Vào thời điểm ấy, mẹ của chúng con đã trải qua bảy năm chống chọi với căn bệnh sa sút trí tuệ tại các trung tâm hỗ trợ. Cái đầu tiên, mà có lẽ mẹ còn nhớ, ở ngay gần nhà anh cả vùng Texas nắng gió. Rồi mẹ chuyển tới cái thứ hai, gần hai con gái lớn của mẹ ở North Carolina. Và như một lẽ hiển nhiên, đã đến lượt chúng con sau đó.
Con biết mẹ chẳng yêu thương gì những cơ sở chăm sóc ấy. Nhưng con cũng biết, mẹ còn chẳng thích ở đây hơn. Đôi khi, mọi thứ chỉ đơn giản là mẹ không thích con.
Một trong những điều hiếm hoi mà mẹ hài lòng ở Prescott xa xôi này, là việc được đoàn tụ với chiếc xe hơi yêu dấu. Chiếc xe Honda Accord 1992 mà mẹ đã bán cho con nhiều năm về trước, không lâu sau khi bố con qua đời. Con không biết nữa, có lẽ chiếc xe ấy giúp cho mẹ nhớ về quá khứ ở Austin, nhớ về những ký ức còn chưa bị ám màu xám xịt với nhà thờ, bạn bè và Kinh thánh. Ở xứ Prescott này, mẹ chẳng có gì ngoài chiếc xe ấy. Không nhà thờ, không hội họp, và lần hiếm hoi mẹ được ra ngoài là khi con đưa mẹ đi làm tóc hay mua mấy thứ đồ vặt vãnh. Con hiếm khi thấy mẹ cười, nhưng khi mẹ con mình ngồi trên chiếc Honda ấy, con biết ánh mắt mẹ ngời sáng và ánh lên vẻ tự hào, khi từng được làm chủ nhân của nó. Nó là bằng chứng hào hùng về một thời “oanh liệt” - thời mẹ còn được làm chủ cuộc sống của mình.
Con nhớ lần nào bước lên xe, cũng là lần mẹ con mình tuân theo một chu trình nhất định. Mẹ sẽ luôn hét lên: “Au!” khi con giúp mẹ cúi người để chui vào ghế. Mẹ sẽ ngồi nghiêng trước, đôi chân chĩa ra ngoài cửa xe, rồi từ từ xoay lại để mặt đối mặt với cần gạt nước, rồi mới chầm chậm thu hai chân vào. Mẹ sẽ nhờ con thắt đai an toàn cho mẹ, rồi khi con giúp, mẹ sẽ quạu con rằng làm cẩn thận thôi, đừng có mạnh tay như thế.
Khi mẹ đã yên vị trong chiếc xe hơi quen thuộc, nhân viên từ trung tâm chăm sóc sẽ đặt vào tay con một chai nước dinh dưỡng hiệu Boost, rồi con sẽ chuyền nó cho mẹ. Mẹ sẽ dễ dàng mở được nút chai, nhưng rồi lại bó tay với chiếc màng bọc thiếc, và đưa lại nó cho con. Bất kể mẹ con mình đi đâu, dù là đi làm tóc hay đến gặp bác sỹ tâm lý, mẹ con mình sẽ lại làm như thế. Và con biết, Boost luôn làm mẹ con vui.
“Mẹ có chắc không? Con tưởng mẹ thích Dillard mà.”
Mẹ nói mình chắc chắn. Mẹ còn ủy thác cho con đi tìm lọ tẩy trang của Clinique mẹ cần. Con hé cửa sổ, và nhắn mẹ rằng con sẽ đi nhanh thôi.
Con sẽ nói thật, con chẳng thích để mẹ ở trong xe chút nào. Mẹ có thể sẽ quên hết, rằng con đang đi đâu hay vì sao mẹ lại ngồi đây một mình. Nhưng con xin thú nhận, rằng đi mua sắm mà không có mẹ sẽ dễ dàng hơn nhiều lắm. Chẳng cần phải lấy chiếc khung hỗ trợ cho mẹ ra khỏi cốp xe, không mất thời gian phải đỡ mẹ ra ngoài. Chẳng cần phải đợi mẹ lục tìm chiếc kính mát, hay kiên nhẫn đứng chờ mẹ đi từng bước một. Nhịp chân con, nhanh hơn khi không có mẹ.
Trở lại chỉ sau vài phút, con thở phào nhẹ nhóm khi thấy mẹ vẫn ngồi trong hàng ghế sau, ở đúng nơi mà con đã đặt. Mẹ đang chúi mình về trước, lục tìm gì đó trong ngăn để găng tay.
“Con về rồi”.
“Nhanh quá nhỉ” - Mẹ nói.
Con đưa mẹ chai nước tẩy trang, nhưng mẹ có vẻ chẳng bận tâm đến nó. Mẹ vẫn đang tập trung vào chiếc ngăn nhỏ trước mặt.
“Có gì hay ở đó không mẹ?” - Con cất tiếng.
Mẹ khẽ ngả người lại, cho con xem những đồ vật nhỏ đang nằm lăn lóc trên đùi mẹ: một đồng hồ đo áp suất lốp, một đồ mở rượu vang, một chiếc tô vít nhỏ, và bộ dụng cụ y tế. “Mẹ từng giữ tiền ở đây” - Mẹ đáp lời.
Mẹ ơi, con nhớ chứ. Con vẫn nhớ hình ảnh mẹ đánh xe qua trạm giao dịch ngân hàng và đặt chiếc phong bì tiền vào khoang đồ ấy. Con vẫn nhớ mẹ thích để tiền ở nhiều nơi, gọi là đề phòng cho những khi cấp bách. Nhưng mẹ của con đôi khi quên tiệt đi chỗ cất, rồi lại lụi cụi đi ra rút thêm tiền. Trong căn phòng hồi mẹ còn ở Austin, con từng tìm thấy mấy chiếc phong bì nhét đầy những hóa đơn 20 USD, được cất kỹ trong chiếc ví sơ cua của mẹ, và cả ở hộc đựng rau trong tủ lạnh.
Từ ngăn đựng găng tay, mẹ lôi ra một chiếc bóp màu xanh bằng nhựa, với bảo hiểm và giấy tờ xe bên trong. Mẹ thốt lên, cái này tiện thật nhỉ.
Con không thể không đồng ý.
Con đã nhớ mình ngồi thừ trong xe, ánh mắt trân trân vô định, miệng lẩm bẩm: “Thật sao? Giờ cả chiếc xe cũng vậy luôn à?”. Chiếc xe hơi cũ nát với con lúc ấy còn hơn cả một phương tiện đi lại. Nó và mẹ trở nên thật gần, thật giống nhau, đến nỗi con gần như tuyệt vọng, vì sự bất hạnh đang bủa vây quanh mình.
Rồi con đoán là do mình đã quên tra dầu. Nhìn chung, con chẳng phải là một chủ nhân tận tụy, nhưng con thực sự yêu thương chiếc xe ấy. Nó là thứ tài sản đặc biệt chỉ thuộc về hai người duy nhất: mẹ và con. Con nhìn xuống chiếc ví xanh dưới cánh tay mình, một bản sao của tờ thỏa thuận được viết tay, ghi chú chi tiết từng khoản thanh toán của con cho mẹ đang nằm yên ngay ngắn.
“Đã thanh toán đầy đủ” - Dòng chữ ấy đã có tuổi thọ cả chục năm trời, nhưng con ước gì bản hợp đồng ấy kéo dài mãi mãi. Nào mẹ có hay, thời gian của mẹ ở Prescott ngắn hơn nhiều so với chúng con dự tính. Số tiền tiết kiệm của tụi con, đủ để chăm sóc cho mẹ tử tế ít nhất là 12 năm ròng. Nhưng mẹ chỉ ở bên chúng con được 11 tháng.
Con bấm nút gọi cho Hiệp hội xe hơi, rồi gọi anh Ted. Anh tới thật nhanh và còn mang cho con một chiếc áo khoác đề phòng trời trở gió. Chiếc xe được người ta cẩu tới chỗ Kent, một người quen của chúng con làm nghề sửa chữa.
Hóa ra nguyên nhân là bởi một dây curoa bị đứt, khi xe vẫn đang chuyển động. Nhìn chiếc xe, anh Kent nói với con, thở dài: “Chẳng đáng để đầu tư thêm tiền vào một chiếc xe cũ như thế này đâu”. Anh đưa cho tụi con mảnh giấy, ghi thông tin của một người thu mua linh kiện và cho rằng tụi con có thể thu lại được 400 USD nhờ việc dỡ xe ra bán. Con nói liệu rằng mình có thể để lại chiếc xe thêm hai tuần nữa, vì con sắp phải đi thăm cháu gái ở California. Kent đồng ý và nói anh sẽ để nó nằm ngoài phố.
Hai tuần sau đó, con vẫn không chấp nhận nổi việc mình phải từ bỏ chiếc xe. Mẹ biết không, ngày nào con cũng đánh xe đi qua nó, nhưng con chẳng dám nhìn. Con không đành lòng nhìn chiếc xe yêu của mẹ nằm đó lẻ loi. Con chỉ biết nhìn về phía trước.
Cuối cùng, anh Ted quyết định sẽ nhờ người kéo chiếc xe về nhà, cho đến khi tụi con đưa ra quyết định tiếp theo. Trời, con ngốc quá phải không mẹ? Sao con không nghĩ ra từ đầu nhỉ? Cái ngày chiếc Honda trở về, yên vị trong nhà để xe, con cảm tưởng như mình được đoàn tụ. Với con, chiếc xe ấy đã trở thành hiện thân của mẹ, một phiên bản đặc biệt “không cần nhiều chăm sóc”.
Và con ngồi đó, trên chiếc ghế ngồi mà mẹ vẫn hằng quen thuộc, ăn vận thoải mái với bộ đồ mặc nhà, với áo khoác phao, mũ, găng tay và bốt. Con ngả người và phủ lên đùi mình một chiếc chăn bằng vải dạ.
Với con, chiếc xe ấy như một hộp thời gian diệu kỳ, đưa con trở về cái ngày cuối cùng con cầm lái nó. Mọi thứ vẫn ở đó: tờ hóa đơn từ phòng khám thú y, mảnh giấy nhớ ghi địa chỉ nhà cô bạn, một cục bã kẹo cao su trong giấy gói. Con kéo chiếc phanh tay, chiếc xe thở dài rồi im bặt. Rồi con cúi người xuống, tính tìm cần gạt để ngả ghế ra. Và tay con chạm vào một vật tròn bằng nhựa. Đó là một chiếc nắp chai hiệu Boost.
Thật kỳ lạ, khi chỉ những điều nhỏ bé đến thế cũng khiến con trở nên xúc động. Và con òa khóc.
Mẹ ơi, con sẽ làm tất cả để được quay trở lại. Con sẽ giúp mẹ lên xe, nghe mẹ càm ràm, cài dây an toàn cho mẹ, lột bỏ miếng bọc thiếc và mỉm cười nhìn mẹ khoan khoái chiêu ngụm nước đầu tiên. Mẹ ơi, con sẽ đưa mẹ đi khắp thế gian, nếu con còn có thể.
Con mở ngăn đựng găng tay và lục lọi từng món đồ trong đó. Chiếc ví xanh bằng nhựa, cái tô vít bé xinh, đồ mở nút chai, những chiếc dĩa và thìa dùng tạm. Và con ngồi đó, chính nơi mà mẹ đã ngồi. Con như đang thu bé lại trong vòng tay mẹ và được mẹ ấp iu. Con nhìn ra bầu trời tuyết trắng xám ngoài kia, và đôi mắt con nhắm lại.
Con chẳng biết mình đã ở trong đó bao lâu nữa. Một giờ? Nhiều giờ? Con thấy mình như đang nằm trong tổ kén. Con đang cuộn tròn trong bụng mẹ, như thể con chưa ra đời.
Rồi con nghe tiếng Ted gõ nhẹ lên cửa kính xe, và con thức dậy. Anh mỉm cười dịu dàng và nói: “Vào đi em. Chắc em lạnh cóng rồi”.
Mẹ ơi, con yêu mẹ.
Theo The New York Times
Vân Anh (phóng tác)
Ảnh bìa: Charlotte Ager