Tại sao bạn lại yêu những thứ mình làm ra...kể cả khi chúng không có đẹp: Hiệu ứng IKEA
Tại sao bạn lại yêu những thứ mình làm ra...kể cả khi chúng không có đẹp: Hiệu ứng IKEA
Chúng ta yêu những thứ ta tự tay làm nên

Chúng ta là CEO trong chính cuộc sống của ta. Chúng ta phải rất cố gắng để vực mình dậy và đi làm những việc chúng ta phải làm hết ngày này đến ngày khác. Chúng ta cũng cố gắng cổ vũ mọi người làm việc cho ta và cùng với ta.

Chúng ta cũng làm tương tự đối với cuộc sống riêng tư: từ lúc còn tấm bé, các bạn nhỏ đã cố thuyết phục bố mẹ làm gì đó cho chúng. Với người lớn, chúng ta cổ vũ những người quan trọng làm việc vì ta, chúng ta khiến bọn trẻ dọn dẹp phòng ở, chúng ta nói ngọt để người hàng xóm dọn dẹp lại cái hàng rào hoặc hỗ trợ ta tổ chức một bữa tiệc.

Thay vì coi động lực là một thứ đơn giản, tôi nhận ra rằng nó thể hiện bản tính của con người và thế giới tâm lí học phức tạp. Động lực là một khu rừng cây cối um tùm, những dòng sông chưa được biết đến, những loài côn trùng đáng sợ, những loài thực vật kì lạ và những con chim đầy màu sắc. Khu rừng đó có vô số thành tố mà chúng ta tưởng như là quan trọng, nhưng thực tế thì không. Hơn nữa, nó cũng có nhiều chi tiết mà chúng ta hoặc phớt lờ hoàn toàn hoặc không hề coi trọng, nhưng hóa ra lại rất quan trọng.

Bằng cách hiểu về động lực, chúng ta có thể sắp xếp cả chỗ công việc và cuộc sống riêng một cách hiệu quả, thỏa mãn hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng làm thế nào mà chúng ta rèn động lực cho mình? Để trả lời câu hỏi này, hãy nghĩ về công việc lắp đặt - đặc biệt là nội thất IKEA.

 

Hiệu ứng IKEA: Chúng ta yêu những thứ ta tự tay làm nên.

 

IKEA đã nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời: công ty này cung cấp một hộp thiết bị rời để khách hàng tự tay hoàn thành, chỉ với những hướng dẫn hiểu-chết-liền.

Tôi thích thiết kế gọn ghẽ, đơn giản của IKEA. Nhưng từ rất lâu trước đây, tôi nhận thấy lắp ráp từng phần - trong trường hợp của tôi là một cái ngăn kéo đựng đồ chơi cho con tôi - mất rất nhiều thời gian và công sức. Tôi vẫn nhớ là tôi đã bối rối biết bao. Có những phần như thể bị thiếu, và tôi lắp sai không chỉ một lần.

Tôi không thể nói rằng tôi thích quá trình đấy. Nhưng cuối cùng khi tôi hoàn thành việc lắp ráp, tôi có cảm giác thỏa mãn đến bất ngờ. Nhiều năm trôi qua, tôi để ý rằng tôi nhìn vào cái ngăn kéo đó nhiều hơn và thích nó hơn những sản phẩm nội thất khác trong nhà.

Tôi và hai đồng nghiệp - Michael Norton, giáo sư của HBS và Daniel Mochon, giáo sư ở Đại học Tulane đã mô tả sự yêu thích quá mức chúng ta dành cho những vật dụng tự tay làm lấy là Hiệu ứng IKEA. Đương nhiên, IKEA không phải những người đầu tiên hiểu được giá trị của việc tự tay làm lấy.

Hãy nghĩ đến việc làm bánh. Quay lại năm 1940, khi phần lớn phụ nữ làm việc tại nhà, một công ty tên là P. Duff and Sons tung ra thị trường bộ dụng cụ làm bánh. Những bà nội trợ chỉ cần thêm nước, khuấy bột trong một cái bát, đổ hỗn hợp vào khay nướng và nướng khoảng nửa tiếng. Thế là xong! Họ đã có một món tráng miệng ngon lành. Nhưng ngạc nhiên thay, bộ dụng cụ lại không ăn nên làm ra. Lí do chẳng liên quan đến gì hương vị mà là độ cầu kỳ của quá trình làm bánh - nhưng không phải là cách chúng ta thường nghĩ về độ phức tạp.

Duff phát hiện ra rằng các bà vợ cảm thấy những chiếc bánh đó không phải là tác phẩm họ tự làm ra, chỉ đơn giản là họ đã thực hiện quá ít công đoạn để có cảm giác tự làm và niềm vui của sự sở hữu. Vì vậy công ty đó đã bỏ trứng và sữa bột ra khỏi bộ dụng cụ. Lần này, khi các bà nội trợ thêm trứng tươi, dầu, và sữa tươi, họ cảm thấy họ đang tham gia vào quá trình làm bánh và sẽ hài lòng hơn với sản phẩm cuối cùng.

 

Sự nỗ lực giúp tăng tình cảm và gắn kết

 

Để nghiên cứu hiệu ứng IKEA hệ thống hơn, Daniel, Michael và tôi đã yêu cầu các tình nguyện viên tự tay xếp giấy Origami để nhận tiền lương theo giờ. Chúng tôi cung cấp cho họ giấy màu và bản hướng dẫn chỉ có lời văn làm thế nào để gấp được hạc giấy và ếch giấy.

Một tác phẩm hoàn hảo

Giờ đây, gấp một tờ giấy thành một tác phẩm sẽ khó hơn ta tưởng. Vì những tình nguyện viên tham gia đều là tay mơ, không có tác phẩm nào đạt được đến trình độ thưởng thức. Khi công việc của các nhân viên tạm thời hoàn tất, chúng tôi nói với họ: “Nhìn này, con hạc giấy các bạn làm đều thuộc về chúng tôi vì chúng tôi đã trả tiền cho các bạn. Nhưng chúng tôi muốn nói với các bạn rằng, các bạn có thể thuyết phục chúng tôi bán nó cho bạn. Hãy viết ra số tiền cao nhất mà bạn sẽ chi trả để sở hữu tác phẩm bạn tự tay làm ra.”

Chúng tôi gọi những người như thế là “người tạo dựng”, và chúng tôi so sánh tương phản độ hứng thú người tạo dựng và một nhóm khác - “người mua hàng” đối với những tác phẩm bằng cách xem xét mức độ sẵn sàng chi trả để sở hữu. Người mua hàng là những người không trực tiếp làm ra sản phẩm, họ đánh giá tác phẩm của người tạo dựng và cân nhắc xem mình sẵn lòng trả bao nhiêu tiền. Hóa ra người tạo dựng sẵn sàng đưa ra một con số gấp năm lần những người mua hàng để sở hữu tác phẩm họ tự tay làm ra.

Hãy tưởng tượng bạn là một trong những người tạo dựng. Bạn có nhận thấy rằng những người khác không thấy tác phẩm của bạn đáng yêu như bạn nhìn nhận? Hay bạn hiểu nhầm rằng ai cũng nghĩ như mình?

Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy nghĩ đến những đứa trẻ sơ sinh. Chúng có quan điểm vị kỉ, chúng tin rằng khi chúng nhắm mắt và không nhìn thấy mọi người, mọi người cũng sẽ không thấy chúng. Khi những đứa trẻ lớn lên, định kiến này cũng lớn theo. Nhưng chúng ta có thể xóa bỏ định kiến hoàn toàn không?

Câu trả lời là không! Tình cảm đối với một món đồ tự làm rất mù quáng. Những người tạo dựng không chỉ đánh giá quá cao tác phẩm của mình mà còn tin rằng những người khác cũng nghĩ như họ.

Nhưng vẫn còn nữa. Thí nghiệm này còn được đẩy lên cao hơn khi chúng tôi đưa ra nhiệm vụ gấp giấy còn khó hơn bằng cách bỏ bớt một vài bước hướng dẫn quan trọng.

Hướng dẫn chuẩn mực có các mũi tên và vòng cung chỉ hướng để người ta biết phải gấp chỗ nào vào chỗ nào và một đoạn ghi chú diễn giải các mũi tên, vòng cung được sử dụng như thế nào. Trong thí nghiệm không tưởng của chúng tôi, phần ghi chú được lược di - và thành quả của các tình nguyện viên còn thảm hơn. Kết quả là người mua hàng chỉ muốn mua với giá thấp hơn, nhưng người tạo dựng thậm chí còn đánh giá tác phẩm còn cao hơn khi họ có hướng dẫn đầy đủ cụ thể vì họ phải nỗ lực nhiều hơn mới có thể làm ra được.

Tương tự như quá trình tôi vật lộn với cái ngăn kéo IKEA và rồi thêm yêu nó, thí nghiệm Origami chứng minh rằng con người càng bỏ ra nhiều công sức, họ càng quan tâm đến thành quả của mình.

Tác phẩm tự làm dù xấu nhưng lại được coi trọng hơn

Ngay cả việc chọn màu cho đôi giày sneaker cũng khiến cho bạn trở thành người tạo dựng.

Cần nhớ rằng thí nghiệm Origami chẳng liên quan gì đến một trong những nhân tố chính của động lực - ý thức về bản sắc. Tuy nhiên hành động của các tình nguyện viên cho thấy rõ là chúng ta bị tác động mạnh bởi nhu cầu được công nhận, cảm giác hoàn thành và cảm giác sáng tạo. Phát hiện này giúp tôi nhận ra tác động tương tự cũng xảy ra trong môi trường làm việc thực tế, nhưng trong khía cạnh khác.

Ta dễ dàng thấy rằng người tạo dựng đã tạo mối liên kết bền chắc và ý thức về bản sắc và ý nghĩa khi hoàn thành tác phẩm như thế nào. Ta cũng dễ nhận ra nghiên cứu này có thể áp dụng cho nghệ sĩ, thợ thủ công và nhà sưu tập như thế nào.

Nhưng còn những thứ chúng ta sở hữu với tư cách người tiêu dùng thì sao?

Nếu bạn mua một đôi giày Nike online, bạn có thể lựa chọn thoải mái màu giày, màu dây và lớp lót. Lúc đầu, nhu cầu thể hiện bản thân dường như chỉ là sở thích - chúng ta chọn màu đỏ thay vì tím vì chúng ta thích màu đỏ hơn. Nhưng trên thực tế, chọn theo ý thích là lợi ích tăng thêm. Bằng cách chọn màu đỏ, chúng ta khiến cho sản phẩm cộp mác của mình nhiều hơn. Chúng ta càng bỏ nhiều công sức vào việc chọn thiết kế, chúng ta càng tâm đắc với sản phẩm sau cùng.

Những bài học tương tự về sự tham gia có ý nghĩa cũng áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Nếu chúng ta có tiền, chúng ta thuê người dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, hay cài đặt hệ thống wifi để tránh bị làm phiền bởi những việc lặt vặt. Nhưng hãy nghĩ đến những niềm vui lâu dài bị tước đi khi chúng ta không làm những việc này. Phải chăng cuối cùng chúng ta hoàn thành nhiều việc hơn nhưng lại có cảm giác lạ lẫm với công việc ta làm, thực phẩm ta ăn, khu vườn của ta, nhà của ta, và thậm chí là cuộc sống xã hội của ta?

Bài học ở đây là xắn tay áo, đổ mồ hôi mà làm khiến ta cảm thấy có ý nghĩa hơn. Và đấy là một cái giá hời!

Trạm Đọc

Theo Dan Ariely/TED