"Tôi phải thi đỗ bằng mọi giá!": Học thi - Không bao giờ là quá muộn
“Tôi phải thi đỗ bằng mọi giá! – Chiến lược học thi trong giai đoạn nước rút” là cuốn sách chia sẻ của Yunkyu Lee, một luật sư nổi tiếng của Hàn Quốc, về quá trình “chạy nước rút” đầy ngoạn mục của mình để chinh phục kỳ thi khó bậc nhất ở Hàn Quốc – kỳ thi Tư pháp

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chính thức sẽ diễn ra từ ngày 6 - 9.7.2021. Trong đó, có 2 ngày thi chính thức là ngày 7 và 8.7.2021. Vậy là chỉ còn chưa tới 2 tuần nữa, các bạn học sinh lớp 12 sẽ bước vào một trong những kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời, là bước ngoặt quan trọng trên con đường tương lai của các sĩ tử.

Năm nay, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội) do thí sinh tự chọn. 

Thời điểm hiện tại, không chỉ các bạn học sinh đã tập trung ôn luyện từ sớm trở nên sốt sắng hơn, mà các bạn học sinh mải chơi, chưa dành nhiều thời gian học tập lại càng rơi vào tình trạng lo lắng, bất an. Thời gian còn quá ít mà thời lượng bài tập cần học còn quá nhiều, vậy phải làm sao đây?

Cùng tham khảo một số phương pháp học ôn thi hiệu quả dưới đây để bứt phá trong những giây phút cuối cùng trước ngày thi và đạt điểm số như mong muốn:

1. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY NẾU THỰC SỰ MUỐN THI ĐỖ

- Tắt tất cả các thiết bị điện tử một khi đã ngồi vào bàn: Một giờ học tập trung sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với một ngày vừa đọc sách vừa bấm điện thoại, không tập trung, xao nhãng.

- Đừng tải nhiều tài liệu: Việc tìm kiếm trên các diễn đàn để tải thật nhiều tài liệu để tạo cảm giác đầy đủ khiến ta rơi vào cái bẫy ảo giác an toàn. Hãy nhớ: Cách duy nhất để thi đỗ là ngồi vào bàn học.

- Tránh xa những người bạn lười biếng: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"

- Ngưng học tủ: Nếu đoán trúng, việc ôn tủ có thể tiết kiệm được một chút thời gian. Nhưng bên cạnh đó, bạn sẽ luôn trong trạng thái thấp thỏm và mất tự tin vì sợ lệch tủ.

- Ngủ ít nhất 6 tiếng/ngày: Tập ngủ trước 12h; Giấc ngủ rất quan trọng, nếu dành quá nhiều thời gian học, bỏ ăn bỏ ngủ thì không chỉ khiến việc học kém hiệu quả hơn mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, đến ngày thi sẽ khó có thể trụ được.

- 30 phút sau khi vừa thức dậy chính là thời điểm vàng để ôn lại những gì đã học đêm qua. Đừng phí nửa tiếng quý giá này vào việc lướt mạng hay nằm ườn ngủ tiếp.

- Hãy học trên bàn, không phải trên giường.

2. PHƯƠNG PHÁP ÔN TẬP HIỆU QUẢ VÀ TIẾT KIỆM THỜI GIAN

  •  Toán

- Thuộc thật kỹ các công thức cơ bản.

- Mỗi ngày chỉ nên làm 1 đề. Sau khi làm xong, dành thời gian nghiên cứu kĩ tất cả các lỗi sai.

- Nếu chưa nắm chắc điểm 7, 8 trong tay, đừng phí thời gian ôn bài điểm 9, 10.

- Xem qua một số tips bấm máy cho những dạng bài chống Casio, nhưng không được phụ thuộc hoàn toàn vào máy tính.

  •  Văn

- Sử dụng mọi "thủ đoạn" để gây thiện cảm với người chấm: xuống dòng phóng khoáng, tách ý nhỏ thành từng đoạn để khi đọc không bị sót, trình bày sạch và viết chữ dễ nhìn.

- Đừng học thuộc tất cả, điều đó gần như là không thể.

- Học bằng sơ đồ tư duy: Vẽ đi vẽ lại nhiều lần để thuộc.

- Đọc bài mẫu của thầy cô vài lần để nắm được cách hành văn.

- Nghị luận xã hội nên có ví dụ mang tính thời sự và liên hệ bản thân.

- Nghị luận văn học phải trả lời đúng yêu cầu đề bài. Bài hỏi so sánh mà chỉ bê nguyên phần phân tích thì viết sang tờ thứ 5 cũng không quá 7 điểm.

  • Anh

- Học từ mới vào buổi sáng, làm bài tập và luyện đề vào buổi tối.

- Chắc chắn rằng mình thuộc nghĩa và nắm vững trọng âm của tất cả từ vựng ở phần cuối sách giáo khoa trước khi lên mạng tìm thêm từ cùng chủ đề.

- Hiểu thật rõ các cấu trúc ngữ pháp, thì động từ, câu mệnh đề, câu gián tiếp... Chỗ nào còn chưa chắc chắn phải note lại tìm giải đáp ngay, thông thương bài thi sẽ có kha khá các câu hỏi khiến phải mơ hồ như vậy.

- Khi làm bài đọc hiểu, hãy lướt qua phần câu hỏi trước để hình dung ra bài đang nói về chủ đề gì.

- Đặc biệt cẩn thận với cài bài chọn phương án KHÔNG ĐÚNG.

  • Tổ hợp tự chọn

Chủ quan là tự sát: Kể cả với môn có-vẻ-kiểu-gì-cũng-qua, hãy cố gắng dành 15 phút/ngày trong 1 tuần cuối để đọc. Đủ điểm đỗ mà không đủ điều kiện tốt nghiệp, điều này hoàn toàn có thể xảy ra

VỀ ĐÍCH

- Lên giường từ 10h vào đêm trước ngày thi: Lưu ý rằng bạn sẽ mất khoảng 1-3 tiếng trằn trọc không ngủ đượclà chuyện bình thường

- Đến điểm thi sớm một chút: Trong ngày thi đã có đủ loại áp lực rồi, đừng tự gây khó dễ cho mình bằng cách có mặt khi mọi người đã bắt đầu làm bài.

- Đọc THẬT KỸ ĐỀ BÀI.

- Ngay sau khi phát đề, bạn sẽ cảm thấy trong đầu trống rỗng, tự nhiên chữ bay đi đâu hết. Hãy hít thở sâu, đặt bút xuống viết, càng viết kiến thức càng trở lại.

- Nếu còn vài câu phải khoanh bừa, hãy khoanh cùng một đáp án, xác suất đúng sẽ cao hơn so với khoanh bừa thật sự.

- Mang theo đồng hồ để chủ động về thời gian.

- Trước khi nộp bài, dùng thước kẻ/bút dóng lại dòng đáp án một lần cho yên tâm.

- Không nên nộp bài sớm: Nếu có sai sót gì, sẽ hối tiếc gấp trăm lần.

- Tuyệt đối không ở lại check đáp án để làm ảnh hưởng đến tâm lý môn tiếp theo. Bài đã nộp rồi, đúng sai không còn quan trọng nữa.

- Đừng gian lận. Dù sớm hay muộn, cũng sẽ phải trả giá.

Học hành không bao giờ là muộn cả. Hãy bắt đầu ngay hôm nay, để sau này khi nhìn lại, các bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc vì chưa cố gắng hết sức.

Mười hai năm học là cả một chặng đường dài, đừng bỏ cuộc khi đã gần tới đích. Chỉ một chút nữa thôi, công sức của các bạn sẽ được đền đáp.

“Tôi phải thi đỗ bằng mọi giá! – Chiến lược học thi trong giai đoạn nước rút” là cuốn sách chia sẻ của Yunkyu Lee, một luật sư nổi tiếng của Hàn Quốc, về quá trình “chạy nước rút” đầy ngoạn mục của mình để chinh phục kỳ thi khó bậc nhất ở Hàn Quốc – kỳ thi Tư pháp.

Đây là cuốn sách dành cho những ai lựa chọn “phương pháp học thi” để thực hiện ước mơ. Để tới được vạch đích, luôn có vô vàn kì thi mà chúng ta cần vượt qua: từ thi đại học, thi công chức, cho tới rất nhiều kỳ thi đánh giá năng lực khác… Để vượt qua chúng, cái mà ta cần không phải học để nâng cao hiểu biết mà là học thi để đạt điểm số yêu cầu. Theo logic ấy, cuốn sách này coi việc “học tập”“học thi” mang hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Trong cuốn sách nhỏ này, tác giả đã chia sẻ những chiến thuật cực kỳ thông minh và hiệu quả đã giúp anh đạt được “kỳ tích”. Với "Tôi phải thi đỗ bằng mọi giá!", bạn sẽ học được cách xác định mục tiêu và trọng tâm kiến thức, chọn giáo trình và lên kế hoạch ôn tập, thực hiện kế hoạch và tự kiểm tra, phương pháp đọc, ghi nhớ hiệu quả và vận dụng kiến thức vào bài thi, cách quản lý tinh thần và duy trì phong độ trong suốt quá trình học thi, những chiến lược làm bài giúp “lật ngược tình thế” và nhiều phương pháp học hiệu quả khác. Cuốn sách sẽ là một người bạn đồng hành đáng tin cậy đối với mỗi thí sinh đang học thi để chạm đến vạch đích của mình.

Tags: