Với khoảng 40 vở kịch, cũng như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và tác phẩm dịch thuật, từ lâu, Jon Fosse đã được tôn kính vì ngôn ngữ phóng khoáng, siêu việt.
Anders Olsson, chủ tịch ủy ban văn học Nobel, đã ca ngợi “ngôn ngữ giàu cảm xúc của Fosse, thăm dò giới hạn của ngôn từ”.
Tác phẩm của Fosse đã được dịch sang khoảng 50 thứ tiếng và ông là một trong những nhà viết kịch còn sống có tác phẩm được biểu diễn rộng rãi nhất trên thế giới. Nhưng gần đây ông mới nhận được sự chào đón ở các nước nói tiếng Anh, chủ yếu nhờ vào tiểu thuyết “A New Name: Septology VI-VII” đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Sách Quốc gia năm ngoái, và hai cuốn tiểu thuyết của ông đã được đề cử cho giải Booker.
Từ lâu, ông đã lọt vào danh sách đề cử nhận giải Nobel Văn học. Thậm chí, năm 2013, các nhà cái ở Anh còn phải tạm hoãn hoạt động vì hàng loạt lượt đặt cược vào chiến thắng của ông. Tuy nhiên, giải thưởng lại không đến với ông cả một thập kỷ sau đó. Cuối cùng, cuộc gọi từ ban tổ chức giải Nobel khi đang trong kỳ nghỉ tại một ngôi nhà của mình ở Frekhaug, một ngôi làng ven biển phía tây Na Uy.
Fosse cho biết ông “vừa hạnh phúc vừa ngạc nhiên” khi nhận được giải thưởng. Ông nói rằng: “Tôi đã nằm trong danh sách những người được yêu thích trong 10 năm nay, thậm chí tôi cảm thấy chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ nhận được giải thưởng này. Giờ đây tôi vẫn chẳng thể tin được.”
Khi được hỏi ông mong muốn mang đến điều gì cho độc giả của mình, Foss cho biết ông hy vọng mình có thể mang lại cảm giác thanh thản cho người đọc.
“Tôi hy vọng họ có thể tìm thấy sự bình yên trong hoặc từ những gì tôi viết.”
Các nhà phê bình đã so sánh những vở kịch của Fosse với tác phẩm của hai người đoạt giải Nobel khác: Harold Pinter và Samuel Beckett. Ông còn được gọi là “Ibsen mới”, theo tên nhà viết kịch nổi tiếng người Na Uy Henrik Ibsen.
Fosse sinh năm 1959 ở ở miền Tây Na Uy, trong một trang trại nhỏ ở Strandebarm. Ông bắt đầu viết thơ và truyện từ năm 12 tuổi và ông xem viết lách là một hình thức giải thoát.
Năm 2014, ông đã nói với The Guardian rằng: “Tôi đã tạo ra không gian riêng của mình trên thế giới, một nơi tôi cảm thấy an toàn.”
Khi còn trẻ, ông là một người cộng sản và theo chủ nghĩa vô chính phủ. Ông nghiên cứu văn học so sánh tại Đại học Bergen. Fosse viết bằng Nynorsk, một ngôn ngữ thiểu số, thay vì tiếng Bokmål, ngôn ngữ Na Uy được sử dụng rộng rãi hơn trong văn học. Trong khi một số người giải thích việc ông sử dụng Nynorsk như một tuyên bố chính trị thì Fosse lại nói rằng đơn giản là ông đã lớn lên cùng ngôn ngữ đó.
Năm 1983, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay “Red, Black”, khởi đầu một sự nghiệp lẫy lừng. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm tiểu thuyết “Melancholia” (tạm dịch: Sầu muộn) đi sâu vào tâm hồn của một họa sĩ bị suy sụp tinh thần; cuốn tiểu thuyết “Morning and Evening” (tạm dịch: Buổi sáng và buổi tối) mở đầu bằng khoảnh khắc nhân vật chính chào đời và kết thúc bằng ngày cuối cùng của cuộc đời ông; và bộ tác phẩm 7 tập “Septology” (tạm dịch: Bộ bảy) dày hơn 1.000 trang kể về hai nghệ sĩ lớn tuổi có thể là cùng một người: Một người đã đạt được thành công, trong khi người kia trở thành kẻ nghiện rượu.
Jacques Testard, người sáng lập Fitzcarraldo Editions, nhà xuất bản Fosse ở Anh, cho biết tác phẩm của ông đề cập đến các chủ đề “tình yêu, nghệ thuật, cái chết, tang tóc và tình bạn” trong khi “cảnh quan các vịnh hẹp phía Tây gần Bergen nơi ông lớn lên” cũng tự bản thân nó là một nhân vật.
Mặc dù khởi đầu là một nhà thơ và tiểu thuyết gia, nhưng Fosse lại được biết đến nhiều hơn với tư cách là một nhà viết kịch. Tên tuổi ông đã được quốc tế công nhận vào cuối những năm 1990 với việc sản xuất vở kịch đầu tiên “Someone Is Going to Come” (tạm dịch: Ai đó sẽ đến thôi!) ở Paris kể về một người đàn ông và một người phụ nữ tìm kiếm sự cô độc trong một ngôi nhà xa xôi bên bờ biển. Fosse cho biết ông đã viết nó trong bốn hoặc năm ngày và không sửa lại nó.
Trong 15 năm, ông tập trung vào sân khấu và đi nhiều nơi trên thế giới để trình diễn các vở kịch của mình. Nhưng sau đó ông quyết định quay trở lại với tiểu thuyết, ngừng đi du lịch, từ bỏ rượu và chuyển sang đạo Công giáo.
Từng là một người vô thần nhưng sau này đã có tôn giáo, Fosse đã mô tả việc viết lách như một hình thức cộng đồng thần bí. Trong một cuộc phỏng vấn với The Los Angeles Review of Books vào năm 2022, ông đã nói rằng: “Khi tôi viết tốt, ngôn ngữ thứ hai - tiếng nói thầm lặng xuất hiện. Nó nói lên tất cả. Không phải là câu chuyện, nhưng bạn có thể nghe thấy điều gì đó đằng sau câu chuyện đó - một tiếng nói thầm lặng vang lên.”
Hàng thập kỷ viết lách đã dạy cho Fosse sự khiêm tốn và gạt bỏ những kỳ vọng sang một bên.
“Khi bắt đầu viết, tôi không bao giờ cảm thấy chắc chắn rằng mình có thể viết được một tác phẩm mới. Tôi không bao giờ lên kế hoạch cho bất cứ điều gì, tôi chỉ ngồi xuống và viết. và đến một lúc nào đó, tôi có cảm giác rằng tác phẩm đã được hình thành và tôi chỉ cần viết nó ra trước khi nó biến mất.”
Adam Z. Levy, nhà xuất bản của Transit Books, một tờ báo nhỏ đã bắt đầu xuất bản các tác phẩm Fosse ở Hoa Kỳ vào năm 2020, cho biết: “Công việc của ông ấy có thể đơn giản đến mức khó tin. Ông thường viết văn xuôi theo cách đơn giản nhưng những gì ông viết ra thật đáng kinh ngạc, chúng thực sự cảm động.”
Damion Searls, một trong những dịch giả dịch sách của Fosse sang tiếng Anh, nói rằng mặc dù Fosse viết bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng sợi dây thống nhất trong tác phẩm của ông là cảm giác thanh thản, đó là lý do tại sao tác phẩm của ông thường được mô tả là có tính thôi miên hoặc gợi lên một trải nghiệm tâm linh.
Searls, người dịch từ tiếng Đức, Na Uy, Pháp và Hà Lan, cho biết: “Một trong những từ mà ông ấy dùng để nói về tiểu thuyết của mình là yên bình. Đó là sự yên bình thực sự, dù cho mọi chuyện xảy ra, người ta chết, người ta ly hôn, nhưng nó vẫn toát lên sự thanh thản.”
Fosse là người Na Uy thứ tư nhận giải Nobel Văn học. Trước đó 95 năm, người Na Uy cuối cùng là Sigrid Undset chuyên viết truyện lịch sử đã nhận Nobel Văn học vào năm 1928.
- Theo: The New York Times