Sử thi Hy Lạp đã dạy tôi điều gì về mối quan hệ đặc biệt giữa cha và con
Sử thi Hy Lạp đã dạy tôi điều gì về mối quan hệ đặc biệt giữa cha và con
Là một học giả về thơ Hy Lạp cổ đại, tôi đang suy ngẫm về hai khoảnh khắc mạnh mẽ nhất của người cha trong văn học Hy Lạp. Ở cuối tác phẩm kinh điển “Iliad” của Homer, Priam, vua thành Troy, cầu xin kẻ giết con trai mình là Achilles trả lại thi thể của Hektor, chiến binh vĩ đại nhất của thành phố, để chôn cất. Khi Achilles gạt cơn thịnh nộ mình sang một bên và đồng ý, cả hai cùng khóc trước khi dùng bữa, Priam đau khổ khi mất con trai, còn Achilles nghĩ rằng anh sẽ không bao giờ gặp lại.
Tác phẩm Hy Lạp kinh điển khác, “Odyssey” cũng có hình tượng cha và con. Sau 10 năm chiến tranh và lênh đênh trên biển, Odysseus trở về nhà và gặp cha mình là Laertes. Tuy nhiên, khi Odysseus gặp cha mình, anh không chào ông ngay lập tức. Thay vào đó, anh giả làm người đã gặp Odysseus và kể chuyện cho cha anh nghe. 

Khi Laertes khóc vì người con đang đi biền biệt của mình, Odysseus cũng không kiềm chế được cảm xúc và nói thật với cha, để lộ vết sẹo từ ngày bé của mình cho ông thấy, nhưng Laertes vẫn nghi ngờ anh. 

Odysseus chỉ vào những cái cây trong vườn cây ăn trái của họ và bắt đầu kể lại số lượng cũng như tên của chúng, những câu chuyện mà Laertes đã kể cho anh nghe khi anh còn nhỏ.

Kể từ thời Aristotle, các học giả đã không ngừng tranh luận về tác phẩm này. Một số người thắc mắc tại sao Odysseus lại tàn nhẫn với cha mình, trong khi những người khác lại quan tâm rằng tại sao việc đoàn tụ với ông lại quan trọng. Tại sao phải dành thời gian quý giá để kể về cây cối trong khi độc giả đang chờ đợi xem liệu Odysseus có phải trả giá dưới bàn tay của những gia đình mà anh ta đã cướp đi mạng sống của con trai của họ không?

Tôi cũng đã bối rối rất lâu cho đến khi mất đi cha mình khi ông mới 61 tuổi. Việc đọc và dạy “Odyssey” trong hai năm sau khi ông mất và tôi chào đón hai đứa con đến với thế giới đã thay đổi cách tôi hiểu tình cha con trong tác phẩm này. Sau đó, ở phần kết tác phẩm, tôi nhận ra điều Odysseus cần ở cha mình là một thứ quan trọng hơn: sự thoải mái khi được làm con trai của ông. 

 

Tình cha con

 

Người cha chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong thần thoại Hy Lạp. Họ là những vị vua, những hình mẫu và thường xuyên phải vượt qua những thử thách. Trong sử thi Hy Lạp, hình tượng người cha thường giấu mặt. 

Trong “Iliad”, khi Achilles biết Patroklos - người bạn thân nhất của mình đã chết, anh đã khóc than và nói rằng anh luôn tưởng tượng rằng người bạn ấy trở về nhà và giới thiệu đứa con anh là Neoptolemus với cha anh, Peleus.

Khoảnh khắc nhân văn nhất của Hoàng tử thành Troy Hektor là khi ông bật cười trước tiếng kêu thảng thốt của con trai khi nhìn thấy bộ giáp đẫm máu của cha. Sự đau buồn của Priam trước sự ra đi của Hektor là nỗi đau buồn của tất cả các bậc cha mẹ mất con quá sớm. Khi nghe tin con trai mình qua đời, ông nằm phủ phục xuống đất, phủ tro lên đầu và khóc. Tiếng cười ngọt ngào của Hektor báo trước nỗi đau cay đắng của cha anh.

Tôi không nghĩ mình đã nắm bắt được những điều đó trước khi trở thành cha và mất đi một điều gì đó.

 

Những câu chuyện đưa chúng ta trở về nhà

 

Cuộc hội ngộ của Odysseus với cha mình là mấu chốt để hoàn thành câu chuyện trở về của anh. Trong tiếng Hy Lạp, từ “nostos,” hay việc trở về quê hương, không chỉ đơn thuần là việc trở lại một nơi nào đó: Đó còn là sự hồi phục, một kiểu quay trở lại thế giới của những người đang sống. Đối với Odysseus, khi tôi đọc trong cuốn sách gần đây “The Many-Minded Man: The Odyssey, Modern Psychology, and the Therapy of Epic”, sự trở về có nghĩa là trở lại như trước chiến tranh, cố gắng dung hòa danh tính của mình với tư cách là một vị vua, một cựu chiến binh đầy đau khổ, một người đàn ông có vợ và một người cha, đồng thời cũng là một người con.

Odysseus đạt được “nostos” của mình bằng cách kể và nghe những câu chuyện. Như các nhà tâm lý học chuyên về liệu pháp kể chuyện giải thích, danh tính của chúng ta cũng bao gồm những câu chuyện chúng ta kể và tin về bản thân.

Những câu chuyện chúng ta kể về bản thân quyết định cách chúng ta hành động với thế giới. Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng việc mất đi cảm giác tự chủ, niềm tin rằng chúng ta có thể định hình những gì xảy ra với mình, có thể khiến chúng ta dễ rơi vào những chu kỳ trì trệ, trầm cảm vào nghiện ngập. 

Và nỗi đau mất đi người thân có thể khiến bất cứ ai cũng cảm thấy bất lực. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu rằng nỗi đau buồn kéo dài và ngày càng trầm trọng đã đảo lộn cuộc sống thay thay đổi cách một người nhìn nhận bản thân mình trên thế giới như thế nào. Nỗi đau càng sâu thêm khi người khác không biết câu chuyện của chúng ta, không thực sự biết chúng ta là ai. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng khi con người không thừa nhận trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc của mình, họ sẽ bị “vô hiệu hóa cảm xúc” và có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cả về tinh thần lẫn thể chất, từ trầm cảm đến nỗi đau mãn tính.

Odysseus không nhận ra cảnh quan của hòn đảo Ithaca quê hương mình khi vừa trở về, anh cần đoàn tụ với gia đình và quan sát. Nhưng khi Odysseus kể cho cha nghe câu chuyện về những cái cây mà họ cùng nhau chăm sóc, anh khiến cả hai nhớ về những câu chuyện chung, về nối quan hệ và nơi đã đưa họ đến với nhau. 

 

Mối liên hệ của gia đình

 

“Odyssey” dạy chúng ta rằng nhà không chỉ là một nơi chốn vật chất, nó là nơi chứa đựng những kỷ niệm – nó là lời nhắc nhở về những câu chuyện đã hình thành nên chúng ta.

Khi tôi học lớp ba, cha tôi mua vài mẫu đất ở giữa rừng phía nam Maine. Ông dành phần đời còn lại của mình để dọn sạch những mẫu đất đó, vun trồng những khu vườn. Khi tôi học trung học, phải mất vài giờ tôi mới có thể cắt hết đám cỏ trong vườn. Ông và tôi sửa lại những bức tường đá cũ, vun luống trồng cây, trồng những bụi đỗ quyên và một cây phong. 

Cha tôi không phải là một người giản dị. Có lẽ tôi vẫn nhớ rất rõ công việc chúng tôi đã làm trên khu đất đó vì mối quan hệ của chúng tôi rất xa cách. Ông bị nghe kém bẩm sinh và điều này đã định hình cách ông hòa nhập với thế giới cũng như những trải nghiệm với gia đình. Mẹ tôi từng nói rằng ông rất lo lắng khi có con vì ông sẽ không thể nghe thấy tiếng khóc của con. 

Ông ra đi vào mùa đông năm 2011, và tôi trở về nhà vào mùa hè để thực hiện mong muốn của ông, tôi và anh trai đã rải tro của ông trên một ngọn núi ở trung tâm Maine. Tôi đã không quay về Maine hơn một thập kỷ trước khi ông qua đời. Những cây thông tôi từng leo trèo giờ đã khác nhiều, những cái cây và bụi cây tôi đã trồng cùng bố vẫn ở đó nhưng chúng đã thay đổi: lớn hơn, hoang dã hơn, chỉ có thể nhận ra nhờ khoảng cách giữa chúng. 

Đó là lúc tôi không còn bối rối về chuyến đi dạo giữa rừng cây của Odysseus với cha mình, Laertes. Tôi không thể không tưởng tượng sẽ ra sao nếu được cùng bố đi dạo trên mảnh đất đó một lần nữa, để nói đùa về sự vô lý của việc biến rừng thông thành bãi cỏ.

“Odyssey” kết thúc với cảnh Laertes và Odysseus sát cánh cùng thế hệ thứ ba, Telemachus. Theo một cách nào đó, Odysseus có được cái kết mà Achilles thậm chí không thể tưởng tượng được: được đứng cùng cha và cả con trai trong ngôi nhà của mình. 

Vào năm cuối đời của ông, tôi đã đưa con gái mình về gặp ông. Mười năm sau, khi tôi cố gắng phớt lờ nỗi đau về sự ra đi của ông, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra gương mặt ông bừng sáng thế nào khi gặp cô con gái thứ ba của tôi. 

Tôi tin rằng, “Odyssey” dạy chúng ta rằng chúng ta được định hình bởi những người nhận ra chúng ta và những câu chuyện chúng ta chia sẻ cùng nhau. Khi mất đi những người thân yêu, chúng ta có thể sợ rằng không có câu chuyện mới nào để kể. Nhưng sau đó chúng ta tìm thấy những câu chuyện mà chúng ta có thể kể cho con cháu mình.

- Theo Big Think

Tags: