14 cuốn sách mang bài học quý cho pianist Lưu Hồng Quang
14 cuốn sách mang bài học quý cho pianist Lưu Hồng Quang
Bài viết dưới đây là chia sẻ với độc giả về những cuốn sách mang lại bài học quý cho nghệ sỹ Lưu Hồng Quang.

Pianist Lưu Hồng Quang sinh ngày 10/10/1990 tại Hà Nội, Việt Nam. Anh là một tài năng piano trẻ xuất sắc của Việt Nam và Australia, được giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá cao về kỹ thuật biểu diễn điêu luyện và phong cách trình diễn ấn tượng, giàu cảm xúc.

Lưu Hồng Quang từng theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, Nhạc viện Quốc tế Úc và Đại học Montreal, Canada.Trong sự nghiệp biểu diễn của mình, anh có cơ hội biểu diễn cùng những dàn nhạc lớn của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Anh cũng vinh dự dành nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi piano quốc tế và những giải thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam. Với Lưu Hồng Quang, đó là nguồn khích lệ tinh thần lớn lao để anh nỗ lực nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn nữa cho âm nhạc.

Hiện tại, anh đang là giảng viên bậc Đại học và Cao học, Chuyên ngành Độc tấu và Hòa nhạc Thính phòng, Học viện Âm nhạc và Biểu diễn Nghệ Thuật (AMPA) Sydney, Úc.

Về việc đọc sách, nghệ sỹ Lưu Hồng Quang cho rằng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đọc sách là một điều gì đó tách biệt ra khỏi cuộc sống. Nó gắn liền với tất cả mọi thứ trong đời. Tôi không hề nghĩ khi đọc sách là một cái gì đấy rất quan trọng, hay có cái gì làm mình hiểu biết hơn người… hay gì cả; tôi chỉ thấy đơn thuần như uống nước hàng ngày, không thể tách ra.”

Bài viết dưới đây là  chia sẻ của nghệ sỹ Lưu Hồng Quang với độc giả về những cuốn sách mang lại bài học quý cho cho bản thân anh.

 

01. The Pianist (Władysław Szpilman)

The Pianist (đã chuyển thể thành phim điện ảnh), kể câu chuyện của một nghệ sỹ dương cầm gốc Do Thái. Anh đã mất gia đình, đã trải qua chiến tranh thế giới và âm nhạc đã cứu rỗi cho tâm hồn anh. Lối viết cũng như cách hành văn rất chân thực, đã lột tả các đấu tranh nội tâm cũng như tính bi kịch của cuộc chiến.

02. Người được Chopin chọn (Ikuma Yoshiko)

Nếu ai đó yêu thích âm nhạc Chopin cũng như tiếng đàn của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn thì có lẽ quyển sách này là một trong những cuốn không thể bỏ qua.

Bản thân việc tôi sang theo học và học tập tại Canada cùng với NSND Đặng Thái Sơn đã là một điều tôi rất mơ ước từ trước đó rất lâu. Cũng đã có nhiều dịp làm việc với chú và được chú chia sẻ rất nhiều bài học về âm nhạc cũng như cuộc sống. Nhưng đến lúc đọc quyển sách này tôi lại có thêm chiều sâu hơn nữa về quá trình hình thành nên một nghệ sĩ Đặng Thái Sơn; đặc biệt là những năm khởi điểm của chú trong thời kỳ chiến tranh rất vất vả, hay lúc đoạt giải, lúc sang bên Nga, sang Nhật, sang Canada… Cuốn tiểu sử này không chỉ bao gồm những sự kiện lịch sử đã diễn ra mà nó còn lột tả được phần nào cả những cá tính của nghệ sĩ và những nét đẹp trong nội tâm của chú.

Một cách ngẫu nhiên thì quyển này với quyển The Pianist, cả hai nhân vật đều gần như có cuộc đời được cứu bởi Chopin.

03. Vladimir Horowitz (Glenn Plaskin)

Một quyển sách tiểu sử nghệ sĩ nữa về Vladimir Horowitz, pianist huyền thoại của thế kỷ 20. Ngày xưa có một người bạn không phải học nhạc nhưng rất yêu âm nhạc cổ điển, có một quyển copy thôi, đã tặng cho tôi một bản dịch và tôi vẫn giữ từ ngày tôi bước ra khỏi Hà Nội đi du học đến tận bây giờ - từ năm 16 tuổi và bây giờ đã 33 tuổi - là 17 năm.

Từng khổ từng đoạn đã khắc họa quá trình như mài kim cương của Horowitz. Dĩ nhiên, tất cả các nghệ sĩ đều có các mặt tối và mặt sáng. Cuốn sách cũng khai thác những lúc huy hoàng cũng như những lúc ông khủng hoảng. Horowitz có thời kỳ suốt 12 năm không đối mặt với khán giả, ông đã không xuất hiện trên sân khấu. Cả thời kỳ ông rời khỏi Nga và quay trở lại Moskva sau hơn 60 năm xúc động thế nào. Rất chi tiết.

---------------------------------------------------------

 “Mục đích của mỗi quyển sách ở mỗi thời điểm rất khác nhau, nhưng tựu trung đều có những bài học nào đó mà chúng ta cần khéo léo rút ra.” - Pianist Lưu Hồng Quang.

--------------------------------------

 

04. The World of the Concert Pianist (David Dubal) (Tạm dịch: Thế giới ca các nghệ sỹ piano độc tấu)

Tác giả là một nhà sư phạm, một nghệ sĩ và một nhạc sĩ rất có tiếng tại Mỹ, chắc giới trong nghề mới biết thôi, nhưng ai cũng có thể tiếp cận được. Ông có thu thập và phỏng vấn 35 nghệ sĩ và bản thân ông cũng là một người có am hiểu sâu sắc về nghệ thuật piano nên những nội dung mà ông hỏi rất gần và rất lột tả thế giới quan của mỗi một nghệ sĩ. Tôi có thể liệt kê một vài ví dụ rất điển hình, nói chung đều là tất cả những cá tính và những pianist vĩ đại của thế kỷ 20, và họ đều có những câu chuyện thú vị của mình.

Ví dụ Leon Fleisher là một nghệ sĩ Mỹ, sau khi chiến thắng tại cuộc thi Nữ hoàng Elisabeth (Queen Elisabeth Music Competition - 1952) ông bị chấn thương ở tay phải. Quá trình ông phục hồi tay phải cũng như đã vượt qua được vấn đề tâm lý, hay việc ông đã phải dạy học trong những năm không thể biểu diễn được… Tôi rất khâm phục nghị lực không đầu hàng số phận như vậy.

Ivo Pogorelić, một trong những nghệ sỹ không lọt được vào vòng chung kết cuộc thi Chopin (năm 1980), đặc biệt hơn là vòng chung kết năm đó NSND Đặng Thái Sơn đã đoạt giải nhất. Trưởng ban giám khảo Martha Argerich đã không được đồng tình lắm về ý kiến của giám khảo và bà đã xin từ chức không chấm nữa. Tuy nhiên sau đó bà cũng có viết một bức thư chúc mừng người thắng cuộc.

Thế nhưng Pogorelić - cũng có thể vì lý do đó - nên đã có một sự nghiệp rất chói lọi. Nhiều năm sau đó còn có một cuộc thi Ivo Pogorelić mang tên chính ông. Đây là một ví dụ rất điển hình của một pianist hoàn toàn tin vào thông điệp của mình và làm nó thuyết phục đến đâu chứ không chơi vì một quan niệm thông thường: một cách diễn đạt rất truyền thống là âm nhạc của Chopin hay của Beethoven… phải làm sao; mà ông có một cảm nhận rất riêng của mình. Ông hoàn toàn tin vào nó đến 200% và độ thuyết phục của nó rất ghê gớm. Đó cũng là một trong những tấm gương giúp cho các nghệ sĩ trẻ có thể tin vào mình hơn.

Rất nhiều các ví dụ khác nữa trong cuốn sách này, tôi nghĩ đây là một cuốn sách rất bổ ích nhưng cũng rất thú vị, có nhiều điều có thể khám phá cả trong âm nhạc lẫn một số các triết lý sống của các nghệ sĩ.

05. The Great Pianists: From Mozart to the Present (Harold C. Schonberg)

Một quyển sách về quá trình phát triển và tiến độ lịch sử, dấu mốc lịch sử của cây đàn piano cũng như một thống kê tương đối hoàn thiện về các pianist từ thời khởi điểm đầu thế kỷ 19 suốt cho đến trong và giữa thế kỷ 20 đến thế kỷ 21, được đánh giá rất cao bởi The New Yorker.

Cuốn này vừa xen kẽ tiểu sử và lịch sử từ thời kỳ piano được phát triển. Ngày xưa tiền thân của piano là cây đàn harpsichords, sau đó dần dần mới có được thể hiện đại như ngày nay. Nó đã trải qua rất nhiều quá trình biến hóa, thích nghi và tương thích. Các nghệ sĩ và cả các nhạc sĩ đã có sự tương thích với nhạc cụ mới và nó cũng có những ảnh hưởng nhất định đến phong cách cũng như các điểm cách tân trong các tác phẩm của họ. Đây cũng là một điểm rất hay và cần thiết để hiểu. Mỗi một thời kỳ có một nhạc cụ mới được giới thiệu thì nội dung của các tác phẩm viết cho nhạc cụ đó đã được thay đổi và các kỹ thuật đã được cách tân như thế nào.

Có rất nhiều các then chốt của lịch sử mà sau những mấu chốt đó là toàn bộ phong cách của âm nhạc đã được thay đổi. Beethoven có viết bản Sonata số 29 giọng Si giáng trưởng “Hammerklavier” (Beethoven: Sonata No.29 in B-flat Major, “Hammerklavier"). Khi đó hammerklavier đã gần được như cây đàn piano đại dương cầm ngày nay; và có lẽ Beethoven cũng là một trong những người tiên phong có thể đẩy được mức độ giới hạn của nó đến ngoài mức giới hạn. Sau đó, đương nhiên nó cũng được ảnh hưởng và được các nghệ sỹ thế hệ sau như Liszt, Chopin, Schumann, Brahms…, sau này nữa là Rachmaninoff, Prokofiev… tiếp nối. Thật thú vị khi chứng kiến dòng chảy lịch sử của thời đại qua cuốn sách này.

06. Beethoven: A Life in Nine Pieces (Laura Tunbridge)

Thêm một quyển nữa cũng rất quan trọng về Beethoven nhưng lại viết theo hình thức tóm tắt các sự kiện cuộc đời của ông trong 09 tác phẩm chính của ông. Đây là một phân tích rất có tính chỉ mục, rất sâu và rất chú trọng về những bối cảnh chính trị cũng như cuộc sống và bối cảnh lịch sử xoay quanh những tác phẩm Beethoven đã sáng tác vào những thời kỳ đó; cũng như một số các vấn đề về đời tư, tài chính hoặc vấn đề về pháp lý mà Beethoven đã có rất nhiều đấu tranh khi ông còn sống. Từ những việc như giữ bản quyền, vụ không viết những tác phẩm được đặt hàng hay ra tòa để làm thế nào có được quyền nuôi dưỡng người cháu…

07. Parallels and Paradoxes: Explorations in Music and Society (Edward W. Said và Daniel Barenboim)

Một quyển sách rất hay nhưng nội dung hơi nặng một chút, có thể tạm dịch là “Song hành và Đối lập”, rất lôi cuốn về âm nhạc và chính trị. Cuốn sách được viết theo dạng đối thoại: một người hỏi một người trả lời, một người đưa ra một vấn đề và người kia phản biện, cũng có những lúc hai bên có những ý kiến rất đối lập.

Nó dựa trên âm nhạc nhưng nói về mối quan hệ giữa âm nhạc và xã hội; rất nhiều các ví dụ rất hay; như những sự nhạy cảm với chính trị khi có những người ở Israel - những người dân gốc Do Thái - họ không thích nhạc của Đức, của Richard Wagner vì đó là phát xít. Nhạc trưởng Berenboim đã có những dự án kết hợp rất nhiều các thành viên của Israel và nhiều nơi nữa với dàn nhạc Đức; làm cho tất cả mọi người ở trong âm nhạc, cùng một ngôn ngữ và cùng tính dân chủ; không có gì là Do Thái hay phát xít. Một trải nghiệm có rất nhiều giá trị để nói về tính dân chủ tự nhiên trong ngôn ngữ âm nhạc. Mọi người đều đang nói những cảm xúc giống nhau.

08. Notes from the Pianist's Bench (Boris Berman)

Về nghệ thuật chơi đàn piano, phân tích về góc độ kỹ thuật chuyên ngành nhất, có một quyển của giáo sư ở trường Đại học Yale, “Những ghi chú trên ghế đàn”. Đây là quyển mà tôi muốn giới thiệu nhất! Nó như một cuốn từ điển bách khoa về kỹ thuật cây đàn piano. Tác giả là một trong những nghệ sĩ vừa biểu diễn nhưng lại có bề dày phương pháp sư phạm, được dựa trên mấy chục năm làm việc với vô vàn thiên biến vạn hóa các thể loại học sinh. Ông có đề tặng cuốn sách là, "Tặng các học trò của tôi - những người mà tôi đã chia sẻ rất nhiều giờ của niềm vui, của ức chế, và của tìm tòi.

Cuốn sách nói rất nhiều thứ từ các cách đặt tay cho đến tư duy âm nhạc: như làm một bài diễn văn. Cách phát âm của ngôn ngữ âm nhạc và cách hành văn: dấu chấm, dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu hỏi…, thì khoảng cách nên được phân bố như thế nào và nó giúp cho câu nhạc được phát âm lên như thế nào. Rồi cách uốn câu, ông cũng nói nhiều về việc cần phải làm rõ, làm chất lượng, phân biệt được điểm khác biệt khi mình nói và khi mình hát; phân loại bài hát: hát solo độc tấu, hay hát hòa tấu, hợp xướng…

Và tùy vào nội dung bản nhạc, tùy vào nội dung mà tác giả yêu cầu, ta có thể tư duy cây đàn piano như một người hát, như một hợp xướng, hay như một nhạc cụ, hay như một dàn nhạc hay rộng hơn, như là âm hưởng và màu sắc của thiên nhiên.

Âm sắc khi ta sử dụng để nói cũng là một kho tàng rất tự nhiên để có thể giúp cho sự biểu đạt âm nhạc của mỗi nghệ sĩ phong phú hơn về mặt cảm xúc. Ví dụ, không thể nào nói với người mà mình thân, người mà mình yêu, giống như mua một món hàng ở ngoài chợ. Và khi mình nói chuyện với bạn thân, hay khi mình nói ở tòa, hay mình nói ở trong quán cà phê…Thậm chí lúc mình nói, mình cũng không ý thức được một cách rất chủ động, rằng mình đang như thế đâu. Nên khi vào âm nhạc và vào một số tác phẩm mình hay bị cứng, là bởi vì mình chưa hiểu được hoàn cảnh, ngữ cảnh mà âm nhạc đòi hỏi ngôn ngữ có âm sắc như thế nào; thành ra chúng ta hơi lúng túng.

Dĩ nhiên, rất nhiều bạn có am hiểu một chút về ngoại ngữ Châu Âu: tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, nhất là những người học opera, thì rõ ràng cũng nhận thấy được có một sự tương đồng về ngôn ngữ trong âm nhạc, bởi vì âm nhạc cổ điển đến từ phương Tây.

09. Journey of a thousand miles (David Ritz & Lang Lang)

Cuốn sách này nói về Lang Lang, tựa đề “Hành trình ngàn dặm” đã phác họa toàn bộ quá trình phát triển sự nghiệp của anh, được viết rất dễ hiểu, đặc biệt về những gì đằng sau sự thành công.

Nghệ sỹ Lang Lang có một phong cách biểu diễn rất phóng khoáng và có sự cường điệu rất lớn về cảm xúc. Nhưng đọc những bức tranh đằng sau hình thành nên cá tính âm nhạc đó tôi mới hiểu vì sao ngọn lửa trong anh lại có thể lớn đến như thế. Cuốn sách lột tả rất rõ những năm tháng đầu đời của Lang Lang: Sự khó khăn và rất rất nhiều hi sinh thử thách mà gia đình Lang Lang đã phải đối mặt. Thậm chí những khi Lang Lang đã mất niềm tin vào bản thân, quá trình mà anh hồi phục, từng bước đi đến thế giới âm nhạc cổ điển và những bài học rút ra sau mỗi lần khủng hoảng.

Tôi thấy đây cũng là một quyển rất hữu ích, thậm chí rất thú vị để nhìn đằng sau hình ảnh của một nghệ sĩ rất thăng hoa trên sân khấu. Nó cho tôi hiểu rất sâu xa về câu nói: mọi thành công đều có giá của nó.

10. Chuyện ngụ ngôn (Lev Tolstoy)

Quyển này từ ngày bé, lúc tôi học cấp 1, bây giờ tôi vẫn giữ được, nát lắm rồi nhưng chắc nó cũng vẫn có thể sống thêm vài chục năm nữa. Sách bé tí, tôi cũng mua gần nhà thôi. Mỗi một năm trong cuộc đời đi qua lại thấy nó ngấm ghê gớm! Tôi cam đoan từ trẻ con bắt đầu biết đánh vần cho đến người lớn 80 tuổi đọc, đều sẽ có một bài học nào đó.

Chắc hẳn ai đi học cũng không thể nào bỏ qua những câu chuyện như: Con cáo và chùm nho, Con quạ và bình nước, Chuyện con dơi, chuyện Đeo nhạc cho mèo, chuyện Con chuột béo phì, ăn nhiều quá không nghĩ đến lúc phải đi ra…; chuyện Chó sói và chó nhà, "Anh được ăn no nhưng anh không có tự do, tôi thà đói nhưng được tự do!”.

Có chuyện Con cáo cụt đuôi như thế này: Con cáo này bị sập bẫy bởi thợ săn và bị mất đuôi. Nó về nó bảo: “Các chị em nhà cáo ơi, cái đuôi ca chúng ta vừa nặng vừa vướng và nó cũng chả dùng để làm gì, tốt nht chúng ta nên chặt phăng nó đi.” Một chị cáo khác ôn tồn nói: “Ôi chị ơi, nếu mà chị không cụt cái đuôi của chị, thì chị đã không nói câu này!

Đấy cũng là một bài học rất thấm của cuộc đời, đôi khi có những người người ta khuyên mình chưa chắc đã đúng, mà người ta càng không có cái gì người ta càng không muốn người khác có cái đấy! Có thể nói đến giờ phút này, cứ lúc nào tôi mở cuốn sách ra tôi lại “Ồ! À! Hay thật! Đúng thật!”, và lại vỡ lẽ ra, đập tay lên trán. Chắc sau này nếu có con tôi sẽ cho nó đọc hàng ngày đến khi nào thuộc lòng thì thôi! Tôi nghĩ đây là cách giáo dục tuyệt vời được ẩn đằng sau những câu chuyện.

11. The Daily Stoic (Ryan Holiday)

Tôi thường xuyên cố gắng mỗi ngày đọc một trang, “Sự kiên nhẫn hàng ngày”. Stoic là phẩm chất của một con người có khả năng kiểm soát đam mê và cảm xúc của mình, không để cho bản năng chỉ huy mình, mà mình chỉ huy bản năng. Nó có rất nhiều điều mà mọi người đều ý thức được rồi nhưng đôi khi ta quên mất.

Ví dụ như những lúc buồn bã, thất vọng là mình đang không nhìn xem mình đang có gì trong đời; hay "phải suy nghĩ trước khi hành động” - cái này thì quá đơn giản, nhưng chẳng ai làm thế cả. Rồi nguồn gốc của lo âu đến từ đâu? Việc lo âu cho mình ung thư hay cho mình sống thọ? Hay sự bất an đến từ việc mình trì hoãn những gì mà mình có thể làm chứ không phải vì việc đấy quá khó.

Cuốn này có thể từ từ đọc, nó không phải để đọc kiểu tiểu thuyết mà là đọc để ngẫm nghĩ.

12. Good to Great - Từ tốt đến vĩ đại  (Jim Collins)

Rất lâu rồi mẹ tôi có cho tôi quyển Từ tốt đến vĩ đại”. Dù chưa định mở công ty, nhưng tôi cũng đọc hết. Cuốn sách này không chỉ tốt cho những người đang điều hành doanh nghiệp của mình, mà còn rất tốt cho những ai muốn đẩy công việc của mình lên một tầm cao mới. Có một số những khái niệm nghe tưởng chừng rất đơn giản nhưng rất khó để thực hiện một cách triệt để.

Ví dụ khái niệm cáo và nhím. Nói chung rất đơn giản: con cáo kiểu như có 72 mánh lới. Nó rất thông minh, láu cá và có rất nhiều cách để biến hóa này kia. Nhưng con nhím chỉ biết đứng một chiêu thôi: thu mình lại, xù lông ra. Nhưng đến khi xét về độ hiệu quả thì con cáo lúc nào cũng thua. Con nhím chỉ dùng đúng một chiêu nhưng lúc nào cũng hiệu quả, hơn là mình cứ làm đủ các trò, nhưng rốt cuộc tính thực tiễn và hiệu quả đạt bao nhiêu phần trăm, năng suất bao nhiêu? Thành ra đôi khi chúng ta cũng cần có sự bình tĩnh và tỉnh táo xem rốt cuộc chúng ta là cáo hay nhím? Tôi thấy cái này không nhất thiết trong kinh doanh mà trong cuộc đời cũng có những lúc mình cần sự hiệu quả như thế.

Một điểm nữa tôi thấy rất được thuyết phục, đó là khi tác giả nói về yếu tố để làm nên một người lãnh đạo cấp độ cao. Nhiều người sẽ bảo là có tầm nhìn, rồi can đảm, có sự khác biệt hoặc không đầu hàng, hoặc rất táo bạo hay rất quý trọng nhân viên…Nhưng cuối cùng tác giả phân tích là, yếu tố dẫn đến quyết định một nhà lãnh đạo cấp độ cao đó là sự thấu hiểu sâu sắc: tự hiểu chính mình. Điều này dựa trên điểm giao bởi 3 vòng tròn: đó là bạn yêu thích cái gì nhất trên đời, bạn giỏi nhất cái gì trên đời hơn tất cả mọi thứ và những người khác, và cái gì chi phối bộ máy kinh tế của bạn?

Ba vòng tròn này giao nhau ở đâu thì đấy chính là cái mình làm. Nhưng để làm được điều này lại cần sự thấu hiểu bản thân, thấu hiểu thực tế một cách sâu sắc chứ không cần sự can đảm giả tạo. Và tôi thấy điều này rất giống với việc các bạn trẻ cần phải đi tìm cho mình một đam mê vậy. Làm gì thì làm, nhưng đầu tiên mình phải yêu thích; và phải có khả năng nữa; và nó cũng phải chi phối kinh tế của mình thế nào? Nhưng nếu chỉ thiếu một trong ba vòng tròn ấy thì nó vẫn chưa hoàn toàn là bàn đạp để giúp cho chúng ta đi đến mức độ cao nhất.

Tôi rút ra một số những bài học như vậy. Và một số những phẩm chất nữa, ví dụ như người lãnh đạo vĩ đại, khi có việc thành, người ta nhìn ra cửa sổ và đổ cho may mắn, đổ cho người khác giúp, mình không có gì; còn những người lãnh đạo thông thường thì nhận hết về mình (*). Cái đấy thì chúng ta hiểu rồi!

13. Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (Haruki Murakami)

Văn học nước ngoài tôi cũng đọc nhiều lắm. Chắc các bạn trẻ bây giờ rất thích tác giả người Nhật Haruki Murakami. Cuốn này cho tôi rất nhiều cảm hứng về việc vượt qua giới hạn của bản thân. Tôi rất ấn tượng cách tác giả tường thuật quá trình vượt lên cả cơ thể lẫn tâm lý, khi ông ấy xác định từ một ý nghĩ là “tôi muốn nếm mùi của một chặng marathon”, cho đến việc ông ấy chạy cả một chặng marathon. Muốn thế phải có sự chuẩn bị trước, và cái cách mà ông ấy nói về thế giới quan của mình với tất cả những gì xảy ra trong quá trình ông muốn rèn luyện cũng như các hồi ký của ông ấy…, tôi cảm thấy rất bị lôi cuốn.

14. Cổ học tinh hoa (Ôn Như Nguyễn & Tử An)

Cuốn sách triết lý này phác hoạ những đời sống của dân thường. Có một vài truyện ngắn như: Khổng Tử đang đi trên đường thì gặp thấy một người phụ nữ đang khóc, ông hỏi “Tại sao cô khóc?” - “Tôi đang đi làm đồng rồi bị mất cái trâm cài tóc làm bằng cỏ, nên tôi khóc.” Rất ngạc nhiên, Khổng Tử hỏi tiếp, “Ở đây đầy cỏ, sao mất cái trâm bằng cỏ mà cô phải khóc?” - “Không phải tôi khóc vì bị mất cái trâm, mà tôi khóc bởi vì cái trâm bị mất được người chồng quá cố của tôi tặng cho tôi.

Đôi khi tiếc xót những thứ mất đi trên đời không phải vì nó có giá trị bằng tiền mà nó có những cái giá trị tình cảm, cảm xúc nào đó.

Một chuyện khác, khi có một người lạ đi trên đường nói, “Thiên hạ bây giờ không thấy ai nói về tình nghĩa nữa, tốt nht là chúng ta cũng nên như vậy. Cần gì phải làm theo nghĩa khi không có ai tin vào và thực hành theo nữa?” Mặc Tử bảo, “Ông nói như thế là không phải, là khuyên không đúng. Bởi vì ví dụ một nhà có 10 người con, 09 người con đều lười thì người con kia lẽ ra phải chăm chỉ làm lụng và cố gắng lên gấp 10 lần để bù lại chứ? Cho nên khi ông nói mọi người làm sai rồi mình cũng hùa theo mà mình không làm điều đúng thì đấy là khuyên không đúng.”

Những chuyện kiểu như vậy, tôi nghĩ với một số độc giả lớn tuổi chắc sẽ rất thích.

Đọc thêm: Pianist Lưu Hồng Quang: Đọc sách, nhưng phải có sự áp dụng, chuyển hóa vào cuộc sống!

H. Hương Giang ghi

Tags: