Tâm lý học về tình trạng “book hangover” - “say sách”
Tâm lý học về tình trạng “book hangover” - “say sách”
“Book hangover” - “say sách” để chỉ cảm giác của một người khi đọc xong một cuốn sách - thường là sách hư cấu - và họ không thể ngừng nghĩ về thế giới trong cuốn sách, cho dù đã đọc xong. Câu chuyện đã kết thúc nhưng người đọc lại nhớ đến các nhân vật, không khí của cuốn tiểu thuyết. Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao đầu óc mình cứ bị kẹt lại trong cuốn sách rất lâu sau khi câu chuyện kết thúc chưa? Hóa ra, đã có nghiên cứu giải thích lý do vì sao bạn gặp phải tình trạng này. 

 

Tâm lý học về việc đọc

 

Tiến sĩ, Phó giáo sư Maja Djikic, đồng thời là Giám đốc Phòng thí nghiệm Phát triển Bản thân tại Trường Quản lý Rotman, Đại học Toronto, đã nghiên cứu tác động của việc đọc đối với tâm trí và sự đồng cảm và cô giải thích rằng đôi khi cảm giác say chỉ đơn giản là nỗi buồn: “Có thể nỗi buồn mà độc giả cảm thấy sau khi kết thúc cuốn sách là biểu hiện sự mất mát một điều gì đó có giá trị. Trong trường hợp này có thể là sự mất đi những nhân vật mà chúng ta cảm thấy gắn kết chặt chẽ, hoặc sự mất mát của thế giới trong cuốn sách.” Những lúc khác, cảm giác nôn nao dai dẳng ấy có thể có nghĩa là “các vấn đề trọng tâm mà cuốn sách nêu ra vẫn còn lưu lại trong tâm hồn mỗi người, và do đó, người đọc mong muốn có thêm thời gian để suy ngẫm và làm sáng tỏ những điều phức tạp đang còn đeo bám họ.”

 

“Chuyển đổi cảm xúc” trong khi đọc

 

Theo Djikic, hai khái niệm có thể tăng cường hiệu ứng say sách: chuyển đổi cảm xúc và sự đồng cảm. Đầu tiên, sự chuyển đổi cảm xúc quen thuộc với tất cả những độc giả may mắn biết được cảm giác lạc vào một cuốn sách là như thế nào. Hiện thực biến mất và chúng ta trải nghiệm câu chuyện qua con mắt của các nhân vật. Trong tâm lý học về việc đọc, trải nghiệm này được gọi là “chuyển đổi cảm xúc”. 

Các nhà nghiên cứu của Hà Lan đã thực hiện một nghiên cứu về hiện tượng này và đưa ra tóm tắt rằng: “‘Sự chuyển đổi’ được định nghĩa là 'một quá trình hội tụ, trong đó tất cả hệ thống và năng lực tinh thần đều tập trung vào các sự kiện xảy ra trong câu chuyện'. Mọi người quên mất thời gian và không quan sát được những sự kiện đang diễn ra xung quanh mình; sự mất nhận thức về bản thân có thể xảy ra. Thế giới trong sách khác xa với thế giới mà người đọc đang sống, và trong bối cảnh của câu chuyện, các sự kiện có thể được coi là có thật, ngay cả khi chúng không thể xảy ra trong thực tế.”

Điều này giải thích một phần cảm giác say sách: chúng ta nhớ thế giới hư cấu bởi vì, trong một thời gian, chúng ta coi nó là có thật. Bộ não cho phép chúng ta chuyển tới một thế giới khác. Nhưng thật không may rằng thế giới ấy sẽ kết thúc ở trang cuối.

 

Tại sao chúng ta cảm nhận tất cả những cảm giác

 

Các nhân vật mang lại cảm giác giống như những người bạn thân vì não của bạn xử lý cảm xúc dành cho họ theo cách tương tự như đối với các kết nối trong đời thực. Nghiên cứu cho thấy đọc tiểu thuyết kích hoạt sự đồng cảm, khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác. Sự chuyển đổi cảm xúc có thể làm tăng sự đồng cảm. 

Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu của Hà Lan được đề cập ở trên đã phát hiện ra rằng những độc giả có cảm giác đồng cảm khi đọc một câu chuyện hư cấu cũng có sự đồng cảm hơn trong cuộc sống hàng ngày trong tuần sau đó. Đọc nhiều tiểu thuyết cũng có thể ảnh hưởng đến sự đồng cảm

Trong một nghiên cứu khác, Djikic và các đồng tác giả của cô phát hiện ra rằng những người tham gia nghiên cứu thường xuyên đọc tiểu thuyết có điểm số cao hơn trong một số thước đo về sự đồng cảm.

 

Mặt tích cực của tình trạng “say sách”

 

Văn hóa đại chúng thường coi việc say sưa đọc sách là một điều gì đó không tốt, nó tạo cảm giác không thoải mái và có thể khiến người đọc không thể chọn cuốn sách tiếp theo. Tuy nhiên, nó dường như cũng nói lên những tác động cảm xúc mạnh mẽ của việc đọc. Liệu việc say sách có thực sự là tín hiệu cho sự phát triển cá nhân?

Vấn đề nào cũng có hai mặt. Djikic lưu ý rằng không phải mọi cơn say sách đều có cùng một nguyên nhân. Đôi khi, việc say sách chỉ là một trường hợp buồn chán thoáng qua. “Nếu cảm xúc ‘nôn nao’ nhạt dần sau vài ngày, rất có thể những gì trải qua chỉ là nỗi buồn và mất mát thoáng qua khi chia tay cuốn sách.” Kiểu say sách này thường phổ biến, người đọc có thể chuyển sang đọc cuốn sách tiếp theo. 

Tuy nhiên, cảm giác say sách kéo dài cũng có mặt tích cực. Bạn đấu tranh với nó càng lâu thì càng có nhiều khả năng cuốn sách sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận bản thân và thế giới. Djikic lưu ý: “Khi say sách phát triển thành cảm xúc khó chịu kéo dài - điều này thường xuất phát từ việc bạn vẫn đang cân nhắc và đấu tranh với một số vấn đề cá nhân được nêu ra trong cuốn sách - nó có thể dẫn đến sự thay đổi cá nhân. Một phần của trạng thái này bắt nguồn từ “quan điểm”, xảy ra khi một người trải nghiệm thế giới qua con mắt của người khác. Tiểu thuyết cho phép người đọc thấy câu chuyện qua con mắt của nhân vật, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhìn nhận theo quan điểm.

Djikic nói, nếu cảm xúc của bạn về cuốn sách có thể thay đổi, “say sách sẽ kéo dài hơn, không chỉ bao gồm cảm xúc buồn bã mà còn có nhiều cảm xúc 'kích động' hơn như sợ hãi, tức giận hay hy vọng, và có khả năng dẫn đến nhìn bản thân và toàn bộ thế giới của mình theo một cách khác.  Trong trường hợp này, say sách sẽ kéo dài hơn một vài ngày, và tâm trí sẽ định kỳ quay trở lại cuốn sách hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi cuốn sách được đọc xong, và người đó sẽ sử dụng trải nghiệm có được từ cuốn sách để thay đổi nội tâm của mình.”

Đôi khi, cảm giác nôn nao vì say sách chỉ là một sự bất tiện có thể dễ dàng được giải quyết bằng cách tìm một cuốn sách hấp dẫn khác để đọc. Nhưng nghiên cứu cũng cho thấy rằng cảm giác nôn nao là một phần nguyên nhân khiến việc đọc sách thay đổi người đọc. Một cuốn tiểu thuyết có thể thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới.Việc say sách kéo dài có thể gia tăng cảm giác đồng cảm của chúng ta với người khác và khiến chúng ta phải đối mặt với những quan niệm của chính mình về bản thân. Đôi khi, say cũng tốt!

- Theo: Book Riot

Tags: