10 bài học cho cả THẾ GIỚI sau đại dịch COVID-19
10 bài học cho cả THẾ GIỚI sau đại dịch COVID-19
Nhà báo chuyên về các vấn đề quốc tế của Washington Post - Fareed Zakaria đúc kết 10 bài học dành cho cả thế giới sau đại dịch COVID-19 trong quyển sách vừa được nhanh chóng ấn hành tại Việt Nam: 10 bài học cho thế giới hậu đại dịch.

"Chủ đề xuyên suốt của cuốn sách khắc họa câu hỏi duy nhất đối với mọi độc giả: “Dù tàn khốc thế nào, đại dịch cũng sẽ qua, loài người học được bài học nào từ đại dịch và sẽ hành xử ra sao sau đại dịch để cuộc sống tích cực có thể phục hồi, để sự phát triển trở nên bền vững và để đáp ứng xã hội trở nên đúng đắn và linh hoạt đối với các đại dịch trong tương lai?”. Nguyễn Trí Lân - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam

 Những đại dịch được ghi nhận trong lịch sử nhân loại được Fareed Zakaria trình bày trong bối cảnh đan xen giữa các khía cạnh nhà nước, lịch sử, văn hóa, kinh tế... , từ đó chỉ ra cách ứng xử và sống làm sao với thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 lần này.

Là cây bút lão luyện và là tác giả chương trình Fareed Zakaria GPS trên CNN, tác giả Fareed Zakaria lần lượt chia sẻ các bài học không chỉ hữu ích vì nguồn dữ liệu nghiêm chuẩn, cách làm việc khoa học, tỉ mỉ, mà quan trọng hơn là lòng nhân ái dành cho tất cả mọi người nổi trội trong tác phẩm.

Ảnh: NXB Trẻ

Bạn đọc sẽ tìm thấy trong các bài học này những phương cách hữu hiệu để định hình lại suy nghĩ của mình, bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt, và trong nhiều trường hợp hoàn toàn có thể chia sẻ/áp dụng để chúng ta được nhìn thấy một thế giới trưởng thành hơn từ các đơn vị nhỏ nhất: gia đình và cộng đồng dân cư xung quanh.

Mỗi bài học mang dáng dấp một tiểu luận nghiên cứu được trình bày với văn phong sinh động, thú vị vì đầy sức gợi: Siết dây an toàn, Vấn đề không phải số lượng mà là chất lượng của nhà nước, Thị trường thôi chưa đủ, Lắng nghe chuyên gia - và lắng nghe người dân, Cuộc đời là sống số, Aristotle nói đúng - chúng ta là động vật xã hội, Bất bình đẳng sẽ trở nên tồi tệ hơn, Toàn cầu hóa không chết, Thế giới đang trở thành lưỡng cực, Những người theo chủ nghĩa hiện thực vĩ đại nhất lại là những nhà lý tưởng.

Đặc điểm cuốn hút của tập sách chính là phong cách diễn đạt các vấn đề hàn lâm bằng những hình tượng gần gũi và diễn ngôn trọng cảm xúc.

Bạn đọc sẽ có dịp biết đến từ chuyện nhỏ nhặt như duyên do ra đời bức hình vẽ mô phỏng "con" virus corona mới, đến những điều to tát hơn như một câu khẳng định có thể khiến nhiều người giật mình: "Lẽ ra chúng ta phải thấy nó đến. Virus corona có thể mới nhưng dịch bệnh thì không".

Hay trong chương "Aristotle nói đúng", tác giả đã đào sâu từ lịch sử với vô vàn dữ liệu để nêu ra một vấn đề không phải ai cũng đủ tầm để thắc mắc: "Tại sao dịch bệnh không xảy ra thường xuyên hơn mới thực sự là điều khiến người ta thắc mắc".

Trong phần giới thuyết cho công trình, tác giả có nói, "đây không phải là cuốn sách nói về đại dịch, mà là về thế giới đang hình thành do hậu quả của đại dịch và - quan trọng hơn - phản ứng của chúng ta với cục diện đó".

Điều tác giả nói thêm cũng thật đáng suy ngẫm: "Hậu quả của đại dịch này chính xác là gì? Một số người cho rằng nó sẽ là sự kiện bản lề của lịch sử hiện đại, một khoảnh khắc làm thay đổi vĩnh viễn hướng đi của lịch sử. Những người khác tin rằng sau khi có vắc xin, chúng ta sẽ nhanh chóng trở lại làm ăn bình thường. Còn những người khác nữa cho rằng đại dịch sẽ không định hình lại lịch sử nhiều bằng làm cho lịch sử tăng tốc".

 Đây quả thật là những khuôn thước chung cho cả thế giới sau đại dịch COVID-19, thời điểm mà đến nay chỉ mới được hình dung chứ chưa thể xác định.

Theo NXB Tuổi Trẻ

Tags: