Tại sao người ta sẵn sàng trả hàng trăm đô-la cho khoảng 400g cà phê chồn?
Tại sao người ta sẵn sàng trả hàng trăm đô-la cho khoảng 400g cà phê chồn?
Trong cuốn sách "Phi lý một cách hợp lý", tác giả Dan Ariely đã trả lời các câu hỏi được độc giả gửi về cho mình. Câu trả lời của ông không chỉ chứa đựng những thông tin hữu ích cho vấn đề được đặt ra, mà còn rất hài hước. Và dưới đây là một trong số những câu hỏi đã được Dan Ariely giải đáp. Nếu chỉ đọc câu hỏi, bạn có nghĩ mình có thể đưa ra được câu trả lời không?
Phi Lý Một Cách Hợp Lý (Tái bản)
(0 lượt)

Dan thân mến,

Trong chuyến đi gần đây tới Los Angeles, tôi dừng chân ở một quán cà phê với món cà phê rất đắt đỏ gọi là kopi luwak hay còn gọi là cà phê chồn. Tôi hỏi lý do cho mức giá đó và người pha chế đã kể cho tôi quy trình đặc biệt làm ra loại cà phê này. Có một loài động vật ở Indonesia gọi là cầy vòi hương ăn quả cà phê, sau đó chúng thải ra hạt cà phê. Người ta thu thập những hạt đã được “xử lý” này và dùng chúng để tạo ra một loại thức uống vô cùng kỳ lạ với hương vị dịu dàng. Loại cà phê này có thể bán với mức giá hàng trăm đô-la cho khoảng 400 gram. Tôi rất tò mò nhưng không đủ hứng thú (hoặc không đủ can đảm) để mua, chứ chưa nói đến việc uống nó. Anh có thể giải thích tại sao người ta lại sẵn sàng mua loại cà phê này không? 

- Chahriar

Trước hết, tôi nghĩ là bạn đã phạm một sai lầm. Đúng ra bạn nên trả tiền và uống thử cốc cà phê này - một phần bởi bạn rất tò mò về loại cà phê độc đáo và khác thường này, còn một phần là bởi nó sẽ tạo nên một trải nghiệm mang tính cá nhân và thú vị (một vài đô-la sao có thể so sánh với một trải nghiệm hay). Vì vậy, lần tiếp theo bạn dừng chân tại một quán cà phê có bán loại cà phê chồn này, hãy thử uống nó - thậm chí có thể uống luôn hai cốc với ít lông lá và cả những thứ kèm theo nữa.

Về chất lượng của cà phê chồn thì những thông tin quảng cáo mà tôi tìm thấy nói rằng những con cầy vòi hương biết cách chọn những hạt cà phê ngon nhất và hệ tiêu hóa của chúng làm lên men những hạt cà phê này, giúp giảm tính a-xít cho ra hương vị cà phê ngon hơn (tôi không biết chính xác quy trình này diễn ra như thế nào nhưng nghe rất thú vị).

Câu hỏi quan trọng ở đây là tại sao người ta sẵn sàng trả nhiều tiền cho loại cà phê chồn này? Một lý do là họ đang trả tiền cho sự khác biệt và một câu chuyện thú vị. Một lý do khác có liên quan đến công sức (và hình thức) lao động để tạo ra sản phẩm. Quy trình sản xuất đặc biệt này rõ ràng phức tạp hơn nhiều so với một cốc cà phê thông thường và nhìn chung, người ta sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho loại hàng hóa đòi hỏi nhiều công sức sản xuất hơn - ngay cả khi sản phẩm đó không tốt hơn. Cà phê chồn có vẻ như là một ví dụ hoàn hảo về nguyên tắc định giá dựa trên công sức lao động. 

Cuối cùng, tôi tự hỏi không biết người ta sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho những hạt cà phê không phải thải ra từ một loại động vật ở Indonesia mà từ hệ tiêu hóa của một người Mỹ. Mặc dù nó sẽ là một câu chuyện rất hay và cũng phải tốn nhiều công sức lao động để tìm ra nó, phiên bản cà phê này vẫn quá “mạnh” đối với chúng ta.

- Trích dẫn sách "Phi lý một cách hợp lý" của tác giả Dan Ariely - 

 

Tags: