Điểm chung giữa chúng là những câu chuyện hấp dẫn, đầy tính nghệ thuật và sự độc đạo cũng như khả năng thu hút người đọc vào những suy ngẫm cá nhân sâu sắc về những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời. Những cuốn sách này sẽ khiến bạn suy nghĩ, cảm nhận và trưởng thành. Henry David Thoreau từng khuyên: “Hãy đọc những cuốn sách hay nhất trước tiên, nếu không bạn có thể không có cơ hội đọc chúng”. Dưới đây là 10 cuốn tiểu thuyết kinh điển của văn học Nga mà bạn không nên bỏ qua.
1/ “Yevgeny Onegin” (1833) của A. S. Pushkin
Yevgeny Onegin (tiếng Nga: Евгений Онегин; tiếng Anh: Eugene Onegin) là một cuốn tiểu thuyết bằng thơ được Pushkin viết từ 1823 đến 1831.
Trong kiệt tác tiểu thuyết Nga ít được biết đến này, Pushkin đã kết hợp một câu chuyện tình yêu hấp dẫn với bối cảnh xã hội Nga đầu thế kỷ 19 để tạo nên một trong những tác phẩm châm biếm dí dỏm nhất từng được viết ra hoàn toàn bằng thơ.
Không phải ngẫu nhiên mà Pushkin thường được mệnh danh là cha đẻ của văn học Nga hiện đại và Yevgeny Onegin được coi là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Vừa vui tươi vừa nghiêm túc, vừa mỉa mai nhưng cũng đầy đam mê, cuốn tiểu thuyết thơ này là điểm khởi đầu cho văn học Nga hiện đại, bởi vì trong đó, Pushkin tạo ra khuôn mẫu cho gần như tất cả các chủ đề, kiểu nhân vật và kỹ thuật văn học sau đó.
2/ “Một anh hùng thời đại” (1840) của Mikhail Lermontov
Thường được coi là “cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên” của Nga, “Một anh hùng thời đại” kể câu chuyện về Pechorin, một thanh niên nổi loạn nhưng đầy lôi cuốn, người đã mê hoặc và khiến độc giả bối rối trong hơn một thế kỷ rưỡi.
Cuốn tiểu thuyết bao gồm năm câu chuyện liên kết với nhau, đi sâu vào tâm hồn phức tạp của Pechorin từ nhiều góc nhìn. Kết quả là một bức chân dung khó quên về nhân vật phản anh hùng đầu tiên của văn học Nga ngay cả khi anh ta quyến rũ và đầy mê hoặc.
3/ “Cha và con” (1862) của Ivan Turgenev
Cuốn tiểu thuyết đầy cảm xúc và thơ mộng này nắm bắt một cách tinh tế những xung đột xã hội và gia đình đang nổi lên vào đầu những năm 1860, thời điểm có nhiều biến động lớn ở Nga. Nó cũng đã gây ra một cơn bão báo chí với sự miêu tả mạnh mẽ về Bazarov, một người theo chủ nghĩa hư vô trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và có đôi mắt sắt đá.
4/ “Chiến tranh và hòa bình” (1869) của Leo Tolstoy
Thường được các nhà phê bình ca ngợi là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất từng được viết, câu chuyện sử thi này kể về vận mệnh của năm gia đình quý tộc sống qua các cuộc chiến tranh của Nga với Napoléon vào đầu thế kỷ 19.
“Chiến tranh và hòa bình” chứa đựng rất nhiều điều. Trong đó là một câu chuyện tình yêu, một câu chuyện gia đình và một tiểu thuyết chiến tranh, nhưng cốt lõi của nó là một cuốn sách về những con người cố gắng tìm chỗ đứng trong một thế giới tan vỡ, những con người cố gắng tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa cho chính họ ở một đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh, thay đổi xã hội và sự hỗn loạn về tinh thần.
Vừa là một chiếc la bàn đạo đức, vừa là sự tôn vinh niềm vui sống sâu sắc, sử thi của Tolstoy cũng là tác phẩm kinh điển của Nga trong thời đại chúng ta.
5/ “Anh em nhà Karamazov” (1880) của Fyodor Dostoevsky
Trong câu chuyện căng thẳng về mặt cảm xúc và triết học về chế độ phụ hệ và sự ganh đua trong gia đình, như bất kỳ nhà văn Nga nào có chủ đề về đức tin, Dostoevsky đã có những khám phá sâu sắc cái ác và ý nghĩa.
Cuốn tiểu thuyết mô tả những thế giới quan khác nhau của ba anh em nhà Karamazov - Alyosha tu sĩ, Dmitry duy cảm và Ivan trí thức, cũng như người cha trụy lạc của họ, nạn nhân của một vụ giết người bí ẩn và cuộc điều tra trở thành tâm điểm của ba phần cuối cùng của cuốn tiểu thuyết.
6/ “Bác sĩ Zhivago” của Boris Pasternak
Lấy cảm hứng từ “Chiến tranh và Hòa bình”, cuốn tiểu thuyết lịch sử này kể về câu chuyện của nhà thơ - bác sĩ Yuri Zhivago, người đấu tranh để tìm vị trí, nghề nghiệp và tiếng nói nghệ thuật của mình giữa sự hỗn loạn của Cách mạng Nga.
Là một kiệt tác văn xuôi giàu sức gợi, đẹp đẽ như vùng quê nước Nga mà nó miêu tả, “Bác sĩ Zhivago” đưa độc giả vào cuộc hành trình của tình yêu, nỗi đau và sự cứu chuộc qua những năm khắc nghiệt nhất của thế kỷ 20.
7/ “Sông Đông êm đềm” (1959) của Mikhail Sholokhov
Thường được so sánh với “Chiến tranh và Hòa bình”, cuốn tiểu thuyết lịch sử hoành tráng này kể về số phận của một gia đình Cossack điển hình trong khoảng thời gian 10 năm đầy biến động, từ ngay trước khi Thế chiến thứ nhất bắt đầu cho đến cuộc nội chiến đẫm máu sau Cách mạng Nga năm 1917.
Lịch sử nước Nga đầu thế kỷ 20 trở nên sống động nhờ những nhân vật được phát triển tốt và dễ gần của Sholokhov, những người phải đấu tranh không chỉ với một xã hội đang bị bao vây, mà cả những mối tình bất hạnh, mối thù gia đình và một quá khứ bí ẩn vẫn còn ám ảnh hiện tại.
8/ “Cuộc đời và số phận” (1960) của Vasily Grossman
Những điều mà bản anh hùng ca hoành tráng này tạo ra cho xã hội Liên Xô giữa thế kỷ 20 cũng giống như “Chiến tranh và hòa bình” tạo ra cho nước Nga thế kỷ 19.
Trong đó là sự đan xen giữa một sự kiện lịch sử, cuộc vây hãm kinh hoàng Stalingrad trong Thế chiến thứ hai, với những câu chuyện riêng tư của các nhân vật thuộc mọi tầng lớp xã hội có cuộc sống bị tàn phá một cách bạo lực bởi các thế lực chiến tranh, khủng bố và chủ nghĩa toàn trị của Liên Xô.
9/ “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” (1962) của Alexander Solzhenitsyn
Kiệt tác ngắn ngủi, đau khổ nhưng đầy hy vọng kỳ lạ này kể câu chuyện về một ngày trong cuộc đời của một tù nhân bình thường trong trại lao động Liên Xô, trong đó có hàng chục triệu người ở Liên Xô.
Dựa trên trải nghiệm cá nhân của Solzhenitsyn với tư cách là một trong những tù nhân đó, cuốn sách này chân thực, chi tiết, sống động và không ủy mị.
10/ “The Funeral Party” (2002) của Lyudmila Ulitskaya
Tác phẩm đầu tay bằng tiếng Anh này của một trong những tiểu thuyết gia nổi bật nhất nước Nga đương đại mô tả những tương tác kỳ lạ và cảm động giữa một nhóm người Nga nhập cư đầy màu sắc sống ở New York, những người tham dự đám tang của Alik - một họa sĩ thất bại nhưng được nhiều người yêu mến - tại một căn hộ nhỏ bé, oi bức ở Manhattan vào đầu những năm 90.
Vừa kỳ quặc vừa sâu sắc, “The Funeral Party” khám phá hai trong số những “câu hỏi đáng nguyền rủa” lớn nhất của văn học Nga: “Sống như thế nào?” và “Làm thế nào để chết?”
- Tham khảo: Daily Beast