Văn hóa: điểm mù của Thuyết vị lai
Văn hóa: điểm mù của Thuyết vị lai
Chúng ta dự đoán sự xuất hiện của điện thoại di động, nhưng không dự đoán được sự xuất hiện của phụ nữ nơi công sở

 

Đầu năm 1999, trong giờ nghỉ giải lao của một trận bóng rổ của Đại học Washington, một “chiếc hộp thời gian” được trường cất giữ từ năm 1927 đã được mở ra. Bên trong chiếc hộp chứa một số tờ báo đã ố vàng, một đồng xu Mercury, sổ tay sinh viên, và giấy phép xây dựng. Ngay sau đó trong đám đông rộ lên tiếng la ó. Một sinh viên còn nói rằng những thứ đồ đó thật là “nhảm nhí”.

 

Sự thất vọng về những chiếc hộp thời gian như vậy dường như là một vấn đề đặc hữu, như William E. Jarvis đã nói trong cuốn sách Chiếc hộp Thời gian: Lịch sử Văn hóa (Time Capsules: A Cultural History). Tiêu đề một bài báo đăng trên The Onion mà tác giả ghi lại đã kết luận: “Những chiếc hộp thời gian được mở ra chỉ chứa đầy những thứ nhảm nhí và vô dụng.” Rốt cuộc, những chiếc hộp này chỉ cho ta thấy rằng những việc xảy ra ở tương lai không tiến bộ như dự định của chúng ta, và những thay đổi chúng ta dự tính được thì cũng không diễn ra nhanh như dự đoán. Trong khi đó, quá khứ có vẻ như không quá xa cách với những gì chúng ta đang chứng kiến trong hiện tại. 

Có phải chúng ta thường nhìn về tương lai qua kính viễn vọng?

Trong cuốn Dự đoán Tương lai (Predicting the Future), Nicholas Rescher đã viết rằng, “chúng ta có khuynh hướng nhìn về tương lai qua kính viễn vọng, do vậy thường phóng đại và rút ngắn khoảng cách với những thứ chúng ta có thể nhìn thấy được.” Tương tự, chúng ta nhìn quá khứ bằng đầu kia của kính viễn vọng, khiến mọi thứ trông xa hơn so với thực tế, thậm chí loại bỏ hẳn một số thứ ra khỏi tầm nhìn.

Những mô tả trên có thể được áp dụng ngay khi nhìn vào sự phát triển của ngành công nghệ. Chúng ta vẫn chưa chế tạo được những chiếc ô tô biết bay như đã được dự đoán. Than, theo như nhà sử học David Edgerton đã ghi chú trong cuốn sách Cú sốc của những Cái cũ (The Shock of the Old), trở thành nguồn cung cấp năng lượng được sử dụng rộng rãi hơn vào đầu thế kỷ 21 so với năm 1900; và máy hơi nước lại được sử dụng nhiều hơn vào năm 1900 so với năm 1800.

 

Khi Amazon thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái, các kiện hàng giao trong ngày của họ đang được vận chuyển trong thành phố New York bằng phương tiện được sáng chế từ thế kỷ 19: xe đạp.

 

Nhưng khi nói đến văn hóa, chúng ta thường có xu hướng tin rằng tương lai sẽ không khác biệt gì lắm so với hiện tại. Hãy thử tưởng tượng bản thân mình vào một thời điểm nào đó trong tương lai xem. Bạn nghĩ mình sẽ sống ở đâu? Mặc quần áo như thế nào? Nghe loại nhạc gì?

Rất có thể, phiên bản tương lai của bạn chính là bạn bây giờ. Như nhà tâm lý học George Lowenstein và các đồng nghiệp đã lập luận, trong một hiện tượng mà họ gọi là “khuynh hướng thiên kiến ” [1], thì chúng ta “thường có xu hướng phóng đại mức độ mà thị hiếu trong tương lai sẽ giống với thị hiếu hiện tại của bản thân”.

Trong một cuộc thử nghiệm, một số người tham gia được hỏi họ sẽ trả bao nhiêu tiền để đi xem ban nhạc yêu thích hiện tại của họ biểu diễn trong 10 năm nữa; còn những người khác thì được hỏi bây giờ họ sẽ trả bao nhiêu tiền để đi xem ban nhạc yêu thích của họ từ 10 năm trước.  Những nhà nghiên cứu đã ghi chép lại rằng “những người tham gia, về cơ bản, trả quá nhiều tiền cho một cơ hội trong tương lai để được thưởng thức một sở thích của hiện tại”. Họ gọi đó là “ảo tưởng cái kết của lịch sử” (end-of-history illusion); những người này tin rằng họ đang ở “khoảnh khắc đầu nguồn”, tức là khi đạt được bản thể mà họ mong muốn [2]. Francis Fukuyama trong bài luận năm 1989 của ông, “Điểm kết của Lịch sử?” (The End of History?) cũng nghĩ tương tự khi nói về nền chủ nghĩa tự do xã hội của châu Âu như là điểm đến cuối cùng của sự tiến hóa văn minh nhân loại.

Việc dự đoán cả quá mức và cả dưới mức thực tế này đã gắn liền với cách chúng ta quan niệm về tương lai. “Hầu hết những dự đoán về tương lai đều sai,” nhà sử học Judith Flanders nói, “vì nó hiếm khi tính đến những thay đổi hành vi.” Bà cũng nói rằng chúng ta đã chọn sai khía cạnh để dự đoán: “Ta chỉ nhìn vào phương tiện di chuyển đến nơi làm việc, thay vì tính chất công việc; nhìn vào bản thân công nghệ, thay vì cách thay đổi hành vi của chúng ta do công nghệ mang lại”. Hóa ra những dự đoán về việc chúng ta sẽ trở thành người như thế nào khó hơn là dự đoán về những gì chúng ta có thể làm trong tương lai. 

Xe đạp, một phương tiện truyền thống, hiện vẫn được sử dụng để vận chuyển hàng hóa cho Amazon.

 

 

 

Chúng ta có đang quá ám ảnh về công nghệ không?

 

 

Giống như một người “no bụng, đói con mắt” – để sử dụng ví dụ từ cuộc thử nghiệm của Lowenstein và đồng nghiệp của ông – các nhà dự đoán tương lai thường có xu hướng chọn lấy một vấn đề hoặc hiện tượng (mà theo ngôn ngữ của kinh tế học hành vi) được coi là đang nổi cộm, và cho rằng nó sẽ đóng vai trò lớn trong tương lai. Và những gì đang nổi cộm, đáng chú nhất ngày hôm nay? Đó chính là thứ tân tiến, “bứt phá”, và dễ nắm bắt: công nghệ mới.

 

Nhà lý thuyết học Nassim Nicholas Taleb viết trong cuốn Antifragile, “chúng ta dễ nhận thấy những biến số và thay đổi nhiều hơn là những gì thật sự có giá trị to lớn nhưng không thay đổi. Sự sống của chúng ta phụ thuộc nhiều vào nước hơn vào điện thoại di động, nhưng vì nước không thay đổi mà điện thoại di động lại thay đổi liên tục, chúng ta dễ nghĩ rằng điện thoại di động có vai trò quan trọng hơn thực tế.”

Kết quả là, chúng ta bắt đầu tự hỏi làm thế nào mà con người ta có thể sống được trước khi công nghệ xuất hiện. Nhưng như nhà kinh tế học nổi tiếng Robert Fogel đã từng nói, nếu đường sắt không được phát minh, chúng ta cũng sẽ đạt được hầu hết sản lượng kinh tế với tàu thủy và kênh rạch [3]. Hoặc chúng ta hay giả định rằng công nghệ hiện đại đã được tiên đoán trước một cách tài tình là sẽ xảy ra, nhưng trong thực tế, chúng thường được phát minh ra một cách rất tình cờ. Instagram ban đầu là một ứng dụng kiểu như Yelp với cái tên Burbn, mà việc đăng tải ảnh chỉ là một ý tưởng bổ trợ (ai lại đi chụp ảnh bằng điện thoại?). Tương tự, nhắn tin bắt đầu chỉ là một kênh thăm dò cho các tin nhắn thông báo thử nghiệm ngắn – bởi vì ai lại muốn dò dẫm qua từng nút bấm và chữ số bé tí tẹo để nói chuyện thay vì gọi điện nói chuyện với nhau? (Những ví dụ này do nhà văn Clive Thompson giới thiệu cho tôi.)

Giao thông vận tải dường như là một hình mẫu hoàn hảo của đầu cơ cho tương lai, mang một gánh nặng không cân xứng vì những kế hoạch này luôn bị trì hoãn (có lẽ đơn giản vì chúng ta thấy việc đi lại hàng ngày là quá vất vả, và trong tiếng Anh từ travel – di chuyển có cùng tiền tố với từ travail – công việc). Những than thở không ngừng về chiếc ô tô bay chỉ tập trung vào những mong muốn như của trẻ con (tại sao chúng ta không thể có nó, ngay bây giờ?), và bỏ qua những tác động ngoại cảnh có thể xảy ra như ùn tắc giao thông trên không, và tỷ lệ tử vong có khi còn cao hơn so với lái xe trên mặt đất.

Chúng ta có đang quá ám ảnh về công nghệ?

Chiếc “xe ô tô tự lái” được hứa hẹn là sẽ định hình lại một cách triệt để cách chúng ta sống, mà quên rằng, trong suốt lịch sử loài người, con người đã luôn nỗ lực hết sức để giữ cho hoạt động di chuyển vận động hàng ngày của cơ thể trong mức ổn định [4]. “Đường đi bộ tự động” được cho là sẽ thay đổi tốc độ chuyển động của đô thị; ngày nay, thiết bị này chỉ được dùng hầu hết để di chuyển những người đứng yên trên nó, trong sân bay, với tốc độ chậm hơn so với đi bộ bình thường. Khi xem xét tương lai của giao thông vận tải, cần lưu ý rằng, ngày nay, chúng ta chỉ thực sự vận động cơ thể nhờ những phương tiện truyền thống. Khi Amazon thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái, các kiện hàng giao trong ngày của họ được vận chuyển trong thành phố New York bằng phương tiện được sáng chế từ thế kỷ 19: xe đạp.

Edgerton lưu ý chúng ta rằng quan điểm “chú trọng công nghệ” – những thiết bị hấp dẫn mà “có khả năng thay đổi thế giới” – không chỉ đưa chúng ta đến tương lai, mà còn đưa chúng ta ngược về quá khứ. Ông nói rằng, “những con ngựa đã đóng góp nhiều hơn cho cuộc chinh phạt của Đức Quốc xã hơn so với những con xe V2.” Chúng ta thường để ý đến những gì mới được phát minh ra hơn những gì thật sự được mang vào sử dụng.

 

Một người theo thuyết vị lai nói rằng một bộ phim năm 1960 về văn phòng của thành phố tương lai đã đưa ra những dự đoán công nghệ ngang tầm với hiện nay (máy fax và những thiết bị tương tự), nhưng lại có một thiếu sót rõ ràng: Văn phòng tương lai đó không hề có bóng dáng phụ nữ.

 

Cũng giống như việc tập trung vào những đổi mới gần đây khiến con người quá coi trọng ảnh hưởng của chúng, và nhìn nhận chúng như thể một động lực thúc đẩy sự thay đổi hoàn toàn của tương lai – như Google Glass từng được dự đoán – những cái nhìn ngược lại về quá khứ thường bị cho lạc hậu, và do đó các cải tiến công nghệ cũng nhanh chóng bị lỗi thời. Những tiên đoán về tương lai gần, như trong bộ phim Bladerunner, không còn xuất phát nhiều từ công nghệ (trong bộ phim, máy tính có thể nhận dạng giọng nói, nhưng phòng thí nghiệm của Bell cũng đã nghiên cứu đến khả năng phân tích giọng nói con người của máy móc từ những năm 1940 [5]), mà xuất phát xen kẽ từ những cái mới và cái cũ. Những bộ phim mô tả thế giới tương lai như một quang cảnh hoàn hảo, đồng bộ và thống nhất thường không có tính thuyết phục – giống như những bộ phim về lịch sử mà ô tô trên đường đều giống y như nhau (vì đó là những mẫu ô tô duy nhất có thể chạy được). Bụi bẩn và tàn tích cũng là một phần của tương lai, cũng như chúng đã đóng vai trò trong quá khứ.

