Trong câu chuyện xa xưa nhất còn lưu lại được, nhân vật bán thần Gilgamesh phải vượt qua được một thách thức để trở thành bất tử: không ngủ. Một thử thách anh ta tưởng quá dễ dàng, nhưng rồi ngay tối đầu tiên anh ta đã ngã gục, ngủ mê mệt liền bảy ngày bảy đêm và sau đó vỡ mộng, cam phận làm phàm nhân. Dẫu rằng chỉ là một câu chuyện hư cấu, song thử thách của Gilgamesh cũng nhắc nhở thực tế: giấc ngủ là một phần quan trọng không thể thiếu với tất cả chúng ta, thậm chí còn quan trọng hơn cả thức ăn, nước uống.
Có vẻ bất cứ ai trong chúng ta cũng cảm nhận được thực tế này, nhất là tác động tiêu cực của việc thiếu ngủ tới sức khỏe, tinh thần của bản thân. Nhưng đi xa hơn thế để thực sự hiểu về giấc ngủ, vai trò, cơ chế xuất hiện của nó, để biết ngủ lúc nào, ngủ bao nhiêu là đủ cho nhu cầu lành mạnh của cơ thể bạn, để cơ thể duy trì sự khỏe khoắn, năng lực làm việc tốt, tuổi thọ lâu dài thì lại khác.
Đó quả thực là vấn đề không hẳn ai trong chúng ta cũng quan tâm tới. Hay nếu có quan tâm thì việc tìm được nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy cũng không phải là chuyện dễ trong thời đại tuy bùng nổ thông tin nhưng rất khó đánh giá chất lượng, độ tin cậy của thông tin này. Do đó, bất cứ ai quan tâm tìm hiểu về giấc ngủ, để nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của bản thân có thể tìm thấy ở “Sao chúng ta lại ngủ” (Why we sleep) của Matthew Walker một nguồn thông tin tham khảo tương đối toàn diện.
Cần lưu ý rằng, hiểu biết của con người về chính cơ thể mình, đặc biệt là về những vấn đề không thể hay ít nhất cũng là rất khó ghi lại bằng các bằng chứng hữu hình như giấc ngủ, giấc mơ vẫn còn thiếu đầy đủ, cần được nghiên cứu, khám phá nhiều hơn nữa. Song chí ít tác giả M. Walker đã cố gắng thu vào khuôn khổ một quyển sách những khía cạnh quan trọng nhất liên quan tới giấc ngủ.
Nếu bạn từng bị tác động bởi các vị diễn giả truyền cảm hứng nói rằng: giấc ngủ là sự lãng phí thời gian, rằng trong khi bạn ngủ cả thế giới đã tiến đi xa, v.v... thì bạn hãy nghĩ lại và lắng nghe M. Walker. Ông Walker không cần đến những lời nói đao to búa lớn của các vị truyền cảm hứng kia, nhưng những lời diễn giải khoa học song vẫn dễ hiểu và thú vị của ông sẽ cho bạn thấy giấc ngủ không những là chuyện của con người, mà còn là của toàn thế giới động vật, của tự nhiên. Và tự nhiên chắc chắn biết việc của mình hơn các vị diễn giả đang xui dại bạn cắt ngắn giấc ngủ của mình. Chưa tin sao? Bạn hãy đọc phần 1 “Giấc ngủ và vạn vật” của cuốn sách. Và tôi tin rằng khi đọc xong bạn sẽ trân trọng giấc ngủ và trân trọng chính mình hơn nhiều.
Nếu sự tự nhiên và lợi ích giấc ngủ đem đến cho bạn còn chưa đủ thuyết phục, vậy hẳn bạn cần thêm sự thuyết phục từ những nguy hại của việc ngủ không đủ. Đó là thông điệp mà tác giả M. Walker rất tâm lý đã đưa vào phần 2 “Vì sao bạn nên ngủ?”
Bạn đồng hành của giấc ngủ đương nhiên chính là những giấc mơ. Ai trong chúng ta cũng từng nghe, đọc, xem thấy ở đâu đó những lời giải thích về giấc mơ theo nhiều cách tiếp cận khác nhau, để rồi những thông tin thường không hệ thống và trọn vẹn ấy cứ thế nhanh chóng trôi tuột khỏi tâm trí chúng ta. Trong cuốn sách của mình, M.Walker chu đáo dành cả phần 3 để trả lời câu hỏi: “Sao chúng ta lại ngủ mơ và ngủ mơ như thế nào?” Thay vì những lời giải thích chợt đến chợt đi, lần này bạn sẽ có cơ hội được hiểu thấu đáo giấc mơ, vai trò và thậm chí là lợi ích không nhỏ của chúng.
Và cuối cùng, M.Walker dành một phần quan trọng trong cuốn sách của mình, “Từ những viên thuốc ngủ đến biến đổi xã hội” để bàn tới ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại tới giấc ngủ của mỗi con người. Tự nhiên chưa bao giờ có kinh nghiệm phải trang bị cho bất cứ tạo vật nào của nó khả năng thích ứng nhanh chóng với sự biến đổi ngoại cảnh như sự biến đổi mà con người đã tạo ra trong khoảng 1-2 thế kỷ gần đây nhất.
Có những nghiên cứu cho thấy ánh sáng điện ban đêm đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới các loài sinh vật sống về đêm, nhất là ở đô thị, làm đảo lộn nhịp sinh học của chúng tới mức làm nhiều quần thể suy giảm nghiêm trọng về số lượng. Chính con người cũng trở thành nạn nhân cho thay đổi do mình gây ra. Cuộc sống của con người thay đổi ngày càng chóng mặt về mọi phương diện, mỗi người khi nhìn quanh đều dường như thấy những người khác “nhanh hơn, mạnh hơn”, còn mình không ngừng bị nguy cơ tụt lùi đe dọa.
Kết quả là xã hội càng phát triển thì số người mắc các vấn đề sức khỏe liên quan tới rối loạn giấc ngủ càng tăng. Và đồng hành với hiện tượng này là các phương thức làm dịu sự căng thẳng do mất ngủ, thiếu ngủ cũng ngày càng phổ biến. Từ những cốc cà phê trở thành bạn đồng hành 24/7 để quên lãng cảm giác buồn ngủ, đến những liều thuốc ngủ để cố tìm lại giấc ngủ phục hồi sinh lực, nhưng mọi phương cách dường như chỉ làm cho tình hình tệ hại hơn.
Vậy triển vọng, giải pháp là gì? Chúng ta phải chấp nhận xã hội hiện đại như chính chúng ta đã tạo ra, và tìm ra cách thích ứng với nó mà vẫn duy trì được giấc ngủ tối cần thiết với mình. Đó là thông điệp quan trọng M.Walker gửi tới mỗi chúng ta. Không có giải pháp màu nhiệm để tìm lại giấc ngủ. Mỗi người, mỗi cộng đồng, cả xã hội loài người, ở từng cấp độ, từng trường hợp, phải tìm lấy cho mình sự thỏa hiệp tốt nhất. Bởi dù thế nào chúng ta vẫn sẽ phải ngủ. Nếu giấc ngủ không phải lúc nào cũng là thứ quan trọng nhất với chúng ta, thì chí ít ngủ luôn là một trong những hợp phần cốt yếu cho việc duy trì cuộc sống.
Chúng ta ai cũng muốn khỏe mạnh, thành công, sống lâu. Và một trong những cách đơn giản, hiệu quả nhất chính là có chế độ… ngủ lành mạnh, đủ thời gian, đủ chất lượng. Thêm nữa, liệu pháp này còn có thêm điểm cộng ở chỗ nó hoàn toàn miễn phí với tất cả chúng ta. Ấy thế nhưng cuộc sống thường ngày bận rộn đã làm chúng ta quay cuồng tới mức quên đi nhiều điều quan trọng tưởng như hiển nhiên, trong đó có giấc ngủ. May thay vẫn còn những cuốn sách như “Sao chúng ta lại ngủ” nhắc nhở để chúng ta nhìn lại chính mình.
PGS TS. Lê Đình Chi - Đại học Dược Hà Nội