Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương: Có nhiều màu sắc hơn Thám tử lừng danh Conan?
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương: Có nhiều màu sắc hơn Thám tử lừng danh Conan?
Tiểu thuyết của Murakami Haruki thì liên quan gì đến Thám tử lừng danh Conan?

Có điểm gì chung giữa tác phẩm của Murakami Haruki và Thám tử lừng danh Conan? Ngoài xuất xứ Nhật Bản ra thì dường như chẳng có gì giống nhau: một bên là tiểu thuyết đặc chữ, một bên là truyện tranh; một bên là những trăn trở dằn vặt về bản ngã, một bên là truyện trinh thám rạch ròi phân minh kẻ xấu người tốt. Ấy thế nhưng đọc xong cuốn Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, tôi nhận ra nhiều điểm chung hơn dám tưởng tượng giữa tác phẩm này và bộ truyện tranh nổi danh của Aoyama Gosho.

Ấn tượng đầu tiên về cuốn Tazaki Tsukuru là những sắc màu của các nhân vật, thật tình cờ lại trùng hợp với một vụ án trong Conan cũng có những nhân vật gọi tên nhau bằng màu. Trong nhóm bạn thời trung học với bốn người bạn đều có màu sắc trong họ tên, chỉ riêng Tazaki Tsukuru lẻ loi, không màu. Sáu người bạn sống chung nhà trong vụ án bức tường đỏ của Conan cũng đều có tên mang màu sắc. Thực tế thì đây là một hiện tượng phổ biến ở Nhật Bản, ngay cả họ của tác giả Aoyama cũng chứa yếu tố màu xanh (Ao). Nhưng điểm đáng kinh ngạc hơn là ý nghĩa biểu tượng của những cái tên này khi áp vào cốt truyện. 

Màu trắng, biểu tượng của sự tinh khiết, rất thích hợp để miêu tả cô bạn Shirane Yuzuki trong sáng, hiền hậu mà Tsukuru biết từ trung học. Nhưng cô cũng chính là nguồn cơn khiến nhóm bạn xa lánh Tsukuru, và rồi xa lánh lẫn nhau, để cuối cùng cô còn lại một mình và chết trong cô độc. Trong vai trò đó cô tỏ ra tương đồng với Naoki Shirou, người cũng đã tự mang đến cái chết cho mình bằng cách tống tiền thủ phạm của vụ án trong Conan, cũng chính là một người bạn cùng nhà trước kia. Màu trắng ở cách xử sự này là màu trắng của cái lạnh, như trong thành ngữ “Shiroi me de miru” (白い目で見る), nghĩa đen là nhìn bằng lòng trắng của mắt, và nghĩa bóng là đối xử một cách lạnh lùng, khinh khi.

Màu trắng trong văn hoá Nhật mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, như sự tinh khiết, sự sạch sẽ, vẻ đẹp và sự hoà hợp, và cũng là màu được ưa thích đặc biệt ở Nhật Bản. Màu trắng là màu ánh sáng mặt trời, mà mặt trời trong tín ngưỡng cổ truyền Nhật Bản là một biểu tượng thiêng liêng. Nhưng ở ngữ cảnh văn hoá rộng lớn hơn, màu trắng còn được coi là màu của tang tóc, sự trống rỗng, sự cô đơn, hay cũng có khi được gắn với hình ảnh nhà thương điên. Khi cho nhân vật mang tên Trắng trong tác phẩm của mình hành xử theo hướng tiêu cực, hẳn cả Murakami và Aoyama đã nghĩ đến những ý nghĩa khác, chứ không chỉ gói gọn trong bối cảnh Nhật. Nhờ vậy mà nhân vật Trắng trong Tazaki Tsukuru mang đầy mâu thuẫn, trở thành một hình ảnh đa nghĩa, khó bóc tách.

 

 

Nhân vật mang tên Xanh trong hai câu chuyện cũng chia sẻ những nét tương đồng mang tính biểu tượng như vậy. Kobashi Aoi trong vụ án của Conan là cô gái dịu dàng được tất thảy mọi người yêu quý. Người bạn Oumi Yoshio của Tsukuru thì luôn là một chàng trai bộc trực, nhiệt huyết, dễ khiến người khác tin cậy, và bản chất đó không đổi cho dù anh có đi theo nghề bán ô tô, một nghề chuyên dành cho những kẻ dẻo mỏ. Màu xanh biển là màu được ưa thích trong mọi nền văn hoá, và cũng là màu xuất hiện nhiều nhất khi người ta được yêu cầu nêu tên một màu bất kỳ. Sự yêu mến đối với màu này khiến độc giả cũng dễ dàng yêu mến nhân vật mang cái tên Xanh.

Ngược lại, nhân vật mang màu Đỏ trong cả hai câu chuyện đều không được yêu thích. Dù đỏ vốn là một màu tốt lành mang ý nghĩa may mắn, giống như đậu đỏ dùng trong món ăn ngày lễ tết, nhưng bên cạnh đó màu đỏ còn là màu của sự nóng giận. Tính cách bốc đồng trên bề mặt thích hợp để nói về cả Akamatsu Kei trong Tazaki Tsukuru và Akashi Shuusaku trong Conan. Thực tâm họ vẫn là người tốt, họ “chỉ giả vờ xấu thôi.” Sự trùng hợp trong tính cách của hai nhân vật Đỏ quả là một đường nối hoàn hảo giữa hai tác phẩm.

Nhưng sau rất nhiều những chia sẻ về ý nghĩa biểu tượng của màu sắc như vậy, thì cũng có lúc Aoyama và Murakami đi về hướng khác nhau. Đọc Conan, không ai còn xa lạ gì với bọn áo đen, băng đảng tội phạm đã biến chàng thám tử 17 tuổi Kudo Shinichi thành cậu nhóc học lớp 1 Edogawa Conan. Màu đen trong Conan, chính là màu tô lên kẻ thủ ác trong mỗi vụ án trước khi kẻ đó lộ diện, không bao giờ mang ý nghĩa tốt đẹp. Nhưng trong Tazaki Tsukuru, cô bạn Đen, tuy là người trực tiếp đề nghị đẩy Tsukuru ra khỏi nhóm năm người, cuối cùng lại là sứ giả của sự thật, giải thoát cho Tsukuru khỏi bóng ma của bí mật ám ảnh. Có lẽ ở đây Murakami đã quay lại với ý nghĩa của màu đen trong văn hoá Nhật truyền thống, là màu của phẩm giá.

Không chỉ màu sắc, những cái tên trong cả Tazaki TsukuruConan đều rất được coi trọng. Tên của Tsukuru là chữ “tác” trong sáng tác, tạo tác. “Cậu Tsukuru làm ra các đồ vật,” mà cụ thể là làm ra nhà ga. Niềm tin tên vận vào người cũng không sai với Kudo Shinichi, khi mà tên cậu, theo cách phát âm Shin-ichi, có thể hiểu là một sự thật, sự thật chỉ có một. Và bởi tính chất của truyện trinh thám, đã vô vàn lần trong Conan những cái tên được chiết tự, mã hoá theo cách này hay cách khác để khéo léo chỉ đích danh thủ phạm mà hắn không hay biết.

 

Tất nhiên, nếu chỉ vì ý nghĩa biểu tượng của những cái tên mà cho là Tazaki Tsukuru giống với Conan thì cũng hơi phiến diện. Nhưng hơn thế, Tazaki Tsukuru có cấu trúc của một tác phẩm trinh thám. Có một bí ẩn cần được khám phá (Vì đâu mà những người bạn thân thiết lại quyết tâm tuyệt giao với Tsukuru?), một hành trình đi tìm sự thật, và đến cuối truyện thì bí ẩn được giải đáp. Cấu trúc này giữ sự hồi hộp cho câu chuyện, khiến người đọc tò mò lật từng trang, không khác gì đọc Conan.

Nhưng Tazaki Tsukuru vẫn có điểm khác biệt so với một câu chuyện trinh thám điển hình. Dù rằng cuối cùng Tsukuru đã biết được đầu đuôi việc mình bị đuổi khỏi nhóm bạn, nhưng động cơ của Trắng chưa bao giờ được làm rõ. Trong Conan thì động cơ của thủ phạm luôn luôn được bật mí, còn trong chuyện của Tsukuru thì chân tướng sự việc mãi mãi không thể rạch ròi trắng đen. Tất cả vẫn phần nhiều là phỏng đoán của riêng Tsukuru. Đây mới chính là điểm làm nên giá trị cuốn sách, bởi nếu có thể kết thúc tròn trịa và phân định tốt xấu rõ ràng như những vụ án trong Conan thì truyện của Murakami đã không phải là điểm bắt đầu cho nhiều chiêm nghiệm, suy tưởng, mà chỉ có thể là điểm kết thúc.

Dẫu sao, truyện của Murakami và bộ truyện tranh Conan vẫn là cánh cửa dẫn đến cùng một nền văn hoá, mang theo những nét văn hoá tương đồng. Mỗi tác phẩm có thể tặng cho người đọc những cái nhìn khác nhau về cuộc sống, nhưng suy cho cùng chúng đều là những cánh cửa nhìn ra thế giới.

Trạm Đọc / Thanh Huệ