Nghệ thuật PR bản thân: Mấu chốt nằm ở cách bạn chia sẻ
Nghệ thuật PR bản thân: Mấu chốt nằm ở cách bạn chia sẻ
Hãy để người khác "ăn cắp" ý tưởng của bạn.

 

Năm 2012, nghệ sĩ Austin Kleon đã phát hành cuốn sách Steal Like an Artist (tạm dịch: Trộm cắp như một nghệ sĩ), một tác phẩm hiện đại về chủ đề “sáng tạo từ kết hợp” (combinatorial creativity) đã trở thành một trong những cuốn sách nghệ thuật (artbook) xuất sắc nhất trong năm đó. Năm nay, Kleon tiếp tục trở lại với cuốn Show Your Work! (tên tiếng Việt: Nghệ thuật PR bản thân) – “một cuốn sách cho những người ghét việc tự quảng cáo” – trong đó Kleon đã giải quyết một trong những câu hỏi tối quan trọng của đời sống sáng tạo: Làm thế nào để bạn có thể được “phát hiện”, một cách vừa chừng mực, vừa thẳng thắn và hài hước.

 Một cách nào đó, cuốn sách là hình ảnh phản chiếu của tác phẩm đầu tay từ Kleon – thay vì khuyến khích bạn “trộm cắp” từ người khác hay cũng đồng nghĩa với việc chịu ảnh hưởng từ họ, nó đề ra một kế hoạch có thể khiến tác phẩm của bạn lan tỏa đủ sức ảnh hưởng đến mức khiến người khác muốn “trộm cắp” lại nó. Bên cạnh những lời khuyên của mình, Kleon cũng đưa vào các tác phẩm nghệ thuật là các bài thơ “bôi đen báo” đặc trưng của anh – một trường hợp siêu điển hình cho nghệ thuật đương đại đòi hỏi sự mạnh dạn, cam kết và bảo toàn sáng tạo.

 



“Tạo hình nên thứ gì đó là một quá trình dài và bấp bênh, một người chế tạo nên biết cách trưng bày các tác phẩm của mình”


Kleon mở đầu bằng việc định hình tầm quan trọng của việc chia sẻ như một hình thức công nhận từ xã hội:

"Phần lớn những người mà tôi ngưỡng mộ và luôn cố gắng “trộm cắp” từ họ bất kể công việc của họ là gì thì đều coi chia sẻ như là một hoạt động bắt buộc hàng ngày của mình. Những người này không lan man tán dóc ở những bữa tiệc cocktail; họ quá bận cho những việc như vậy. Họ tất bật với công việc ở studios, ở phòng thí nghiệm, ở phòng làm việc, nhưng thay vì giữ khư khư công trình của mình ở trong đó, họ hoàn toàn cởi mở về việc họ đang làm, và họ cứ đều đặn hé lộ từng chút về tác phẩm, về ý tưởng, về những gì họ đang học được lên trên mạng. Thay vì tốn thời gian đi xây dựng “mạng lưới quan hệ”, họ đang tận dụng Internet. Bằng cách hào phóng chia sẻ ý tưởng và kiến thức, họ thường sẽ thu hút lại được số khán giả mà họ có khả năng tận dụng được khi cần – để giao hảo, để xin ý kiến hay là để được bảo trợ."

Sau đó, Kleon tiếp tục xem xét về cốt lõi của việc chia sẻ, một việc tưởng như đã quá rõ ràng nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng mức, một việc vẫn thường bị công kích kịch liệt bởi đám người thích khinh ghét mỉa mai, chưa kể vẫn thường bị chúng ta lãng quên và thờ ơ hàng ngày:


“Hành động chia sẻ là một hình thức của sự hào phóng – bạn công khai một thứ gì đó vì bạn nghĩ nó rất có thể sẽ hữu ích hoặc khiến ai đó phía bên kia màn hình cảm thấy thích thú.”


Kleon chỉ ra, việc hào phóng cho đi này mâu thuẫn với một trong những thuyết của ta: những thiên tài thì thường cô độc – một người nghệ sĩ vẫn thường có được cảm hứng lớn lao nhờ quá trình làm việc một mình. Nhưng trong khi ta vẫn còn in đậm ấn tượng này khi định hình về hình tượng thiên tài, điều đó không chỉ sai mà còn vô cùng nguy hiểm cho tinh thần sáng tạo, cho tinh thần kết liên của tính sáng tạo mà Robert Henri hết mực ngợi ca. Kleon đã viết:


“Nếu như bạn tin vào thuyết về những thiên tài cá biệt, khi ấy sáng tạo chỉ là một hành vi biệt lập với xã hội và chỉ có thể được thực hiện bởi một số ít nhân vật xuất sắc – phần lớn là những người quá cố dưới những cái tên như Mozart, Eistein hay Picasso. Còn lại, tất cả chúng ta đều đứng xung quanh và giương mắt ngắm nhìn những thành quả của họ một cách đầy ngưỡng mộ.”


