Câu chuyện của Sanshiro bắt đầu trong một chuyến tàu của chàng trai trẻ 23 tuổi từ vùng quê Kyushu lên Tokyo học đại học. Gật gù trên chuyến tàu ấy, lần đầu tiên Sanshiro đã bắt đầu rơi vào một trạng thái xa lạ. Căn nhà cũ với những mùi vị cũ dần lùi xa, như một phần đời đã qua cũng trôi vào dĩ vãng. Sanshiro bước về phía Tokyo lòng đầy hân hoan.
Tiếp theo ấy là những ngày tháng mới, sống ở vùng đất mới với những cuộc gặp gỡ mới trong những niềm hưng phấn, tò mò, mê đắm, chán ngán. Sanshiro đã viết rằng Tokyo không phải là một nơi quá thú vị.
Quả thực, câu chuyện tuổi trẻ mà Soseki kể trong Sanshiro rất gần gũi, vừa phải, rất nhiều những trăn trở nhưng cũng vô cùng ngây thơ và dại dột. Đọc cuốn sách sẽ nhiều lúc phải bấm bụng cười vì những nảy nở bất chợt của tuổi trẻ. Và bất cứ một độc giả trẻ nào cũng dễ dàng nhìn thấy bản thân mình trong những hình ảnh của Sanshiro.
Cậu không chủ động tìm kiếm, không chủ động ra nhập vào không khí đô thành sôi sục này. Cậu chỉ là một người quan sát, là người bị đưa đẩy, bị lôi kéo. Cậu là kẻ mơ màng tĩnh lặng trong thế giới của riêng cậu. Sanshiro cũng đã gợi nên rất nhiều nét gần gũi với tác phẩm Nỗi lòng. Đặc biệt bản thân nhân vật giáo sư Hirota cao ngạo đầy bí ẩn của Sanshiro khiến người viết không khỏi nhớ tới vị tiên sinh trong Nỗi lòng. Phải chăng cái ý tưởng về bóng tối vĩ đại ấy đã khiến Soseki tạo nên một nỗi lòng đầy riêng tư và suy nghiệm.Soseki viết tác phẩm này năm 1909 sau khi đã thành công với Tôi là con mèo, Gối đầu lên cỏ, Botchan... Thú thực độc giả có lẽ dễ thấy nhân vật tôi - botchan thú vị hơn rất nhiều, bởi sự ngây thơ, lém lỉnh, bởi tính cách nổi loạn đầy say mê của cậu. Trong khi đó Sanshiro là một cậu trai trẻ “lạc lối”.
Dĩ nhiên Sanshiro vẫn hấp dẫn nhưng không chỉ bởi một không khí tuổi trẻ đầy hoài vọng, đầy tươi tắn mà bởi không khí của cả một dân tộc Nhật Bản vào cái buổi mở cửa tiếp nhận luồng gió Âu châu ấy.
Đọc Sanshiro thực sự bị quyến luyến bởi những tiểu tiết mà Soseki đưa vào một cách rất tinh tế. Tiếng đàn violin, hay những câu thoại chêm từ tiếng Anh vào đều khiến độc giả cảm thấy rất tự nhiên và hài hòa. Cái cách tác giả đặt để tạo nên sự hài hòa giữa văn hóa truyền thống của Nhật với kịch Kabubi và văn hóa châu Âu như nhạc cổ điển khiến độc giả dễ thích. Bởi điều đó thể hiện sự duyên dáng của một nhà văn.
Soseki sẽ rất dễ khiến người đọc mê phim nhớ đến những bộ phim của đạo diễn Ozu Yasujirō. Hình ảnh những người phụ nữ mặc kimono ngồi ăn bánh kem của phương Tây hay mặc váy đầm Tây trong Một buổi chiều thu, hay Xuân sớm, Thu muộn... đều rất hài hòa, nhẹ nhõm giữa khung cảnh Nhật Bản xưa cũ. Ấy là một sự tiếp nhận đẹp đẽ và từ tốn của một đất nước luôn biết nâng niu quý mến văn hóa như Nhật Bản.
Kể truyện bằng con mắt của Sanshiro, Soseki không chỉ có cơ hội bày tỏ những điều yêu mến với tuổi trẻ, mà còn để những người trẻ có cơ hội được cất lên tiếng nói bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề của thời cuộc lúc bây giờ. Những đoạn hấp dẫn nhất chính là sự tranh luận của các nhân vật về nghệ thuật, khoa học và sự đam mê... Nó vừa là tiếng nói riêng tư vừa là lời bày tỏ hoài bão cá nhân của tuổi trẻ.
Những nét rung động đầu đời của tuổi trẻ cũng được Soseki phác họa lại bằng một thứ ngôn ngữ cực kỳ lấp lánh. Những khung cảnh gặp gỡ giữa Sanshiro và Mineko đều được miêu tả vô cùng thơ mộng, khi hai người ngồi bên cạnh nhau, cùng nhìn vào một cây sồi trên đồi, hay ngồi bên nhau vào buổi chiều, nhìn ra khu vườn, nơi ánh chiều vàng đang buông xuống, thực khiến người đọc bồi hồi. Những nét thanh tú mơ màng của tuổi trẻ cũng vì thế mà được phơi ra rất nhẹ nhàng, rất tinh anh.
Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Natsume Soseki (1867-1916). |
Soseki vẫn luôn là người có biệt tài đi sâu vào ngõ ngách tâm tư của nhân vật để tìm được những bí ẩn và kể lại những điều bí mật ấy bằng một thứ ngôn ngữ uyển chuyển, thong thả. Ông viết mọi điều, dù là sự hân hoan hay nỗi chán nản đều từ tốn và chân thành.
Soseki không đòi hỏi nhân vật của mình phải có những biến động nhưng độc giả có thể nhận ra nhân vật của Soseki luôn có sự phát triển, một cách rất chậm, rất sâu sắc, mà có lẽ chỉ những độc giả thật tinh tế mới nhận ra cái nét ấy của nhà văn.
Tuổi trẻ mà Soseki kể lại hoàn toàn khác tuổi trẻ của Andre Gide, với Bọn làm bạc giả, đầy những bất ổn, những mất mát, những dục vọng, hay tuổi trẻ của Murakami, trong Rừng Na Uy với đầy những tuyệt vọng đau đớn.
Tuổi trẻ của Soseki trong Sanshiro là một tuổi trẻ bâng khuâng. Sanshiro đã khơi gợi nên một tuổi trẻ bình thường. Một tuổi trẻ mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy bản thân ở đó. Tuổi trẻ của Sanshiro mà Soseki phô bày là một tuổi trẻ đang tiếp diễn, với những điều hiển nhiên xảy ra trong cuộc sống. Một tuổi trẻ mà có lẽ ta chẳng cảm thấy u buồn vì đã qua đi.
Trạm Đọc
Theo Zing