1/ Tìm kiếm khách hàng
Tùy thuộc vào sản phẩm đang bán, chỉ tiêu cá nhân, đặc thù thị trường và phân khúc… áp lực tìm kiếm khách hàng có khác nhau giữa ngành này, ngành kia. Nhưng thông thường đây là công việc thuộc trách nhiệm của người bán hàng. Dành thời gian, chọn cách thực hiện phù hợp rồi thực hành hằng ngày bất kể tâm trạng, thời tiết.
Đây là thói quen mang lại cho bạn tiền bạc, thành tích và cơ hội phát triển nghề nghiệp.
2/ Tự rút kinh nghiệm hằng ngày
Tự phân tích và đánh giá lại sau mỗi buổi bán hàng trực tiếp hoặc gọi điện thoại để tìm hiểu lý do thành công/thất bại. Từ đó liệt kê những điều nên làm/không nên hoặc cách khác phù hợp hơn. Khi một khách hàng từ chối, bạn biết lý do tại sao, điều gì mình đã làm sai/chưa hay/thiếu thuyết phục... để lần sau làm tốt hơn.
Bằng cách này, bạn của ngày hôm nay kinh nghiệm hơn bạn tháng trước, khéo léo hơn, kỹ năng hơn chính mình tuần trước – đó là cách làm của người chuyên nghiệp. Nếu không bạn cứ mãi là kẻ nghiệp dư trong công việc.
3/ Suy nghĩ tích cực
Tập tính lạc quan, vui vẻ, luôn nhìn mặt tốt của vấn đề, tin tưởng vào điều tốt đẹp sẽ xảy ra để tiếp tục cố gắng. Đối với dân bán hàng, khi thị trường không thuận lợi, nhiều người sẽ khó tránh khỏi bắt đầu lo lắng thái quá, bi quan, mất hy vọng. Dĩ nhiên, chúng ta không lờ đi thực tế khó khăn nếu có nhưng chỉ có suy nghĩ tích cực mới giúp thêm sức mạnh, vững niềm tin tiếp tục theo đuổi công việc.
4/ Không đổ lỗi
Tôi muốn bạn, ngay từ hôm nay, hãy nhìn thẳng mình trong gương và dũng cảm nhận trách nhiệm về mình, thành công hay thất bại, mọi thứ đều do chính bạn. Nếu hoàn thành KPI, đạt chỉ tiêu doanh số... đó là vì bạn đã làm tốt. Ngược lại, nếu kết quả thấp, cũng chính tại bạn!
Đúng thế!
Nếu tháng này doanh số không đủ, hợp đồng không chốt được, KPI không hoàn thành, kết quả bán không như kỳ vọng... mọi thứ đều do bạn!
Chẳng phải do thị trường, đối thủ, giá cả, sản phẩm... Cũng chẳng phải tại đối tác khó tính, khách hàng khó chịu, quản lý khó khăn hay đồng nghiệp khó ưa.
Chịu trách nhiệm cá nhân, không tìm cách đổ lỗi và không viện dẫn lý do, đó là thói quen quan trọng nếu muốn thành công.
5/ Kiểm soát cảm xúc
Bản hàng là công việc áp lực nên không phù hợp cho tất cả mọi người. Một ngày, nhân viên bán hàng thường trải qua nhiều tâm trạng cảm trên xúc khác nhau: lo lắng, thất vọng, buồn nản xen lẫn vui mừng, sung sướng. Trong số khách hàng bạn gặp, có người xởi lởi, lịch thiệp nhưng cũng chẳng ít người gắt gỏng, khó chịu... nếu không quen dễ khiến bạn phản ứng thái quá không phù hợp. Tốt nhất là cố gắng kiểm soát, đừng để cảm xúc lấn át trong công việc.
6/ Đọc sách hằng ngày
Thong thả thì 30 phút, không thì 10-15 phút, chỉ vậy thôi thì chắc chắn bận mấy bạn cũng có thể thu xếp được. Sách chuyên ngành, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng càng tốt hoặc bất cứ chủ đề gì bạn thích thú.
Nếu không thu xếp được để đọc, hãy nghe khi có thể. Hiện nay, sách nói khá phổ biến và phong phú, hẳn luôn có sách phù hợp với bạn.
7/ Tiết kiệm
Đừng sống vội theo kiểu làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Một số người bán hàng khi có thu nhập xúng xính thì thay xe, đổi điện thoại thường xuyên, độ chi tiêu hoang phí. Hãy thực hành tiết kiệm có kỷ luật, 5-10% thu nhập hằng tháng hoặc hơn tùy điều kiện.
Nếu không chắc chắn vào ngày mai thì sự chuẩn bị chu đáo chẳng bao giờ là thừa cả.
8/ Không ngừng học hỏi
Đặc biệt từ đồng nghiệp, người quản lý và khách hàng. Dành thời gian quan sát, tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp bán hàng nhiều ngành nghề khác, chắc chắn bạn sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm thực chiến có ích. Đóng vai khách hàng đến showroom ô tô, tham quan nhà mẫu tại sàn giao dịch bất động sản hay thắc mắc về bảo hiểm với tư vấn viên... đó là những bài học trực quan, sống động và dễ nhớ.
9/ Chăm sóc bản thân
Đừng chỉ lao vào kiếm tiền mà quên chăm sóc bản thân. Đây là lời khuyên đáng lưu ý của bất cứ ai đã qua thời trẻ. Chơi thể thao, tập thể dục, giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất, đó là những đặc điểm cơ bản của người bán hàng. Giữ thói quen mỗi ngày dành ít nhất 30 phút cho một môn ưa thích (chạy bộ, đạp xe, thể hình...). Ngày xưa, thời ở ký túc xá tôi và các bạn thường đùa với nhau “sức khỏe quý hơn vàng, vì không có vàng nên sinh viên mang sức khỏe ra xài!” Nhưng đúng như vậy, thức khuya, hút thuốc, nhậu rượu đế, ăn uống hà tiện... toàn là những thói quen có hại cho sức khỏe.
Chủ động kiểm soát bản thân, vui chơi điều độ, cân bằng mọi thứ là tốt nhất.
10/ Xây dựng mối quan hệ nghề nghiệp
Tại sao đây lại là thói quen tốt cần hình thành và nuôi dưỡng? Vì mối quan hệ mang lại cho bạn doanh số, chỉ tiêu, tiền bạc và nhiều khách hàng khác. Bạn không biết về sau mình
sẽ làm việc với ai, ở đâu, môi trường nào... nên mọi mối quan hệ đều có ích. Cần biết rằng, sau thời gian bán hàng ở bất cứ tổ chức nào, thành tựu đáng giá nhất của bạn không phải là chốt bao nhiêu hợp đồng, đạt doanh số bao nhiêu mà là số lượng mối quan hệ khách hàng thân thiết xây dựng được.
- Trích từ cuốn sách “Kỹ năng bán hàng thực chiến”