Thay vào đó, anh đã mượn khái niệm “cộng đồng tài năng” (scenius = scene + genius, thay vì là thiên tài cá biệt) từ Brian Eno, để thay thế cho cách chúng ta đang định hình hoạt động sáng tạo một cách thiếu lành mạnh như hiện tại:


"Dưới hình mẫu này, các ý tưởng vĩ đại thường được sản sinh nhờ một nhóm các cá nhân sáng tạo – các nghệ sĩ, các giám tuyển, những nhà tư tưởng, nhà lý luận và những người dẫn đầu trào lưu và phong cách mới – những người làm nên một 'hệ sinh thái tài năng'.


[…]


Trở thành một phần quan trọng của scenius không nhất thiết yêu cầu bạn phải thông minh và tài năng bao nhiêu, mà là về việc bạn có khả năng đóng góp những gì – những ý tưởng bạn chia sẻ ra, về chất lượng của những mối quan hệ bạn có, và những cuộc hội thoại mà bạn có khả năng khơi mào. Nếu như chúng ta quên đi khái niệm “thiên tài từ trong gene” (genius) và nghĩ nhiều hơn về việc chúng ta có thể bồi dưỡng và đóng góp gì cho một scenius, chúng ta có thể điều chỉnh chính kì vọng của mình và kì vọng của thế giới mà ở đó chúng ta muốn được chấp nhận. Chúng ta không còn phải hỏi về việc người ta có thể làm gì cho ta, mà sẽ bắt đầu tự vấn về việc ta có thể làm gì cho người khác."

 

Thực chất đây chính là một trong những đột phá vĩ đại nhất trong lịch sử của những cải cách, từ hoạt động “thụ phấn chéo” (cross-pollination) trong những năm đầu thế kỷ 20 ở Vienna đã giúp định hình “kỉ nguyên thấu hiểu” (the age of insight) như thế nào, cho tới lịch sử văn hóa phổ quát hơn về việc các ý tưởng tốt đã lan tỏa như thế nào. Nhưng không chỉ là một cách để ta giải thích về lịch sử, “scenius” còn là một trong những mô hình hợp lý nhất để ta giải thích được thế giới hiện đại – như Kleon đã quan sát rất tinh tế, bản thân Internet cũng chỉ là “một tập hợp những sceniuses được kết nối với nhau, thoát li khỏi khoảng cách vật lý”. Tìm được cho mình một “scenius” để thuộc về là một yêu cầu quan trọng để đảm bảo rằng tác phẩm của bạn có thể có chỗ đứng trong nền văn hóa này.

 

“Làm thế nào để trở nên xuất chúng – Bước đầu tiên là ngừng cố gắng trở nên xuất chúng”


Một trong những điều mà Kleon đã chỉ ra bằng chính trải nghiệm của mình là hãy luôn giữ tâm thế của một kẻ nghiệp dư – không phải theo nghĩa khinh bỉ, mà là với tinh thần cải cách đã từng thúc đẩy Hiệp hội Báo chí nghiệp dư của H.P.Lovecraft, hình thái đầu tiên của blogging. Là một người nghiệp dư, ta có thể tận dụng cái mà Zen gọi là “tinh thần của người mới bắt đầu” (beginner’s mind) – một trạng thái cởi mở với các khả năng, mà trong trường hợp chúng ta trở thành chuyên nghiệp thì sẽ không còn được như vậy. Sau tất cả, Frank Lloyd Wright đã hoàn toàn đúng khi khẳng định rằng: “Kẻ chuyên gia là người đã dừng tư duy vì cho rằng ‘ông ta biết rồi’.” Tuy vậy, điều hay ho của một người nghiệp dư – hay là “kẻ ngoài lề đầy hiếu kỳ”, một khái niệm mà tôi vẫn tự dùng cho bản thân – không chỉ là sự cởi mở với những điều chưa chắc chắn, mà còn là sự phấn khích vô biên ở một điểm trọng tâm sắc bén.

 

Kleon viết:


“Những người nghiệp dư chỉ [là] những người bình thường, bị ám ảnh bởi một thứ gì đó và dành cả tấn thời gian để nung nấu về việc đó… Sự nhiệt tình thuần khiết rất dễ lây lan.”


Thế giới đang thay đổi ở một tốc độ chóng mặt tới mức nó đang biến tất cả chúng ta thành những kẻ nghiệp dư. Kể cả đối với các chuyên gia thì cách tốt nhất để phát triển vẫn là phải giữ một tinh thần nghiệp dư và kiên tâm khai phá những gì chưa biết và chưa chắc chắn.


Ở nơi giao nhau giữa scenius và dân nghiệp dư, sức mạnh sáng tạo sẽ nảy mầm.


“Cách tốt nhất để bắt đầu khi bạn muốn chia sẻ công trình của mình là nghĩ về việc bạn muốn học gì, và sẵn sàng cam kết sẽ học điều đó trước sự hiện diện của những người khác. Hãy tìm ra một scenius, chú ý tới những gì người khác đang chia sẻ, và sau đó bắt đầu ghi lại những gì người ta đang không chia sẻ. Hãy luôn để ý đến những khoảng trống mà bạn có thể tự mình lấp đầy, bất chấp việc ban đầu nó trông thiếu tiềm năng đến mức nào… Hãy chia sẻ những gì bạn yêu, và những người có chung tình yêu với bạn sẽ tìm đến bạn.“

 

Quan điểm về việc làm và chia sẻ điều mình yêu cũng đã đi vào trọng tâm của một trong những trăn trở quen thuộc của khủng hoảng tuổi 20: đi tìm tiếng nói của bạn. Kleon đã đưa ra một câu trả lời vô cùng đơn giản đến mức bạn có thể cảm thấy khó thỏa đáng nổi:


"Cách duy nhất mà bạn có thể tìm thấy tiếng nói của mình là sử dụng nó. Nó đã được cài cứng, được thiết lập sẵn trong bạn. Hãy nói về những điều bạn yêu. Tiếng nói của bạn sẽ vang lên theo đó."


Một trong những chiến thuật lấy sáng tạo làm trọng tâm có phần kì quặc của Kleon là để cho cái chết tạo quan điểm cho sự sống – mỗi buổi sáng, Kleon sẽ bắt đầu ngày mới bằng cách đọc những bài cáo phó trên báo. Đó trông có vẻ là một thói quen lạ lùng, nhưng thực ra đó là một công cụ đặc biệt để có thể giúp ta xác định rõ ưu tiên của một cá nhân là gì. Bằng cách trích lại một quan sát đáng ghi nhận của Maira Kalman rằng “mỗi bài cáo phó sẽ đều nói lên con người đó đã sống cuộc đời cao quý và anh dũng như thế nào”, Kleon viết:


“Bài cáo phó giống như những trải nghiệm cận kề cái chết dành cho những kẻ hèn nhát. Đọc nó là một cách giúp tôi có thể nghĩ về cái chết, trong khi vẫn tránh nó thật xa. Cáo phó không thực sự nói về cái chết; chúng nói về cuộc sống… Đọc về những người đã mất và những gì họ đã làm trong đời họ khiến tôi muốn vùng dậy và làm điều gì đó khiến cho cuộc đời tôi đáng quý. Mỗi buổi sáng, nghĩ về cái chết tạo cho tôi động lực để sống."

 


Công việc là tất cả những gì diễn ra trong ngày. Nó là một quá trình, không phải là một vật thể.


Trong một phần khác, Kleon khuyên chúng ta nên giao thiệp hàng ngày với cộng đồng, một hành động trái ngược với những giai thoại tai hại trước giờ về việc thành công sau một đêm – một điều mà tôi vô cùng đồng cảm – và có thể đưa cái quy trình bạn trở thành một người nào đó, một nghệ sĩ nào đó, từ chỗ vô hình thành cái người khác có thể nhìn thấy được. Kleon viết:


"Thành công sau một đêm chỉ là một câu chuyện cổ tích. Hãy đào sâu vào mỗi câu chuyện thành công sau một đêm và bạn sẽ thấy đằng sau đó là giá trị của cả thập kỉ làm việc kiên trì và bền bỉ. Dựng nên một công trình đồ sộ có thể tốn một thời gian dài – thậm chí là cả một cuộc đời – nhưng may mắn thay, bạn không cần dồn hết chừng ấy thời gian vào một lúc. Hãy quên hết chuyện thập kỉ, quên chuyện năm tháng đi. Hãy tập trung vào từng ngày.

 

[...]


Sự giao thiệp hàng ngày còn tốt hơn là một cái bản sơ yếu lí lịch hay một hồ sơ năng lực, vì nó chỉ ra điều mà bạn đang làm ở ngay thời điểm hiện tại… Mỗi ngày hé lộ một chút cũng giống như việc bạn thu thập tất cả các phần hậu trường của DVD trước khi bộ phim thực sự ra lò – bạn được xem tất cả những cảnh bị xóa, được nghe bình luận của đạo diễn, trong khi bộ phim vẫn đang trong quá trình quay."


Một trong những cách để biết nên chia sẻ gì là hiểu được khái niệm “trữ lượng và lưu lượng” – một thuật ngữ kinh tế được nhà văn Robin Sloan sử dụng một cách ẩn dụ để nói về truyền thông. “Trữ lượng” hàm ý tới những thứ không mất giá trị sau thời gian – những thứ vẫn giữ nguyên được ý nghĩa và sự thú vị dù là hôm nay hay là sau một năm hay thậm chí là cả thập kỉ sau. “Lưu lượng” lại là khái niệm đối ngược, thể hiện những thứ có thể “nhắc nhớ mọi người rằng bạn vẫn đang tồn tại” – những dòng tweet, ảnh Instagram, vân vân. Điều cốt yếu là làm sao giữ lưu lượng mà không khiến nó trừ hao phần trữ lượng, nhờ thế mà bạn vẫn có thể tiếp tục đào sâu hơn ở đẳng sau. Nhưng hai thứ này không hoàn toàn mâu thuẫn với nhau – nếu nhận diện được một vài hình mẫu thì một phần lưu lượng có thể được tích trữ vào trữ lượng.


Kleon viết:


"Cách các trang mạng xã hội vận hành có rất nhiều điểm tương đồng với một quyển sổ công cộng – chúng là nơi mọi người biểu đạt suy nghĩ, cho phép người khác phản hồi lại những suy nghĩ đó, và lý tưởng là sẽ nghĩ thêm được gì đó. Nhưng để quyển sổ phát huy tác dụng, bạn phải vào lại chúng. Bạn phải lật giở lại những ý tưởng cũ để xem bạn đã và đang nghĩ gì. Một khi bạn đã coi hoạt động chia sẻ trở thành một công việc hàng ngày, bạn sẽ nhận ra những chủ đề và xu hướng nổi bật trong những gì bạn chia sẻ. Bạn sẽ tìm thấy những mẫu số chung giữa các lưu lượng.


Khi đã phát hiện được các mẫu này, bạn có thể bắt đầu thu thập từng chút từng chút, biến chúng thành thứ gì đó to tát hơn, quan trọng hơn. Bạn có thể biến lưu lượng thành trữ lượng. Ví dụ, phần lớn những ý tưởng trong cuốn sách này ban đầu chỉ là những dòng tweets, rồi trở thành bài blog, rồi trở thành tường chương sách. Những điều nhỏ nhặt qua thời gian có thể trở nên lớn lao."

 

 


Trên thực tế, ý tưởng về việc thu thập những mảnh thông tin nhỏ thành ý tưởng lớn có liên hệ rất mật thiết tới một trong những điểm quan trọng mà Kleon đề xuất, có liên quan tới cuốn sách đầu tiên: Tâm trí của chúng ta liên tục và đều đặn thu nhặt từ những thứ ta tiếp xúc, những thứ ta yêu thích, những thứ ta chịu ảnh hưởng, từ đó chúng ta kết hợp chúng thành ý tưởng riêng của chúng ta về thế giới. Nhưng hai quá trình đó – thu nhặt và sáng tạo – quyện vào nhau. Sau tất cả, như Amanda Palmer đã từng nhắc nhở chúng ta, “chúng ta chỉ có thể kết nối những dấu chấm mà ta thu nhặt được”. Kleon đã viết:


"Tất cả chúng ta đều đang mang theo những điều dù kì cục hay tuyệt vời mà chúng ta bắt gặp trong quá trình sống và làm việc. Những ghi chép trong tâm trí đó đã định hình nên gu của ta, và gu của ta ảnh hưởng đến sản phẩm của ta.


Giữa việc sưu tầm và việc sáng tạo không hề có khác biệt lớn như bạn tưởng. Rất nhiều tác giả mà tôi biết nhìn nhận hoạt động đọc và viết nằm ở hai cực đối lập của chung một hàm phổ: Việc đọc sẽ tạo tài nguyên cho việc viết, mà việc viết lại nuôi dưỡng việc đọc. Jonathan Lethem, một tác giả và cũng nguyên là một người bán sách nói: “Về cơ bản tôi là một giám tuyển. Việc viết sách luôn liên hệ chặt chẽ với việc bán sách của tôi, ở chỗ tôi đều muốn thu hút sự chú ý của mọi người tới những thứ tôi thích, ở việc định hình những thứ tôi thích thành thành những hình khối mới.


Tất cả những gì gây ảnh hưởng lên bạn đều rất đáng được chia sẻ vì chúng hé lộ cho mọi người biết bạn là ai và bạn làm gì – đôi khi chúng còn nói lên nhiều điều hơn là chính tác phẩm của bạn."

 

Một trong những điểm Kleon hết sức nhấn mạnh, sở dĩ bởi nó ít được nhìn nhận đúng và ít được áp dụng trong đời sống online, liên quan đến việc phải chính trực trong quá trình thu nhặt và sáng tạo, bằng việc ghi danh người tạo ra tác phẩm mà ta chia sẻ. Kleon đã đề cập đến vấn nạn này một cách vô cùng tinh tế:

 

“Nếu như bạn chia sẻ tác phẩm của người khác, bạn phải có nhiệm vụ đảm bảo rằng người làm nên những người đấy được ghi nhận xứng đáng. Đề tên tác giả trong thời đại người người copy-paste, tweet lại, đăng lại, có vẻ là một nỗ lực phù phiếm, nhưng là một điều đáng làm và nên làm. Khi chia sẻ tác phẩm của người khác, hãy luôn luôn đối xử với chúng như thể chúng là chính tác phẩm của bạn, phải trân trọng và nâng niu chúng. Khi tìm lý do cho việc ghi danh tác giả, phần lớn chúng ta chỉ tập trung vào hoàn cảnh khó khăn của người làm ra chúng. Nhưng đó mới chỉ là một nửa câu chuyện – nếu như bạn không vinh danh tác giả của tác phẩm một cách thỏa đáng, bạn không chỉ đánh cắp sản phẩm của họ, mà còn đánh cắp của tất cả những người xem thứ mà bạn chia sẻ. Nếu không có nguồn trích dẫn, họ sẽ không có cách nào để đào sâu vào sản phẩm đó hay tìm thêm những tác phẩm khác”.


Trên mạng, các ghi nhận sự đóng góp thông dụng nhất là đặt đường dẫn về website của người làm ra sản phẩm. Việc làm này giúp người đọc truy ngược được về nguồn gốc của thông tin. Nội quy số 1 của Internet là: Con người rất lười biếng. Nếu bạn không đưa link, chẳng ai chịu tìm kiếm. Việc ghi nhận sự đóng góp mà không đưa link thì chỉ là một hành động vô nghĩa: 99.9% người đọc sẽ chẳng buồn vào Google để tìm kiếm một cái tên nếu thiếu đường dẫn.

 


Việc ghi nhận bao gồm: nó là gì, ai làm ra nó, khi nào, vì sao chúng ta nên quan tâm đến nó, bạn đã tìm thấy nó như thế nào, và ta có thể tìm thấy những thứ tương tự ở đâu

 

Một trích dẫn đáng đồng tiền bát gạo nhưng còn đang bị bỏ quên mà tôi vô cùng tâm đắc, đến mức tôi ước rằng mình có thể dán nó lên tất cả các màn hình máy tính trên thế giới để chúng ta có một môi trường truyền thông thanh sạch:


“Sẽ thế nào nếu bạn muốn chia sẻ gì đó, nhưng không biết nó đến từ đâu và do ai làm ra? Câu trả lời là: Đừng chia sẻ thứ mà bạn không thể ghi nhận người làm ra một cách thỏa đáng. Hãy ghi nhận đầy đủ, bằng không thì đừng chia sẻ.”

 


“Biết cách nói chuyện với mọi người, quan sát, lắng nghe, học cách làm việc với những người khác, ghi nhận đóng góp của mọi người và biết tránh đường”


Những phần tiếp theo của “Nghệ thuật PR bản thân” chia sẻ về cách chúng ta có thể áp dụng biểu đồ câu chuyện của Kurt Vonnegut vào việc chia sẻ tác phẩm nghệ thuật của mình như thế nào; hay vì sao việc cho đi “thoải mái và hào phóng”, theo từ của Annie Dillard, lại có thể giúp chúng ta nhận lại nhiều hơn; hay làm sao ta có thể tìm được người giúp ta tìm ra chính mình; hay tại sao thẳng thắn xin trợ giúp lại là cách duy nhất để chúng ta có thể được giúp đỡ; và còn nhiều hơn thế nữa.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Brainpickings