Từ 6-7 năm trở lại đây, người yêu nhạc tại rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam không còn xa lạ với Spotify ứng dụng nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới. Ra mắt từ năm 2006 tại Thụy Điển và đến nay ứng dụng đã có hơn 350 triệu người dùng, phủ sóng tại hơn 90 quốc gia trên thế giới. Cuốn sách “Spotify và những chuyện chưa kể” (Tân Việt Books & NXB Dân trí ấn hành) sẽ tiết lộ với độc giả hành trình đánh bại Apple, Google, Amazon trong cuộc đua âm thanh số của nhà sáng lập Spotify Daniel Ek.
Tác giả cuốn sách là hai nhà báo Thụy Điển Sven Carlsson và Jonas Leijonhufvud. Với tư cách là những nhà báo kinh tế, họ đã gặp cũng như phỏng vấn Daniel Ek cùng người đồng sáng lập Spotify Martin Lorentzon nhiều lần trong những năm qua. Họ cũng tham khảo rất nhiều tài liệu cả công khai lẫn bí mật về Spotify, phỏng vấn hơn 80 nguồn tin khác nhau, trong đó có nhiều người đã từng tham gia vào hành trình xây dựng và phát triển Spotify. Có những người từng là thành viên hội đồng quản trị, nhà đầu tư hay người nắm giữ quyền lực trong ngành âm nhạc. Có người từng là quản lý cấp cao. Lại có người là đối thủ cạnh tranh.
“Spotify và những chuyện chưa kể” gồm 20 chương sách, trong đó ở những chương đầu của cuốn sách, các tác giả kể lại ngắn gọn tuổi thơ, niềm đam mê cũng như thời gian trước khi họ chung tay xây dựng nên Spotify.
Daniel Ek sinh năm 1983 và lớn lên ở Rågsved, một vùng ngoại ô của tầng lớp lao động ở Stockholm, Thụy Điển. Cha mẹ anh chia tay ngay trước khi anh chào đời. Mẹ anh một mình nuôi anh khôn lớn, vài năm sau bà kết hôn với người chồng thứ hai, và Daniel có thêm một người em trai cùng mẹ khác cha.
Dù cuộc sống không mấy dư dả, nhưng âm nhạc luôn tràn ngập trong ngôi nhà thời thơ ấu của Daniel Ek. Năm 4 tuổi, Ek đã học chơi những bài hát đơn giản trên cây đàn guitar Tây Ban Nha của gia đình. Sau đó anh cũng học thêm trống, bass, piano và đàn accordion ở trường. Đến độ tuổi thiếu niên, anh cùng bạn bè chơi nhạc trong một vài ban nhạc địa phương.
Daniel giỏi âm nhạc và thành thạo cả máy tính. Anh có máy tính riêng từ năm 5 tuổi. Anh bắt đầu viết mã từ năm 9 tuổi. Khi lên 11 tuổi, anh đã mơ về việc làm trong ngành công nghệ và tuyên bố với bạn bè của mình rằng: “Tớ sẽ nổi tiếng hơn cả Bill Gates.”
Daniel bắt đầu kinh doanh năm 14 tuổi. Cùng với sự bùng nổ của công nghệ và Internet vào cuối những năm 1990, anh nhận thiết kế website cho các công ty ngay tại nhà hoặc trong phòng máy vi tính của trường trung học. Thậm chí, anh đã "hối lộ" những người bạn học bằng iPod và các trò chơi điện tử để họ làm việc giúp anh và hỗ trợ việc làm bài tập ở trường.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, Daniel chia sẻ rằng anh tính phí lên đến 5.000 USD khi thiết kế website cho một công ty và có thể bỏ túi 50.000 USD một tháng.
Năm 2002, Ek tốt nghiệp trung học phổ thông và theo học ngành kỹ sư tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển. Tuy nhiên chỉ 8 tuần sau ngày nhập học, anh rời bỏ giảng đường và bắt đầu làm việc với nhiều công ty công nghệ, trong đó bao gồm trang web thương mại điện tử Tradera (sau này được bán cho eBay) với nhiệm vụ cải tiến tối ưu hóa công nghệ tìm kiếm.
Anh cũng từng làm Giám đốc kỹ thuật (CTO) cho Stardoll, một công ty game thời trang. Ek còn thành lập công ty tiếp thị trực tuyến mang tên Advertigo, sau đó bán lại với giá 1,25 triệu USD vào năm 2006.
Trở thành triệu phú khi mới 23 tuổi, Ek dừng kinh doanh, mua một căn hộ hạng sang tại Stockholm và thường xuyên lái chiếc Ferrari màu đỏ đến câu lạc bộ đêm với bạn bè. Một thời gian sau anh nhận ra rằng tiền bạc và hưởng thụ không hề quan trọng đối với anh, điều anh quan tâm nhất vẫn là làm việc và theo đuổi đam mê. “Tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì thực sự quan trọng và tôi nhận ra rằng có hai điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi đó là âm nhạc và công nghệ”, Ek chia sẻ.
Về phần mình, Martin sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu tại thành phố dệt may công nghiệp Boras. Anh là người hướng ngoại, giàu óc sáng tạo và tràn đầy năng lượng. Anh có thể tỏ ra thu hút ở mọi nơi, mọi lúc và có khả năng pha trò khi tình hình trở nên căng thẳng.
Năm 1999, khi vừa tròn 30 tuổi, Martin Lorentzon đã là một ngôi sao đang lên trên bầu trời công nghệ thông tin Stockholm. Ban ngày, anh làm việc trong một quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu thành phố, ban đêm anh là tay chơi sành sỏi từng ngóc ngách.
Giữa làn sóng công nghệ ồ ạt và các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro, Lorentzon cùng đối tác kinh doanh trẻ hơn ba tuổi Felix Hagno đã nảy ra ý tưởng lập ra công ty riêng về tự động mua và đặt các quảng cáo trên internet. Công ty của họ sau này có tên là Tradedoubler và một cổ đông khác là Magnus Emilson. Tradedoubler gặt hái thành công ngay sau khi thành lập, và nó còn mang lại hàng chục triệu đô la cho Lorentzon cũng như các cổ đông còn lại khi nó lần lượt được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong năm đầu học trung học của Daniel, dịch vụ chia sẻ dữ liệu của Napster được tung ra. Đột nhiên những người như Daniel có thể ngồi ở nhà, trước màn hình máy tính và tải xuống miễn phí mọi bài hát trên thế giới. Đối với một hacker yêu âm nhạc, đó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Đây cũng là khởi nguồn hoài bão của Daniel về một ứng dụng, nền tảng mà ở đó có điểm cân bằng giữa công sức của người nghệ sĩ và việc chia sẻ dữ liệu.
Tháng 4 năm 2006, Daniel Ek và Martin Lorentzon bắt đầu thành lập Spotify. Khi ấy Apple đã ra mắt dịch vụ âm nhạc iTunes được 3 năm, và nhận được sự hợp tác, hậu thuẫn đắc lực của năm hãng thu âm lớn nhất thế giới, với việc tính phí 99 xu cho một lần tải bản nhạc.
Trong khi đó Daniel định hướng tạo ra một ứng dụng dễ sử dụng, chứa tất cả âm nhạc trên đời, miễn phí cho người dùng và hợp pháp. Doanh thu của công ty - đến từ quảng cáo và lượng người dùng sẵn sàng trả phí để được sử dụng dịch vụ tốt hơn - sẽ được chia sẻ với các công ty thu âm, nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ.
Định hướng khác biệt này chính là nguyên nhân khiến những người sáng lập Spotify phải tốn rất nhiều công sức và cả tiền bạc trong việc thuyết phục các hãng thu âm đồng ý ký kết hợp tác, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, nơi Apple đang chiếm giữ vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, khi thực hiện thành công được điều này, Spotify đã đánh bại được Apple, Google và Amazon để giành được ngôi vương trong lĩnh vực kinh doanh âm thanh số.
Trải qua 15 năm, Daniel Ek cùng cộng sự Martin Lorentzon đã viết nên một câu chuyện khởi nghiệp thành công. Spotify ngày nay đã có hơn 50 triệu bài hát, hơn một triệu podcast và phủ sóng hơn 90 quốc gia cùng lượng người sử dụng đạt 350 triệu vào năm 2021. Những người chủ sỡ hữu hoặc đóng góp công sức lớn cho sự phát triển của công ty đều được tưởng thưởng xứng đáng.
Và cuốn sách “Spotify và những câu chuyện chưa kể” mang đến cho độc giả câu chuyện chi tiết, hấp dẫn về hành trình này của họ. Spotify không chỉ giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền, biến đổi ngành công nghiệp âm nhạc và đưa hoạt động truyền phát trực tuyến trở thành chuẩn mực mới; mà còn trở thành biểu tượng cho sự vươn lên bền bỉ của một doanh nghiệp số hóa trong khi phải chống lại sự công kích, đối chọi từ nhiều phía.
Những đoạn phỏng vấn, hội thoại chưa từng tiết lộ với những nhân vật nổi tiếng như: Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Taylor Swift, Jay-Z, Sean Parker, Pony Ma Huateng và Jimmy Iovine về suy nghĩ của họ đối với Spotify, cũng là một điểm nhấn đặc biệt của cuốn sách.
Hoạt động của hai nhà sáng lập Spotify, đặc biệt là của Daniel Ek trong vai trò vừa là người sáng lập, vừa là người điều hành doanh nghiệp cũng là những thông tin tham khảo đáng giá với những người đam mê kinh doanh, khởi nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo các tác giả, điều đáng quý giá nhất ở Daniel là khả năng không ngừng học hỏi từ những người xung quanh. Anh tiếp thu được những điếm tốt của vô số cộng sự và đồng nghiệp cũ. Anh đã tiến xa hơn những gì mình đã từng mơ ước và luôn sẵn sàng để bảo vệ vị trí của Spotify trong một thị trường công nghệ luôn cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Đầy ắp thông tin có tính thời sự, ngay từ khi ra mắt cuốn sách “Spotify và những câu chuyện chưa kể” đã lập tức nhận được sự quan tâm của dông đảo độc giả. Đây cũng chính là lý khiến Netflix đã quyết định mua lại và chuẩn bị chuyển thể cuốn sách thành phim.
Nhận xét về cuốn sách, tờ báo Wall Street viết: “Spotify mang đến câu chuyện khách quan về hành trình bước tới đỉnh cao của một dự án khởi nghiệp mà mọi doanh nhân biết cảnh giác cũng như mọi gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon đều phải sợ hãi khi đối đầu.”