Con người sống trong thế giới bị ám ảnh về công nghệ ngày nay có xu hướng phóng đại tác động của công nghệ, không chỉ trong tương lai mà còn ngay ở hiện tại. Chúng ta thường hay tưởng tượng ra rằng mình đang sống trong một thế giới mà một vài thập kỷ trước đó có khi con người còn không tưởng tượng ra được. Không có gì lạ khi nghe được ai đó nói rằng: “Một người trong thế kỷ 20 sẽ không thể nào mơ tới giao thông đã thay đổi như thế nào chỉ trong vòng nửa thế kỷ" [6]. Thế nhưng, khinh khí cầu cứng chở khách đã được sử dụng từ những năm 1900, mà ở New York, chỉ 1 năm trước đó, xảy ra vụ ô tô tông chết người đi bộ đầu tiên. Khái niệm về du lịch hàng không, hay ý nghĩ rằng những chiếc xe ô tô sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo đường phố, có phải thực sự đã vượt quá hình dung – hay có lẽ đó chỉ là sự sùng bái mù quáng hiện tại, bằng cách chiếu cố cái nhìn đến thế hệ những người đi trước vô vọng của chúng ta?

“Khi nhắc đến công nghệ thông tin, chúng ta thường quên mất hệ thống bưu chính, điện tín, điện thoại, đài phát thanh và truyền hình,” Edgerton nói. “Khi chúng ta tung hô mua sắm online, việc đặt hàng qua email bị lãng quên.” Ví dụ, bộ phim The Net (1995) dự đoán trước hệ thống đặt pizza mang đến nhà qua internet trước hàng thập kỷ [7], nhưng lại không nghĩ ra rằng thật ra đó không phải là bước tiến gì quá to tát cả, vì trước đó, từ những năm 1960 đã có hệ thống đặt làm pizza theo yêu cầu qua một thiết bị trung gian. Và khi đi tàu điện ngầm đến một quán café để ngồi viết bài này và gửi qua thư điện tử đến cho biên tập viên ở cách rất xa, tôi đã đơn giản chỉ làm một việc mà người ta cũng có thể làm ở New York vào những năm 1920, sử dụng cùng một tàu điện ngầm, cùng quán café Roosevelt Brothers, và gửi thư qua điện tín, dù kém hiệu quả hơn. (Mặc dù chính sự hiệu quả đó không rõ là đã giúp tôi làm việc tốt hơn hay trên thực tế chỉ khiến tôi làm việc ngày càng nhiều với mức lương ngày càng thấp). Chúng ta mong đợi nhiều thay đổi hơn mức có thể cho tương lai, vì chúng ta tưởng rằng trong hiện tại mình đã thay đổi rất vượt bậc so với quá khứ.

Không ai dự đoán được sự hiện diện của phụ nữ nơi công sở

 

 

Văn hóa: “gót chân Achilles” của thuyết vị lai 

 

 

Trong cuốn Xây dựng Ngôi nhà (The Making of Home), Judith Flanders đề cập đến một tài liệu tham khảo từ nhật ký của Samuel Pepys năm 1662, với một vật dụng gọi là “giấy dán ngăn vết nhổ”. Bà đoán đây là một tấm giấy được dán lên tường, xung quanh khu vực để ống nhổ, để ngăn không cho nước bọt bắn ra xung quanh làm bẩn tường. Đây là thứ mà bà gọi là một trong những “nội thất vô hình”. Chúng ta đều biết đến cái ống nhổ. Vậy mà, khi viết ra trong sách hoặc mô tả trong văn học, chúng ta dễ dàng bỏ qua sự phổ biến của hành động khạc nhổ, ngay cả trong xã hội văn minh lịch sự.

 

Flander nói rằng nước Mỹ đã có hẳn luật lệ cho việc khạc nhổ, quy định vị trí nào cho phép khạc nhổ trên tàu hỏa, nhà ga và trên sân ga. Một hội nghị của các hội đồng y tế năm 1917, tổ chức tại Washington D.C. đã yêu cầu cung cấp một số lượng ống nhổ cần thiết trên các toa tàu. Ngày nay, cả từ “ống nhổ” và chính bản thân cái ống nhổ đã bị cho vào quên lãng (mặc dù các Thẩm phán Tòa án Tối cao vẫn có một chiếc). Sự biến mất của chiếc ống nhổ khỏi xã hội hiện đại không phải vì sự lỗi thời của công nghệ, mà là do sự thay đổi trong hành vi của chúng ta.

Trong khi hình dung về công nghệ của quá khứ và tương lai có vẻ như khác xa so với thực tế, những khác biệt về văn hóa theo thời gian lại đem đến nhiều ngạc nhiên hơn. Đóng vai trò cố vấn lịch sử cho trò chơi điện tử Assassin Creed, Flanders phải liên tục nhắc nhở các nhà biên kịch cắt giảm việc sử dụng từ “cổ vũ” trong kịch bản, vì, bà nói, “đến tận thế kỷ thứ 20 người ta mới bắt đầu dùng từ đó.” Các biên kịch muốn biết vậy thì từ gì đã được dùng để thay thế. “Họ không thể tưởng tượng được rằng vào thời đó, hầu như con người không nói gì nhiều. Việc chào hỏi chúc tụng nhau khi gặp mặt và trước khi nâng cốc là rất bình thường hiện nay, vì thế thật khó để chấp nhận rằng trong nhiều thế kỷ con người đã không hề thấy cần thiết phải làm như vậy.”

 

Chiếc xe ô tô tự lái có vẻ như là điều khá hiển nhiên. Nhưng văn hóa xã hội hiện đại thì không xảy ra như vậy.

 

Nhà sử học Lawrence Samuel đã gọi tiến bộ văn hóa xã hội là “gót chân Achilles” của thuyết vị lai [8]. Ông cho rằng mọi người đã quên mất những lời sáng suốt của nhà sử học và triết gia Arnold Toynbee: Ý tưởng, chứ không phải công nghệ, đã mang đến những thay đổi lớn nhất trong lịch sử. Khi công nghệ thay đổi con người, thường những thay đổi đó không nằm trong mong đợi của chúng ta: ví dụ như công nghệ di động đã không báo trước “nối liền những khoảng cách”, mà trong thực tế còn củng cố sức mạnh đô thị hóa và khiến con người ngày một xa cách với nhau hơn. Máy giặt giải phóng phụ nữ khỏi lao động, và, như nhà tâm lý xã hội Nina Hansen và Tom Postmes đã nói, có thể đã châm ngòi cho cuộc cách mạng về vai trò và quan hệ giới. Nhưng, họ viết rằng, “thay vì thúc đẩy phong trào nữ quyền, những ứng dụng công nghệ (từ những trường hợp đầu tiên và nhỏ nhặt nhất) đã cho ra đời vai trò mới của bà nội trợ: phụ nữ trung lưu không tận dụng thời gian tự do rảnh rỗi… để nổi loạn chống lại các tổ chức xã hội hoặc thậm chí để tận dụng sự độc lập của họ.” Thay vào đó, các tác giả này chỉ ra rằng, những người phụ nữ đơn giản chỉ đảm nhận các công việc mà trước đây được làm bởi người hầu kẻ hạ, vì giờ đây họ có thể tự làm một cách dễ dàng.

Bỏ qua quan điểm về lịch sử, chúng ta sẽ đánh mất luôn khía cạnh về tiến trình của hành vi. Việc dự đoán trước tương lai thường gặp phải vấn đề tương tự: đối tượng được báo trước, trong khi tác động của hành vi bị ngăn chặn lại. Ý tưởng trong bộ phim hoạt hình giả tưởng “The Jetsons” về động cơ phản lực mini và viên thực phẩm chức năng thay thế cho các bữa ăn đã bỏ lỡ những thay đổi diễn ra trong thực tế: Khái niệm về một nghề nghiệp ổn định vững vàng, hoặc việc bữa ăn trưa trở thành nghi thức trong xã hội.

