10 tác phẩm không thể bỏ lỡ của nhà văn Ma Văn Kháng
10 tác phẩm không thể bỏ lỡ của nhà văn Ma Văn Kháng
Nhà văn Ma Văn Kháng vừa nhận được giải thưởng Thành tựu trọn đời từ Hội Nhà văn Hà Nội. Hãy cùng Trạm điểm qua 10 tác phẩm không thể bỏ lỡ của nhà văn Ma Văn Kháng trong bài viết dưới đây. Bạn đã đọc tác phẩm nào của nhà văn Ma Văn Kháng thì hãy cùng thảo luận nhé.

 

1/ Mùa lá rụng trong vườn

 

Mùa lá rụng trong vườn là một trong những tác phẩm văn chương tiêu biểu nhất trong giai đoạn trước năm 1975. Khai thác đề tài gia đình, nhà văn Ma Văn Kháng không bám riết vào những cảm tình đơn thuần, mà ông đặt nó trong mối quan hệ với sự vận động của thời đại. Gia đình, khi đã đi ra khỏi chiến tranh, khi ở trong năm tháng đất nước đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, thì sẽ có diện mạo như thế nào? 

Lấy cảm hứng từ những gốc cây mùa thay lá, từ những chiếc lá non đang trồi ra mơn mởn và những mống lá vàng khô khốc tàn rụi sẽ phải buông mình và vùi lấp trong đất mẹ, nhà văn Ma Văn Kháng đã cất lên câu chuyện gia đình - trong yêu cầu đổi mới tư tưởng và cách sống, những nhân tính và tình cảm bị chi phối ra sao bởi cơ chế thị trường. 

Những mục tiêu kinh tế mới, những ham muốn vật chất tầm thường được gọi dậy, cái nền nã tốt đẹp bị những cái dục vọng xấu xa che lấp, khiến con người trở nên ích kỷ, tàn nhẫn. 

Bên cạnh đó, Mùa lá rụng trong vườn cũng là tiếng nói tỉnh thức những con người đắm chìm trong những giá trị truyền thống một cách cố chấp. Thời đại thay đổi, có những giá trị đã không còn phù hợp, những tư tưởng thủ cựu đã không thể ràng buộc được con người mới nữa. 

Trong Mùa lá rụng trong vườn, ông Bằng - nhân vật người cha chính là một điển hình “con người cũ” như vậy, lúc nào cũng coi trọng danh dự, vì danh dự mà ông có thể thẳng thừng từ chối lắng nghe con trai mình, đuổi anh con trai ra khỏi nhà. Nhưng, chính trong ông cũng đang có những lớp sóng dồn, chính sau những khoe khoang về những người con khác, ông vẫn đau đáu nghĩ tới người con đã bị mình bỏ rơi. Mãi đến lúc con trai mất ở nơi đất khách, mãi đến khi ông giã từ cõi đời này, ông mới ngộ ra cái cách giáo dục hà khắc, cổ hủ của mình. Danh dự, vì từ này mà ông đã sống một cuộc đời thui thủi nặng nề. 

 

 

2/ Đồng bạc trắng hoa xòe 

Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Ma Văn Kháng, viết về lịch sử Lào Cai từ năm 1945 đến cuối năm 1947, khi giặc Pháp trở lại xâm chiếm vùng đất này. 

Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về một số cán bộ cách mạng thực hiện cuộc viễn hành quả cảm và lãng mạn đến các thổ ty miền Đông của tỉnh, đem tiếng nói của cách mạng đến với bà con các dân tộc đang trong vòng tù ngục của chế độ thổ ty cha truyền con nối. Mục đích của những người cách mạng là đập tan bè lũ phản động Việt gian Quốc dân Đảng, thiết lập chính quyền cách mạng, gấp rút chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Cuốn sách được viết năm 1970, sau rất nhiều năm tháng tác giả làm việc, sống và gắn bó với thiên nhiên và con người Tây Bắc.

 

 

3/ Gặp gỡ ở La Pán Tẩn (2017)

 

Nếu ở những chương đầu của Đồng bạc trắng hoa xòe, ông tuân thủ lối viết của người kể chuyện biết hết, tác phẩm bị lấn át bởi một giọng điệu kể thì đến Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng đã là một thực thể sinh động biết bao: tác phẩm có nhiều tầng lớp ý nghĩa, chứa nhiều ẩn dụ nghệ thuật, hư và thực, tiềm thức, vô thức đan cài với ý thức sáng rõ có chủ đích; thế giới hiện thực hiện hữu và thế giới tâm linh, huyền thoại bổ sung vào nhau, nhòe mờ các ranh giới, mà tư duy trừu tượng muốn phân định rạch ròi. 

Tác phẩm là sự tổng hợp, sự thu hút vào nó những thủ pháp của tiểu thuyết tư liệu - nghiên cứu, tiểu thuyết tự thuật và kỹ thuật dòng ý thức, bút pháp tượng trưng,

 

 

4/ Mưa mùa hạ 

 

Mưa mùa hạ chứa đựng những bài học triết lý được gọt giũa qua cảm quan của tác giả nhưng không thể phủ nhận tính xã hội và thời đại mà Ma văn Kháng đã tạo ra cho tác phẩm bằng tài năng, tâm huyết và cả những nỗ lực mà dư luận cho là "cuộc thử nghiệm văn chương". Ông đã có lý khi cho rằng, lịch sử của dân tộc VN gắn với lịch sử của những con đê "cong như chiếc nỏ thần" và thuỷ quái chính là tên giặc thứ hai cùng với giặc phương Bắc đe doạ dân tộc ta từ khi mới dựng nước. Sự ví von ấy đã được ông áp dụng cho hiện tại và lũ giặc có sức phá hoại của mối cần được tìm diệt chính là lớp người xấu đại diện cho những tiêu cực đang tồn tại trong xã hội. 

Ðó là Hưng- một kẻ cơ hội bẩn thỉu. Làm việc trong cơ quan phòng chống bão lụt tỉnh nhưng chính Hưng lại là kẻ gây ra sự cố vỡ đê Lợi Toàn khiến bao người phải chịu cảnh màn trời chiếu nước. Là Loan, một cô gái có bộ mặt của Ðức Mẹ nhưng tâm hồn bị tiền và những thú đàng điếm của lớp trọc phú tiểu thị dân làm méo mó. Là Hảo, một kẻ có nhiều tài vặt nhưng tư tưởng bị hoen ố bởi những ham muốn tầm thường. Là Thưởng, một kẻ bất lương vô sỉ lợi dụng thời thế để buôn bán, lừa lọc…

Ðối lập với bọn người xấu trên là những con người hết lòng vì công việc, vì đồng loại, cũng là những người kém may mắn trong sự nghiệp và đời sống tình cảm vì những lý do khách quan khi những thói đàng điếm, tiêu cực nhất thời thắng thế ở đâu đó. 

Trọng là hình tượng được xây dựng công phu, giống như sợi dây "nhạy cảm" xuyên suốt tác phẩm. Say mê công tác nghiên cứu tìm diệt tổ mối trong thân đê, trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống bão lụt trên khúc đê xung yếu, Trọng chính là đại diện của lớp trí thức trẻ tuổi có tài, có sức khoẻ, có tâm nhưng thiếu kinh nghiệm và có nhiều nông nổi khi đối mặt với tiêu cực

 

 

5/ Võ sĩ lên đài

 

Võ sĩ lên đài là tiểu thuyết với những câu chuyện và chi tiết có thật, hấp dẫn... ít ai biết về tuổi trẻ của một thời hào hùng.

Chuyện xảy ra tại Hà Nội những năm chống thực dân Pháp sau ngày toàn quốc kháng chiến. Cuộc đấu tranh của các thanh thiếu niên Việt Nam yêu nước chống bọn thực dân cùng những kẻ cơ hội thông qua môn thể thao quyền Anh, âm thầm và quyết liệt. Các thiếu niên, theo năm tháng dần trở thành thanh niên, giàu tình cảm và sâu sắc, một mặt chăm chỉ học hành, mặt khác bí mật tham gia các hoạt động yêu nước, chống xâm lược và việt gian ngay trong thành phố. Trong cuộc chiến vì cái đẹp của môn quyền Anh, một biểu trưng của tinh thần thượng võ, lòng can đảm, tinh thần bất khuất của ông cha đã được thấm nhuần và thể hiện qua các cuộc giao đấu của Nhân và Tùng, có cả thắng và thua, nhưng họ đã tìm thấy bài học lớn: có thể thất bại để tìm lại sức mạnh nội lực của mình.

Tiểu thuyết dựa trên những chi tiết có thật về cuộc đời của Phạm Xuân Nhàn, võ sĩ quyền Anh nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước (ông đã từng là võ sĩ vô địch quốc gia, tham dự Á vận hội năm 1954 tại Manila, Philippines). Một giai đoạn kháng chiến với cách thể hiện sinh động cuộc sống học đường của thiếu niên học sinh Hà Nội đô thành trong thời kỳ Pháp tạm chiếm, các hoạt động thể thao, thi đấu, những câu chuyện và chi tiết có thật ít ai biết vì chưa có tài liệu sách báo nào nói tới…, tất cả đã làm nên giá trị đặc biệt cho cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Ma Văn Kháng.

 

6/ Đám cưới không có giấy giá thú

 

Cũng như những tác phẩm trước, Đám cưới không có giấy giá thú nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ từ độc giả mà còn từ những nhà văn lớn khác của Việt Nam.

G.S Phan Cự Đệ chia sẻ rằng: “Ma Văn Kháng đã viết về cái “bi kịch vỡ mộng” của “một bữa tiệc dang dở, một đám cưới không thành, một cuốn sách hay để lầm chỗ” đó một cách rất tâm huyết, với tất cả suy nghĩ và trăn trở, niềm khát vọng và nỗi đau của một nhà văn trước thời cuộc, trước tình trạng xuống cấp về trình độ tư duy và phẩm chất đạo đức ngay trọng một số người tự cho mình là cán bộ lãnh đạo, là trí thức hoặc kỹ sư tâm hồn.”

“Đám cưới không có giấy giá thú là một cuốn sách hay và rất tích cực. Nó nằm trong dòng vận động chung của sáng tác hiện nay theo một xu thế tốt: tính thế sự mạnh mẽ. Từ sự thật được phơi bày trong văn học gợi cơ sở để suy nghĩ những vấn đề lớn của xã hội. Đã qua rồi thời kỳ mà người viết không dám nói sự thật.” – Lời tâm sự chân thành, mộc mạc của nhà văn Nguyên Ngọc về tác phẩm.

 

 

7/ Chim trời bay về sau cơn mưa

 

Chim trời bay về sau cơn mưa là tập 10 truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng với hai đề tài quen thuộc, đã trở thành dấu ấn của tác giả: miền núi Tây Bắc và những câu chuyện về sự biến chuyển của cảnh vật, con người trong cuộc sống hiện đại.

Bao gồm những truyện ngắn:

  • Dưới những bóng cau
  • Hạng A Tráng
  • Bài ca Trăng sáng 
  • Mùa gặt ở Na Lin
  • Vợ chồng Mìn và những đứa con
  • Bên bờ suối Vạch
  • Chim trời bay về sau cơn mưa
  • Thành phố miền biên
  • Những ngày xa xưa
  • Chuyến bay đêm

Qua những câu chuyện, người đọc có thể thấy được nét hùng vũ của Tây Bắc, cũng như không gian văn hóa đa sắc màu nơi đây, với những lễ hội hoa ban, lồng tồng, hay những chi tiết nhỏ nhất, khơi lên sự tò mò về trang phục, lao động, huyết tộc và sự bình dị, hoang sơ tuyệt đẹp của con người miền núi.

Nhưng dưới tầng lớp ấy, là sự đượm buồn, tiếc nuối và những chiêm nghiệm về cuộc đời trải nhiều thăng trầm, cách con người đối diện với mọi đổi thay, khi thì lạc quan, lúc lại buông xuôi mà uất ức. Nhưng tựu lại vẫn là những niềm hi vọng vào tình người – thứ gắn kết vô hình nhưng lại bền chặt nhất của nhân loại, để con người ta sống tiếp, sống cho trọn đời người.

 

 

8/ Người khách kỳ dị

 

Tập 16 truyện ngắn Người khách kỳ dị của nhà văn Ma Văn Kháng tiếp tục là dòng chảy cho cảm hứng bất tận của tác giả về những đề tài vốn đã trở thành thế mạnh trong bút lực của ông. 

Trước hết là những câu chuyện nhỏ, có xen lẫn chút hư ảo, kì dị về phong tục, quan niệm tâm linh, sự linh thiêng của người vật nơi miền núi Tây Bắc, cụ thể là nơi nẻo xa Lào Cai. Bên cạnh đó, tác giả tiếp tục đi sâu vào những biến chuyển trong đời sống con người chốn thị thành, những thay đổi về lối sống, cái nhìn về vật chất, đồng tiền và tác động của chúng tới hành động của con người với con người trong xã hội cũng như tới tình cảm của lứa đôi, gia đình, thầy trò. Nhưng từ sâu thẳm những mảnh truyện, mảnh đời hết sức dạn dĩ đó vẫn ánh lên sự ấm nồng của tình người, những chiêm nghiệm về đời, về người tưởng chừng như đã mai một nhưng vẫn còn nguyên giá trị giữa lối sống hiện đại tấp nập, xô bồ.

 

 

9/ Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương

 

Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương là tập hồi ký gồm 5 phần: Miền xa vẫy gọi, Lao Cai miền quả vàng, Hà Nội, những năm tháng nhọc nhằn và mê mải với văn chương, Bạn bè đồng nghiệp thân yêu, Một chốn nương thân…

Tập hồi ký sẽ cho ta nhận ra nhiều chuyện, nhiều điều mà nghĩ tiếp về văn chương và cuộc đời. Tập Hồi kí không chỉ dừng lại trong sự kể lại một cách trung thực, mắt thấy tai nghe và nhớ lại theo cách viết và yêu cầu của hồi ký, mà hơn thế, nó còn được miêu tả, dựng lại một cách tạo hình, sống động với ngôn từ, bút pháp, phong cách của một cây bút văn xuôi tài hoa, lão luyện. 

Qua từng trang của cuốn sách, hiện lên rõ nét bức tranh của đời sống xã hội trải dài trong gần một thế kỷ với chân dung phong phú các loại người xuất hiện trong mối quan hệ với tác giả hoặc trong sự quan sát chăm chú của ông theo góc nhìn của nghề viết văn.

 

 

10/ Chim én liệng trời cao

 

Tác phẩm được phát triển từ truyện ngắn "Chim én" được nhà văn Ma Văn Kháng khởi bút gần nửa thế kỷ trước.

Hơn 20 năm tuổi trẻ gắn bó với vùng đất Lào Cai, dường như cuộc sống, văn hóa của người dân vùng núi rừng Tây Bắc đã trở nên máu thịt với nhà văn Ma Văn Kháng. Và Chim én liệng trời cao là khúc ca đẹp, hùng tráng về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của người dân vùng núi rừng Tây Bắc khoảng thời gian cuối những năm 40, đầu những năm 50 của thế kỷ trước.

Cuốn sách viết về cuộc chiến đấu đầy gian khổ, sự trưởng thành của người dân ở Cam Đồng về tư tưởng và tinh thần đấu tranh cách mạng thể hiện xuyên suốt qua nhân vật Tiển. Từ một cậu bé ở bản quê Cam Đồng hàng ngày ngồi trên lưng trâu, ngắm “bầy chim én cất tiếng rộn vang trên bầu trời sớm mai”, thổi sáo trúc bài “Chim én liệng trời cao”, Tiển sớm gia nhập vào hàng ngũ những người làm cách mạng, trở thành chiến sĩ liên lạc và trưởng thành cùng sự phát triển của cách mạng trên mảnh đất quê hương.

Trong tác phẩm, nhà văn Ma Văn Kháng khắc họa sinh động nỗi cơ cực của bà con miền núi. Hết thuế thân, người dân phải lo nộp thóc gạo lợn gà cho đồn Tây. Có những người như anh Lẳng, bà cụ Trì phải ở đợ cho lý trưởng cả đời không trả hết nợ. Thanh niên trai tráng bị dồn đi phu đi lính phải bỏ mạng hoặc “may mắn trở về được chỉ còn xác người”.

Bên cạnh đó là những mối tình thầm lặng, e ấp tựa bông hoa rừng buổi sớm mai như mối tình anh Tố - chị Va, mối tình giữa Tiển và Phin… khiến tác phẩm thêm nhiều sắc màu sống động.

 

- Trạm Đọc tổng hợp

Tags: