Ở chương này, tác giả đề cập đến hai câu chuyện trải nghiệm lãnh đạo tâm đắc nhất. Đó chính là những minh họa cho cách áp dụng 5 hành vi của Tấm gương Lãnh đạo. Câu chuyện thứ nhất là về Brian Alink với việc hỗ trợ tinh chỉnh cơ chế cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng của tập đoàn tài chính Capital One. Câu chuyện thứ hai là của Anna Blackburn khi bà bắt đầu làm việc tại Beaverbrooks the Jewellers, một công ty trách nhiệm hữu hạn bán lẻ đá quý thuộc sở hữu gia đình tại Anh. Có thể hai câu chuyện không trùng nhau về thời điểm hay lĩnh vực nhưng vẫn tồn tại những điểm giống nhau then chốt. Có thể thấy hai người đều bước vào công việc trong hoàn cảnh công ty đang gặp khó khăn vì cơ chế hoạt động cũ. Tuy nhiên điều đó lại là cơ hội để họ thể hiện khả năng lãnh đạo của mình, đồng thời gặt hái được những thành công vang dội về sau. Và chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, hai nhà lãnh đạo có những tư tưởng tương tự nhau như cách cố gắng tìm hiểu được tình hình cấp dưới, lắng nghe các vấn đề của công ty. Câu nói của Brian đã thể hiện rõ điều này:
Khi bắt đầu một cuộc hành trình, việc cần làm là phải hiểu những người đồng hành trên cương vị những người bạn
Cùng với suy nghĩ đó, bà Anna cũng có phát biểu nhằm “hướng đến mục tiêu phát huy sức mạnh của bản thân”:
Tất cả quy về những điều cơ bản nhất, đơn giản nhất. Nguyên nhân lớn nhất khiến một chiến lược thất bại là bởi bạn không thể liên kết được với những đối tượng có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong tổ chức. Họ cần phải hiểu và nhìn nhận được tầm ảnh hưởng của chính mình
Hai câu chuyện trên chỉ là số ít trong vô vàn những câu chuyện tâm đắc của các nhà lãnh đạo. Mỗi người đều có thể trở thành những người giống họ, viết lên những câu chuyện tương tự về chính kĩ năng lãnh đạo của mình. Cũng vì sự ngộ nhận về “tố chất” lãnh đạo như tác giả đề cập mà khiến nhiều người chùn bước. Tanvi Lotwala, kế toán viên tại Bloom Energy đã có kết luận về vấn đề này được rất nhiều người đồng tình:
Tố chất lãnh đạo luôn có sẵn trong mỗi chúng ta. Bạn chỉ cần rèn luyện rồi phát huy nó mà thôi. Phát triển năng lực lãnh đạo là một quá trình liên tục và bạn sẽ không thể tiến bộ nếu không biến quá trình ấy thành thói quen hằng ngày
Sau những kết luận như vậy, mỗi người chúng ta sẽ có cho mình niềm tin về bản thân, lấy đó làm động lực cố gắng rèn luyện, bởi vì khả năng lãnh đạo không phải là thiên bẩm.
Sau khi đưa ra hai câu chuyện, tác giả kết luận được 5 hành vi của Tấm gương Lãnh đạo qua trải nghiệm của các nhà lãnh đạo. Đó là Định hướng, Hoạch định tầm nhìn chung, Thay đổi lối mòn, Khuyến khích hành động và Khơi gợi cái tâm. Với mỗi mục, tác giả đưa ra những dẫn chứng thực tế cụ thể vô cùng kết hợp với những câu nói tâm đắc khiến cho cuốn sách trở nên thú vị. Đó chính là điểm nhấn của cuốn sách thu hút bạn đọc. Nó không hề khó hiểu như tôi nghĩ. Ngược lại, vô cùng hấp dẫn đối với một cuốn sách kĩ năng. Tóm lại, phần đầu tiên của cuốn sách đã gây được sự chú ý và gợi mở cho người đọc vào vấn đề. Nó đã thực hiện rất tốt mục đích của phần mở.