Chiếc xe ô tô tự lái có vẻ là điều khá hiển nhiên

Một người theo thuyết vị lai nói rằng một bộ phim năm 1960 về văn phòng của thành phố tương lai đã đưa ra những dự đoán công nghệ ngang tầm với hiện nay (máy fax và những thiết bị tương tự), nhưng lại có một thiếu sót rõ ràng: Văn phòng tương lai đó không hề có bóng dáng phụ nữ ⁹[9] Những chiếc xe tự lái trong hình dung của những năm 1950 là hình ảnh các gia đình ngồi vui vẻ chơi cờ tỷ phú trong khi chiếc xe hơi có cánh ở đuôi lướt đi trên đường cao tốc. Giờ đây, đã 70 năm trôi qua, chúng ta ngờ rằng những chiếc xe tự động đơn giản sẽ tăng thêm thời gian sản xuất, và chính vì thế cũng tăng giờ làm việc của người lao động. Chiếc xe ô tô tự lái có vẻ như là điều khá hiển nhiên. Nhưng văn hóa xã hội hiện đại thì không xảy ra như vậy.

 

 

Tạm kết

 

 

Tại sao các thay đổi về văn hóa xã hội lại khó dự đoán đến vậy? Thứ nhất, chúng ta từ lâu đã có xu hướng quên rằng văn hóa thực sự có thay đổi. Định kiến thiên vị cho hiện trạng vẫn luôn ngự trị. “Cho đến gần đây, văn hóa đã giải thích tại sao mọi thứ vẫn như cũ, chứ không phải tại sao chúng ta thay đổi,” nhà xã hội học Kieran Healy đã nói.

Và khi văn hóa thay đổi, các sự kiện hệ quả của nó có thể xảy ra ngẫu nhiên và nhỏ nhặt không ngờ. Như nhà văn Charles Duhigg mô tả trong cuốn Sức mạnh của Thói quen (The Power of Habit), một trong những sự kiện mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của quyền đồng tính ở Mỹ là một sự thay đổi, bắt nguồn từ Thư viện Quốc hội, qua việc chuyển phân loại sách về phong trào đồng tính từ “Quan hệ Tình dục Bất thường, Bao gồm Tội phạm Tình dục” sang “Đồng tính Luyến ái Nam và Nữ - Tự do giới tính, Phong trào Giải phóng Đồng tính”. Sự thay đổi có vẻ không đáng kể này, được tung hô bởi những người ủng hộ phong trào, đã đặt những bước đầu tiên dẫn dắt hàng trăm ngàn người đồng tính khác, và đưa đến những thay đổi lớn lao hơn (một năm sau đó, Hiệp hội Tâm thần học Hoa kỳ đã ngưng định nghĩa đồng tính luyến ái là một loại bệnh tâm thần). Charles Duhigg trích dẫn một nhà tâm lý học tổ chức: “Những thắng lợi nhỏ không phải lúc nào cũng xếp thành hàng lối theo trật tự, với mỗi bước một tiến gần hơn với mục tiêu định sẵn”.

Chúng ta cũng có thể nói điều tương tự đối với tương lai.

Theo Nautilus

Thảo Tâm (dịch)

 

Nguồn tham khảo:

  1. Lowenstein, G., O’Donoghue, T., & Rabin, M. Projection bias in predicting future utility. The Quarterly Journal of Economics 118, 1209- 1248 (2003).
  2. Quoidbach, J., Gilbert, D.T., & Wilson, T.D. The end of history illusion. Science 339, 96–98 (2013).
  3. Fogel, R.W. Railroads and American Economic Growth: Essays in Econometric History The Johns Hopkins University Press, Baltimore (1964).
  4. Marchetti, C. Anthropological invariants in travel behavior. Technological Forecasting and Social Change 47, 75–88 (1994).
  5. Solan, L.M. & Tiersma, P.M. Speaking of Crime: The Language of Criminal Justice The University of Chicago Press (2010).
  6. Rodrigue, J.P. The Geography of Transport Systems Routledge, London (2013).
  7. Crugnale, J. How cyberthriller ‘The Net’ predicted the future of the Web. The Kernal (2015).
  8. Samuel, L.R. Future: A Recent History University of Texas Press, Austin, TX (2009).
  9. Eveleth, R. Why aren’t there more women futurists? The Atlantic (2015).
  10. Healy, K. Social change: mechanisms and metaphors. Working Papers (1998).



Tags: