10 tác phẩm hư cấu hay nhất thập kỷ
10 tác phẩm hư cấu hay nhất thập kỷ
Khi năm 2019 dần khép lại, ban biên tập tạp chí Time bình chọn đã chọn ra 10 tác phẩm hư cấu hay nhất thập kỷ lần lượt theo năm xuất bản.

1. Ký ức đen - Jennifer Egan (2010)

 

 

Jennifer Egan lấy âm nhạc - giải trí là chủ đề xuyên suốt tác phẩm Ký ức đen, từ thập niên 70 cho đến thời đại tương lai, từ Châu Phi cho đến Naples rồi New York và San Francisco, từ nhà sản xuất âm nhạc đến viên tướng diệt chủng… Tất cả tạo nên một thiên phóng sự dài về dòng chảy lịch sử, nơi những ký ức bao phủ khắp mọi ngóc ngách cuộc sống. Cuốn sách vinh dự nhận được giải thưởng Pulitzer ở hạng mục sách hư cấu năm 2011 và đứng thứ 24 trong số các cuốn sách hay nhất kể từ năm 2000 do tờ The Guardian bình chọn.

 

2. My Brilliant Friend - Elena Ferrante (2011)

 

 

My Brilliant Friend kể về quá trình trưởng thành của đôi bạn Elena và Lila trên đường phố Naples đầy sóng gió của nước Ý. Ngay cả khi họ đã trưởng thành, dù gặp nhiều những ngã rẽ thay đổi, tình bạn giữa Elena và Lila vẫn gắn bó. Hai cô gái ấy chính là hiện thân của một quốc gia đang trải qua sự biến đổi từng ngày, từng giờ mà không ai lường trước được. My Brillian Friend là tập đầu tiên trong loạt truyện Neapolitan đưa tên tuổi Elena Ferrante nổi tiếng khắp toàn thế giới.

 

3. Cô gái mất tích - Gillian Flynn (2012)

 

 

Cô gái mất tích có tựa đề gốc là Gone Girl, là tiểu thuyết nổi bật nhất của Gillian Flynn về đề tài hôn nhân gia đình. Cuốn sách xoay quanh sự mất tích bí ẩn của Amy - một nữ nhà văn xinh đẹp và mọi nghi ngờ được đổ dồn hết về người chồng Nick khi cảnh sát và báo chí tin rằng chính Nick đã sát hại vợ mình. Năm 2014, cuốn sách được chuyển thể thành phim và nhận được nhiều đề cử quan trọng của Oscar, Quả cầu vàng, giải BAFTA và Critics' Choice Award.

 

4. Americanah - Chimamanda Ngozi Adichie (2013)

 

 

Americanah kể lại câu chuyện của một người phụ nữ trẻ đến từ Nigeria tên Ifemelu nhập cư đến Mỹ để học đại học. Cuốn sách ghi lại cuộc sống của Ifemelu ở cả hai đất nước, một nước Mỹ hào nhoáng nhưng đầy định kiến sắc tộc và một Nigeria dưới thời độc quyền mà bất cứ ai cũng muốn rời bỏ. Năm 2013, Americanah được bình chọn trong top 10 cuốn sách hay nhất năm của New York Times và là tác phẩm chiến thắng của chương trình "One Book, One New York" năm 2017 trong chiến dịch khuyến khích người dân trong một thành phố nên cùng đọc một tác phẩm.

 

5. Chuỗi đời bất tận - Kate Atkinson (2013)

 

Chuỗi đời bất tận là một sự thử nghiệm của Kate Atkinson về gia đình, lịch sử và sức mạnh của thể loại tiểu thuyết bằng cách kể lại câu chuyện cuộc đời của một người phụ nữ sinh năm 1910 - và sau đó kể lại, một lần nữa, nhiều lần nữa, theo những cách khác nhau và khởi đầu khác nhau. Nhân vật chính của cuốn sách, Ursula Todd, bằng nhiều cuộc đời khác nhau, nhìn thấy bản thân mình chết đi sống lại qua mỗi biến cố trong đời, như bị ngạt thở, chết đuối, bệnh tật, bạo hành,... hay bằng chính bom đạn của chiến tranh. Chính cốt truyện đặc sắc và và lối kể choáng ngợp của Kate Atkinson đã đưa cuốn sách trở thành một trong những tác phẩm hay nhất của văn học Anh cũng như của toàn thế giới.

 

6. Ngày mười tháng mười hai - George Saunders (2013)

 

 

Ngày mười tháng mười mai là tuyển tập gồm 10 truyện ngắn xoay quanh cuộc đời của nhiều tuyến nhân vật kỳ lạ như một cô gái bị bắt cóc 3 ngày trước ngày sinh nhật, người đàn ông trang trí cột, một tù nhân, một chủ cửa hàng đồ cổ,... Đây được coi là tập truyện ngắn sâu sắc, lay động nhưng cũng hài hước nhất của George Saunders. Tác phẩm đã chiến thắng giải The Story Prize và Folio Prize trong hai năm liên tiếp 2013 và 2014 sau khi vào đến vòng chung kết của giải Sách quốc gia Mỹ. Tờ The New York Times cũng chọn tác phẩm này trong Top 10 cuốn sách hay nhất năm 2013.

 

7. The Sellout - Paul Beatty (2015)

 

 

The Sellout là một tác phẩm châm biếm của Paul Beatty về nạn phân biệt chủng tộc và những gì mà vấn đề này đã làm với người Mỹ da đen. Lấy bối cảnh tại Los Angeles, The Sellout là lời kể của một người trồng cần sa và dưa hấu nhưng đề cập đến hiến pháp Mỹ, đời sống đô thị, các phong trào dân quyền và cả các mối quan hệ gia đình. Năm 2016, cuốn sách chiến thắng giải Man Booker và biến Paul Beatty trở thành người Mỹ đầu tiên giành được giải thưởng này.

 

8. Sing, Unburied Sing - Jesmyn Ward (2016)

 

 

Sing, Unburied, Sing là cuốn sách tiểu thuyết thứ ba của Jesmyn Ward, kể về cuộc sống không yên ả của một gia đình bên bờ sông Mississippi. Tác phẩm đã chạm vào trái tim người đọc với một cốt truyện đơn giản nhưng thấm đẫm tình yêu thương giữa con người với con người, xứng đáng được vinh danh trong nền văn học Mỹ. Cuốn sách chiến thắng giải thưởng Sách quốc gia Mỹ năm 2017 ở hạng mục tiểu thuyết và nằm trong list sách yêu thích nhất năm của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.

 

9. Những đốm lửa lưu lạc - Celeste Ng (2017)

Những đốm lửa lưu lạc là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nữ nhà văn người Mỹ gốc Hoa Celeste Ng sau thành công vang dội của Bao điều chưa nói. Cuốn sách mở đầu bằng một vụ hỏa hoạn và lần ngược lại quá khứ về một cuộc chạy trốn của hai mẹ con Mia Warren và Pear khắp vùng ngoại ô nước Mỹ. Lấy chủ đề về tình mẫu tử nhưng tác phẩm của Celeste Ng còn bàn rộng hơn đến bản ngã và sự cố chấp của mỗi người phụ nữ vì hạnh phúc gia đình của chính họ. Từ khi ra mắt, cuốn sách đã lọt top sách bán chạy của New York Times và chiến thắng giải thưởng Sách hư cấu do cộng đồng Goodreads bình chọn.

 

10. The Nickel Boys - Colson Whitehead (2019)

The Nickel Boys là tác phẩm mới nhất của nhà văn đoạt giải Pulitzer 2016 Colson Whitehead. Cuốn sách lấy phiên bản hư cấu dựa trên trường nam sinh Dozier, hay học viện Nickel của bang Florida, Mỹ. Trong quá khứ, ngôi trường nhiều lần bị cáo buộc rằng cho phép giáo viên, nhân viên đánh đập, hãm hiếp, tra tấn, thậm chí là giết hại học sinh và đã bị buộc phải đóng cửa vào năm 2011. The Nickel Boys nhanh chóng lọt vào top sách bán chạy của New York Times và được đề cử giải thưởng Sách quốc gia Mỹ năm 2019.

 

Theo Zing News 

 

Tags: