Ta thường gặp tình huống phải đưa ra phán xét nhanh chóng. Để làm điều này, tâm trí của ta đã phát triển những lối tắt nhỏ để giúp ta ngay lập tức hiểu được môi trường xung quanh. Đây được gọi là những quy tắc dựa theo kinh nghiệm - suy nghiệm (Heuristics).
Đa phần, những quá trình này rất có ích, nhưng vấn đề là tâm trí ta thường tận dụng chúng quá mức. Áp dụng các quy tắc này trong những tình huống không phù hợp có thể dẫn đến sai lầm. Để hiểu hơn về các quy tắc dựa theo kinh nghiệm là gì và những lỗi kéo theo, ta có thể xem xét hai loại sau: suy nghiệm thay thế (substitution heuristic) và suy nghiệm sẵn có (availability heuristic).
Tự nghiệm thay thế xảy ra khi ta trả lời một câu hỏi dễ hơn một câu hỏi thực sự được đưa ra.
Ví dụ, hãy thử câu hỏi này: "Một phụ nữ ứng cử chức cảnh sát trưởng. Liệu cô ấy sẽ thành công trong chức vụ đó tới đâu?" Ta tự động thay thế câu hỏi lẽ ra mình cần phải trả lời với câu dễ hơn, như, "Liệu cô ấy có trông giống người sẽ trở thành một cảnh sát trưởng tốt hay không?"
Tự nghiệm này nghĩa là thay vì nghiên cứu hồ sơ và chính sách của ứng viên, ta chỉ đơn giản hỏi bản thân một câu hỏi dễ hơn nhiều là liệu người phụ nữ này có khớp với hình ảnh trong tâm trí của ta về một viên cảnh sát trưởng tốt hay không. Không may là, nếu cô ấy không khớp với hình ảnh tâm trí đó, ta sẽ loại bỏ cô - kể cả cô có nhiều năm kinh nghiệm đấu tranh tội phạm, điều khiến cô trở thành một ứng viên sáng giá.
Tiếp theo là tự nghiệm sẵn có, là khi bạn cho rằng một thứ có khả năng xảy ra cao hơn chỉ vì bạn thường xuyên nghe về nó hơn, hay thấy nó dễ nhớ hơn.
Ví dụ, đột quỵ gây tử vong nhiều hơn tai nạn giao thông, nhưng một nghiên cứu cho thấy 80% những người được hỏi cho rằng có nhiều người chết vì tai nạn giao thông hơn. Đó là bởi vì ta nghe nhiều về cái chết kiểu này trên truyền thông hơn, và bởi vì chúng để lại ấn tượng sâu đậm hơn; ta nhớ những cái chết do tai nạn khủng khiếp dễ dàng hơn là chết do đột quỵ, và vì vậy ta dễ có phản ứng không phù hợp với những nguy hiểm này.