5 cuốn sách và loạt phim Bill Gates đề xuất trong mùa hè 2024
5 cuốn sách và loạt phim Bill Gates đề xuất trong mùa hè 2024
Khi tôi đọc xong một cuốn sách và quyết định đọc gì tiếp theo, hiếm khi có sự kết nối logic giữa hai cuốn sách đó. Tôi có thể đọc hết cuốn sách lịch sử về Nội chiến và sau đó chọn một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng lấy bối cảnh tương lai xa. Tôi cũng làm thế với các chương trình truyền hình và phim ảnh: Tôi chọn bất cứ thứ gì nghe có vẻ thú vị. Nhưng khi lập danh sách này, tôi đã bổ sung vào đó sự liên kết giữa những đề xuất. 

Những cuốn sách và loạt phim truyền hình trong danh sách mùa hè của tôi đều đề cập đến ý tưởng phục vụ người khác: tại sao chúng ta làm điều đó, tại sao dù có những khó khăn tiềm ẩn thì chúng ta vẫn nên làm. Một là cuốn tiểu thuyết về sự hy sinh của các y tá Mỹ trên tuyến đầu của Chiến tranh Việt Nam. Một cuốn khác là lời kêu gọi (và hướng dẫn) để trở nên hào phóng hơn trong thời đại kỹ thuật số. Những cuốn sách khác có nội dung về việc kết nối với người khác, xem xét sự phát triển trong việc giáo viên hỗ trợ học sinh. Chương trình truyền hình cũng là một bộ phim hư cấu về các đặc vụ bảo vệ đất nước. 

Tôi không có ý định đi sâu vào lĩnh vực dịch vụ, nhưng ngày nay, nó chắc chắn vẫn còn phù hợp. Vào thời điểm mà các tiêu đề trên các bài báo phần lớn nhắc đến chiến tranh, và chính trị ngày càng phân cực thì những người luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác nên được đánh giá cao, và chúng ta có thể hào phóng hơn trong cuộc sống của mình. 

Dưới đây là danh sách mà tôi đề xuất.

“The Women” (tạm dịch: Phụ nữ) của Kristin Hannah. Cuốn tiểu thuyết tuyệt vời này kể về câu chuyện của một y tá quân đội Hoa Kỳ đã phục vụ trên tiền tuyến, khi trở về quê hương, đất nước của cô chìm trong làn sóng biểu tình và phản chiến. Tác giả Kristin Hannah đã viết một số cuốn sách khá thành công và thông qua cuốn sách này, tôi có thể hiểu tại sao bà lại thành công. Cuốn sách là lời tri ân dành cho một nhóm cựu chiến binh, những người xứng đáng được trân trọng hơn vì những hy sinh của họ. 

“Infectious Generosity” (tạm dịch: Sự hào phóng lan truyền) của Chris Anderson. Chris, người phụ trách TED Talks trong hơn hai thập kỷ, đã khám phá cách Internet có thể khuếch đại tác động của lòng tốt. Ông đưa ra một kế hoạch để mọi người, bao gồm các cá nhân, chính phủ và doanh nghiệp, có thể thúc đẩy lòng hào phóng hơn. Không phải chỉ là việc chi tiền, ông lập luận rằng chúng ta cần mở rộng định nghĩa về việc hào phóng. Nếu bạn muốn giúp tạo ra một thế giới công bằng hơn nhưng không biết bắt đầu từ đâu, thì “Infectious Generosity” là dành cho bạn. 

“Brave New Words” (tạm dịch: Ngôn ngữ mới diệu kỳ) của Sal Khan. Sal là người sáng lập Học viện Khan, đồng thời là người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ giáo dục từ rất lâu trước khi trí tuệ nhân tạo trỗi dậy. Vì vậy, tầm nhìn mà ông đưa ra trong “Brave New Words” về cách AI sẽ cải thiện giáo dục là có cơ sở. Sal lập luận rằng AI sẽ cải thiện triệt để cả kết quả cho học sinh và trải nghiệm của giáo viên, đồng thời giúp đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận nền giáo dục đẳng cấp thế giới. Cậu ấy nhận thức rõ rằng cho đến nay, sự đổi mới chỉ có tác động nhỏ trong lớp học nhưng đưa ra một lập luận thuyết phục rằng AI sẽ tạo ra điều khác biệt. Không ai có những hiểu biết sâu sắc hơn về tương lai của giáo dục hơn Sal, và tôi không thể ngừng giới thiệu “Brave New Words”.

“How to Know a Person” (tạm dịch: Để hiểu một người) của David Brooks. Tôi thích cuốn “Đường đến nhân cách” trước đó của David, nhưng cuốn này còn hay hơn thế. Giả thuyết chính mà ông đưa ra là giả thuyết mà tôi chưa từng thấy ở đâu cả: kỹ năng giao tiếp và xã hội không chỉ là những đặc điểm bẩm sinh mà chúng có thể học hỏi và cải thiện. Và ông đưa ra  những lời khuyên thiết thực cho cái mà ông gọi là “nghe rõ”, một phương pháp có thể giúp những người xung quanh bạn cảm thấy được lắng nghe và có giá trị. Cuốn sách không chỉ là những hướng dẫn để có những cuộc trò chuyện tốt hơn; đó là kế hoạch chi tiết cho một lối sống kết nối và nhân đạo hơn.

Bộ phim “Slow Horses” (tạm dịch: Những điệp viên hết thời). Tôi là người mê những câu chuyện về điệp viên. Tôi đã đọc một số tiểu thuyết của John le Carré và hai bộ phim yêu thích của tôi là  “Spy Game” (tạm dịch: Trò chơi gián điệp) và “Three Days of the Condor” (tạm dịch: Ba ngày của chim ưng). Tôi sẽ đưa “Slow Horses” vào danh sách những bộ phim điệp viên hay nhất. Đây là loạt phim của Anh có nội dung nói về các đặc vụ chìm được giao cho Slough House, một nhóm hư cấu trực thuộc MI5, nơi mọi người được cử đến khi họ phạm sai lầm nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị sa thải. Gary Oldman đóng vai người đứng đầu Slough House, về cơ bản là người đối cực với James Bond. Anh ta là một người lười biếng và nghiện rượu, nhưng sau đó anh ta sẽ làm bạn ngạc nhiên với một số kỹ năng gián điệp tuyệt vời. Giống như tiểu thuyết của le Carré, “Slow Horses” có các nhân vật và cốt truyện đủ phức tạp khiến bạn phải thực sự chú ý,và nó đã làm được điều này. 

- Trạm Đọc

- The GatesNotes

 

Tags: