15 cuốn sách cho bạn trải nghiệm cuộc sống ở Thụy Điển
15 cuốn sách cho bạn trải nghiệm cuộc sống ở Thụy Điển
Bạn muốn đọc những cuốn sách về Thụy Điển để được đi giữa những cánh rừng thông ở vùng đất lạnh giá? Hay bạn là fan của thể loại Nordic Noir nhưng không biết đọc cuốn sách nào tiếp theo? Dưới đây là gợi ý những cuốn sách sẽ đưa bạn đến với thế giới văn học Thụy Điển. Danh sách này bao gồm các cuốn sách kinh dị, bí ẩn, lịch sử và văn học kinh điển để bạn tìm được cuốn mình yêu thích.

 

 Những cuốn sách kinh điển về Thụy Điển

 

1/ “City of My Dreams” (tạm dịch: Thành phố của những giấc mơ tôi) của Per Anders Fogelström

Cuốn sách đầu tiên trong bộ năm cuốn. “City of My Dreams” kể về cuộc đời của của Henning Nilsson với sự kết hợp giữa lịch sử và hư cấu. 

Cuốn sách kể về câu chuyện của Henning Nilsson và gia đình ông, một gia đình có nguồn gốc và lớn lên từ tầng lớp dưới của Stockholm thế kỷ 19, phản ánh sự phát triển của chính Stockholm thành một đô thị châu Âu hiện đại. 

Mở đầu cuốn sách là chàng Henning mười lăm tuổi đặt chân đến thành phố, chân trần và không một xu dính túi, vào đêm trước cuộc cách mạng công nghiệp, Tiếp đó là câu chuyện về cuộc đấu tranh đầy nhiệt huyết của cậu cho một cuộc sống trọn vẹn của con người.

Với cách viết mạnh mẽ, “City of My Dreams” cuốn người đọc vào một câu chuyện lịch sử về vận may và tình yêu trong một xã hội đang trải qua những biến động to lớn. 

 

2/ “The Saga of Gösta Berling” (tạm dịch: Câu chuyện về Gösta Berling) của Selma Lagerlöf

Năm 1909, Selma Lagerlöf trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. “The Saga of Gösta Berling” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và được yêu thích nhất của bà, và là nguồn cảm hứng cho bộ phim câm cùng tên năm 1924 đã đưa Greta Garbo trở thành ngôi sao. 

Cuốn sách có bối cảnh là mùa đông tráng lệ của vùng nông thôn Thụy Điển, kể về vị bộ trưởng đã bị tước danh vị Gösta Berling tìm được một ngôi nhà tại Ekeby, một cơ sở sản xuất đồ sắt, cũng là nơi ở của các cựu chiến binh lập dị trong Chiến tranh Napoléon. Tại đây, tính ngang ngạnh nhưng cũng thơ mộng của ông đã thu hút hàng loạt quý bà. 

 

Những cuốn sách về Thụy Điển đương đại

 

3/ “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” của Jonas Jonasson

Vào ngày sinh nhật lần thứ 100 của mình, cụ ông Allan Karlsson đột nhiên trèo qua của sổ ngôi nhà dưỡng lão – Nhà Già – và biến mất. Ở cái tuổi 100 hiếm ai đạt tới thì cụ có thể đi đâu được? 

Cuốn tiểu thuyết hồi tưởng lại cuộc đời phiêu lưu của Allan Karlsson, người đã đi khắp thế giới từ những năm trước Đại chiến thế giới thứ nhất đến cuộc Thế chiến thứ hai, từ nước Nga Xô Viết tới nước Mỹ siêu cường và nước Trung Quốc con rồng đang lên ở Viễn Đông.

Cuốn tiểu thuyết với giọng điệu hóm hỉnh trào lộng, dẫn dắt người đọc chu du cùng Allan qua những tình huống giả tưởng làm bật lên cái nhìn tưng tửng về thế giới này. Những xung đột văn hóa, ý thức hệ và những nét khác thường của các vùng đất xa xôi, càng chứng tỏ sự đa dạng của nhân loại trong thế giới có vẻ phẳng này.

 

4/ “Người đàn ông mang tên Ove” của Fredrik Backman

Người đàn ông mang tên Ove năm nay năm mươi chín tuổi. Ông là kiểu người hay chỉ thẳng mặt những kẻ mà ông không ưa như thể họ là bọn ăn trộm và ngón trỏ của ông là cây đèn pin của cảnh sát. Ove tin tất cả những người ở nơi ông sống đều kém cỏi, ngu dốt và không đáng làm hàng xóm của ông. Ove nguyên tắc, cứng nhắc, cấm cảu và cay nghiệt.

Người đàn ông mang tên Ove lên kế hoạch tự tử. Nhưng những nỗ lực của ông liên tiếp bị phá đám. Bắt đầu từ việc một buổi sáng, một cặp đôi trẻ trung hay chuyện với hai đứa con cũng hay chuyện không kém chuyển đến gần nhà Ove và vô tình lùi xe đâm sầm vào tường nhà ông. Rồi đến con mèo hoang nhếch nhác, tình bạn không ngờ… cuộc sống của ông già mang tên Ove thay đổi hoàn toàn.

Mang chất trào lộng duyên dáng kiểu Bắc Âu nhưng cũng tràn đầy tính nhân văn, cuốn sách trở thành một hiện tượng toàn cầu với gần 3 triệu bản in được bán ra, và được dịch sang 40 ngôn ngữ. Bộ phim cùng tên chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đã được đề cử ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2017.

 

5/ “My Brother” (tạm dịch: Em trai) của Karin Smirnoff

Jana Kippo đã trở lại Smalånger để gặp người em song sinh của mình là Bror, vẫn sống trong trang trại nhỏ của gia đình ở vùng xa xôi phía bắc Thụy Điển.

Trong cộng đồng biệt lập ẩn chứa những bí mật là dối trá ngày càng lớn dần qua nhiều năm. 

Sau khi phát hiện thi thể của một phụ nữ trẻ trên bãi cỏ dài phía sau xưởng cưa, cặp song sinh bị ám ảnh bởi tuổi thơ chìm trong bóng tối, cần phải thoát ra.

Nhưng sự thật không thể được tìm thấy trong câu chuyện của người khác. Vậy nó ở đâu? 

 

Những tiểu thuyết trinh thám Thụy Điển

 

6/ “Linda, As in the Linda Murder” (tạm dịch: Kẻ sát nhân Linda) của Leif GW Persson

Giữa mùa hè nóng nực của Thụy Điển, một cô gái trẻ đang theo học tại Học viện Cảnh sát Vaxjo bị sát hại dã man. Thanh tra cảnh sát Evert Bäckström bất đắc dĩ được điều động từ Stockholm để chỉ đạo cuộc điều tra.

Tự cao tự đại, viển vông và  có thành kiến ​​với mọi thứ, Bäckström là một người đàn ông không có ý thức về nghĩa vụ hay trách nhiệm, cho rằng tất cả mọi người ngoại trừ mình đều là kẻ ngu ngốc và chỉ thực sự có tình cảm nồng nhiệt với con cá vàng cưng của mình và chai rượu gần anh ta nhất. 

Nếu muốn giải quyết vụ án, nhóm của anh ta phải làm việc, lần theo một vài manh mối còn sót lại sau khi sự không khoan nhượng của Bäckström đã làm cho dấu vết trở nên mờ dần. 

 

7/ “Watching You” (tạm dịch: Theo dõi) của Arne Dahl

Tại mỗi hiện trường vụ án đều có một manh mối ẩn giấu: một bánh răng kim loại nhỏ, gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ai đó đang gửi cho thám tử Sam Berger một lời nhắn, ai đó biết rằng chỉ có anh ta mới hiểu được dấu vết khó hiểu đó. 

Ai đó cũng biết… 

Khi một cô gái tuổi teen khác biến mất không dấu vết, Sam phải thuyết phục cấp trên rằng họ đang đối phó với một kẻ giết người hàng loạt. Khi cảnh sát tiếp tục truy lùng nạn nhân mới nhất, Sam buộc phải khai quật con quỷ bên trong mình đã bị chôn vùi từ lâu. Nếu muốn hiểu thông điệp của kẻ giết người trước khi hết thời gian, anh không còn lựa chọn nào khác. 

 

8/ “Faceless Killer” (tạm dịch: Kẻ sát nhân vô danh) của Henning Mankell

Một buổi sáng sớm, một nông dân ở thị trấn nhỏ phát hiện ra rằng hàng xóm của mình là nạn nhân của một vụ tấn công tàn bạo trong đêm: Một ông lão bị đánh chết, và người vợ bị tra tấn của ông nằm chết trước mắt người nông dân. Manh mối duy nhất là từ duy nhất cô ấy thốt ra trước khi chết: “Người nước ngoài”. 

