Cuộc đời này vốn là những chuỗi ngày hội ngộ và chia ly. Hội ngộ là để chia ly. Chia ly là để có ngày hội ngộ. Trong những bi kịch tình yêu, ta chứng kiến sự già nua, hèo mòn, tàn úa của những cặp tình nhân, rồi họ chia ly, xa rời và lìa biệt nhau mãi mãi. Nhưng có khi nào ở một bi kịch khác, một người cứ tuần tự già đi, còn một người lại đi ngược dòng chảy thời gian, dần dần nhỏ lại, hai mươi, rồi mười tám, mười lăm, rồi mười, rồi bốn, ba tuổi và cuối cùng biến mất? Nếu thật sự hơi thở mỗi người là hữu hạn, tại sao lại phải kết thúc theo một cách bi thương đến thế?
Ichikawa Takuji thường thích gắn cho nhân vật của mình những căn bệnh kì lạ và yếu tố kì ảo để đặt mạch câu chuyện vào giữa “ranh giới biến mất”. Nếu trong Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi là ranh giới giữa mình và người khác; trong Em sẽ đến cùng cơn mưa là giữa người chết và người sống; trong Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào là giữa giấc mơ và hiện thực, giữa thế giới hiện tại và thế giới bên kia; thì đối với Nơi em quay về có tôi đứng đợi lại chính là thời gian.
Nơi em quay về có tôi đứng đợi là câu chuyện tình giữa Satoshi và Yuko, vốn là hai người bạn thời trung học. Họ quen nhau biết và yêu nhau bằng một chút tình cờ, một chút quen thuộc như câu chuyện tình đáng yêu thuở thiếu thời. Họ yêu và khát khao khám phá cơ thể nhau. Nhưng rồi, Yuko có thai và sảy thai. Mặc cho sự phản đối của gia đình, Yuko và Satoshi vẫn kiên trì ở bên nhau, xây dựng cuộc sống gia đình và mong chờ một sinh linh khác sẽ ra đời. Trong khi cả hai đang hạnh phúc trong một cuộc sống mới thì tai họa ập đến: Yuko có thể sẽ ra đi mãi mãi. Vì một lí do kì lạ nào đó, cô cứ ngày một nhỏ đi, từ cô gái 23 tuổi rạng ngời bỗng chốc trở lại với tuổi mười tám, đôi mươi, rồi thiếu niên, thậm chí là thiếu nhi. Đối diện sự thật đau buồn ấy, Satoshi và Yuko đã chăm sóc nhau, trở thành chỗ dựa cho nhau, chia sẻ với nhau từng cơn đau, từng niềm vui nhỏ bé, trân trọng từng giây phút ở bên nhau.
Cuốn sách mang motip khá giống với các tác phẩm khác của Ichikawa Takuji, đặc biệt khi đặt lên so sánh với Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi và Em sẽ đến cùng cơn mưa, đều là những mối tình nảy nở giữa những đôi bạn trẻ đồng môn, trải qua thăng trầm nhưng cuối cùng kết thúc lại là sự chia ly bằng sự sống và cái chết. Cũng với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng và thủ thỉ tâm tình ấy, Ichikawa Takuji một lần nữa khắc họa bức tranh tình yêu và chia ly bằng những gam màu trong sáng.
Chính bởi những sự tương đồng ấy, Nơi em quay về có tôi đứng đợi có thể không gây ấn tượng quá mạnh về mặt nội dung (một phần do đây là cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam khá muộn sau các cuốn đã kể trên mặc dù được sáng tác trước). Nếu đặt cuốn sách đứng riêng, không thể phủ nhận nét đặc sắc và mới lạ trong tác phẩm nhưng khi đặt chung vào một chuỗi những tiểu thuyết mang “thương hiệu” Ichikawa Takuji, Nơi em quay về có tôi đứng đợi tuy không bị trùng lặp hay nhạt nhòa nhưng lại dễ tạo cho người đọc cái cảm giác “quen quen”.
Tuy nhiên, một trong những điểm nổi bật và gây ấn tượng nhất trong tác phẩm chính là những chi tiết mang tính tín ngưỡng.
A-lại-da thức dịch ý là Tàng thức. A-lại-da thức được xem là thức căn bản của mọi hiện tượng, nên còn gọi là Hàm tàng thức. Thức này chứa đựng mọi sư trải nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần.
Nói một cách dễ hiểu nhất, A-lại-da thức được ví như một kho tàng của các loại hạt giống - những thiện và bất thiện nghiệp mà một chúng sinh đã tạo ra trước đó được huân tập không sót một chi tiết nhỏ nào. Khi gặp thời cơ thuận lợi, một hoặc nhiều hạt giống (tốt và xấu) sẽ được đưa ra, gieo trồng và trổ quả, kết quả là chúng sinh được sinh ra phải hưởng những quả do những kiếp quá khứ đã làm ra mà không thể trốn tránh, chối bỏ nó.
Trong Nơi em quay về có tôi đứng đợi, độc giả, đặc biệt là độc giả Việt Nam, đều sẽ ấn tượng bởi câu chuyện dân gian dị bản Việt Nam về chú Cuội, rằng sau khi Cuội trồng cây đa quý, một đôi vợ chồng nọ để cứu đứa con gái đã chết lâu ngày của mình mà chấp nhận để người vợ ăn lá đa quý, đứa con gái đã chết trở về thế chỗ người vợ, người vợ biến thành con gái, sau này người con gái trưởng thành, hai người lại trở thành vợ chồng lần nữa.
Yuko cũng đã từng sảy thai, và hai vợ chồng cũng khao khát được mang đứa con gái của mình quay trở lại. Nhưng nếu cặp vợ chồng trong câu chuyện dân gian nọ đã sinh và nuôi nấng con của mình, thì con của Yuko và Satoshi lại chưa bao giờ được nhìn thấy ánh mặt trời. Nếu Yuko cũng phải chịu chung số phận như câu chuyện ấy, thì lẽ nào cô sẽ dần dần trở thành một bào thai và tan biến?
Đứa con chưa chào đời của Yuko, giấc mơ và chiếc lá mà cô đã ăn trong mộng mị, cả những hành động vô thức cô đã làm trong suốt hai mươi mấy năm cuộc đời, tất cả đều là những “hạt mầm” được gieo vào mảnh đất Tàng thức, chỉ chực chờ một ngày thích hợp để đâm chồi nảy lộc. Tàng thức được coi như “sự thật cuối cùng”, là nơi tập hợp của mọi nghiệp xưa cũ.
Giống như người vợ biến thành đứa con, có người cho đó là bi kịch, có người lại cho đó là may mắn, sự teo nhỏ và tan biến của Yuko có thể là thiện nghiệp, cũng có thể là bất thiện nghiệp, vì vòng luân hồi và nhân quả mà Yuko và Satoshi đi chưa hết. Theo Ichikawa Takuju, Yuko và Satoshi đã gặp lại nhau, nhưng thay vì diễn tả một cách trực tiếp, tác giả lại miêu tả các tình tiết theo kiểu lưỡng nghĩa hoặc đa nghĩa. Ông ám chỉ một cách trừu tượng và tránh né kết luận rõ ràng, bởi theo ông, câu chuyện phản ánh hình dạng của một thế giới vô thức. Sự biến mất của những ranh giới.
Một trong những nhân vật phụ đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện là vợ chồng mục sư Birdman và người vợ Yoriko.
Trải qua biến cố từ khi còn nhỏ dẫn đến cái chết của người em trai ngoan đạo, Birdman - từ một cậu trai vô thần vô thánh, không tin vào sự tồn tại của Chúa đã trở thành một mục sư, một con chiên trung thành chu du khắp thế giới.
Câu chuyện của Birdman rất “ảo”, nhưng xếp trong tổng thể vốn dĩ khác thường như cuốn sách này, cái “ảo” ấy bỗng trở nên quá sức bình thường. Một cậu bé đột nhiên biến mất, rồi qua đời khi sức khỏe đang biến chuyển tốt, cậu anh trai vì đuổi theo bóng ma em mình mà giúp cả gia đình thoát khỏi tan nạn chết người. Rồi cậu anh trai ấy có niềm tin tuyệt đối vào Chúa.
Chúa chỉ tồn tại với nhưng ai tin tưởng. Vậy liệu có thực sự tồn tại hay không những thế lực siêu nhiên ấy? Vốn dĩ đến tận bây giờ người ta vẫn mãi tranh cãi về vấn đề này, nhưng điều đó chẳng còn quan trọng nữa. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi ta có niềm tin, bất kể niềm tin ấy là hư hay thực. Và niềm tin ấy sẽ đưa ta đi đúng đường, giúp đỡ người khác, mang lại hạnh phúc cho cả bản thân và những người xung quanh.
Có thể nói, vai trò và sự hiện diện của Chúa trong Nơi em quay về có tôi đứng đợi chính là một trong những yếu tố then chốt của câu chuyện. cùng với câu chuyện ngụ ngôn về chú Cuội, những sự lạ kì giúp những lạ kì khác trở nên hợp lí và dễ hiểu, khiến cho nút thắt trong câu chuyện phần nào được gỡ bỏ. Nếu không có niềm tin vào Chúa, Birdman có lẽ đã trở thành một thanh niên lăn lộn ở những nhà máy quê nhà với mặc cảm tội lỗi về cái chết của em mình, Yoriko có lẽ cũng sẽ chìm sâu trong những bóng đen tâm lí, Yuko và Satoshi cũng sẽ chẳng thể hoàn thành được những ước mơ và vượt qua những khó khăn cuộc đời.
Cuộc sống vô thường, và mọi ranh giới chỉ là vô nghĩa.
Những chia ly trong cuộc đời đều đáng sợ, và nỗi đau thường đến với người ở lại hơn là người ra đi. Chứng kiến người mình yêu già đi rồi biến mất, hay thậm chí là “trẻ lại” rồi biến mất thì nỗi đau đớn ấy cũng đều nghiệt ngã khổ đau. Satoshi vẫn sẽ đau khổ khi Yuko không còn, dù là bây giờ hay mãi sau này. Nhưng với tình yêu, người ta sẽ có một niềm tin để sống cùng nỗi đau ấy, không phải vượt qua, mà là dần quen.
Phanh
Trạm Đọc.