Đây cũng chính là chương cuối cùng khép lại cuốn sách. Ở chương này, tác giả nêu rõ mục đích của mình là muốn thuyết phục người đọc lấy trách nhiệm cá nhân làm kim chỉ nam cho hành trình lãnh đạo của mình. Và sau tất cả các ấn bản, tác giả đã đưa ra một kết luận ngắn gọn mà súc tích:
Làm lãnh đạo không những cần dùng cái đầu, mà cần cả cái tâm
Thật đúng là như vậy, cũng giống như chúng ta thường nghe nói “Có tâm ắt có tầm”. Một nhà lãnh đạo có tâm huyết thì chắc chắn cũng là một nhân vật tầm cỡ. Cũng trong chương này, tác giả cho rằng lãnh đạo có trong bản thân mỗi người, quan trọng là chúng ta phải biết rèn luyện nó.
Chúng tôi phải làm rõ trước một điều. Khả năng lãnh đạo không phải là một tố chất bí ẩn mà chỉ vài người mới có. Nó không nằm trong gien, và cũng không phải là một tính cách. Không hề có bằng chứng xác đáng nào cho thấy khả năng lãnh đạo ăn sâu vào AND chỉ của vài cá nhân nhất định
Từ đó, chúng ta có thể tự tin hơn vào khả năng của bản thân, hy vọng nhiều hơn một chút vào con người lãnh đạo trong chính mình. Đương nhiên quá trình rèn luyện không thể không gặp những khó khăn trở ngại, vấn đề là bạn có đủ ý chí và quyết tâm để theo đuổi hay không thôi. Một tinh thần hăng say học hỏi cùng với sự kiên trì bền bỉ, có khi là cả đời để thực sự làm chủ tài năng của mình.
Trước khi kết thúc cuốn sách, tôi thấy khá ấn tượng với những dòng viết về việc lãnh đạo bản thân trước tiên. Chúng ta thường hay nghĩ lãnh đạo là “chỉ tay năm ngón” sai khiến người khác nghe theo mà không để ý rằng, để làm chủ được khả năng lãnh đạo, trước tiên phải làm chủ chính bản thân.
Kỹ sư được trang bị máy tính, họa sĩ được hỗ trợ bởi khung tranh và bút vẽ, nhạc sĩ có nhạc cụ bên mình. Người lãnh đạo không có những thứ đó mà chỉ có chính bản thân họ. Trở thành người lãnh đạo tốt nhất có thể đồng nghĩa với việc bạn trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính bản thân. Vì vậy, có thể nói cốt lõi của việc phát triển khả năng lãnh đạo chính là phát triển bản thân
Đó là một câu nói hay, có thể trở thành châm ngôn sống cho mỗi người.