Nhà văn Trần Thùy Mai sinh năm 1954 tại Huế. Bà sáng tác văn chương khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh và sinh viên ĐH Sư phạm Huế trước 1975.
Là một trong những nhà văn nữ thành công ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết kể từ tác phẩm Đổi Mới đến nay, Trần Thùy Mai đã in 16 tập sách, trong đó một số tiểu thuyết nổi tiếng được chuyển thể thành phim và kịch như Gió thiên đường, Thập tự hoa (2005), Trăng nơi đáy giếng (2009),…
Một số tác phẩm tiêu biểu khác của bà: Thị trấn hoa quỳ vàng (1994), Trò chơi cấm (1998), Quỷ trong trăng (2001), Người khổng lồ núi Bạc (2002), Mưa đời sau (2005), Từ Dụ thái hậu (2019),…
Trần Thùy Mai từng nhận các giải thưởng như giải A Văn học nghệ thuật Cố đô với tập truyện ngắn Thập tự hoa năm 2005; giải Cống hiến vì cộng đồng do Ủy ban Kết nghĩa TP.HCM và TP. San Francisco trao tặng năm 2001; giải Sách Hay của Viện Giáo dục Quốc tế Ired với tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu năm 2020; và giải Nhất tiểu thuyết Hội nhà văn Việt Nam với tác phẩm Từ Dụ thái hậu năm 2020.
Tác phẩm mới nhất của bà là bộ tiểu thuyết lịch sử Công chúa Đồng Xuân phát hàng tháng 1/2023.
Về việc đọc sách và thói quen đọc sách bà chia sẻ:
"Trong đời tôi đã làm ba nghề: nghề đi dạy, rồi làm xuất bản, rồi viết văn. Cả ba việc ấy đều bắt buộc mình phải đọc. Thành thật mà nói có lúc đọc vì hứng thú, mà cũng có lúc đọc vì nhiệm vụ. Có lúc đọc quên ăn quên ngủ, cũng có khi phải dùng mẹo mực để nắm cho hết nội dung trong thời gian ngắn nhất.
Nhưng qua thời gian, tất cả đều được gạn đi và lắng lại thành một thứ tích lũy vô giá. Những người trong ngành Y thường nói: Ta là những gì ta ăn. Tôi nghĩ nên nói thêm: Ta là những gì ta đọc, và những gì ta cảm nghiệm trong cuộc đời.
Có những cuốn sách mình cần phải đọc, và những cuốn sách làm mình thích đọc! Nhưng nhớ nhất là những cuốn sách làm mình xao xuyến khôn nguôi, tưởng chừng chúng mở ra một cánh cửa nào đó, làm ta thấy thế giới này bỗng ngập tràn một ánh sáng mong manh kỳ diệu.
Với tôi, đó là những cuốn Truyện cổ của Andersen, Hoàng tử bé (Saint Exupery) , Bông hồng cài áo(Nhất Hạnh), Chiếc nhẫn bằng thép (Pautopski) Quê mẹ (Thanh Tịnh)… Sau nhiều năm cầm bút, tôi cảm thấy hình như mình viết là để đuổi theo và cố chạm vào cái ánh sáng lung linh ấy… Đuổi theo trong suốt cuộc đời tôi.
Dưới đây bà chia sẻ 5 cuốn sách yêu thích nhất của bản thân với Trạm đọc:
Truyện cổ Andersen
Với tôi đây là cuốn sách vỡ lòng dạy cho con người biết mơ mộng, cảm xúc, tình yêu và lòng trắc ẩn. Những truyện cổ của Andersen là dành cho trẻ thơ và những người ở mọi lứa tuổi còn giữ được tấm lòng trẻ thơ.
Tiếu ngạo giang hồ - Kim Dung
Theo tôi đây là cuốn hay nhất trong các cuốn truyện võ hiệp. Tôi đọc nó ở tuổi thiếu niên và đến nay vẫn luôn cảm thấy cảm ơn tác giả vì tinh thần nghĩa hiệp, tính cách hài hước và một quan niệm rất sâu sắc về lẽ chính tà.
Lịch sử triết học Đông phương - Nguyễn Đăng Thục
Bạn không cần học triết Tây nếu bạn không đi chuyên về ngành Văn- Triết. Nhưng bạn rất cần trang bị những kiến thức cơ bản về triết học phương Đông, vì triết Đông chi phối cách sống, cách ứng xử của bạn, một người lớn lên trong nền văn hoá “tam giáo đồng nguyên”.
Những con đường tơ lụa: Một lịch sử mới về thế giới - Peter Frankopan
Một cái nhìn tổng quan về sự giao thoa giữa những nền văn minh của thế giới, những biến động và thành tựu của nhân loại.
Trả lời ngắn gọn cho những câu hỏi lớn - Stephen Hawking
Đọc để biết về vũ trụ. Stephen Hawking, một bộ óc vào loại tầm cỡ nhất thế giới, đã cố gắng dùng ngôn ngữ đơn giản nhất để nói về những điều lớn lao nhất.
Việt Hà ghi