tây Nguyên còn là Tây Nguyên, để sống được ở đấy, đang rất khó, chẳng biết còn có thể hy vọng không nhưng chính vì thế mà nó thống thiết gọi kêu trách nhiệm, của tất cả, cho Tây Nguyên. Hơn thế, nó lại cho ta nuôi hy vọng bởi nó cũng lại cho thấy, bất chấp tất cả, ở đấy con người ta vẫn vùng vẫy để sống và quyết liệt muốn sống ngày càng đàng hoàng hơn. Như ông Tây trồng nho trên núi cao Đà Lạt, như người đánh cá lăng gan dạ mạo hiểm đến lạ lùng trên các sông heo hút nhất của Tây Nguyên. Như những người đào vàng gian nan và táo tợn. Như những người Lạch “nghệ sĩ” ở Lạc Dương mà Nguyễn Hàng Tình đã rất công bằng để nói về họ một cách đầy yêu thương và tôn trọng. Mặc tất cả nhà quản lý khắt khe, các nhà văn hóa uyên thâm cùng các nhà lý luận nghệ thuật thâm trầm và khó tính, hằng đêm họ làm “văn hóa du lịch” trộn lung tung âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại, đãi du khách đến thỏa thuê, chăm chỉ làm ra tiền để mà sống và say mê múa hát cả dân tộc lẫn hiện đại để chơi cho hết ga, sau một ngày lao động mệt nhoài, tạo nên ở cái chân núi Lang Biang tuyệt vời ấy đêm đêm tưng bừng lễ hội liên miên…
Tác phẩm đã phơi bày trắc trở và uẩn khúc giữa người làm nghệ thuật với thế lực cầm quyền, thông qua những cuộc phiêu lưu của đạo diễn Trần Văn Thủy trong thời chiến và cả thời bình. Nhớ lúc còn ở chiến trường, ông đầu quân làm cán bộ văn hóa tại vùng miền núi Tây Bắc, lưu lạc đến khi nhận làm phóng viên măt trận để nhiều lần chạm trán với cái chết. Chỉ có đam mê và trách nhiệm cao nhất với nghề, ông mới có thể sống và ghi lại những thước phim xuất sắc như thế. Nhưng công cuộc đưa những bộ phim ấy đến tay công chúng là cả một quá trình gian khó và đầy nguy hiểm, trước nhiều tầng lớp thế lực. Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ, ông luôn ở trong nguy cơ có thể bị giam bất cứ lúc nào. Đến là khổ!
"Chuyên ngành cơ khí" là một cuốn sách kỹ thuật dịch từ nguyên tác tiếng Đức "Fachkunde Metall", được viết bởi 9 đồng tác giả là những kỹ sư và giáo viên chuyên ngành người Đức. Đây là một trong số những cuốn sách dạy nghề bán chạy nhất của nhà xuất bản chuyên ngành nổi tiếng Europa - Lehrmittel, đã dịch ra nhiều thứ tiếng và hiện đang dùng trong chương trình giảng dạy của hầu hết các trường kỹ thuật tại CHLB Đức.
Cuốn "Chuyên ngành cơ khí" có 8 chương, nói về quản lý chất lượng, kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật máy và thiết bị, kỹ thuật tự động hóa, kỹ thuật công nghệ thông tin, kỹ thuật kiểm tra độ dài và kỹ thuật điện. Ngoài ra, sách còn có 13 phần thực tập và thư mục thuật ngữ bằng ba thứ tiếng là Việt Nam, Đức và Anh. Tất cả các nội dung nêu trên được trình bày gọn gàng, khoa học với nhiều bảng biểu, hình minh họa in bốn màu.