Phụ trách cuộc điều tra là Thanh tra Kurt Wallander, một thám tử địa phương đang gặp rắc rối với cuộc sống cá nhân của mình: gia đình tan vỡ, thừa cân, uống quá nhiều và ngủ quá ít. Kiên cường và điềm tĩnh trong công việc điều tra, anh và các đồng nghiệp của mình phải đương đầu với làn sóng bài ngoại gay gắt khi truy lùng kẻ sát nhân. 

Cuốn sách đã giành được giải cuốn sách Bí ẩn hay nhất của Thụy Điển và là phần đầu tiên truyền cảm hứng cho chương trình PBS Wallander do Kenneth Branagh đóng chính. “Faceless Killer” là một câu chuyện đen tối đầy phong cách, sắc bén với những bình luận xã hội nhức nhối vượt xa thông thường. 

 

9/ “Công chúa băng” của Camilla Läckberg

Câu chuyện hồi hộp hấp dẫn này viết về tội phạm quốc tế, một cái chết rùng rợn phơi bày trái tim đen tối của một ngôi làng ven biển Scandinavia. 

Erica Falck trở về quê hương nhỏ bé, xa xôi của Fjällbacka, Thụy Điển, sau cái chết của cha mẹ cô chỉ để gặp phải một bi kịch khác: cái chết của người bạn thân thời thơ ấu của cô tên là Alex. Chính Erica là người tìm thấy thi thể của Alex đang lơ lửng trong bồn nước đóng băng, với cổ tay có vết cắt sâu. 

Erica hoang mang: Tại sao một cô gái xinh đẹp có tất cả lại tự kết liễu đời mình?

Hợp tác với thanh tra cảnh sát Patrik Hedström, Erica bắt đầu khám phá những sự kiện gây sốc trong thời thơ ấu của Alex. Khi hết sự thật kinh hoàng này đến sự thật kinh hoàng khác được đưa ra ánh sáng, sự tò mò của Erica và Patrik nhường chỗ cho nỗi ám ảnh. Nhưng chẳng bao lâu sau, có một điều trở nên rất rõ ràng: một bí mật chết người đang bị đe dọa và có ai đó ngoài kia sẽ làm bất cứ điều gì, thậm chí là giết người, để bảo vệ nó. 

 

 

Những tiểu thuyết tội phạm Thụy Điển

 

10/ “Cô gái mang hình xăm rồng” của Stieg Larsson

Harriet Vanger, con cháu của một trong những gia đình giàu có nhất Thụy Điển đã biến mất hơn bốn mươi năm trước. Suốt những năm sau đó, người chú già của cô vẫn tiếp tục tìm kiếm sự thật. Ông thuê Mikael Blomkvist, một nhà báo thập tự chinh để điều tra. Anh được hỗ trợ bởi thần đồng nhạc punk có hình xăm và xỏ khuyên Lisbeth Salander. Cùng nhau, họ khám phá ra tội ác không thể đo lường được và sự tham nhũng đáng kinh ngạc.

 

11/ “Red Wolf” (tạm dịch: Sói đỏ) của Liza Marklund

Một nhà báo bị sát hại tại một thị trấn băng giá phía bắc Thụy Điển. Annika Bengtzon, phóng viên của một tờ báo lá cải có trụ sở tại Stockholm, đã lên kế hoạch phỏng vấn anh ta về một cuộc tấn công cách đây đã lâu nhằm vào một căn cứ không quân biệt lập gần đó, và giờ cô nghi ngờ rằng cái chết của anh ta có liên quan đến cuộc tấn công đó.

Chống lại mệnh lệnh ông chủ, cô bắt đầu điều tra vụ việc, ngay sau đó là một loạt vụ giết người gây sốc. Annika biết các vụ giết người có liên quan đến nhau. Đồng thời, cô bắt đầu nghi ngờ chồng mình đang che giấu điều gì đó. 

Cuối cùng, cô khám phá ra sự thật không chỉ về những vụ giết người mà còn về những lời dối trá đang hủy hoại chính gia đình cô.

 

12/ “Unwanted” (tạm dịch: Ngoài ý muốn) của Kristina Ohlsson

Tác phẩm đầu tay bí ẩn từng đoạt giải thưởng, được giới phê bình đánh giá cao của Kristina Ohlsson giới thiệu đến độc giả nhân vật Fredrika Bergman - nhà phân tích điều tra quyến rũ. 

Một sai lầm làm thay đổi mọi thứ… Giữa mùa hè Thụy Điển đầy mưa, một bé gái bị bắt cóc từ một chuyến tàu đông đúc. Cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu.

 

Những cuốn sách về Thụy Điển nói chung

 

13/ “Made in Sweden: 25 ideas that created a county” (tạm dịch: 25 ý tưởng đã tạo nên một quốc gia) của Elisabeth Åsbrink

Trong thời gian gần đây, chúng ta dần yêu thích mọi thứ liên quan đến những người Scandi - đồ ăn, đồ đạc, tiểu thuyết, thời trang và lối sống chung của họ. Dường như chúng ta coi người Thụy Điển và các nước láng giềng Scandinavia của họ thật đáng ngưỡng mộ. Tất cả chúng ta đều khao khát trở thành người Thụy Điển, được sống trong xã hội được thiết kế hoàn hảo cho tương lai. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đặt hết niềm tin vào ảo tưởng? Điều gì sẽ xảy ra nếu Thụy Điển trên thực tế chưa bao giờ ôn hòa, bình đẳng, hoặc khoan dung như chúng ta vẫn nghĩ? 

Elisabeth Åsbrink, một người yêu “nhưng không mù quáng" đất nước Thụy Điển của mình đã nêu ra 25 vấn đề then chốt để tạo dựng nên Thụy Điển nhằm giúp thế giới hiểu rõ hơn về quốc gia này.

 

14/  “Sống thanh thản như người Thụy Điển” của Margareta Magnusson

Trong cuốn sách “Sống thanh thản như người Thụy Điển”, bằng lời văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh, cây bút Margareta Magnusson sẽ giúp người đọc nhìn lại ngôi nhà một cách chậm rãi, tìm ra thứ mình muốn giữ bên cạnh và dọn dẹp những món đồ không còn phù hợp. Một vài bộ quần áo có thể đến với Hội Chữ thập đỏ, những chậu hoa có thể được dọn đến nhà ai đó sưởi nắng, kể cả kho dụng lặt vặt bám bụi từ lâu cũng có thể tìm người chủ khác…

Không chỉ chú ý đến chuyện tinh giản đồ đạc để xếp gọn cuộc sống, trong văn hóa Thụy Điển, cụm từ “döstädning” còn chỉ quá trình dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị cho sự ra đi khi tuổi của chúng ta đã cao. Chính vì vậy, döstädning không hẳn tập trung hoàn toàn vào đồ vật. Qua cuốn sách, tác giả Margareta đã vực dậy lòng can đảm ở người đọc: Dám đối diện với những kỷ vật xưa cũ, sẵn sàng buông bỏ chúng để tìm kiếm niềm hạnh phúc mới và để lại sự thanh thản cho những người ở lại.

 

15/ “Lagom: Biết đủ là tự do” của Niki Brantmark

Lagom – “Không quá nhiều, không quá ít, vừa đủ” – là triết lý của người Thụy Điển, tập trung tìm kiếm sự cân bằng trong mọi mặt của cuộc sống – từ công việc, nghỉ ngơi, gia đình, bạn bè và mọi thứ khác.

Lagom là vừa đủ, là cân bằng, là bình đẳng. Đó là một từ dễ nói nhưng khó xác định. “Biết đủ” là hành trình dài hiểu chính mình, hiểu giá trị cốt lõi của bản thân và hiểu vị trí của mình ở giữa môi trường xung quanh. Đó cũng không phải là một đích đến. Ngược lại, lagom là động lực để bạn sáng tạo, tìm thấy tự do và trân trọng những gì mình đang có. Chính điều đó đã tạo nên một Thụy Điển “rất lagom mà cũng nhiều sáng kiến” – một nghịch lý thú vị, nhưng không khó hiểu, của đất nước này.

“Lagom – Biết đủ mới là Tự do” là những đúc rút của Niki Brantmark qua 13 năm sống tại Thụy Điển và 6 tháng dành thời gian để umgås – gặp gỡ và fika – nhâm nhi cà phê, trò chuyện với những người bản xứ quanh những chủ đề liên quan đến lagom. Kể câu chuyện về lối sống Thụy Điển, Niki Brantmark đã đưa ra những gợi ý tinh tế và những thực hành đơn giản, giúp bạn thay đổi những thói quen trong cuộc sống. Từ đó, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho những điều quan trọng và tìm thấy hạnh phúc!

- Trạm Đọc

- Tham khảo Hey Explorer

Tags: