2: Hệ thống lười biếng: tính chây ì có thể dẫn đến sai lầm và tác động đến trí tuệ

 
Để xem cách hai hệ thống hoạt động ra sao, hãy thử giải bài toán cây gậy-và-quả bóng nổi tiếng sau:
 
Một cây gậy và quả bóng có giá $1.10. Cây gậy đắt hơn quả bóng $1. Vậy quả bóng có giá bao nhiêu?
 
Mức giá xuất hiện trong tâm trí bạn, $0.10 là kết quả của hệ thống 1 cảm tính và tự động, và nó đang hoạt động đấy! Hãy dành ra vài giây và thử giải bài toán này xem.
 
Bạn có nhìn thấy lỗi của mình? Đáp án đúng là $0.05.
 
Chuyện vừa xảy ra là Hệ thống 1 bốc đồng của bạn chiếm quyền và tự động trả lời bằng cách dựa vào cảm tính. Nhưng nó trả lời quá nhanh.
 
Thông thường, khi đối mặt với một tình huống chưa rõ ràng, Hệ thống 1 sẽ gọi Hệ thống 2 để giải quyết vấn đề, nhưng trong bài toán cây gậy và quả bóng, Hệ thống 1 đã bị lừa. Nó nhìn vấn đề quá đơn giản, và sai lầm khi tin rằng nó có làm chủ được.
 
Bài toán cây gậy-và-quả bóng đã bộc lộ bản năng lao động trí óc lười biếng của chúng ta. Khi não hoạt động, ta thường chỉ sử dụng tối thiểu số năng lượng đủ cho công việc đó. Người ta còn gọi đây là quy luật nỗ lực ít nhất. Bởi vì rà soát lại đáp án với Hệ thống 2 sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn, tâm trí sẽ không làm thế khi nó nghĩ chỉ cần dùng Hệ thống 1 là đủ.
 
Sự lười biếng rất tai hại bởi vì tập luyện Hệ thống 2 là một phần quan trọng trong trí tuệ của con người. Nghiên cứu chỉ ra rằng làm những công việc liên quan đến Hệ thống 2 đòi hỏi tập trung và tự kiểm soát, giúp ta thông minh hơn. Bài toán cây gậy-và-quả bóng minh họa cho điều này, bởi vì tâm trí của chúng ta lẽ ra có thể kiểm tra lại đáp án bằng cách sử dụng Hệ thống 2 và do đó tránh được lỗi phổ biến.
 
Nếu lười biếng và lười sử dụng Hệ thống 2, tâm trí của ta sẽ tự giới hạn sức mạnh thông minh của nó.