Cuốn sách này bao gồm những sự kiện và những nhận định sắc sảo, những chứng liệu và bản đồ của Việt Nam và ngoại quốc. Chính vì thế mà cuốn sách đã thể hiện một cách rõ ràng sự quang minh chính đại của Việt Nam. Cuốn sách một lần nữa khẳng định: Việt Nam không xâm phạm đất đai của bất cứ quốc gia nào, và Việt Nam cũng không cho phép bất cứ quốc gia nào xâm lấn một tấc đất thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
"Tôi cho rằng, cuốn sách rất có giá trị về khoa học này sẽ trở thành tư liệu tham khảo vô cùng quý giá cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước và trên phạm vi quốc tế quan tâm tới những vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra ở Biển Đông".
Ngàn năm áo mũ là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của Trần Quang Đức: dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945).
Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam, mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v..
Đã từ lâu, người H’Mông là một tộc người rất đặc biệt trong các tộc người phía Bắc Việt Nam. Nghiên cứu về H’Mông là thách thức lớn trong nghiên cứu dân tộc học.
Nhưng với Nguyễn Mạnh Tiến, nhà nghiên cứu dân tộc học độc lập, bằng thái độ thông hiểu và nhiều năm ròng rã thực địa tại cao nguyên đá Đồng Văn, “Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’Mông” (NXB Thế Giới) là công trình nghiên cứu xuất sắc xoay quanh phát hiện, xác lập và làm sáng bộ từ khóa đã kiến tạo “cá tính H’Mông” trong lịch sử: tâm thức lưu vong - tâm thức di dân-tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi...
“Hồ sơ về Lục Châu học: Tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng Quốc ngữ ở miền Nam từ 1865-1930” là công trình khảo cứu công phu của Giáo sư Nguyễn Văn Trung được Nxb Trẻ phát hành đầu năm 2015.
Biên soạn công trình này, tác giả Nguyễn Văn Trung muốn thiết lập một hồ sơ giới thiệu những tài liệu văn, sử, báo chí đồ sộ đã phát hiện, sưu tầm được từ nhiều nguồn. Tác giả muốn dựa vào đó để đưa ra những giả thiết giải thích thuộc các ngành khoa học xã hội như ngôn ngữ học, xã hội học, dân tộc học, triết học, văn hóa... Do đề tài rộng, cho nên tác giả tự giới hạn việc trình bày sinh hoạt, văn hóa thời kỳ này qua những tác phẩm văn xuôi bằng quốc ngữ thuộc văn chương, sử ký và báo chí. Văn chương thì chỉ nói chuyện văn truyện, tiểu thuyết lịch sử, tạm bỏ qua: tuồng, thơ, văn học dân gian.
Nhật ký sen trắng là chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh, ra đời từ ý tưởng dạy đạo đức, lễ nghĩa cho học sinh một cách sinh động, thiết thực, học mà chơi, chơi mà học. Giúp các em học sinh, sinh viên suy nghĩ về các vấn đề đạo đức như một cách học làm người đúng đắn.
Sách viết theo kiểu “nghị luận luân lý” xoay quanh các đề tài là câu chuyện tiền thân của Đức Phật và trích từ văn chương của các tác giả nổi tiếng được GS.Thuần kể lại cho phù hợp với đạo đức của mọi gia đình Việt Nam, không phân biệt tín ngưỡng, văn hóa.
Có thể coi đây là cuốn giáo khoa khuyên dạy đạo đức làm người cho con trẻ. Những câu chuyện kể sinh động, thiết thực đươc trích từ văn chương các tác giả nổi tiếng, và từ những câu chuyện tiền thân của đức Phật mà tác giả kể lại cho hợp với đạo đức của mọi gia đình không phân biệt tín ngưỡng, văn hóa, trong sự liên quan đến các vấn đề: Thương yêu sự sống; Tranh luận và tranh cãi; Nói lời hòa ái; Cãi và im lặng; Cho; Nói xấu; Tiếng đồn; Trả thù; Công lý; Tâm hồn cao thượng; Khiêm tốn; Biết ơn; Bội bạc; Bền chí…
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Sách Hay