Những lý giải về THÚ CHƠI SÁCH của Vương Hồng Sển
Những lý giải về THÚ CHƠI SÁCH của Vương Hồng Sển
Thú chơi sách là một thú nhàn; đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng, hoặc giở trang sách tìm người trong xuân mộng.
Thú Chơi Sách - Vương Hồng Sển
(1 lượt)
Tác giả Vương Hồng Sển vốn đã quen thuộc với bạn đọc thông qua các tác phẩm phản ánh về văn hoá, con người vùng đất Nam Bộ xưa như: Tập di cảo “Chuyện cũ ở Sốc Trăng”; quyển hồi ký “50 năm mê hát”; “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang – Ba Thắc”,…Bên cạnh đó, ông còn được biết đến như một nhà chơi cổ ngoạn danh tiếng, sưu tầm cả sách quý, tài liệu ghi chép xưa. Dù ở thú chơi nào, ông cũng đều am tường và kỳ công lưu giữ. Với thú chơi sách, ông đã đề cập đến trong những ghi chép của mình mà nổi bật có các tác phẩm: tập di cảo “Cuốn sách và tôi” và quyển “Thú chơi sách”. Ở đây, chúng tôi xin được giới thiệu về quyển “Thú chơi sách” (vừa được NXB Trẻ ấn hành), tác phẩm ghi chép những kinh nghiệm quý báu của ông trong khía cạnh này.
 

 

NHỮNG LÝ GIẢI VỀ THÚ CHƠI SÁCH

 

 
Ngay ở đầu tác phẩm, nói về thú chơi sách, tác giả Vương Hồng Sển cho rằng: “Thú chơi sách là một thú nhàn; đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng, hoặc giở trang sách tìm người trong xuân mộng. Nói như vậy cũng còn chưa đủ: nhà chơi sách chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm ái vuốt ve trang giấy mịn màng, gởi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu công tử đời xưa tiếp kiến nhân- tình bằng xương bằng thịt!”.
 
Điểm qua những hạng chơi sách ở nước ta vào thời điểm bấy giờ, ông cho rằng đầu tiên là “hạng mê sách, nhưng chỉ mê sách hay và sách lạ”. Thứ đến là những “hạng bự, kể ra có nhà in sách, nhà bán sách, lái buôn sách, đầu nậu sách, tổng phát- hành sách, tức là những nhà sản-xuất, gầy-dựng”, khai-sinh và đỡ-đầu cuốn sách. Rồi còn hạng chơi sách được ông ví von là “hạng văn-sĩ “điên chữ” ngồi nói lảm-nhảm ở các quán nước hàng giờ hoặc bôi lọ cả chục trang giấy nõn-nà mà vẫn chưa bằng bụng”. Dù là ở hạng chơi sách nào, ông cũng đều có những góc nhìn và quan điểm cụ thể về họ. Tất thảy được diễn giải bằng một lối văn quen thuộc, tạo cảm giác như tác giả đang đối thoại với bạn đọc.
 
Để phân loại sách, ông cho rằng: “một cuốn sách hữu danh, khi xuất bản, thường chia nhiều hạng: ngoài số bản thường in giấy tầm-thường, còn đặc-biệt in giấy đẹp có chữ ký của tác giả thêm đánh số thứ tự hẳn hoi, sách ấy có khi tác-giả chừa để tặng thân-bằng trí-thức, hoặc dành riêng cho hạng chơi-sách-kén, đã ký quỹ dặn trước”.
 
Ngoải ra, lý giải về thú chơi sách, xuyên suốt tác phẩm, tác giả còn đi đến làm rõ nhiều khía cạnh khác như độ quý của sách khác bản, thời điểm chơi sách và sưu tầm sách, sách tục-bản, cách đóng sách,… Tác phẩm đem đến cho bạn đọc những góc nhìn sâu, kinh nghiệm quý giá mà Vương Hồng Sển đã tích luỹ trong cả sự nghiệp sưu tầm sách của ông.
 

 

NHỮNG KINH NGHIỆM QUÝ BÁU VỀ SÁCH

 

 
Là một người sưu tầm sách lâu năm, tác giả Vương Hồng Sển còn được biết tới như một dân chơi cổ ngoạn trứ danh của vùng đất Nam Bộ. Hẳn nhiên, ông có những góc nhìn và đánh giá cặn kẽ với từng món đồ mà ông sở hữu. Và với sách, tác giả Vương Hồng Sển không chỉ đề cập những khía cạnh tốt đẹp của giới chơi sách mà ông còn nhìn thấy những phần nhá nhem lẩn khuất bên trong.
 
Nói về những thực trạng xã hội trong giới chơi sách, ông kể về một hạng người như sau: “tôi có thể hiểu được ngày nay ta sắm nhưng không đọc bộ Oan kia theo mãi với tình của Lê Hoằng Mưu, bộ Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh, sắm để trang-hoàng tủ sách, sắm cho có với người ta, nhưng đọc thì, tuổi già đọc không vô, tuy vậy mất tích thì la làng, không khác bợm ve chai ngày thường nhậu “ba-xi-đế”…”.
 
Ông thẳng thắn chỉ rõ thực trạng về nạn tái-bản sách: “riêng về xứ ta, thêm nạn tái-bản sách bán chạy, mặc đầu bản trước có đôi chỗ sai lầm kỳ tục-bản vẫn để y không khứng sửa-chữa; những câu dịch sái nghĩa, những tài-liệu nghiên-cứu chưa thấu đáo cũng vẫn để vậy không điều-chỉnh, đính-chính”.
 
Nhưng, “Thú chơi sách” không chỉ đề cập về những thực trạng xã hội ấy, mà còn là những ghi chép quý báu của ông về kinh nghiệm sưu tầm sách được đúc kết suốt hàng chục năm. Xuyên suốt tác phẩm là những câu chuyện đông tây kim cổ được ông sưu tầm mỗi khi đề cập đến một vấn đề cụ thể. Nói về chuyện đóng bìa sách, ông liên hệ với tài năng của những người thợ nổi danh bên phương Tây như Marius Michel, Pierre Legrain. Nói về nạn sách quốc văn in sai nhiều, ông dẫn ra việc một tập san có tiếng tại thủ đô mỗi tuần đều đăng một chương dài để xin cải chính. Hay về những thói quen với sách, ông liên hệ với chuyện Balzac ưa ngửi mùi mực nhà in, Maurice Barrès thường để trong túi áo một quyển sách hay, chưa đọc.
 
Ngoài ra, xuyên suốt những trang sách còn rất nhiều vấn đề thú vị về thú chơi sách được tác giả Vương Hồng Sển đề cập chờ bạn đọc khám phá. Tập sách hứa hẹn sẽ là một tác phẩm đáng sưu tầm với không chỉ những độc giả quen thuộc của ông, mà với cả các bạn đọc yêu sách trên khắp mọi miền.
 
Theo Triệu Tử Long (Group Đọc cùng Trạm)
Tags: