Tất cả những tình huống này rất phổ biến trong trải nghiệm của tôi, và tôi đã chứng kiến mỗi tình huống này diễn ra rất, rất nhiều lần. Hãy cùng xem xét kỹ hơn về chúng.
1/ Người ra đi khi tất cả mọi người đều đang ở bên
Đôi khi một người sẽ đợi cho đến khi tất cả những người thân yêu của họ đã bay hoặc lái xe từ nơi khác đến để nói lời tạm biệt trước khi chết. Hoặc họ sẽ đợi mọi người có mặt trong phòng rồi họ sẽ buông tay. Điều này thường xảy ra với một người có tính xã hội và hướng ngoại, người phát triển nhờ năng lượng của người khác.
Rachel đã tròn một trăm tuổi chỉ năm tháng trước khi tôi gặp bà ấy, khi tên của bà được ghi vào chương trình chăm sóc cuối đời. Khi đó, rất đông con, cháu, chắt, thậm chí cả chút đã tụ họp để kỷ niệm cuộc đời của người bà trong gia đình.
Khi tôi gặp Rachel, bà đang trong giai đoạn cuối đời. Tất cả các dấu hiệu đều hiện rõ. Tôi thấy điều đó qua sắc mặt nhợt nhạt của bà. Tôi nghe điều đó qua hơi thở của bà. Tôi nhận thấy điều đó qua sự thiếu hứng thú hoặc khả năng ăn uống của bà. Cái kết đã gần kề.
Tôi giải thích với hai người con gái của Rachel, những người đang ở trong nhà khi tôi đến để làm thủ tục nhập viện rằng: “Vậy, những gì tôi thấy là bà ấy đang trong giai đoạn cuối đời. Điều đó có nghĩa là trong vài ngày tới, bà ấy sẽ ra đi. Vậy nên ai cần có mặt, hãy gọi họ đến đây.”
Hai cô con gái ngoài 70 cùng gật đầu đồng ý, kêu gọi tất cả những người muốn đến để nói lời tạm biệt với Rachel.
Trong hai hoặc ba ngày sau đó, các thành viên trong gia đình đã kéo đến nhà Rachel để nói lời tạm biệt. Mặc dù bà ấy không còn phản ứng nữa, tôi vẫn vui mừng khi thấy tình yêu thương đang bao quanh bà. Khi một người con gái của Rachel nói với tôi rằng một trong những cháu đang ở New Jersey phải đến tuần sau mới về được, tôi nghĩ người cháu ấy sẽ bỏ lỡ thời điểm để nói lời tạm biệt với Rachel. Nhưng có lẽ cô ấy sẽ đến kịp cho buổi lễ tang.
Trong tuần sau đó, khi dự đoán Rachel chỉ còn hai hoặc ba ngày, tôi đã đến nhà Rachel và gặp người cháu này. Tôi rất ngạc nhiên khi Rachel đã sống được thêm một tuần. Một tuần sau, một người cháu khác, sống ở một phần khác của tiểu bang, vốn không có ý định đến, có ba ngày cuối tuần rảnh rỗi và đã xuất hiện để nói lời tạm biệt cuối cùng. Việc Rachel cầm cự được hai tuần, hoàn toàn hôn mê, không ăn uống gì, khiến tôi bối rối. Mỗi lần đến thăm, tôi có thể nghe thấy các con gái của Rachel cập nhật cho bà về việc ai vẫn còn muốn đến để nói lời tạm biệt với bà, và Rachel tiếp tục sống.
Cuối cùng, Rachel đã cố gắng thêm được 17 ngày. Chỉ vài giờ sau khi thành viên gia đình cuối cùng đến để nói lời tạm biệt, Rachel đã xuôi tay. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như vậy. Dường như Rachel hoàn toàn quyết định được khi nào bà sẽ ra đi.
2/ Người ra đi khi tất cả mọi người đã rời đi
Ngược lại, có những người chờ đến khi những người thân yêu của họ rời khỏi giường bệnh mới qua đời. Đôi khi, các thành viên gia đình đã trực bên cạnh người bệnh suốt nhiều giờ hoặc ngày, nhưng khi những người này bước ra ngoài, người đó mới ra đi. Dù họ rời đi để về nhà nghỉ ngơi qua đêm hay chỉ bước ra để lấy một tách cà phê, thì đó cũng là lúc người đó - thường là người sống khép kín hoặc sống nội tâm hơn, thích thời gian ở một mình - nhắm mắt.
Khi ai đó chọn ra đi khi không có ai ở xung quanh, các thành viên trong gia đình đã thú nhận với tôi rằng họ cảm thấy tội lỗi, như thể họ đã thất bại trong việc ở bên cạnh người thân yêu trong khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời người ấy. Những thành viên này có thể tự hỏi: “Có phải ông ấy đang trừng phạt chúng ta không?” hoặc “Có phải cô ấy đang trả thù tôi vì điều gì đó không?” Không, có lẽ không phải vậy. Đây chỉ là điều mà người này cần phải làm cho quá trình ra đi của họ. Giống như trong cuộc sống, trong cái chết, hành vi của một người thường không phải là vì chúng ta, mà là vì họ và những gì họ cần.
Ví dụ trường hợp của Walter. Vợ của Walter đã gọi điện bốn lần để thông báo cho bốn đứa con của họ rằng cha của chúng có thể sẽ qua đời trong một hai ngày tới. Sau đó, cả 4 người đã vội vã mua vé máy bay để lên đường về nhà và ở bên cha trong những ngày cuối đời của ông. Walter có nhiều dấu hiệu khiến tôi biết ông sắp ra đi. Trong nhiều ngày, ông ăn và uống ít hơn. Ông có những quãng bất tỉnh và không phản ứng, hơi thở bất thường vì có những tiếng rít khó nhọc. Làn da nhợt nhạt và có vài chỗ lốm đốm, nhiệt độ cơ thể cũng thất thường.
Một ngày sau khi vợ của Walter báo cho các con về cái chết sắp xảy ra của ông, tất cả bọn họ đều kéo ghế từ phòng ăn đến ngồi xung quanh ông khi ông qua đời. Họ đã có một kế hoạch để Walter không bao giờ cô đơn - để ông không phải ra đi khi một mình. Họ ngồi đó và cầu nguyện, đến ngày thứ tư, một người hàng xóm lâu năm mang đến một chút đồ ăn trưa cho gia đình. Vợ của Walter dù đã túc trực bên giường bệnh nhưng khi nghe thấy tiếng chuông cửa, bà vẫn chạy ra ngoài để đón tiếp vị khách và bày biện bàn ăn.
Khi gia đình đang ăn được nửa bữa, một người trong số họ nhận xét: “Bố sẽ thích món mac và pho mát này”.
Và đó là lúc họ nhận ra rằng Walter chỉ có một mình.
Khi một trong những người con của ông chạy đến kiểm tra, cô nhanh chóng quay ra thông báo rằng Walter đã xuôi tay. Đôi khi người ta chờ đợi những lúc ở một mình để ra đi.
3/ Ra đi sau một cột mốc quan trọng
Đôi khi một người chọn một ngày có ý nghĩa cá nhân - ngày lễ, đám cưới, sinh nhật hoặc ngày kỷ niệm - và qua đời vào ngày đó. “Tôi sẽ đợi cho đến khi cháu trai tôi chào đời.” “Tôi sắp đón sinh nhật lần thứ tám mươi tám của mình.” Sau đó, họ buông tay. Mặc dù không phải ai cũng có thể đạt được điều đó nhưng tôi đã thấy nhiều người sẽ tiếp tục cố gắng để đạt được một cột mốc đặc biệt. Tôi nhận thấy rằng những người này thường là những người rất có ý chí hoặc độc lập (hay thậm chí là bướng bỉnh), đồng thời có mối liên hệ sâu sắc với truyền thống hoặc những ngày kỷ niệm cụ thể đã định hình cuộc đời họ.
Mitzy, một trong những người theo dõi tôi trên mạng xã hội, đã chia sẻ với tôi câu chuyện đáng kinh ngạc này: Mẹ cô đang ở trung tâm chăm sóc sức khỏe, còn con gái cô thì đang mang thai 9 tháng. Mitzy đang ngồi trên ghế cạnh giường mẹ đọc sách thì nhận được điện thoại thông báo con gái cô sống ở tiểu bang khác đang chuẩn bị sinh. Mitzy lúc này rất cuống.
“Mẹ ơi, con không biết phải làm gì,” Mitzy nói với mẹ, người vẫn còn minh mẫn. “Con không muốn rời xa mẹ. Con sợ nếu con rời đi, điều gì đó sẽ xảy ra, nhưng con cũng muốn nhìn thấy cháu trai con chào đời.”
Với sự tự tin, mẹ của Mitzy đảm bảo với cô: “Con ạ, phải đi thôi. Nếu không, con sẽ thấy hối tiếc. Đừng lo cho mẹ. Mẹ sẽ ở đây cho đến khi thằng bé chào đời.”
Mặc dù Mitzy còn mâu thuẫn về quyết định của mình nhưng cô đã nghe theo lời khuyên của mẹ và đến bên con gái mình. Khi Mitzy kiểm tra tình hình của mẹ thông qua anh trai, anh kể rằng ngay khi Mitzy rời đi, mẹ của họ dường như đã chìm vào giấc ngủ sâu.
Tối muộn hôm đó, sau khi Mitzy đến nhà con gái, họ phát hiện ra rằng những con gái cô chưa chuyển dạ, những cơn co thắt trước đó chỉ là “báo động giả” được gọi là Braxton-Hicks. Cháu trai vẫn chưa ra đời.
Sáng hôm sau, Mitzy lái xe thẳng về nhà để ở bên mẹ. Dù bà không phản hồi nhưng Mitzy vẫn kể lại chuyến đi cho mẹ nghe, giải thích rằng đứa bé vẫn chưa chào đời. Rồi cô nhớ đến lời hứa của mẹ. Mitzy nhẹ nhàng thì thầm vào tai mẹ: “Không sao đâu mẹ. Mẹ có thể đi. Không sao đâu.”
Nhưng mẹ cô vẫn kiên trì.
Cả tuần sau, mẹ cô vẫn không phản hồi. Khi con gái Mitzy thực sự chuyển dạ, Mitzy lại chạy xe đường dài để ở bên con gái và chào đón cháu trai.
Sau khi thằng bé chào đời, Mitzy gọi điện về nhà mẹ và nhờ anh trai áp điện thoại vào tai mẹ.
“Mẹ ơi, chúng ta đã có một cháu trai khỏe mạnh. Thằng bé có đủ mười ngón tay ngón chân! Mọi thứ đều đang rất tuyệt vời.”
Mười lăm phút sau, anh trai của Mitzy gọi lại cho cô để thông báo rằng mẹ họ đã qua đời. Gia đình luôn nói đùa rằng mẹ của Mitzy và đứa cháu đã thỏa thuận và đập tay nhau, một người bước đến thế giới này, còn người kia thì đang rời đi.
- Trạm Đọc
- Theo Big Think