Trong “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường”, tôi viết về vẻ đẹp của xác động vật đang phân hủy. Nếu như hoa lá hay bình minh là vẻ đẹp dễ để cảm thụ, dễ tiếp cận, thì cái xác kia là một vẻ đẹp thách thức, khó tiếp cận.
Thoạt tiên, nó có thể khiến ta kinh tởm, muốn quay đi. Nhưng nhìn sâu vào nó, đồng thời lùi lại trong tâm trí để có cái nhìn toàn cảnh, ta thấy thiên nhiên đang vận hành một cách kỳ diệu. Cái xác đang chuyển hóa thành mùn đất, sự phân hủy của nó sẽ khiến đất đai màu mỡ hơn, những con dòi sẽ trở thành ruồi, và ruồi trở thành thức ăn cho chim; chọn lọc tự nhiên sẽ tạo ra những thế hệ động vật mới có khả năng thích nghi hơn.
“Vậy nên, cái xấu xí của những khoảnh khắc như cái xác tuần lộc đang rữa, nước hôi thối rỉ ra từ mũi con sư tử bị bệnh, con quạ già trụi lông, chỉ là một hình ảnh trong một bộ phim dài của tự nhiên vẫn đang được chiếu mà thôi. Nhìn tổng thể, những chi tiết ‘xấu xí’ này không làm cho bức tranh lớn xấu đi; ngược lại, chúng làm cho nó trở nên giàu có hơn. Cái mà ta thấy xấu được tích hợp trong một vẻ đẹp rộng lớn, phức tạp và toàn diện.
Thiên nhiên không phải là một công viên giải trí, một bộ phim hoạt họa, triết gia Holmes Rolston viết, cái đẹp của nó là cái đẹp của sự vật lộn, cái đẹp u buồn và nghiêm trang. Sự chết là mặt kia của sự sống. Xác một con vật có thể không cho ta một mô típ để in bưu thiếp, nhưng ở nó có cái đẹp của tấn kịch của sống và chết đang diễn ra trước mắt ta. Ta nhìn nó và bị cuốn hút cao độ.” (Trích “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường”).
Thật vui khi gặp người khác cũng nói tới vẻ đẹp thách thức này. Xin trích chia sẻ của một thành viên của nhóm FB “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” (đã được biên tập):
“Cách đây 2 năm, mình bắt gặp một em nấm trong chậu hoa hồng ở ban công nhà. Hình dáng kì dị của nó ngay lập tức làm mình giật mình, có cảm giác hơi ghê ghê, rồi tò mò muốn biết nó là cái gì. Trông nó như một con bạch tuộc với nhiều xúc tu, và nó thoang thoảng mùi chuột chết. Vì muốn quan sát tiếp, mình không nhổ bỏ nó. Về nhà tối hôm đó, mình thấy cây nấm đã chết, nó rũ xuống và bắt đầu phân hủy, cái mùi chuột chết càng nồng nặc hơn.
Hình dáng kì lạ và vòng đời ngắn ngủi của nó làm mình ngay lập tức muốn tìm hiểu thêm, và được biết nó là nấm lõ chó bạch tuộc (octopus stinkhorn) hay ngón tay quỷ (devil's fingers), tên khoa học là Clathrus archeri. Là một loại hiếm gặp, nó được phát hiện vào đầu những năm 1900. Ban đầu nó có hình dáng như một quả trứng, sau đó từ quả trứng sẽ mọc ra từ 4 đến 8 “xúc tu” bạch tuộc. Nó tiết ra một chất nhầy có mùi như thịt thối để thu hút ruồi, ong và côn trùng có cánh đến và mang bào tử của nó đi khắp nơi, tạo thành những vòng đời mới.
Dù có mùi hương hơi khó cảm nhưng loại nấm này không độc đối với người và động vật, trong giai đoạn trứng, chưa mọc “xúc tu”, nó có thể ăn được.
Nhưng mình vẫn còn nhiều thắc mắc. Trong phần lớn ảnh trên internet, loại nấm này màu đỏ, có 5 xúc tu. Vậy loại mầu trắng như mình gặp là một nhánh khác, điều gì quyết định màu sắc của nó?
Hồi đó mình đã nhận ra rằng, khi nhìn thiên nhiên dưới góc độ khoa học thì chẳng có gì là xấu xí hay ghê tởm. Thậm chí, mình còn thấy cây nấm này rất hay, rất thú vị, rất hợp lý, kể cả cái mùi thịt thối làm mình nôn khan lúc gắp nó bỏ đi cũng mang ý nghĩa quan trọng trong việc sinh sản và duy trì giống nòi của nó.”
Bạn thấy đấy, nếu có cách tiếp cận hợp lý, nếu có sự tò mò và khả năng tiếp cận kiến thức (mà giờ đây ai cũng có, thông qua internet), ta có thể dễ dàng bước vào các cuộc phiêu lưu. Chúng nhắc nhở ta về sự kỳ bí và vĩ đại của tiến hóa.
- Theo: Đặng Hoàng Giang
--------