Mặc dù không còn nhiều ý nghĩa, thế nhưng làm việc 8 tiếng một ngày vẫn là tiêu chuẩn cho rất nhiều nơi trên thế giới. Ác cảm của chúng ta về tiêu chuẩn này đã chuyển thành nhiều cuốn sách như Escape from ‘Cubicle Nation, the 4-Hour Workweek hay bộ phim Office Space. Các tập đoàn, công ty, văn phòng áp dụng tiêu chuẩn này giống như một cái lồng nhốt thay vì một nơi mà chúng ta mong muốn được đến đó hàng ngày. Thực tế là, bộ não con người không được tạo ra để làm việc liên tục trong 8 tiếng và hiện nay chúng ta đang ở trong một nền kinh tế tri thức thay vì công nghiệp như trước đây.
Làm việc 8 tiếng một ngày là một sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp. Việc lắp ráp và chế tạo trong nhà máy không đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ chuyên sâu và đắm chìm vào đó. Trong một dây chuyền sản xuất mà một người có thể làm việc trong khoảng thời gian đủ lâu, miễn là không gây hại đến sức khỏe người đó là một việc hoàn toàn có thể chấp nhận được. Để hỗ trợ cho việc này, người ta đã xây dựng một hệ thống giáo dục đào tạo ra những “cỗ máy con người” có thể làm việc 8 tiếng một ngày. Từ khi trường học kết thúc vào lúc 3h chiều, và các hoạt động ngoại khóa xuất hiện để chúng ta có thể học được cách ngồi im một chỗ từ 8h sáng tới 5h chiều. Nhưng cách mạng công nghiệp đã kết thúc cách đây hơn 50 năm.
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà tâm lí học người Thụy Điển Anders Ericsson đã chỉ ra rằng những người có năng suất làm việc cao nhất trong mọi lĩnh vực đều không thể duy trì làm việc sâu và tập trung trong hơn 2 giờ đồng hồ.
Ngay cả những người thuộc top đầu về năng suất lao động chỉ tập trung được trong 2 tiếng, vậy những người như chúng ta có thể làm gì khi phải ngồi im một chỗ tới tận 8 tiếng mỗi ngày? Có lẽ là không nhiều lắm. Chắc chắn rằng ở một thời điểm nào đó hiệu quả từ sự nỗ lực của chúng ta sẽ bắt đầu giảm sút, cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong kinh tế học người ta gọi đó là Quy luật hiệu suất giảm dần. Đây là một thực tế không thể tránh khỏi trong tiêu chuẩn làm việc 8 tiếng vì không phải giờ nào trong ngày cũng giống nhau. Nếu 3 giờ đầu tiên trong ngày là giá trị nhất, thì 3 giờ cuối cùng là vô cùng lãng phí.
Ngay cả khi họ cần thực hiện những nhiệm vụ thể chất hay trí tuệ, hầu hết mọi người đều có thể làm tốt nhất vào buổi sớm trong ngày (mà chúng ta gọi là chim sơn ca), hay vào buổi tối (cú đêm). Sự khác biệt của từng người nằm sâu trong nhịp sinh học của mỗi cơ thể - khi mà các hormone liên quan đến năng lượng và sự tập trung được giải phóng, và khi nhiệt độ cơ thể lên xuống.
Một trong những giả định sai lầm của tiêu chuẩn 8 giờ là chúng ta đều vận hành với một nhịp sinh học giống nhau. Với một số người thì dậy vào lúc 5h sáng là “muỗi đốt inox”, còn với người khác việc đó chẳng khác gì cực hình. Chúng ta có những thời điểm làm việc hiệu quả vào những giờ khác nhau trong ngày và 8 giờ làm việc mỗi ngày không hề xem xét đến việc này. Nhiều khi chúng ta đã bỏ lỡ thời điểm làm việc hiệu quả nhất bởi vì phải tuân theo quy tắc trên.
Mối liên hệ giữa thời gian và năng suất là một ảo tưởng có thực. Chúng ta luôn tự lừa dối bản thân rằng kết quả làm việc và thời gian tỉ lệ thuận với nhau. Nếu bạn có thể tự điều chỉnh bằng việc tập trung hết sức chỉ một tiếng đồng hồ không gián đoạn, bạn sẽ nhận được kết quả không hề tương xứng. Cường độ tập trung quan trọng hơn rất nhiều so với số lượng thời gian bạn bỏ ra. Trong nền kinh tế tri thức, mọi thứ là vô nghĩa nếu chúng ta đo lường chất lượng công việc của một người qua việc họ phải ngồi bao lâu trong văn phòng.
Trong một ca làm việc 8 giờ, mọi người thường tạo ra khoảng hơn 100 lựa chọn khác nhau, và quá trình đó khiến sức mạnh ý chí của chúng ta hoàn toàn sụp đổ. Một nghiên cứu của nhà tâm lí xã hội học Roy Baumeister đã chỉ ra rằng những người được xét xử trước bữa trưa thường có cơ hội được trắng án hơn những người được đưa ra điều trần sau bữa trưa bởi vì quan tòa đã đưa ra quá nhiều quyết định vào thời điểm đó. Một cách để duy trì sức mạnh ý chí là hạn chế những việc trong danh sách bạn cần làm và làm theo một thói quen hàng ngày.
Trong nền kinh tế kế nối như Seth Godin đã nói, việc làm không còn là việc tối ưu hóa kết quả đầu ra. Thay vào đó những gì chúng ta tìm kiếm là cải tiến và sáng tạo. Tạo ra những sản phẩm sáng tạo về chiều sâu chưa bao giờ là kết quả của việc nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính 8 giờ một ngày.
Chẳng có ý tưởng nào của tôi nảy ra khi tôi đang cố gắng làm việc. Chúng bắt nguồn khi tôi đang dắt chó đi dạo, ăn tối, chơi thể thao hay đi tắm.
Sáng tạo đột phá thường là kết quả của khoảng thời gian rời khỏi bàn làm việc. Nó là kết quả của một quá trình dài ấp ủ ý tưởng mới. Chúng ta cần phải phá hủy, suy nghĩ và tái tạo. Giặt, xả và lặp lại. Giống như Srini Pillay đã nói:
“Bạn có thể kích thích các ý tưởng sáng tạo không chỉ với những suy nghĩ vu vơ, mà cả một thân thể lang thang”
Công việc tri thức không phải một dây chuyền lắp ráp, và giá trị từ đó tạo ra trái ngược với sự bận rộn trong công việc.
Một vài tuần trước khi tôi nghỉ việc tại chỗ cũ, tôi quyết định xem điều gì xảy ra nếu không làm bất kì điều gì tại văn phòng. Tôi đã biết mình sẽ xin nghỉ việc trong vài tuần sau đó nên tôi đếch quan tâm.
Tôi dành phần lớn thời gian để xem phim trên iPod. Dành 30 phút để trả lời mail và yêu cầu của khách hàng. Tôi làm việc này giống như một kế hoạch để cải thiện hiệu suất. Sau đó, tôi bắt đầu nhận được lời khen từ Ban giám đốc như một ví dụ tuyệt vời về lãnh đạo và những cố gắng của tôi trong những ngày đó.
Đó là một ví dụ tuyệt vời về việc chúng ta bị nhầm lẫn giữa bận rộn và hiệu quả.
Quy luật Parkinson chỉ ra rằng một công việc phải làm sẽ mất đúng khoảng thời gian mà chúng ta dành cho nó. Vậy có lẽ những gì chúng ta làm trong 8 tiếng hoàn toàn có thể thực hiện được trong 4 tiếng làm việc mỗi ngày. Nếu chúng ta có thể trải nghiệm hiệu quả, năng suất công việc ở một mức độ cao hơn, điều này có lẽ sẽ đáng cân nhắc.
Theo Medium
Trạm Đọc