Tế Hanh và bí mật của dòng sông
Tế Hanh và bí mật của dòng sông
Quảng Ngãi 100 năm từ ngày Tế Hanh – tác giả Nhớ con sông quê hương – chào đời đến nay, dòng Trà Bồng vẫn xanh biếc như hồn thơ ông.

Ở Quảng Ngãi bây giờ, có thể nói, Trà Bồng là dòng sông còn đầy nước và trong xanh nhất. Với một vùng quê, còn dòng sông chưa bị ô nhiễm là còn tất cả.

Bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh là viết về Trà Bồng, đoạn sông chảy qua làng Đông Yên, xã Bình Dương, quê ông. Dòng sông cũng như thơ, còn xanh là còn sống.

Xuất hiện giai đoạn cuối của dòng lãng mạn 1930-1945, thơ Tế Hanh đặc sắc ở sự bình dị, hồn nhiên và ngẫu nhiên. Thơ rất cần sự ngẫu nhiên, không định trước, như thoát ra từ vô thức.

Thơ ông mộc mạc. Sự mộc mạc của vầng trăng sáng thấp thoáng qua những đám mây, rất khó nắm bắt. Nếu đọc tác phẩm của ông nhanh quá, người ta dễ có cảm tưởng đó là người làm thơ nghiêng về bản năng. Nhưng không. Tế Hanh là nhà thơ uẩn súc, đọc nhiều tác phẩm hiện đại phương Tây, nhất là thơ hiện đại Pháp. Vốn kiến thức về thơ của ông rất rộng, và mặc dù ít nói, mỗi khi bàn về thơ, Tế Hanh đều có những nhận xét xác đáng.

Đó cũng là cách vận hành của dòng sông chảy qua quê hương ông, trong lành, hồn hậu nhưng ẩn chứa. Thơ Tế Hanh hứa hẹn còn sống rất lâu trong lòng người Việt yêu thơ, cũng từ sự ẩn chứa ấy.

“Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

Hình ảnh con sông quê mát rượi

Lai láng chảy…”

“Bỗng nghe dâng” ấy là một cảm giác bất chợt. Nó găm vào cảm xúc và tâm trí người đọc. Nó khiến ta được thả lỏng mọi giác quan, và đón nhận thơ như đón nhận nước trên dòng sông xanh mát.

Mỗi nhà thơ lớn đều có cách thể hiện riêng thơ mình trước thế giới. Với Tế Hanh, đi tới tận cùng sự hồn nhiên và nhân hậu, ông đã gặp thế giới.

Ra đi từ dòng sông và trở về với dòng sông, thơ Tế Hanh là cuộc chuyện trò thầm thì không dứt với con sông thân yêu của đời mình. Thơ là những lời nhỏ nhẹ, không phải những tiếng nói to. Vì thế, thơ là dòng chảy trong hành trình văn hóa nghệ thuật của nhân loại. Nhớ thời chiến tranh, những bài thơ bây giờ còn lại đều là những tiếng nói nhỏ nhẹ giữa đạn bom. Tiếng nói ấy dành riêng cho tâm hồn con người.

Chiếc cầu tre qua sông Trà Bồng ở làng Đông Yên. Ảnh: Phạm Linh

Tôi còn nhớ, năm 1979, khi lần đầu tiên tôi được trao giải thơ hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ, Tế Hanh đã viết bài phê bình tập thơ này. Trong rất nhiều bài thơ viết về chiến tranh trong tập thơ ấy, Tế Hanh đã chọn bài thơ Tiếng ve, một bài thơ tôi “tô màu” cho tiếng ve, thật thanh bình, khi tiếng bom tạm ngừng trong rừng chiến khu. Tế Hanh rất khen phần nghệ thuật “tô màu cho âm thanh” của bài thơ ấy. Nhưng tôi biết, ông đồng cảm với tôi ở cảm giác thanh bình ngay trong chiến tranh. Thơ Tế Hanh cũng thật thanh bình, như con người ông. Nhưng sự sâu sắc “ngầm” ở nhà thơ này chỉ thỉnh thoảng mới được ông hé lộ.

Cách đây hơn mấy chục năm rồi, trong dịp về thăm Quy Nhơn, ông nói với tôi: “Mình thích thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ hiện đại Pháp”. Tôi hỏi ông thích ai trong số những nhà thơ Pháp hiện đại, Tế Hanh nói: “Mình thích Aragon, nhất là những sáng tác thời kỳ sau của ông mà ở ta chưa dịch. Thơ Aragon trôi chảy như một dòng sông lớn. Mình thích Eluard. Thơ ông trong veo nhưng rất khó nắm bắt. Mình thích thơ Rene Char, một nhà thơ Pháp tham gia kháng chiến chống phát xít nhưng làm thơ u ẩn như một thiền sư phương Đông. Mình thích thơ Saint-John-Perse, thơ ông này có kiến trúc nguy nga và ào ạt như sóng trào. Mình thích Andre Breton, nhưng chỉ thích phần lý luận thơ ca của ông này, chứ không thích thơ mấy. Mình thích…”. Tôi nghe như nuốt từng lời của ông.

Người làm thơ vẫn thường học nhau, lớp trước truyền cho lớp sau những thu nhận và suy ngẫm, những tri thức và sự từng trải. Tôi đã học được ở Tế Hanh, Xuân Diệu, Văn Cao… rất nhiều. Uyên bác như thế, nhưng Tế Hanh làm thơ rất thật thà và hồn nhiên. Ông vẫn là ông, cho tới cuối đời.

Nếu chỉ được phép nói hai từ về thơ Tế Hanh, tôi sẽ chọn hai từ ” ẩn chứa”. Ẩn chứa, đó cũng là bí mật của dòng sông.

Theo THANH THẢO - Văn học Sài Gòn

Tags: